Chelsea và bí ẩn những chiếc áo

Thứ Năm, 13/11/2014, 12:03

Có những câu chuyện lặp đi lặp lại một cách kì lạ, người ta bảo đó là sự trùng hợp. Nhưng cũng có người tin rằng đó là một "lời nguyền" ác độc nào đó, từ một thế lực nào đó. Chuyện "lời nguyền" trong bóng đá giờ đây đã phổ biến ở khắp nơi, với hàng loạt sự kiện khó tin. Ngay cả những chiếc áo cũng bị "ám ảnh" bởi những sự trùng hợp lạ lùng như vậy. Tiêu biểu là hàng loạt số áo ở CLB Chelsea.

1. Trước khi giải Ngoại hạng Anh ra đời năm 1993, các cầu thủ mặc áo không có tên trên lưng và đôi khi còn đổi số loạn xạ. Khi ấy, những chiếc áo đánh số chỉ có tác dụng gọi tên cầu thủ theo đăng kí, xác định vị trí thi đấu chứ không mang tính biểu trưng cho một tên tuổi nào đó như bây giờ. Bóng đá cũng giống cuộc sống vậy, phú quý thì sinh lễ nghĩa, những chiếc áo được gắn tên cầu thủ cố định trong cả mùa giải tạo nên thói quen, dần dần gắn với tên tuổi mỗi ngôi sao như một "điểm nhận dạng".

Nói đến số 7 của Man Utd, bất kì ai cũng phải nhắc đến Cantona, Beckham, C.Ronaldo. Nhắc đến số 7 của Real Madrid tức là nói tới Raul. Hay số 13 của Bayern khiến bất kì ai cũng nhớ tới Ballack, số 10 của Barca đồng nghĩa với Messi… Mỗi chiếc áo, mỗi số áo đều gắn với những câu chuyện, những giai thoại thú vị, liên quan đến người mặc nó. Có những cuộc tranh giành giữa các đồng đội để được mặc số áo yêu thích, có những người vì không lấy được số áo quen thuộc đã "cải tiến" nó theo cách rất riêng, hay có những người chọn theo "niềm tin" của mình.

Trong số những câu chuyện về số áo chắc phải nhắc đến tiền đạo người Morocco, Hicham Zerouali. Năm 2000, khi chuyển đến thi đấu cho CLB Aberdeen (Scotland), anh này mặc áo số… 0, vì 0 tiếng Anh có nghĩa là Zero (trong cái tên Zerouali). Nhưng đáng tiếc là 4 năm sau, "số 0" đã qua đời trong một tai nạn xe hơi tại quê nhà. Hay như tiền đạo lẫy lừng một thời Zamorano, khi khoác áo Inter Milan (1997 đến 2000), anh đã quá quen với chiếc áo số 9, nhưng do phải nhường số áo này cho "người ngoài hành tinh" Ronaldo, nên Zamorano đã mặc áo số "18" nhưng có dấu cộng ở giữa hai con số. Bizente Lizarazu, hậu vệ người Pháp có một thời gian mặc áo số 69 tại Bayern Munich, đơn giản anh cao 1m69, và sinh năm 1969.

Những điều đó cho thấy số áo có một tầm quan trọng, không chỉ là hiệu ứng tâm lí mà còn là hiệu ứng tâm linh. Và khi nó có liên hệ với những điều không thể lí giải được yếu tố tâm linh được đặt ra như lời giải thích mơ hồ nhất, nhưng lại hợp lí nhất. Tại Chelsea, có rất nhiều yếu tố tâm linh kiểu như vậy xuất hiện với những chiếc áo đấu, với những con số người ta tạm coi là "bị nguyền rủa". Và nó còn ứng nghiệm cho đến khi nào có ai đó thoát khỏi những sự trùng hợp kì lạ ấy.

