Nghệ sĩ kể chuyện tình cũ:

Câu khách hay làm khó người trong cuộc

Thứ Sáu, 18/12/2015, 13:06
Thông thường khi một người nghệ sĩ kể lại cuộc đời mình bằng một cuốn sách, ngoài những thông tin về sự nghiệp, độc giả còn tò mò quan tâm đến chuyện tình cảm, chuyện đời tư, các mối tình của họ. Mặt khác, một cuốn sách nếu thiếu đi mảng tình ái thì xem chừng còn nhạt, chưa ăn khách, chưa được chú ý. Vì điều này mà vô tình nhiều nghệ sĩ đã làm tổn thương đến người cũ, khi công khai những câu chuyện vốn được xem là riêng tư, là bí mật trong cuộc đời của mỗi con người.
Kể chuyện tình cũ, nên hay không?

Mới đây nhất, trong cuốn hồi ký "Một cuộc đời giông bão" của nghệ sĩ điện ảnh Thương Tín, có một chương mang tên "Những cuộc phiêu lưu tình ái" khiến độc giả rất tò mò. Ở chương đó, Thương Tín kể lại những cuộc tình mình đã đi qua, trong đó có mối tình được công chúng quan tâm nhất là mối tình của ông với diễn viên điện ảnh D.M (chúng tôi xin được viết tắt).

Thương Tín viết: "Hàng ngày, anh em chúng tôi đi làm phim chung, tôi thường phải gửi xe ở rạp Quốc Thanh trên đường Nguyễn Trãi sau đó mới cuốc bộ về nhà. Rạp Quốc Thanh đối diện con hẻm nhà D.M. Mà hẻm nhà D.M bự lắm, lại có sân vô cùng rộng rãi phía trước. Tôi là dân làm phim, đi đêm về hôm thường xuyên nên việc gửi xe vô cùng bất tiện. Nhiều bữa thấy tôi đi diễn về quá khuya, D.M có vẻ rất xót. Cô nói: "Thôi anh ở lại ngủ đi, chứ đi bộ về mệt chết". Cứ vài lần "thôi anh ở lại ngủ đi" như vậy thì tôi và D.M chính thức là tình nhân".

Ngay lập tức trên các diễn đàn, nhiều ý kiến phản đối cho rằng, Thương Tín kể lại chuyện tình xưa như vậy thật không nên chút nào. Dù là chuyện tình cũ nhưng cũng sẽ có những ảnh hưởng không tốt đến hiện tại của người trong cuộc. Diễn viên điện ảnh D.M nổi tiếng tài năng nhan sắc một thời hiện đang có cuộc sống hạnh phúc viên mãn bên người chồng đại gia và những đứa con ngoan.

Việc Thương Tín kể lại chuyện tình xưa của hai người cụ thể như vậy trên các trang sách của mình ít nhiều ảnh hưởng đến tâm thế của D.M, thậm chí có thể gây ra những phiền phức không đáng có trong cuộc sống vợ chồng của nữ diễn viên. Và rằng, quá khứ hãy để cho nó ngủ yên. Những bí mật riêng tư trong cuộc đời của mỗi người hãy cho nó một khoảng tối cần thiết, không nên trưng nó ra trước ánh sáng của bàn dân thiên hạ, cho người ta tò mò săm soi, bàn luận.

Không có chuyện tình ái hấp dẫn, nhưng hồi ký của ca sĩ, nhạc sĩ Trần Lập vẫn rất thu hút sự quan tâm của công chúng.

Ngay sau những ý kiến không thiện cảm với việc Thương Tín mang chuyện tình cũ ra kể lại, nghệ sĩ điện ảnh D.M đã lên tiếng trả lời trên một tờ báo, khẳng định việc cô chủ động đến với Thương Tín thời trẻ, và việc Thương Tín kể lại chuyện tình yêu với cô trong hồi ký là "không vấn đề gì". 

D.M thẳng thắn: "Tôi chẳng thấy xấu hổ gì về chuyện đã qua. Thời đó tôi với anh là trai chưa vợ, gái chưa chồng. Với tôi, quá khứ luôn góp phần tạo nên cuộc sống của mỗi con người trong hiện tại, chối bỏ nó là điều không nên. Tôi trân trọng các cuộc tình đã qua".

