Gộp Tết Mông vào Tết Nguyên đán

Cần tôn trọng sự đa dạng văn hóa

Thứ Bảy, 29/12/2018, 10:18
Vừa mới đây, một văn bản của UBND xã Pà Cò (Hòa Bình) đưa ra thông báo năm 2019, người Mông sẽ ăn tết theo Tết Nguyên đán của người Kinh. Lý do được đưa ra là để giảm thiểu thời gian nghỉ, hạn chế tệ nạn… Quyết định đó đang gây nhiều ý kiến, phản ứng trong dư luận.


Gộp Tết vì tiết kiệm?

Văn bản số 30/TB-UBND của xã Pà Cò (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) ngày 18/12 có nêu: “Kể từ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 trở đi, Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông 4 xã chuyển sang ăn Tết Nguyên đán của cả nước (không tổ chức ăn Tết trước Tết Nguyên đán một tháng như trước đây)”.

Nội dung văn bản này dựa trên kết quả hội nghị tổng kết quy ước 4 xã giáp ranh, bao gồm Lóng Luông, Vân Hồ của huyện Vân Hồ (Sơn La) và Pà Cò, Hang Kia của huyện Mai Châu (Hòa Bình), tổ chức vào ngày 7/12 tại Lóng Luông. Nội dung này nhận được 95% người dân đồng thuận, 5% còn lại là những người không biết chữ, không có con em đi học - theo chia sẻ của ông Sùng A Màng, Chủ tịch xã Pà Cò với báo chí.

Lý do ông Màng đưa ra là phải chuyển đổi để các cháu tập trung học hành. Việc nghỉ Tết cổ truyền kéo dài ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, vì người Mông ăn Tết dài, họ ở nhà cả tháng không đi làm nương. Vì thế, mọi hoạt động đều ngưng trệ, tệ nạn cũng từ đó mà nảy sinh. Theo ông Màng: “Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ trước khi đưa ra quyết định này”.

Tuy nhiên, thực hư con số đồng thuận 95% như thế nào, đó vẫn là một dấu hỏi. Vì theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, đôi khi sự đồng thuận và áp đặt là một, nhất là ở những vùng dân tộc thiểu số, khi nhận thức của người dân còn hạn chế. Việc bỏ đi một lễ hội cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng những tác động của nó đến đời sống chứ không thể nói bỏ là bỏ.

Tết của người Mông là một sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc của dân tộc họ, dù hiện nay, nó cũng chịu nhiều tác động, ảnh hưởng từ văn hóa của người Kinh. Nhưng đó vẫn là một nét đẹp truyền thống làm nên sự đa dạng văn hóa như văn hóa Chăm, văn hóa Êđê.

Theo thông tin từ Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Cục đã yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan xác định nguồn gốc của văn bản trên. Chuyện làm việc với dân chưa hay chỉ là quy ước của lãnh đạo cũng sẽ được làm rõ. Trong trường hợp người dân chưa đồng thuận thì ngành văn hóa sẽ có tiếng nói với chính quyền, làm sao để vẫn giữ được ngày Tết các dân tộc.

Sự khác biệt làm nên bản sắc văn hóa

Theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, đó là sự không tôn trọng văn hóa, đi ngược với tiêu chí bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia, bởi vì Tết của người Mông cũng là một di sản văn hóa của một trong các cộng đồng các dân tộc Việt Nam, chúng ta cần tôn trọng di sản đó.

Ông khẳng định: “Mỗi cộng đồng tộc người có giá trị văn hóa riêng. Nếu tự đồng bào muốn chuyển đổi ăn Tết theo người Kinh thì chúng ta nên tôn trọng mong muốn thay đổi đó, nhưng nếu là ép buộc từ phía chính quyền thì không nên”.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, văn hóa luôn tiếp biến và phát triển. Chúng ta cần có cái nhìn mềm mại, có tình có lý trong hành trình phát triển của văn hóa “Bây giờ người dân Tây Nguyên chơi cồng chiêng rất ít, những ai còn giữ lại được nguyên gốc đều là người không biết chữ, còn thanh niên trai tráng họ nghe nhạc mới.

Nhiều vùng sử dụng cồng chiêng để chơi những thứ nhạc hiện đại. Đó là đời sống. Bây giờ cả nước chúng ta đón lễ Giáng sinh và ăn Tết Dương lịch cũng rất rầm rộ. Biết đâu, sau này, có nhiều người Mông cũng đón Giáng sinh và ăn Tết dương lịch. Mọi thứ đều phát triển theo quy luât tự nhiên, không được thúc ép hay áp đặt”.

Văn hóa của từng dân tộc sẽ góp phần làm nên sự đa dạng văn hóa của người Việt.

Trước câu hỏi về vấn đề bảo tồn trong sự phát triển văn hóa, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền khẳng định: “Tôi là người lưu giữ các giá trị truyền thống ở góc độ bảo tồn, bảo tàng, duy trì trong một nhóm người giữ gìn nó. Nhưng không có nghĩa là bắt tất cả mọi người đều theo. Nên có ứng xử hợp lý. Quan trọng nhất là ý kiến của cộng đồng tộc người đó. Chúng ta phải chấp nhận sự tiếp biến, thay đổi, có những giá trị sẽ có thể mất đi”.