Chelsea, có một số áo mà kể từ năm 1993 đến nay mới chỉ có 3 người mặc. Hai người đầu tiên thì thảm bại và nhanh chóng "mất tích" chỉ sau 1 mùa giải, còn lại một người thì nổi danh nhưng để lại một "lời nguyền" mà không ai dám khoác chiếc áo ấy. Đó là số 25. Hai người đầu tiên mặc số áo này là David Lee và Terry Phelan. Nhưng mỗi người chỉ mặc 1 mùa và bỗng nhiên bỏ nó khi thi đấu không thành công. Người thứ 3 và cũng là người cuối cùng cho đến nay mặc số áo này ở Chelsea chính là Gianfranco Zola, một trong những huyền thoại của CLB. Cầu thủ người Italia này đã mặc chiếc áo này trong 7 năm và thi đấu cực kì thành công.

Chiếc áo số 25 của Zola không ai mặc từ năm 2003 đến nay.

Nhưng khi Zola ra đi năm 2003, cho đến nay đã 11 năm vẫn chưa có ai "dám" sờ vào chiếc áo đó. Có 2 ý kiến, một cho rằng không ai muốn mặc nó vì muốn tôn vinh số 25 và Zola. Nhưng lí do này hơi gượng, vì có nhiều cầu thủ còn vĩ đại hơn nhưng có ai được tôn vinh bằng cách "treo số áo" bao giờ đâu. Và chính Chelsea cũng chưa bao giờ tuyên bố không sử dụng số áo 25. Lí do thứ 2 cũng được nói tới, là số áo này đã bị "ám" bởi một "phù thủy" tại Roma, khi có tin rằng ông đã tuyên truyền rằng không ai mặc được chiếc áo ấy nữa, và nếu mặc cũng sẽ lụn bại sự nghiệp.

2. Chẳng biết đâu là đúng, đâu là sai, nhưng đến đây chuyện những số áo ở Chelsea bắt đầu phức tạp. Điểm nhấn lớn nhất ở Chelsea dưới triều đại của tỷ phú Roman Abramovich, chưa bao giờ có một cầu thủ nào mang áo số 9 thành công cả. Thậm chí, tính cả quãng thời gian từ khi Premier League ra đời năm 1993 đến nay, những người mang áo số 9 hầu hết cũng "thân bại danh liệt" tại Chelsea.

Người đầu tiên mang áo có con số đáng tự hào này là Toni Cascarino, một ngôi sao của Gillingham và Millwall. Khi đến Chelsea, Cascarino gần như không còn giá trị gì. Chỉ 1 năm sau anh rời Chelsea, để lại số 9 cho Mark Stein, tiền đạo có giá khủng khiếp lúc đó (1,6 triệu bảng). Đúng lúc ấy, Stein lăn ra chấn thương, mất vị trí vào tay Gullit và không bao giờ lấy lại phong độ được nữa. Điều đáng chú ý là trong 21 bàn thắng cho Chelsea (trong 50 trận), có tới 13 bàn Stein ghi khi không mặc áo số 9. Người tiếp theo là ngôi sao Italia, Gianluca Vialli. Mặc dù lừng lẫy ở Juventus, nhưng đến Chelsea, ông được biết tới như một tiền đạo dự bị cho Gullit, chuyên gia quấy phá, cãi lộn và gây gổ với chính Gullit khi ấy là HLV kiêm cầu thủ. Khi Gullit rời CLB, Vialli cũng lên nắm quyền HLV kiêm cầu thủ nhưng cũng thất bại.

Người thứ 4 mặc áo số 9 là tiền đạo rất được kì vọng: Chris Sutton (1999). Anh gia nhập Chelsea với giá tới 10 triệu bảng sau thành công lẫy lừng với Blackburn trong vai "đối tác hoàn hảo" của Alan Shearer. Nhưng cuối cùng Sutton chỉ ở Chelsea được 1 năm với vỏn vẹn 1 bàn thắng. Rồi nữa, năm 2004, Mateja Kezman cũng chỉ tồn tại ở Chelsea đúng 1 năm, dù được coi là tay săn bàn hàng đầu châu Âu thời điểm đó với kì tích 105 bàn trong 122 trận cho CLB PSV (Hà Lan).