Dù cho người trong cuộc đã lên tiếng "giải vây" cho nghệ sĩ lắm tài nhiều tật Thương Tín, nhưng nhiều ý kiến vẫn giữ nguyên quan điểm rằng ông không nên kể chuyện tình cũ với nữ diễn viên, nhất là trong hoàn cảnh ông để đời mình sa vào rất nhiều sai lầm. Thương Tín đang sống cuộc sống cuối đời nghèo khổ thiếu thốn, còn "người cũ" thì giàu sang, thành đạt. Kể như thế chỉ khiến cho hình ảnh của ông càng thêm đáng thương.

Nghệ sĩ Thương Tín (ngoài cùng bên trái)  trong một cảnh phim đóng chung với D.M, người cũ được ông nhắc đến trong hồi ký mới phát hành của mình.

Trung thực không có nghĩa là chuyện gì cũng kể

Một nhà báo nêu ý kiến, đã viết hồi ký thì phải viết sự thật, và phải trung thực, nên chuyện Thương Tín hay bất cứ người nghệ sĩ nào kể chuyện tình cũ của mình trong hồi ký nên được xem là điều bình thường. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây, thế nào là trung thực và cần phải trung thực theo cách nào. Trung thực không có nghĩa là chuyện gì cũng hồn nhiên kể, nhất là những chuyện mang tính chất tế nhị, riêng tư, liên quan đến người kể nhưng cũng liên quan đến người được kể.

Tình ái dĩ nhiên là một phần cuộc sống trong đời mỗi người, và dĩ nhiên khi đã là người nổi tiếng rồi thì phần này được công chúng quan tâm nhiều hơn, kỹ càng hơn. Hồi ký về cuộc đời một người nổi tiếng sẽ thiếu sức hút, thiếu hấp dẫn đi rất nhiều nếu không có những trang, những đoạn liên quan đến ái tình. Việc kể lại những cuộc tình trong đời mình cũng là quyền của người nghệ sĩ, không ai cấm đoán hay bắt bẻ.

Nghệ sĩ Thành Lộc thận trọng không kể cụ thể chuyện tình cũ trong hồi ký của mình.

Nghệ sĩ Thành Lộc trong tự truyện của mình mới phát hành cũng có hẳn một chương kể  chuyện tình. Nhưng cách kể của anh rất nhẹ, không trực tiếp nêu tên các nhân vật, có lẽ vì anh ngại phiền phức cho những người liên quan. Một số người trong nghề có thể suy đoán nhân vật Thành Lộc nhắc tới trong mỗi câu chuyện là ai, còn độc giả thì khó suy luận.

Trước ý kiến của một số khán giả phàn nàn rằng họ không thỏa mãn với chương "Yêu" trong tự truyện của anh, Thành Lộc chỉ cười. Anh không thể làm thỏa mãn độc giả theo cách đó. Vì những câu chuyện tình riêng anh muốn cất giữ cho mình. Hơn nữa, có nhiều chuyện kể ra là chưa đúng thời điểm, có thể gây những rắc rối không cần thiết cho người có liên quan. Thiết nghĩ, đó là một cách ứng xử tinh tế của một người nổi tiếng với quá khứ ái tình của mình.

Trong sự bùng nổ của truyền thông, xuất bản, người nghệ sĩ càng cần phải có một sự tỉnh táo. Họ phải nhận thức được sự ảnh hưởng của mình trong công chúng như thế nào. Bên cạnh lao động nghệ thuật, những cống hiến nghệ thuật của họ, thì đời tư là khía cạnh mà truyền thông khi nào cũng muốn tiếp cận, mổ xẻ, khai thác. Nếu họ không cảnh giác, họ sẽ dễ sập bẫy truyền thông, nghĩa là nông nổi phơi bày tất cả những bí mật thiêng liêng, những quá khứ riêng tư dù buồn hay vui của mình ra trước công chúng. Và cái mà họ thu về, đôi khi ngoài một cuốn sách bán chạy còn là những thương tổn khó lành cho "người cũ", và cả sự ê chề, ngại ngần của chính họ.

