Cầu thủ Việt Nam và chuyện kiếm tiền ngoài bóng đá

Chủ Nhật, 02/06/2019, 20:40
Làm người mẫu trên sàn catwalk, đại diện thương hiệu, đóng quảng cáo… đó là những cách mà cầu thủ Việt Nam kiếm thu nhập khủng ngoài bóng đá.


Từ báo giá của Bùi Tiến Dũng

Sau khi U23 Việt Nam tạo ra "cơn sốt" với ngôi Á quân giải U23 Châu Á 2018, nhiều cầu thủ đã trở thành ngôi sao trong lòng người hâm mộ. Họ không chỉ nhận được sự săn đón của giới truyền thông mà còn của nhiều nhãn hàng. Trong số các cầu thủ bước ra từ vinh quang của U23 Việt Nam, việc xây dựng thương hiệu là điều nâng giá trị chính bản thân.

Bùi Tiến Dũng đã khiến người hâm mộ phải chú ý và trầm trồ, thế nhưng lần này không không phải ở trên sân bóng mà trên sàn catwalk trong đêm diễn cuối của Vietnam International Fashion Week - Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam Xuân Hè (VIFW) 2018. Thời điểm đó, nhiều người cho rằng Bùi Tiến Dũng xuất hiện trên sàn catwalk là điều chẳng có gì đáng phê phán. Thậm chí, với một cầu thủ trẻ, điều đó có thể cho thấy một bước tiến về mặt hình ảnh, thương hiệu.

“Ông chủ” Anh Đức tại cửa hàng đồ thể thao AD Sports. Ảnh: AD Sports.

Khi "cơn sốt" U23 Việt Nam vẫn còn ngây ngất, cộng đồng mạng bất ngờ truyền tay nhau một bảng báo giá khủng của thủ môn Bùi Tiến Dũng. Theo như bảng báo giá được cộng đồng mạng lan truyền thì thủ môn Bùi Tiến Dũng là cầu thủ được ký hợp đồng bảo trợ thương hiệu bởi Orion Media. Đây được cho là công ty đang quản lý Bùi Tiến Dũng.

Theo đó, bảng báo giá được tính bằng USD, việc đăng quảng cáo trên facebook cá nhân có giá hơn 2.500 USD, livestream là 5.000 USD, tham dự event giá 10.000 USD, check-in địa điểm là 5.000 USD, giá quay quảng cáo là 50.000 USD, chụp ảnh 10.000 USD. Nếu trở thành gương mặt đại diện cho một ngành hàng thì mức thù lao được ấn định cho Bùi Tiến Dũng lên tới hơn 123.000 USD, tương đương hơn 2,7 tỷ đồng.

Bản báo giá của Bùi Tiến Dũng từng gây xôn xao dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng, Dũng tự nâng giá bản thân theo dạng "ảo tưởng sức mạnh", đội bóng chủ quản của Bùi Tiến Dũng là Thanh Hoá thời điểm đó còn phát đi thông báo: "Bản báo giá quảng cáo này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cá nhân cầu thủ Bùi Tiến Dũng, tập thể đội U23 Việt Nam, đội bóng chủ quản FLC Thanh Hoá  và cả nền bóng đá Việt Nam.

Nó khiến người hâm mộ Việt Nam, người dân Việt Nam có cái nhìn sai lệch thiếu thiện cảm về cầu thủ, về đội tuyển U23 Việt Nam và cả nền bóng đá của chúng ta. Niềm tin, tình yêu cho bóng đá Việt Nam, cầu thủ Việt Nam vừa được thổi bùng lên sẽ bị ảnh hưởng sau sự việc đáng tiếc này".

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng, đó là điều mà các cầu thủ Việt Nam nên bắt đầu làm trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp. Ở các nước có nền bóng đá phát triển, các cầu thủ có người đại diện và có những bảng báo giá như vậy. Đây là một điều bình thường chứ không đến mức phải ồn ào như tại Việt Nam. Câu chuyện được rút ra là vấn đề góc nhìn của dư luận và việc ứng xử với môi trường văn hoá của mỗi cầu thủ cần được chú trọng để phù hợp với những quốc gia khác nhau.

Trong số các tuyển thủ được nổi lên từ giải U23 Châu Á, thủ môn Bùi Tiến Dũng là người được xem có giá nhất. Giá ở đây không chỉ là giá trị sau những gì Dũng đã đóng góp vào thành công của U23 Việt Nam. Mà cái giá của Dũng được định lượng cụ thể từ một bảng báo giá được lan truyền trên mạng xã hội sau đó. Câu chuyện đã tốn không ít gấy mực của báo chí. Và với một cầu thủ có lượt theo dõi trên facebook lên đến hơn 3 triệu vào thời điểm hiện tại, rõ ràng thì quá có giá khi nhận các hợp đồng quảng cáo. Nhiều người nói vui, Dũng chỉ cần ngồi trên bằng ghế dự bị và cười thôi cũng hái ra tiền.

