"Chế" lời bài hát để quảng cáo: Tác phẩm gốc bị “phá nát”?

Chủ Nhật, 28/07/2019, 23:01
Việc chế lời mới cho những ca khúc, nhất là những ca khúc đã nổi tiếng, nhiều thế hệ thuộc nằm lòng cần một sự cân nhắc từ phía những người sử dụng, bởi nếu không khéo, sẽ sa vào phản cảm, thậm chí bị công chúng tẩy chay.


Trong quảng cáo, bên cạnh ý tưởng sáng tạo và hình ảnh đẹp thì âm nhạc là yếu tố quan trọng không kém. Chính vì vậy, rất nhiều nhãn hàng khi quảng cáo cho sản phẩm đã tìm kiếm ca khúc phù hợp và cải biên phần lời cho phù hợp để mong muốn được công chúng chú ý đến nhãn hàng của mình nhiều hơn.

Tuy nhiên, việc chế lời mới cho những ca khúc, nhất là những ca khúc đã nổi tiếng, nhiều thế hệ thuộc nằm lòng cần một sự cân nhắc từ phía những người sử dụng, bởi nếu không khéo, sẽ sa vào phản cảm, thậm chí bị công chúng tẩy chay.

Chế lời quá đà gây phản cảm

Câu chuyện mới nhất, ca khúc “Nhớ về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp được chế thêm phần lời để quảng cáo sản phẩm “Cung Đình phở bò” trên sóng truyền hình và các trang mạng trực tuyến do ca sĩ Hồng Nhung thể hiện bị dư luận phản đối gay gắt. Theo đó, lời của ca khúc “Nhớ về Hà Nội” được cải biên thành: “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về... phở Hà Nội”.

Ca sĩ Bảo Anh và thủ môn Tiến Dũng trong một clip quảng cáo ăn khách.

Trên nhiều diễn đàn, phần đa công chúng tỏ ý không đồng tình với việc chuyển lời một ca khúc hay bậc nhất về Hà Nội vào mục đích quảng cáo cho một sản phẩm ăn liền như vậy. Họ cho rằng, việc này đã xúc phạm đến nhạc sĩ Hoàng Hiệp, và xúc phạm cả đến tình yêu của hàng triệu người dành cho Hà Nội.

Một khán giả viết: “Nhớ về Hà Nội là một ca khúc chứa đựng các giá trị văn hóa lịch sử lâu bền của Hà Nội. Bài hát trở nên thiêng liêng trong trái tim của biết bao người, dù có sinh ra và lớn lên ở Hà Nội hay không. Cải biên lời và dùng những nét nhạc hào hùng đó để quảng cáo cho một món phở gói, lại qua giọng hát của một nữ ca sĩ hàng đầu là Hồng Nhung, rõ ràng chúng ta thấy một sự phản cảm không thể chấp nhận được. Bài hát đã được kéo thấp xuống so với giá trị thực của nó. Như thế cũng đồng nghĩa với tình yêu của biết bao con người dành cho bài hát, dành cho Hà Nội đang bị tổn thương”.

Nhìn vào thị trường những năm gần đây có thể thấy, xu hướng chế lời một bài hát nổi tiếng, một bài hit để sử dụng làm nhạc quảng cáo đang khá phổ biến, rất được các nhãn hàng ưa chuộng. Nếu trước đây nhạc quảng cáo thường được đặt hàng viết riêng thì nay để tiện dụng, cũng là để “ăn theo” độ nổi tiếng của ca sĩ hay bài hát được nhiều người biết đến, người ta chọn luôn các ca khúc này làm nhạc quảng cáo, tất nhiên có chỉnh sửa phần lời cho phù hợp với nhãn hàng, sản phẩm.

Có thể kể ra đây rất nhiều ví dụ. Chẳng hạn, ca khúc “Duyên phận” nổi tiếng của nhạc sĩ Thái Thịnh được chế lời để quảng cáo cho công ty điện máy với phần lời nôm na khác hẳn ca khúc gốc: "Phận là phụ nữ, mua đồ là đam mê/ Quạt, nổi, bếp gas, bình, tách ly muốn mua quài quài. Mua ngay chị ơi. Giá không cần lo. Rẻ hơn nhiều luôn. Xem giá đi! Chảo ly nồi cơm, máy xay, bình đun...”.