PGS, TS Nguyễn Văn Huy cho rằng: “Phong tục nào cũng có nguồn gốc của nó, chính sự khác biệt đa dạng làm nên bản sắc văn hóa. Không nên áp đặt cộng đồng vì đó là cái Tết truyền thống của họ cũng như người Chăm, người Êđê, mỗi vùng miền có một bản sắc riêng chúng ta cần gìn giữ”.

Theo ông, thay vì vận động bà con đồng ý bỏ Tết truyền thống thì nên tuyên truyền cho họ về cách thức đón Tết như thế nào tiết kiệm, nên giữ lại cái gì, cái gì lạc hậu mang tính hủ tục có thể bỏ đi.

“Tết cổ truyền của người Mông đen ở Điện Biên còn được chứng nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và dân tộc Mông là một dân tộc giàu bản sắc rất riêng, chúng ta không thể hành xử với văn hóa như vậy được” - Ông chia sẻ.

Tết của đồng bào Mông.

 Từ một câu chuyện tưởng chừng là nhỏ của một xã, chúng ta cũng có thể nhìn rộng ra về vấn đề bảo tồn văn hóa Việt hiện nay. Sự mai một, thậm chí mất mát về văn hóa đôi khi cũng chính từ những quyết định thiếu hiểu biết như vậy. Câu chuyện đặt ra là trình độ của những người làm công tác văn hóa ở địa phương rất hạn chế và họ khá phiến diện khi đánh giá một vấn đề.

Việc bỏ hay tiếp tục một lễ hội như Tết của người Mông cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng những tác động của nó đến đời sống, văn hóa của người dân trước khi đưa ra quyết định. Thế giới đang khuyến khích sự đa dạng về văn hóa thì có vẻ như hiện nay, chúng ta đang có xu hướng hợp nhất các dòng văn hóa.

Tiếp biến văn hóa là một hành trình tất yếu, nhưng trong hành trình đó, bỏ đi và giữ lại cái gì, là những câu hỏi rốt ráo cần được các nhà quản lý văn hóa quan tâm.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Sự đơn điệu sẽ làm cho văn hóa lụi tàn

- Ông có ý kiến gì về việc gộp Tết của người Mông vào Tết Nguyên đán?

+ Thứ nhất, UBND xã Pà Cò đã quá “nhiệt tình” trong chuyện đi vận động bà con, mục tiêu của họ là tiết kiệm thời gian, kinh tế và giảm bớt tệ nạn. Nhưng 3 mục tiêu đó chỉ là một góc nhìn của văn hóa. Tôi quan niệm, mọi lễ hội của bất cứ dân tộc nào trên dải đất hình chữ S này cũng đều là di sản.

Các lãnh đạo văn hóa ở xã đi vận động một bộ phận người dân, vì nhiều lý do mà dân có thể đồng thuận, nhưng về mặt ứng xử với di sản thì không nên đi vận động như thế. Cần vận động họ có ý thức tiết kiệm thời gian, kinh tế, tổ chức cái Tết gọn nhẹ mà vẫn giữ được bản sắc chứ không phải bỏ đi. Có thể nói, văn bản này đi ngược lại với chính sách bảo tồn các giá trị văn hóa tín ngưỡng của các tộc người.

- Nhưng có ý kiến cho rằng, nếu cộng đồng cùng đồng thuận thì chúng ta nên tôn trọng ý kiến của cộng đồng?

+ Đôi khi giữa sự vận động và áp đặt gần nhau lắm, cho nên sự đồng thuận toàn bộ có hai vấn đề, phải làm cho họ biết những giá trị nào không nên bỏ đi. Thứ hai, nếu bỏ đi thì cái cần giữ lại là gì? Ở Nhật bây giờ đang có phong trào đòi trở về Tết âm lịch, họ có thể phát triển về kinh tế nhưng trong hành trình phát triển đó, họ cũng có những bi kịch về văn hóa, tâm linh. Hơn nữa, sự đồng thuận ở đây mới chỉ, nếu đúng, có 4 xã, còn toàn bộ tộc người Mông thì sao?

- Vậy theo ông, sự đa dạng về bản sắc văn hóa có giá trị như thế nào trong xu thế hội nhập?

+ Chủ trương của UNESCO và nghiên cứu văn hóa hiện đại, họ rất sợ sự đơn điệu về văn hóa. Họ không có chủ trương một văn hóa vì nó sẽ làm cho những giá trị văn hóa khác mất đi. Sự đơn điệu sẽ làm cho văn hóa lụi tàn. Nếu tất cả các bà vợ của chúng ta đều là hoa hậu thì chúng ta sẽ không còn khái niệm về cái đẹp nữa.

Bởi vậy, chúng ta cần tôn trọng các bản sắc văn hóa nhưng phải thấu hiểu nó để bảo tồn những thứ có giá trị và phát triển nó trong đời sống hiện đại, truyền thống để cộng đồng được hưởng thụ những giá trị tốt đẹp đó. Văn hóa phải có sự phát triển, tiếp biến trên nền những giá trị gốc được thẩm định, bảo tồn.

- Cảm ơn những chia sẻ của ông.

Việt Hà
.
.
.