Bước ngoặt sự nghiệp của Dũng cũng đến từ một cái giá 6 tỉ khi chuyển từ Thanh Hoá về đầu quân cho Hà Nội. Sau khi tập đoàn FLC tuyên bố chia tay CLB Thanh Hoá, nhiều cầu thủ cũng đã tìm bến đỗ mới. Bản thân Dũng đã nhận được nhiều đề nghị đầy hứa hẹn từ các đội bóng khác. Và việc Dũng chọn Hà Nội được xem là một sự bất ngờ hợp lý. Bởi đó sẽ là nơi sẽ đưa Dũng đến với những giá trị mới.

Thế nên, dù dự bị ở Hà Nội thì Tiến Dũng vẫn trở thành cục nam châm hút fan hâm mộ và cả những hợp đồng quảng cáo. Ở đây cần hiểu tích cực rằng, việc cầu thủ có người đại diện sẽ giúp họ lo hết cả thủ tục liên quan đến hình ảnh và quảng cáo, còn bản thân chỉ chăm lo cho việc đi đá bóng.

Trung vệ Bùi Tiến Dũng mở quán café. Ảnh: fbnv

Không chỉ Bùi Tiến Dũng, Quang Hải cũng là người thường xuyên xuất hiện trong vai trò đại diện hình ảnh cho các thương hiệu. Thậm chí, Quang Hải cũng dính đến một sự việc gây tranh cãi khi quảng cáo cho một hãng bia. Việc Quang Hải quảng cáo cho một hãng bia hoặc nước uống có cồn nào là không hề sai, bởi luật không cấm. Thế nhưng, hình ảnh Quang Hải cầm bia uống vẫn bị một số ý kiến chỉ trích và cho là phản cảm.

Bởi trong video quảng cáo mà Quang Hải xuất hiện cho hãng bia đó đã tái hiện lại pha ghi bàn trong trận chung kết U23 Châu Á tại Thường Châu trong màu áo đội tuyển. Theo quan điểm của một bộ phận dư luận, những cầu thủ trẻ, đang là niềm cảm hứng của giới trẻ, việc gắn với một loại đồ uống có cồn sẽ gây phản cảm. Điều này cũng gây ảnh hưởng phần nào đến hình ảnh của biểu tượng CLB và các ĐTQG.

Quang Hải mới đang ở tuổi 21 nhưng lại quảng cáo cho một loại đồ uống có cồn là không nên. Điều này từng xảy ra với Công Phượng cách đây 4 năm, sau khi nổi tiếng trong màu áo U19 Việt Nam, Phượng quảng cáo cho một hãng bia và nhận nhiều ý kiến chỉ trích. Thế nhưng, đó là thời điểm mà  Công Phượng đã tạo ra sức hút lớn với khán giả Việt Nam. Anh đã có những đóng góp lớn cho nguồn thu của CLB Hoàng Anh Gia Lai ở mùa giải 2015.

Những tuyển thủ thành ông chủ

Tiền đạo Anh Đức là một trong số ít cầu thủ thành công trong lĩnh vực kinh doanh ngoài sân cỏ. Anh chính thức bước vào con đường kinh doanh từ năm 2008, ban đầu chỉ là việc nhập đồ thể thao về và bán tại cửa hàng. Sau đó, Anh Đức đã mạnh dạn đầu tư xưởng sản xuất giày và may quần áo thể thao. Anh Đức đã có thương hiệu theo tên mình - AD Sport (Anh Đức Sport) ở Bình Dương.

Đến nay, tiền đạo này đã có nhiều cửa hàng lớn tại Bình Dương và sản phẩm của anh có mặt ở khắp 40 tỉnh thành trên cả nước. Doanh thu mỗi tháng của Anh Đức có thời điểm khoảng 2,2 tỉ đồng. Một con số mà các cầu thủ nổi tiếng nhất Việt Nam kiếm tiền bằng đá bóng cũng phải mơ ước.

Thậm chí Anh Đức là chủ của một khách sạn kèm spa, mát xa và dãy nhà trọ cho thuê tại Bình Dương. Ngoài ra, anh còn sở hữu 2 sân bóng mini và kết hợp với mẹ vợ mở nhà hàng ăn uống tại quê nhà.  Chính vì thế mà Anh Đức được gọi là "cầu thủ giàu nhất Việt Nam".