Ca khúc “Ước gì” của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh từ lâu được khán giả yêu mến qua giọng hát nữ ca sĩ Mỹ Tâm cũng được đặt lời mới sử dụng để quảng cáo cho sản phẩm trà Tea Plus. Phần lời chế cho đoạn quảng cáo sản phẩm đơn giản đến mức nhiều khán giả bật cười: “Ước gì ăn mà không nặng nề. Ước gì Tết nào cũng nhẹ nhàng. Cả nhà mình đừng lo nữa nha. Vì nay đã có Tea Plus"...

Một ca khúc ăn khách khác được giới trẻ yêu mến có tên "Yêu không đòi quà", từng khuấy đảo mọi bảng xếp hạng âm nhạc trong nước cũng đã trở thành bài hát quảng cáo đinh cho thương hiệu Điện máy Xanh. "Từ phụ kiện tới smartphone, tablet, laptop gì cũng có. Em ơi yêu anh đi mà. Muốn chi đã có anh lo. Luôn luôn tặng em quà như ý".

Một ca khúc hot không kém là “Bao giờ lấy chồng” của tác giả Huỳnh Hiền Năng cũng được “chế” lời mới cho đoạn quảng cáo mì tôm Omachi của ca sĩ Bích Phương. Từ những lời lẽ ngọt ngào của ca khúc, phần lời đã được chế thành những câu hát khá buồn cười: “Omachi giờ đây có thịt nha. Omachi mì khoai tây giờ có cả thịt...”.

Diva Hồng Nhung trong đoạn quảng cáo sản phẩm phở gói với ca khúc “Nhớ về Hà Nội” cải biên lời bị khán giả cho là phản cảm.

Tất nhiên khi đã phục vụ mục đích thương mại thì mọi thứ, kể cả âm nhạc phải phục vụ một mục tiêu duy nhất, làm sao để người mua quan tâm đến sản phẩm, tò mò về sản phẩm, thúc đẩy doanh thu của nhà sản xuất ngày càng cao.

Bài hát khi đã trở thành một chất liệu cho quảng cáo, người ta sẽ không tính toán quá nhiều về giá trị nghệ thuật của bản gốc ra làm sao, làm thay đổi, cải biên phần lời phần nhạc đi thì sẽ mất mát gì đối với công chúng, mà quan trọng chỉ là phải nêu bật được sản phẩm cần quảng cáo. Đây cũng là điểm nguy hại nhất, xét từ góc độ một tác phẩm nghệ thuật.

Đâu là giới hạn?

Chế lời mới cho ca khúc để quảng cáo một sản phẩm nào đó, dĩ nhiên nhà sản xuất phải lo vấn đề bản quyền. Việc sử dụng một tác phẩm nghệ thuật vào mục đích thương mại cần được sự đồng ý của tác giả hoặc thân nhân tác giả trong trường hợp tác giả đã mất. Tất cả những bản nhạc “chế” đều được xem là tác phẩm phái sinh từ tác phẩm gốc.

Khi chúng được sử dụng khai thác với mục đích gì đều cần được sự đồng ý của người sáng tác. Luật Sở hữu trí tuệ quy định về quyền tác giả rất rõ ràng: mọi hành vi sửa chữa, cắt xén, công bố tác phẩm, làm tác phẩm phái sinh từ tác phẩm gốc, bao gồm các tác phẩm nổi tiếng hay không nổi tiếng khi chưa được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả cho phép là hành vi xâm phạm quyền tác giả, những tác phẩm này được gọi là tác phẩm phái sinh bất hợp pháp.

Từng có một vài ví dụ về việc bài hát được sử dụng chế lời để quảng cáo sản phẩm mà tác giả không hay biết, cho đến khi bị phát hiện thì phía nhà sản xuất mới vội vàng xin lỗi và đền bù tác quyền cho tác giả.