Thiết nghĩ, đừng vì hai chữ trung thực khi quyết định viết đời mình vào những trang hồi ký, mà kể tất tật những chuyện cũ của mình. Người nghệ sĩ phải biết tự kiểm soát mình, hiểu rõ những gì nên kể và không nên kể, tại thời điểm cuốn sách ra đời. Có những chuyện kể ra là được, những cũng có những chuyện kể ra lại là mất. Khi công khai một chuyện tình cũ, có thể người nghệ sĩ cũng mất luôn cả phần quá khứ mà nếu im lặng, nó vô cùng đẹp đẽ trong tâm hồn mình. 

Nhà văn Y Ban: Đừng "bán" quá khứ

Vì sao không ít người nổi tiếng chọn cách im lặng, không viết hồi ký, dù cuộc đời họ là một cuốn sách cực hay, cực hấp dẫn. Vì họ tế nhị đấy. Họ hiểu rằng viết hồi ký là phải trung thực. Và khi đã viết về cuộc đời mình, có nghĩa là rất nhiều cuộc đời khác liên quan đến mình ít nhiều hé lộ qua trang sách.

Họ hiểu mức độ ảnh hưởng của câu chuyện mình kể đến đời sống người khác, những người đã từng là tình thân, là quá khứ, là niềm vui, nỗi buồn trong mỗi giai đoạn của cuộc đời mình. Nếu có viết đi nữa, họ cũng thường hay chọn thời điểm phù hợp, khi mà chắc chắn rằng những sự thật mình kể ra không gây tổn thương đến "người cũ".

Trong đời sống nghệ thuật, chúng ta đã chứng kiến không ít chuyện đau lòng gây ra bởi người nổi tiếng công khai những hồi ức tuổi trẻ. Ví dụ chuyện "người cũ" phản ứng gay gắt nhà văn nọ khi ông kể về mối tình thời trẻ của mình trên mặt báo. Thậm chí có chuyện cha con lìa nhau, vợ chồng chia cách sau một cuốn hồi ký.

Điều đó đủ để thấy, người nổi tiếng cần phải thận trọng khi quyết định viết hồi ký. Nghệ sĩ nói chung thường có một cuộc đời phức tạp hơn những người bình thường, nhất là trong chuyện tình cảm. Quá khứ cần trân trọng, không nên chối bỏ là đương nhiên. Nhưng quá khứ đôi khi cũng cần một sự im lặng cần thiết, để nó mãi là một bí ẩn, một vẻ đẹp riêng trong tâm hồn mình và trong tâm hồn những người từng đi qua đời mình.

Tiếc là không ít người nổi tiếng khi quyết định công bố hồi ký, vì áp lực câu view, họ kể lại chuyện tình cũ nhằm thu hút độc giả, tạo nên sự ăn khách cho cuốn sách. Thậm chí, những người chắp bút cho họ cố tình muốn như vậy, chỉ để bán sách. Tôi cho rằng, những ý nghĩ nặng tính thương mại như vậy không nên chút nào. Mình kể chuyện quá khứ, chứ đừng bán quá khứ. Ngay cả khi người liên quan được kể lại không có ý kiến gì, im lặng, hay thậm chí là đồng tình với việc kể lại tỉ mỉ chuyện xưa của người nổi tiếng đi chăng nữa, thì cũng phải hết sức cân nhắc.

Vấn đề là tại thời điểm anh kể lại những câu chuyện tình ái cũ đó của mình, khán giả sẽ nhìn anh như thế nào. Đôi khi hình ảnh một người nghệ sĩ có thể đẹp lên hay xấu đi bởi một chi tiết, một câu chuyện. Mặt khác, cách kể cũng rất quan trọng. Tỉ mỉ quá hay giật gân câu khách quá, ngoài việc gây sốc trong công chúng, nó có thể hạ thấp hình ảnh người nghệ sĩ.

Hội Quân
.
.
.