Chấp chới, chênh vênh hình ảnh nền bóng đá

Thứ Sáu, 22/11/2013, 12:55

Nên nhớ hình ảnh một nền bóng đá được phản chiếu ở nhiều góc độ với nhiều đối tượng khác nhau: một hệ thống các CLB, một hệ thống các ĐTQG hay đôi khi chỉ là một cầu thủ, một ông trọng tài, một vị quan chức điển hình nào đó. Dĩ nhiên, người ta không thể đòi hỏi một vẻ đẹp tuyệt bích, hoàn hảo ở mọi nơi mọi lúc, nhưng việc hướng đến cái đẹp, phấn đấu cho cái đẹp và tuyên chiến, đấu tranh tận cũng với cái xấu phải là mục tiêu tối thượng.

Lê Công Vinh đang có giai đoạn cuối "cháy sáng" trong màu áo CLB Sapporo tại giải hạng 2 Nhật Bản. Nó cũng đồng thời với thời điểm giải VĐQG Nhật Bản chuẩn bị kế hoạch mở rộng "quota" cho cầu thủ Việt Nam sang Nhật thi đấu - một dấu hiệu rất tốt để bóng đá Việt Nam xuất khẩu cầu thủ, quảng bá hình ảnh của mình.

Nhưng một loạt những sự vụ diễn ra từ ĐT U.21, ĐT U.22, ĐT U.23 rồi ĐTQG lại khiến hình ảnh nền bóng đá đang có chiều xuống cấp. Cái xuống mà với nó nhiều fan hâm mộ bây giờ thậm chí đã quay mặt với các ĐT lớn để say sưa với những chiến công mà U.19 đã làm được cách đây vài tháng. 

Hoá ra, khi chúng ta đang có cơ hội đẩy mạnh hình ảnh nền bóng đá với những môi trường bóng đá hàng đầu châu Á như Nhật Bản thì chúng ta lại đang "làm xấu" hình ảnh của mình tại chính sào huyệt của mình.

Khi Công Vinh giúp bóng đá Việt Nam ghi điểm

Trận đấu áp chót giải hạng 2 Nhật Bản diễn ra đầu tuần này, Công Vinh ra sân đá đủ 90 phút trong màu áo Sappro. Đấy là trận đấu Sappro thắng ấn tượng Gifu 3-0, tràn đầy cơ hội cạnh tranh một suất Play Off để có thể lên chơi giải nhà nghề Nhật Bản ở ngay mùa giải tới. 90 phút có mặt trên sân, Công Vinh thực hiện một quả phạt góc rất ngọt, giúp đồng đội đánh đầu mở điểm, sau đó còn  thực hiện nhiều quả phạt trực tiếp và gián tiếp khác. Ở trận đấu trước đó, Công Vinh được giao trách nhiệm đứng trước chấm phạt đền, và từ chấm phạt đền đã có bàn duy nhất, đem lại chiến thắng sít sao cho đội nhà.

Từ một cầu thủ tân binh thường xuyên phải ngồi ghế dự bị, Công Vinh đã dần dần được ra sân nhiều hơn, và cũng dần dần được BHL Sappro tin tưởng giao nhiều trọng trách hơn. Hình ảnh một Công Vinh đầy quyết tâm trên sân tập lẫn những thời điểm được ra sân đá chính đang là một hình ảnh đẹp, được nhiều trang báo thể thao Nhật Bản phản ánh.

Mới đây, Sapporo đã đề nghị gia hạn hợp đồng với Công Vinh với một khoản lót tay vào khoảng 1,2 tỷ đồng Việt Nam. Dĩ nhiên, một khoản lót tay "bèo" như vậy không được Sông Lam Nghệ An - CLB sở hữu Công Vinh đồng ý. Và cũng không thể không nhắc lại rằng CLB Sapporo - CLB được tài trợ bởi một hãng bia vốn đang muốn mở rộng thị trường sản phẩm tại Việt Nam luôn có nhu cầu sử dụng cầu thủ Việt Nam trong đội hình.

Nhưng nói gì thì nói dấu ấn ban đầu về mặt tinh thần, hình ảnh mà Công Vinh để lại trên đất Nhật là điều không thể chối cãi. Và từ cái dấu ấn ban đầu đó (cộng hưởng với mối quan hệ ngày một bền chặt giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam với Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản) mà kể từ mùa giải tới, giải nhà nghề Nhật Bản có nhiều khả năng sẽ mở rộng "quota" nhập khẩu cho cầu thủ Việt Nam. Cụ thể, mỗi CLB Nhật sẽ được quyền thuê 3 cầu thủ nước ngoài, cộng thêm 1 cầu thủ châu Á và 1 cầu thủ Việt Nam.

