Cần tư duy mới khi làm phim lịch sử

Thứ Bảy, 13/06/2020, 15:09
Một sự kiện nổi bật trong đời sống điện ảnh những ngày qua là phim Việt chiếu rạp gây sốt phòng vé- phim “Truyền thuyết về Quán Tiên”. Điều đáng nói đây là một bộ phim về đề tài lịch sử, đề tài chiến tranh cách mạng. Lần đầu tiên chúng ta được chứng kiến một bộ phim nhà nước đặt hàng lại hấp dẫn khán giả như vậy, hé mở một cách nhìn mới, một cách làm mới về dòng phim này.


Làm mới một đề tài cũ

Phim điện ảnh “Truyền thuyết về Quán Tiên” được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Xuân Thiều. Chuyện phim kể về ba cô gái xinh đẹp: Mùi, Phượng,Tuyết Lan sống ở một hang động trong rừng Trường Sơn năm 1967. Trong giai đoạn khốc liệt của cuộc chiến, ba cô gái phải nhận một nhiệm vụ đặc biệt là tiếp đón các anh "lính lái xe" tới nghỉ chân trong hang mà theo lời của chỉ huy, phải biến nơi đó thành một cái “Quán Tiên”. Các cô gái mỗi người một số phận, nhưng họ đều phải chịu đựng nỗi cô đơn tận cùng trong một hang sâu giữa rừng già. 

Đạo diễn tài năng sẽ tránh những lối mòn trong làm phim lịch sử để có những thước phim hấp dẫn (ảnh minh họa phim Sống cùng lịch sử).

“Truyền thuyết về Quán Tiên” được đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ khai thác theo một cách làm hoàn toàn mới, đó là pha trộn các thể loại: tâm lý, hài hước, bí ẩn, kinh dị… theo đúng xu hướng điện ảnh quốc tế hiện đại nhằm làm cho bộ phim thực sự trở nên hấp dẫn, đủ sức lôi kéo khán giả tới rạp, nhất là khán giả trẻ. Cảm giác kì dị, huyền bí được tạo ra từ bối cảnh bộ phim ngay từ đầu đã cho người xem một cảm giác thích thú, khác lạ hẳn so với những phim về chiến tranh trước đó.

Đạo diễn đã khéo léo khai thác những yếu tố đắt giá từ nội dung câu chuyện, từ cảnh quay thiên nhiên đẹp như mơ, rồi đầu tư mạnh mẽ vào phần âm nhạc, kỹ xảo, khiến cho bộ phim có tiết tấu nhanh, lôi cuốn, phù hợp với tâm lý tiếp nhận của khán giả thời đại mới.

Ngoài “cảm giác mạnh” đến từ thể loại có hơi hướng kinh dị, đạo diễn phim còn giới thiệu được bức tranh thiên nhiên Việt Nam đẹp hùng vĩ, nên thơ thông qua từng khuôn hình được trau chuốt kỹ lưỡng, góc máy hiện đại. Bộ phim sử dụng dàn nhạc quốc tế The Sun Symphony Orchestra để thu âm cho ca khúc chủ đề “Anh ở nơi đâu” do ca sĩ Phạm Thu Hà thể hiện, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng sáng tác.

The Sun Symphony Orchestra là dàn nhạc quốc tế, có đến 60 nhạc công đến từ nhiều quốc gia, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Pháp Olivier Ochanine. Riêng phần âm nhạc của bộ phim được đầu tư với mức kinh phí lên đến 1,2 tỷ đồng. Đây là mức kinh phí kỷ lục đầu tư cho âm nhạc trong một bộ phim Việt.

Từ trước đến nay chưa có một bộ phim chiến tranh nào bỏ một số tiền khủng như vậy cho khâu nhạc phim. Chính vì vậy phim đã ẵm trọn giải thưởng cho hạng mục Nhạc sĩ xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam 2019 và giải thưởng cho hạng mục Âm nhạc xuất sắc tại giải Cánh diều 2020. Trước khi chính thức chiếu rạp từ ngày 22-5-2020, “Truyền thuyết về Quán Tiên” cũng đã “rinh” giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam 2019 và Cánh diều Bạc giải Cánh diều 2020.

Mặc dù ra mắt khán giả ở thời điểm vô cùng mạo hiểm là sau dịch COVID-19, lại là một phim về lịch sử- một đề tài mà nếu ngược về quá khứ, chúng ta thấy ít có phim nào đạt doanh thu đáng kể ngoài phòng vé, nếu không nói là tệ hại, nhưng “Truyền thuyết về Quán Tiên” đã có cú “lội ngược dòng” lịch sử.

Chỉ trong 4 ngày đầu tiên phát hành, doanh thu phòng vé đã đạt hơn 700 triệu đồng. Khán giả tới rạp không khỏi ngạc nhiên về cách làm táo bạo của đạo diễn đối với một phim chiến tranh, khác hẳn những phim về chiến tranh trước đó họ đã từng xem. Dù là phim về lịch sử, chiến tranh nhưng đạo diễn có hướng khai thác mới lạ, táo bạo, pha trộn các yếu tố bí ẩn, ma mị và cả nóng bỏng không hề thua kém bất cứ câu chuyện drama màn ảnh rộng nào.

Cảnh trong phim Truyền thuyết về Quán Tiên của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ.