Thủ thành Bùi Tiến Dũng trên sàn Catwalk. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ở tuổi 34, Anh Đức vẫn cống hiến cho CLB Bình Dương và ĐTQG. Anh chính là công thần giúp ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup 2018. Đó là điều khiến cho giá trị thương hiệu của Anh Đức lại càng nổi lên, điều này có tác động tích cực đến công việc kinh doanh của chàng tiền đạo tài hoa này.

Mới đây, một tuyển thủ khác là trung vệ Bùi Tiến Dũng cũng khiến tất cả fan phải chú ý với việc mở quán café riêng. Thay vì chạy các show quảng cáo ồn ào như nhiều đồng đội khác, Tiến Dũng đã đầu tư đến 1,5 tỉ mở quán café với diện tích rộng hơn 300m2, nằm ở vị trí thuận lợi. Trung vệ Bùi Tiến Dũng hy vọng quán sẽ thu hút được một lượng khách đông đảo từ khu căn hộ cũng như các văn phòng, trung tâm thương mại xung quanh.

Đó là những cầu thủ Việt Nam thức thời khi chọn cho mình nghề tay trái trước khi giã từ sự nghiệp cầu thủ.

Cầu thủ Việt có giá bao nhiêu?

Từng có thời điểm, thị trường chuyển nhượng cầu thủ của bóng đá Việt Nam bị loạn bởi các ông bầu. Những doanh nhân bắt tay vào làm bóng đá bằng việc vung tiền ra để sở hữu các đội bóng và mua các ngôi sao để làm thương hiệu. Và cũng vì thế, các cầu thủ Việt Nam bỗng nhiên lên giá khi các thương vụ chuyển nhượng được đẩy lên để làm giá với những con số trên trời. Cầu thủ Việt thời điểm cách đây 10 năm có giá đến cả chục tỉ đồng.

Điển hình là trường hợp Lê Công Vinh trong thương vụ "lật kèo" ngoạn mục của 2 ông bầu có tiếng trong làng bóng đá Việt Nam. Giá trị bản hợp đồng của Công Vinh được cho là lên đến 14 tỉ đồng. Và trong suốt sự nghiệp của mình, tiền đạo xứ Nghệ cũng từng thực hiện nhiều thương vụ chuyển nhượng khác mà tổng giá trị chuyển nhượng lên đến hơn 30 tỉ đồng.

Tiền đạo Việt Thắng cũng từng có giá trị chuyển nhượng cao nhất lên đến 9 tỉ đồng. Thậm chí, trong thương vụ chuyển nhượng của Như Thành về Ninh Bình, câu chuyện vẫn được giới bóng đá truyền tai nhau về cách mà bầu Trường đã mang cả bao tải tiền để đưa cầu thủ này về với đội bóng Cố đô năm 2009.

Điểm chung khiến cả Công Vinh, Như Thành, Quang Hải, Việt Thắng, Việt Cường… trở nên có giá là họ đều bước ra từ AFF Cup 2008 trong vai những "người hùng" mang về chức vô địch của ĐT Việt Nam. Và cái giá họ thu về chính là từ các hợp đồng chuyển nhượng trước khi tham gia các show quảng cáo.

Cách làm vung tiền đã làm loạn thị trường chuyển nhượng. Đã có nhiều ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý bóng đá cho rằng, giá trị chuyển nhượng của cầu thủ Việt Nam không tương ứng với năng lực thật sự của họ. Vài năm gần đây khi bóng đá Việt khủng hoảng, khi nhiều ông bầu chuyển hướng sang việc đào tạo trẻ, xây dựng đội bóng với nền tảng đi từ các học viện, một số khác vì chán và rút khỏi bóng đá, thị trường chuyển nhượng cầu thủ không còn nhộn nhịp như trước.

Khi bóng đá vẫn đang hướng lên chuyên nghiệp, tất cả những thương vụ chuyển nhượng hay hình ảnh quảng cáo chỉ tập trung vào một số ngôi sao nhất định chứ không phải cầu thủ nào cũng bán được hình ảnh của mình. Thế nên rất khó để định hình một "mức giá" cho tất cả cầu thủ như ca sĩ hạng A, B đến các show diễn. Cầu thủ Việt Nam xưa nay chỉ được xếp loại A, B, C rõ ràng nhất là lúc chia tiền thưởng trong một đội bóng.

Và với cầu thủ Việt Nam hiện tại thì con đường kinh doanh hay chạy show quảng cáo vẫn là kênh kiếm tiền chính. Đã qua rồi cái thời tất cả sống dựa vào những bản hợp đồng chuyển nhượng "khủng" mà giá trị năng lực lại "ảo".

Hưng Hà
.
.
.