Cánh cửa hẹp cho những cử nhân sân khấu điện ảnh

Thứ Sáu, 17/07/2015, 16:00
Diễn kịch cà phê, bán quần áo, làm PG… là những công việc phổ biến mà các tân cử nhân ngành Sân khấu điện ảnh hay làm nếu muốn trụ lại thành phố. Số may mắn nhận được các vai diễn trong phim truyền hình hay phim chiếu rạp rồi thành danh với nghiệp diễn rất hiếm. Mỗi năm, hàng trăm sinh viên nghệ thuật ra trường nhưng không phải ai cũng trở thành diễn viên.
Muôn nẻo mưu sinh của các tân cử nhân

Mỗi năm hai trường Sân khấu Điện ảnh lớn nhất cả nước cùng hàng loạt trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật cho ra lò hàng trăm cử nhân. Không phải ai trong số đó cũng có may mắn trở thành diễn viên, xuất hiện trên các bộ phim truyền hình. Mới đây, tiết lộ của Quán quân cuộc thi "Tôi là diễn viên" hé lộ phần nào thực trạng của sinh viên ngành nghệ thuật trong hành trình gian nan tìm kiếm cơ hội làm nghề.

Tâm Anh, Quán quân nam của cuộc thi "Tôi là diễn viên" phát sóng trên đài Vĩnh Long tháng 7 vừa qua cho hay, suốt ba tháng tham gia thi, anh hoàn toàn xin tiền bố mẹ để trang trải cuộc sống.  Ý định ban đầu của chàng trai là giành giải thưởng tiền mặt 100 triệu đồng giúp bạn học trả nợ. Người bạn này học chung với Tâm Anh từ bé rồi cả hai cùng đậu Cao đẳng Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh.

Trao giải quán quân cuộc thi “Tôi là diễn viên”.

Để có tiền hoàn thành tiểu phẩm cho bài thi tốt nghiệp, cả hai đã phải vay mượn một số tiền lớn. Ở vòng loại của chương trình, nam Quán quân cùng bạn đã òa khóc nức nở khi được giám khảo cho cơ hội đi tiếp vào vòng sau.  Giải thưởng đã nắm trong tay, số nợ đã được trang trải nhưng Tâm Anh vẫn chưa biết con đường nghệ thuật sắp tới của mình ra sao. Cô bạn thân tên Cẩm Hồ hiện đang là nhân viên bán hàng trong một shop thời trang.

"Chỉ còn mỗi em và Cẩm Hồ trụ lại Sài Gòn. Hơn 30 thành viên trong lớp đã về quê gần hết hoặc đi tấu hài ở những sân khấu hội chợ nhỏ tổ chức tại các miền quê xa xôi, hẻo lánh", Tâm Anh cho biết. Quán quân "Tôi là diễn viên" cũng tâm sự, khi chưa tham gia cuộc thi, anh và các bạn lập nhóm kịch đi diễn tại các quán cà phê. Do chỉ là những sinh viên sân khấu bình thường, không có tên tuổi hot nên nhóm chỉ có thể diễn ở những điểm ven Sài Gòn như Bình Dương, Thủ Đức.

Trừ đi chi phí đi lại, thuê phục trang, đạo cụ, thù lao thu được chẳng là bao. "Có đêm diễn xong, cả nhóm 6 người chia nhau mỗi người 10 nghìn đồng, chỉ đủ tiền mua một ổ bánh mì", Tâm Anh nói.

Dù đoạt giải cao nhất của một cuộc thi tìm kiếm tài năng diễn xuất nhưng Tâm Anh chưa hình dung được tương lai của mình sẽ ra sao. "Chắc em  rủ các bạn lập nhóm đi tấu hài ở các tỉnh", tân quán quân chia sẻ về dự định tương lai của mình. Chàng trai cho biết thêm, dù tích cực đi casting phim, song Tâm Anh chưa lần nào được nhận vai do được đánh giá là ngoại hình hợp với thể loại phim Hàn hơn.