Trong cuộc trao đổi mới đây với chúng tôi, một lãnh đạo VPF vốn có quan hệ hết sức gần gũi với công ty tổ chức giải bóng đá nhà nghề Nhật Bản tin tưởng rằng với "quota" nhập khẩu mới mẻ mà bóng đá Nhật Bản dự kiến ban hành, khả năng sau Công Vinh rồi sẽ có những cầu thủ Việt Nam khác lần lượt khoác áo ở giải VĐQG Nhật Bản.

Đến đây có thể khẳng định, cú xuất ngoại tiên phong của Công Vinh vào thị trường bóng đá Nhật Bản đã mở ra một cơ hội lớn cho nhiều cầu thủ Việt Nam sau này, và mở ra cả một cơ hội quảng bá, thúc đẩy hình ảnh nền bóng đá Việt Nam ở một trong những nền bóng đá xuất sắc nhất châu Á hiện nay.

Khi các đội tuyển quốc gia tự làm mất điểm của mình

Cách đây vài tuần, ĐT U.22 Việt Nam tham dự BIDC Cup (một giải giao hữu giữa các ĐT trẻ trong khu vực, được tổ chức tại Campuchia) và đã để lại một hình ảnh không thể tồi tệ hơn. Đấy là hình ảnh 2 cầu thủ Việt Nam vào bóng ác ý, giật cùi chỏ rất phi nhân đạo vào các cầu thủ U.23 Thái Lan để rồi phải nhận 2 thẻ đỏ rời sân tức thời.

Tấn Tài và các cầu thủ ĐTVN vừa có 90 phút mất điểm trên sân Mỹ Đình.

Ngay sau trận đấu này, HLV trưởng ĐT U.22 Đinh Văn Dũng thậm chí đã có báo cáo khẩn gửi lên VFF, đề nghị không gọi 2 cầu thủ nói trên vào các ĐTQG. Nên nhớ, U.22 Việt Nam là tiền thân của đội U.21 báo Thanh Niên vừa dự giải U.21 quốc tế báo Thanh Niên cách đó vài tuần. Và ở giải đấu này, một cầu thủ của đội U.21 đã lao vào triệt chân cầu thủ Australia hệt như… đánh võ, khiến chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh phải thốt lên: "Đấy là một pha bóng mất dậy!".

Nhưng câu chuyện về "những pha bóng mất dậy" không dừng lại ở đó, trong trận đấu mới đây giữa ĐTQG Việt Nam với ĐT Uzbekistan tại vòng loại Asian Cup 2015 trên sân Mỹ Đình, lại đến lượt Tấn Tài - một trong những trụ cột ĐT nhiều năm nay lao vào triệt chân đối thủ. Nhìn cái cảnh Tấn Tài và các đồng đội chơi một thứ bóng đá bạo lực trong khoảng 15 phút cuối trận đấu này, một chuyên gia bóng đá chia sẻ với chúng tôi: "Buồn vì ĐTVN thua một phần, nhưng buồn vì chúng ta không thể hiện được hình ảnh, tư thế của người thua đến mười phần".

Phải nói thêm rằng trận Việt Nam - Uzbekistan diễn ra trong bối cảnh ĐTVN gần như đã không còn cơ hội đi tiếp ở sân chơi Asian Cup, nhưng trước đó thầy trò ĐT vẫn quyết tâm đá một trận ra trò để bảo vệ màu cờ sắc áo và phục vụ người hâm mộ. Thế nhưng rốt cuộc là 90 phút "quyết tâm ra trò" ấy, thứ mà ĐTVN để lại là một hình ảnh bạc nhược, suy dinh dưỡng, khiến cơ trưởng Nguyễn Văn Sỹ sau đó phải công khai thể hiện sự thất vọng của mình. Nếu ghép trận đấu này với 90 phút chủ hoà xấu xí của U.23 Việt Nam với CLB Aletico Bangu (Brazil) trong khuôn khổ BTV Cup cách đó chưa lâu (hoà khi đang đá hơn người và dẫn trước đến 3-1), có thể thấy rằng chỉ trong một thời gian ngắn các ĐTVN đã liên tục có những trận đấu gây tổn thương người hâm mộ.