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ chia sẻ, ngay khi đọc truyện ngắn của nhà văn Xuân Thiều anh đã bị ám ảnh mạnh về câu chuyện liên quan đến số phận 3 người con gái trong rừng Trường Sơn. Anh đã ấp ủ suốt 5 năm để làm bộ phim. “Một bộ phim chiến tranh nhưng trong một tư duy mới, khác lạ, và quyết kéo khán giả quay lại với dòng phim vốn bị đối xử lạnh nhạt bấy lâu nay”.

Khán giả cần phim hấp dẫn

Dù cho một bộ phim làm về bất cứ đề tài nào, thì khán giả vẫn luôn mong đợi nó phải hấp dẫn. Phim Lịch sử Việt mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng công bằng nhìn nhận vẫn là một thể loại không bán được vé trên thị trường điện ảnh chục năm qua. Phần lớn các phim được nhà nước đầu tư, đặt hàng, làm xong chiếu vài lần vào dịp lễ lạt rồi đắp chiếu nằm đấy, rất lãng phí.

Bộ phim “Sống cùng lịch sử” đã không bán nổi 1 vé khi ra rạp. Phim “Giải phóng Sài Gòn” được nhà nước đầu tư kỷ lục 12 tỷ đồng thời điểm năm 2005 nhưng cũng chỉ để chiếu cho một số lượng rất nhỏ khán giả, được đánh giá là bộ phim nặng về tái hiện lịch sử chứ không có tính sáng tạo. Một số phim như “Ký ức Điện Biên”, “Mùi cỏ cháy” “Dưới cờ đại nghĩa”, “Trò chơi sinh tử”…dù ít nhiều có những ghi nhận tốt từ chuyên môn, nhưng bước chân ra rạp là ngay lập tức lép vế.

Một cảnh trong phim Mùi cỏ cháy của đạo diễn Nguyễn Hữu Mười.

Nhiều ý kiến tranh luận về dòng phim này nhưng tựu trung đều cho rằng, cách làm phim của ta vẫn còn quá đơn giản, sa vào lối mòn. Đạo diễn vẫn bế tắc trong cách làm phim về lịch sử, chưa có những tìm tòi phù hợp, hấp dẫn để lôi kéo người xem tới rạp. Tựu trung, món nợ của điện ảnh với đề tài lịch sử vẫn rất lớn và chờ đợi sự giải đáp từ những người làm phim trẻ tuổi, táo bạo và bản lĩnh.

Có thể nói, thành công ban đầu của phim “Truyền thuyết về Quán Tiên” đã mở ra một cánh cửa mới cho những người làm phim về chiến tranh thay đổi tư duy để đến gần với khán giả hơn. Thời điểm giữa năm 2020 này, khi điện ảnh Việt tràn ngập phim hài, tâm lý xã hội hiện đại, siêu tưởng là chủ yếu… thì một bộ phim bối cảnh chiến tranh xuất hiện được ví như một cơn gió lạ.

Không lạ sao được khi phim ra rạp lại nhanh chóng chiếm được cảm tình của người xem và trở thành hiện tượng phòng vé. Hơn nữa, dù trong quá khứ, phim chiến tranh vốn là “đặc sản” của điện ảnh Việt Nam nhưng 5 năm trở lại đây thì không có một bộ phim đề tài chiến tranh nào được sản xuất. Khán giả gần như “lãng quên” dòng phim này, đấy là một thiệt thòi cho không chỉ nền điện ảnh, vì chúng ta có nguồn tư liệu vô tận cho những bộ phim lịch sử.

Nhà sản xuất phim “Truyền thuyết về Quán Tiên” đã khéo léo đưa vào bộ phim lịch sử của mình những yếu tố giải trí  để hướng thị hiếu của giới trẻ vào những tác phẩm giá trị thay vì chỉ ra rạp xem những bộ phim vô thưởng vô phạt.

Cảnh trong phim Đừng đốt của đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Đây là minh chứng cho thấy, chỉ cần làm một bộ phim hấp dẫn, thì dù bất cứ đề tài nào cũng sẽ luôn được khán giả tiếp nhận, ủng hộ. Phim lịch sử cần nhiều hơn nữa sự táo bạo trong cách làm, cách tư duy để thực sự trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu cho khán giả Việt. Không thể để tình trạng khán giả tới rạp chỉ để xem những phim lịch sử của nước ngoài mà “quên” phim lịch sử ta.

Một sự thay đổi về cách làm là cần thiết trong tình hình điện ảnh thế giới đã đi những bước rất xa. Nói như đạo diễn Nguyễn Hữu Phần thì: “Phim lịch sử muốn hay, muốn hấp dẫn, thu hút người xem, cần những nhà làm phim có cách làm mới, độc đáo, lạ, và biết biểu đạt những cái lạ, độc đáo, sáng tạo lên màn ảnh. Sự sáng tạo, độc đáo chỉ đến từ... Tài Năng. Nhưng, Tài Năng lại là thứ mà chúng ta thiếu nhất”. 

Hy vọng những tài năng trẻ, những đạo diễn thế hệ sau 1975 như Bùi Tuấn Dũng, Đặng Thái Huyền, Đinh Tuấn Vũ - những người đau đáu, tha thiết với điện ảnh đề tài lịch sử sẽ có những hướng đi mới để tiếp cận khán giả, mang khán giả trẻ đến gần hơn với những câu chuyện lịch sử hấp dẫn mình kể trên mỗi thước phim.

Bảo Bình
.
.
.