Diễn viên hài Tuyền Mập kể lại, dù đóng phim từ thời còn là sinh viên, nhưng  khi ra trường, cô vẫn phải loay hoay tìm vai diễn. Tuyền Mập may mắn hơn một số bạn khác nhờ ngoại hình quá khổ và khả năng giả giọng các miền. Vì vậy, trong thời gian chờ vai diễn, cô vẫn có thu nhập từ công việc lồng tiếng cho phim. "Nếu tôi cũng xinh đẹp, dáng chuẩn, gương mặt khả ái như những bạn khác, chưa chắc tôi đã được mời đóng phim vì bây giờ, người xinh quá nhiều và bộ phim nào cũng cần tên tuổi hot để bán vé hoặc bán quảng cáo", Tuyền tâm sự.

Dù nổi tiếng từ bé với vai bé An trong phim "Đất phương Nam", diễn viên Hùng Thuận khá chật vật sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh. Những bộ phim anh tham gia sau này không thực sự để lại dấu ấn. Những vai diễn mờ nhạt. Có thời gian, Hùng Thuận lập nhóm hát nhưng cũng không thành công. Hiện nam diễn viên vẫn góp mặt trong nhiều bộ phim truyền hình nhưng cái bóng của nhân vật bé An quá lớn khiến anh khó khăn trong việc tiếp cận nhiều dạng vai.

Hiếu Nguyễn và Trương Ngọc Ánh trong phim ''Hương ga''.

Một loạt cử nhân khác nếu về quê chỉ có đất dụng võ ở các trung tâm văn hóa, may mắn thì vào đoàn ca kịch của tỉnh với đồng lương không mấy dư dả. Số trụ lại thành phố làm đủ nghề để mưu sinh, từ đi hát, diễn kịch cà phê, hát hội chợ, diễn ở tiêc sinh nhật, sự kiện quảng cáo của các nhãn hàng…

Với khao khát được làm nghề và có thu nhập, họ dễ bị những đối tượng xấu lừa phỉnh, đổi cái này cái kia để có vai diễn hoặc bỏ tiền ra mua những bài lăng xê trên các trang mạng trời ơi đất hỡi. Với họ, được xuất hiện trong một sự kiện vô thưởng vô phạt, hoặc làm diễn viên quần chúng chạy đi chạy lại trên sân khấu, diễn phụ họa cho ca sĩ… đã là một cái gì to tát, lớn lao và đáng được tự hào.

Góp mặt trong những bộ phim truyền hình dài tập phát sóng trên truyền hình được coi là cơ hội xa xỉ với số đông cử nhân sân khấu điện ảnh. Vì vậy, dù có đóng vai phụ, vai quần chúng, vai làm màu cho diễn viên chính, họ cũng coi đó là một vinh hạnh lớn lao. "Giờ chỉ cần em được diễn một vai phụ trên ti vi thôi cũng là may mắn. Mẹ em ở quê bật ti vi lên xem chắc tự hào với bà con lối xóm lắm", một tân cử nhân cho biết.

Gian khổ ban đầu của số ít những người may mắn

Trong số hiếm hoi những  sinh viên nghệ thuật ra trường có cơ hội đóng phim, không ít người chấp nhận khổ nhục thuở ban đầu để có cơ hội tiến sâu hơn với nghề. Diễn viên Hà Trí Quang cho hay, thuở mới vào nghề, anh chỉ được đảm nhiệm vai phụ.

Dù sở hữu một ngoại hình và gương mặt không thua diễn viên Hàn Quốc, Trí Quang bị đối xử khá tệ những ngày mới vào nghề. "Đến giờ ăn, diễn viên phụ phải ngồi ăn riêng mà không được ăn chung cùng diễn viên chính. Quay ngoài trời, nắng nóng, mưa gió thế nào cũng phải chịu trong khi diễn viên chính có người của đoàn phim đi theo che mưa, che nắng. Có lần, đạo diễn mắng tôi, tại sao chưa vào hóa trang nhưng anh đâu biết, tôi bị nhân viên hóa trang đuổi ra kèm theo câu nói: "Vai quần chúng cần gì hóa trang".

Diễn viên Hà Thế Quang.

Thời gian đầu đi diễn, tôi phải tự hóa trang cho mình. Đến giờ, tôi vẫn thấy mình vừa trải qua một cơn ác mộng khi nhớ lại thời gian đầu vào nghề cách đây 6 năm. Tôi từng khóc tức tưởi, sợ hãi, chán nản và hoang mang vì bị ăn hiếp, bị phân biệt đối xử ngay tại trường quay", nam diễn viên nhớ lại.