Cần một chiến lược phát triển dài hơi

Nên nhớ hình ảnh một nền bóng đá được phản chiếu ở nhiều góc độ với nhiều đối tượng khác nhau: một hệ thống các CLB, một hệ thống các ĐTQG hay đôi khi chỉ là một cầu thủ, một ông trọng tài, một vị quan chức điển hình nào đó. Dĩ nhiên, người ta không thể đòi hỏi một vẻ đẹp tuyệt bích, hoàn hảo ở mọi nơi mọi lúc, nhưng việc hướng đến cái đẹp, phấn đấu cho cái đẹp và tuyên chiến, đấu tranh tận cũng với cái xấu phải là mục tiêu tối thượng.

Nhìn nhận như thế sẽ thấy trong khi một cầu thủ như Lê Công Vinh hay một ĐT non trẻ như ĐT U.19 (với phần lớn các thành viên của Học viện Bóng đá U.19 Hoàng Anh Gia Lai JMG) liên tục giúp hình ảnh nền bóng đá ghi điểm thì các ĐT U.21, U.22, U.23, và ĐTQG liên tục khiến hình ảnh nền bóng đá bị mất điểm phải là câu chuyện được xem xét, mổ xẻ một cách tử tế.

Kinh nghiệm cho thấy, sau một vài chiến công của một cầu thủ hoặc một ĐT Việt Nam nào đó (chẳng hạn như thành công của ĐTQG ở VCK Asian Cup 2007 trên sân nhà), hình ảnh nền bóng đá Việt Nam quả nhiên có đi lên, nhưng nó mới chỉ là những sự đi lên tự phát. Điều người ta cần ở VFF (đối tượng quản lý nền bóng đá nói chung) và  VPF (đối tượng quản lý các giải vô địch bóng đá) là một chiến lược phát triển rõ ràng, cụ thể, giúp chúng ta có thể tận dụng mọi cơ hội tốt nhất để thúc đẩy hình ảnh nền bóng đá của mình.

Nó cũng giống như người Nhật Bản ở một góc độ nào đó đã rất biết "tận dụng" Công Vinh, "tận dụng" những thời khắc Công Vinh có mặt trong màu áo CLB Sapporo để đưa các trận đấu tại giải hạng 2 Nhật Bản lên sóng truyền hình Việt Nam, qua đó giúp hình ảnh bóng đá Nhật được mở rộng, khuếch trương ở một thị trường bóng đá mới mẻ nhưng đầy tiềm năng với mình.

HLV Vương Tiến Dũng: "Xem ĐTVN, nhiều lúc tôi muốn tắt tivi…"

Khi cùng chúng tôi mổ xẻ lại những vấn đề của ĐT U.23 Việt Nam tại SEA Games 26 năm 2011, HLV cựu trào Vương Tiến Dũng đã kịch liệt phê phán thứ bóng đá bạo lực của thầy trò Falko Goetz thời điểm ấy. Mới đây, khi chứng kiến một loạt những pha bóng bạo lực của các ĐT Việt Nam, từ ĐT U.21, U.22 đến ĐTQG, nhà cầm quân này lại có những bức xúc, những sự phê phán tương tự. Ông chia sẻ rất thật: "Xem những pha bóng mà cầu thủ ta lao vào như muốn chặt gãy chân cầu thủ đối phương, tôi muốn tắt tivi cái phụp. Bóng đá không thể chấp nhận những pha bóng phi nhân đạo như thế. Những pha bóng ấy vừa làm hỏng nhân cách cầu thủ, vừa bôi xấu hình ảnh cả một nền bóng đá".

Ông Dũng kể lại rằng hồi còn là cầu thủ của đội Thể Công vào những năm 60 của thế kỷ trước, thế hệ của ông luôn được dạy phải giành chiến thắng bằng lối chơi đẹp và một văn hoá ứng xử đẹp, chứ không phải là chiến thắng bằng mọi giá. Theo quan điểm của riêng ông thì nhiều trận đấu của ĐTQG hiện nay, dù HLV trưởng không đề nghị "phải thắng bằng mọi giá" nhưng các cầu thủ vẫn có những pha tranh chấp ác ý với đối phương, vì nó là hậu quả tất yếu của một V.League bạo lực nhiều năm nay.

Phan Đăng
.
.
.