Nhan sắc đi thi:

Chật vật vượt qua áp lực khán giả nhà

Thứ Ba, 29/12/2015, 19:00
Hai cô gái Lan Khuê và Phạm Hương vừa bước ra khỏi hai cuộc thi nhan sắc lớn của thế giới. Lan Khuê lọt vào top 11 của cuộc thi Hoa hậu Thế giới tại Trung Quốc, còn Phạm Hương không vào top 15 của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, dù cô được đánh giá cao, được mong đợi từ rất nhiều khán giả trong nước. 


Thứ hạng không cao như khán giả kỳ vọng, hai cô gái ít nhiều phải đối mặt với áp lực của chính những người ủng hộ mình. Không hiếm người vì quá kỳ vọng vào các nhan sắc đi thi, mà tỏ ra thất vọng về kết quả cuộc thi. Trước đó họ khen và sau đó, họ chê. Quả là đám đông nhiều đường lắt léo.

Rầm rộ thông tin suốt hơn một tháng trời. Hai cô gái đẹp, chọn từ hai cuộc thi trong nước được chính thức cử đến hai cuộc thi tầm vóc thế giới với tư cách đại diện nhan sắc Việt. Thôi thì khí thế ngùn ngụt. Truyền thông nước ngoài nói gì chả biết, chứ truyền thông trong nước thì cập nhật hàng giờ, hàng ngày các thông tin về hai người đẹp. Chuyện áo chuyện váy, chuyện trang điểm, chuyện nhanh chân xếp hàng chụp ảnh sao cho Việt Nam nổi bật giữa rừng hoa hậu, rồi đến chuyện các bảng xếp hạng.

Công chúng ủng hộ nhưng cũng tạo sức ép với các người đẹp đi thi.

Người đọc trong nước nhờ có các trang mạng mà say sưa niềm tin về một chiến thắng rất gần của hai cô gái. Cứ như thể phen này Việt Nam ta có hoa hậu thế giới hay hoa hậu hoàn vũ đến nơi. Thông tin từ các bảng xếp hạng quốc tế, những hoa hậu quốc tế, những “ông trùm” “bà trùm” hoa hậu quốc tế dự đoán Việt Nam giành các thứ hạng cao của cuộc thi khiến cho khán giả nam phụ lão ấu cứ là ngất ngây.

Người nước ngoài, người có thứ hạng thế giới người ta xếp loại, nhận xét, đánh giá về nhan sắc nước mình, chứ có phải người trong nước nói đâu mà “mèo khen mèo dài đuôi”. Gì chứ riêng về khoản nhan sắc phụ nữ, người Việt ta hòa nhập thế giới, sánh ngang thế giới đến nơi rồi.

Nhưng thực tế, Lan Khuê chỉ vào top 11 chung kết Hoa hậu Thế giới (trước đó cô được dự đoán lọt vào top 3), nhờ được nhiều khán giả bình chọn. Nói một cách công bằng, đêm chung kết cô không tỏa sáng. Hình ảnh Hoa hậu Việt Nam trên màn ảnh truyền hình thiếu sắc khí, hơi trầm buồn và tẻ nhạt, không gây dấu ấn mạnh với người xem như kỳ vọng.

Phạm Hương có phần dự thi ấn tượng hơn, tự tin hơn, được kỳ vọng hơn cả Lan Khuê, nhưng cô cũng dừng bước bên ngoài top 15, không vượt qua các nhan sắc đàn chị đi trước trong bảng xếp hạng ở các kỳ thi Hoa hậu Hoàn vũ trước đó. Thế là quả bóng truyền thông đang hừng hực khí thế như bị xì hơi. Khắp nơi, chỗ nào cũng thấy cư dân mạng kêu trời tiếc nuối, thất vọng. Một số ý kiến cho rằng hai cuộc thi thiếu công bằng khi đánh giá nhan sắc Việt.

Thực lòng mà nói, một khi đã đi thi, chuyện được giải hay không được giải là hết sức bình thường. Các cuộc thi đều có tiêu chí của nó. Ở ta, có lẽ chỉ có thi hoa hậu và thi bóng đá là được công chúng quan tâm, tò mò nhiều nhất. Và theo phong trào, cứ thổi phồng rồi kỳ vọng. Công chúng dồn lên vai những người đi thi áp lực khổng lồ, khiến cho họ phải gồng mình lên gánh những sứ mệnh to lớn. Công chúng kỳ vọng rồi thất vọng, chỉ trích, thật khó để mà chiều lòng.

Được truyền thông ủng hộ thì tốt, nhưng sợ nhất là sự “thổi phồng” thái quá sẽ khiến người trong cuộc cũng trở nên “hoa mắt chóng mặt” vì ảo tưởng. Phạm Hương dù là một đại diện rất được đánh giá cao về sự nỗ lực của cá nhân cô khi đến với cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới, nhưng có thể thấy, sự phấn khích kỳ vọng của đám đông quá mức đã khiến Phạm Hương có phần căng cứng ở nhiều hoạt động trong khuôn khổ cuộc thi. Cô không tự nhiên, nhiều hình ảnh bị cho là thái quá, không cần thiết. Lan Khuê thì tiết chế hơn, nhưng có thể cảm thấy cô cũng mang một áp lực tâm lý khổng lồ, nhất là việc liên tục kêu gọi khán giả nhà ủng hộ bình chọn.

Người Việt mình có xu hướng tò mò quan tâm quá mức vào các sự kiện kiểu như thi hoa hậu. Trong khi các cuộc thi khác như thi học sinh giỏi quốc tế, các môn thi thể thao (ngoại trừ bóng đá) thì ít được quan tâm. Một thầy giáo dạy Vật lý chia sẻ: “Giá mà các em học sinh giỏi của nước ta đi thi các cuộc thi quốc tế, giành được huy chương vàng hẳn hoi mà nhận được sự quan tâm to lớn của công chúng như vậy thì tốt biết bao”.

Nhưng ngẫm ra, những gì bề nổi hơn, dễ nhìn dễ thấy hơn thì dễ được quan tâm hơn. Và đôi khi việc được quan tâm thái quá chưa hẳn đã là điều có lợi. Người đi thi cần nhất là tâm lý tự nhiên, thoải mái, ít áp lực. Phải chăng các nhan sắc của chúng ta chưa được xếp thứ hạng cao hơn vì họ đang còn phải chật vật vượt qua các áp lực tâm lý, từ phía người hâm mộ?

Hội Quân
.
.
.