Hiếu Nguyễn, người đóng giang hồ Hưng Mã trong phim "Hương Ga" kể, để theo đuổi những vai diễn điện ảnh khi mới Nam tiến, anh từng làm đủ nghề, trong đó có việc chở hàng, giao nhận hàng. Anh chia sẻ: "Khi bắt xe vào TP Hồ Chí Minh, tôi chỉ có vỏn vẹn 3 triệu đồng trong người. Thời gian đầu, tôi phụ giúp chủ một cửa hàng quần áo. Tôi áp tải cô đi lấy hàng, soạn hàng, làm mọi việc hỗ trợ khác trong quá trình bán hàng. Số lương nhận được giúp tôi đủ sống trong suốt 7 tháng casting phim. Đến giờ, nếu có thời gian, tôi vẫn thi thoảng phụ giúp cô chủ đi lấy hàng. Đó là vị ân nhân đầu tiên của tôi trên đất Sài Gòn. Nhờ có công việc đó mà tôi có tài chính để theo đuổi đam mê điện ảnh".

Diễn viên Lương Thế Thành.

Lương Thế Thành hiện là một cái tên hot của những bộ phim truyền hình. Thuở mới vào nghề, anh từng được nhiều đại gia đặt vấn đề bằng giấy tờ nhà đất hoặc xe hơi ngay trước mặt". Khi mới vào nghề, tôi đã gặp nhiều cạm bẫy trong chuyện tình cảm với đàn anh trong nghề và những đại gia bên ngoài. Ban đầu họ mời tôi đi nói chuyện công việc. Nghe đến công việc, tôi hứng thú lắm, nhưng khi kết thúc câu chuyện mới biết họ đề cập đến chuyện khác.

Có những đại gia từng đặt trước mặt tôi giấy tờ xe, giấy tờ nhà đất, chỉ cần tôi ký là khối tài sản đó thuộc về tôi. Nhưng tôi không dám nhận. Tôi nói với họ, tôi chỉ nhận hợp tác trong công việc, họ có thể kêu tôi đóng quảng cáo, đóng phim rồi trả thù lao. Tôi không nhận những gì không phải do sức lao động của mình tạo ra", nam diễn viên chia sẻ.

Lý do nào khiến diễn viên được đào tạo chính quy chật vật tìm vai diễn

Thiếu kinh nghiệm diễn xuất, không có người đỡ đầu là một trong nhiều nguyên nhân khiến các tân cử nhân Sân khấu Điện ảnh khó khăn khi tiếp cận các vai diễn. Dù mỗi năm, có tới hàng nghìn bộ phim được sản xuất, nhưng để bán vé và hút được quảng cáo, những tên tuổi gạo cội của làng điện ảnh hay những nhân vật hot ở các lĩnh vực giải trí khác luôn là lựa chọn hàng đầu.

Chủ nhiệm sản xuất một gameshow truyền hình đình đám nói về một người mẫu lấn sân điện ảnh: "Nói thật, cô ấy diễn vô hồn lắm, như  bình hoa di động vậy nhưng chúng tôi vẫn phải cố mời bằng được vì sức hút và lượng khán giả khổng lồ của nhân vật sẽ thúc đẩy rating của chương trình".

Đạo diễn Công Ninh, người nhiều năm làm công tác tuyển sinh nói buộc phải thừa nhận một thực trạng đáng buồn của điện ảnh. "Sinh viên sân khấu điện ảnh tốt về diễn xuất, đài từ nhưng chưa chắc đẹp về gương mặt và số đo ba vòng giống người mẫu, ca sĩ. Vì vậy, trong cuộc cạnh tranh của dòng phim thị trường, các em sẽ phải rất vất vả để trụ vững với nghề khi kịch bản hay luôn khan hiếm, những vai diễn có số phận, thích hợp với ngoại hình, khả năng diễn xuất của các em gần như không có", anh nói.

Trong bối cảnh nhà nhà làm phim, người người làm phim, kịch bản được mua bán ồn ào như một hội chợ, các cử nhân sân khấu điện ảnh còn phải đi một chặng đường dài mới chạm được tới ước mơ diễn xuất, chưa nói đến việc trở nên nổi tiếng và sống được với nghề bằng thù lao đi diễn.

Minh Châu
.
.
.