Trong thời đại công nghệ hôm nay, việc xâm phạm bản quyền không khó để phát hiện ra, và vấn đề đáng lo ngại nhất trong việc chế lời mới cho bài hát lại nằm ở vấn đề phần lời đó được chế như thế nào, có phù hợp với tai nghe của công chúng hay không, có làm mất đi giá trị của bài hát gốc hay không.

Xu hướng mua bản quyền bản hit có sẵn chế lại thành nhạc quảng cáo càng được các thương hiệu ưa thích, nhưng rõ ràng không phải lúc nào những phiên bản "chế" lời cho quảng cáo cũng dễ lọt tai người nghe. Tâm lý "tham" vô tội vạ của nhiều nhãn hàng, chỉ cần biết nội dung bài hát chế “sát sàn sạt” với chi tiết sản phẩm quảng cáo đã khiến cho không ít bài hát nổi tiếng bị “phá” đến mức không còn hình hài.

Nữ ca sĩ Mỹ Tâm trong đoạn quảng cáo đồ uống với phần bài hát ca khúc “Ước gì” được chế lời mới.

Ví dụ, khi nghe bài “Duyên phận” bị phá để chắp lời quảng cáo cho các sản phẩm điện máy, nhiều khán giả tỏ ra sợ hãi vì không còn nhận ra bài hát họ yêu thích. Toàn thấy bếp gas với bình điện, quạt máy được nhắc trong bài hát.

Có người đã viết bình luận: “Tác giả nghe bài này xong chắc chết luôn vì phần lời đặt thô bạo quá". Hay như mục quảng cáo mì khoai tây Omachi do ca sĩ Bích Phương thể hiện chế lời lại từ ca khúc “Bao giờ lấy chồng” bị nhiều khán giả bình luận quá nhạt nhẽo, vớ vẩn, “nhảm không thể nhảm hơn”.

Ai cũng biết, với nghệ sĩ, bán ca khúc hit cho nhãn hàng nghĩa là có thêm nguồn thu không nhỏ. Ngoài ra, ca khúc được đưa vào quảng cáo sẽ giúp có thêm lượng khán giả mới. Hỏi ý kiến một số nhạc sĩ đã từng bán bản quyền ca khúc cho nhãn hàng làm quảng cáo, họ đều tỏ ý không mấy hài lòng về phần lời chế thêm, vì nó thường chẳng ăn nhập gì với ca khúc gốc của họ. Một nhạc sĩ (giấu tên vì lý do tế nhị) cho biết, cho dù được nhiều tiền nhưng anh không vui khi thấy bài hát nổi tiếng của mình bị bóp méo đến thảm hại để quảng cáo cho một nhãn hàng.

Việc chế lời mới cho một bài hát thực chất chỉ mang tính tức thời, phục vụ mục đích thương mại, nhưng cho dù như vậy nó cũng sẽ có những ảnh hưởng không tốt đến khả năng cảm thụ nghệ thuật của khán giả nếu nội dung bài hát được chế nôm na, thiếu tính thẩm mỹ. Thiết nghĩ, mỗi tác giả bài hát cần phải có một sự cân nhắc khi quyết định trao bài hát của mình một nhà sản xuất nào đó để cải biên lời quảng cáo sản phẩm.

Cần phải có những điều khoản nhất định với người sử dụng, yêu cầu họ tôn trọng bài hát gốc, tránh để xảy ra việc chế lời phản cảm gây phản ứng trong dư luận. Bảo vệ tính toàn vẹn của bài hát cũng như bảo vệ các giá trị đẹp đẽ mà bài hát đã có là trách nhiệm của người sáng tác trước tiên. Có như vậy thì mọi công việc mà nghệ thuật phụng sự, kể cả là mục đích thương mại đi nữa cũng sẽ giữ được những chuẩn mực cần thiết, không còn xô bồ, nhảm nhí, bóp méo ca khúc một cách không thương tiếc như ở nhiều ví dụ chúng ta đã thấy.

Xuân Bùi
.
.
.