Thành tích của Kezman là 4 bàn trong cả mùa giải, và sau đó cầu thủ này không bao giờ trở lại phong độ cũ, thậm chí còn nổi tiếng là người lang bạt khắp các CLB nhỏ. Thay Kezman là tiền đọa nổi tiếng người Argentina: Hernan Crespo. Khi mặc áo số 21 từ năm 2003 thì Crespo chơi cực hay, nhưng đến khi mặc áo số 9 do Kezman để lại thì anh tịt ngòi liên tục. Kết cục Crespo trả lại số 9 sau 1 mùa duy nhất (2005/2006) trước khi bị cho hết AC Milan đến Inter Milan mượn.

Lampard và chiếc áo số 8 suốt 13 năm, Terry khoác áo số 26 đã 16 năm.

Có lẽ đến lúc ấy, người ta mới nhận ra số 9 là số áo bi kịch ở Chelsea, nên mùa 2006/2007 chẳng ai mặc áo này nữa. Và điều quái dị đã diễn ra khi Khalid Boularouz nhận khoác số 9 mặc dù anh là một… hậu vệ. Giải thích lí do mặc số áo này, Boularouz muốn "giải vía". Nhưng rồi, dù là tiền đạo "xịn" hay hậu vệ thì khi mặc áo số 9 thì cũng như nhau cả. Các tiền đạo thực thụ còn chẳng ăn thua, huống chi một hậu vệ. Boularouz (đương nhiên) không ghi được bàn nào và cũng ra đi chỉ sau 1 mùa giải với chỉ 13 trận đấu, trong đó có tới 9 trận vào thay người từ băng ghế dự bị.

Sau Boularouz đến lượt Sidwell, một tiền đạo đúng nghĩa. Kết cục có lẽ cũng chẳng phải kể nhiều. 0 bàn thắng, 15 trận đấu, 8 trận vào sân thay người, và bị bán ngay lập tức. Cũng chỉ 1 năm sau, tiền đạo trẻ Franco Di Santo rạo rực lựa chọn số 9 còn lại trong "kho số" của Chelsea. Trước khi nhận nó, Di Santo khẳng định anh sẽ là người thay đổi số phận của chiếc áo này. Và Di Santo không những chẳng làm được mà còn phải "trả giá" khi là cầu thủ mang áo số 9 tồi tệ nhất với chỉ 8 trận được ra sân và toàn là vào sân từ ghế dự bị với tổng thời gian thi đấu chỉ là 226 phút (và dĩ nhiên là không có bàn thắng nào).

Sự sợ hãi số 9 lên đến cao trào ở mùa giải 2009/2010. Chẳng ai mặc áo số 9 cả. Chelsea thi đấu mùa giải đó mà không có ai mặc số 9, sự kiện lần đầu tiên diễn ra trong lịch sử CLB. Và quái lạ thay, mùa đó Chelsea lần đầu tiên đăng quang cú đúp chức vô địch quốc nội: Premier League và FA Cup.

3. Đỉnh điểm của sự thất vọng là Fernando Torres. Được mua về Chelsea vào tháng 1/2011 với giá kỉ lục lên đến 50 triệu bảng từ Liverpool, Torres được coi là "con cưng" của tỷ phú Abramovich. Rất nhiều cơ hội đã được trao cho anh, thậm chí vì Torres mà HLV Di Matteo đã bị sa thải, bất chấp ông là người đưa Chelsea đến chức vô địch Champions League năm 2012. Cái kết của Torres ở Chelsea thậm chí còn tồi tệ đến mức, người ta nói rằng đây chính là bản hợp đồng tệ hại nhất lịch sử Premier League. Giá trị quá lớn, còn màn trình diễn của Torres thì tệ hại. Và mùa giải năm nay, sự kiên nhẫn đã không còn nữa khi Torres bị mang cho AC Milan mượn.

Có lẽ, người duy nhất thành công với chiếc áo số 9 ở Chelsea là Jimmy Floyd Hasselbaink, với 4 mùa giải (từ 2000 đến 2004), cùng 70 bàn thắng trong 136 trận. Đó là một hiệu suất rất cao, nhưng buồn một nỗi là Hasselbaink chưa từng là Vua phá lưới Premier League, chỉ có đúng 1 danh hiệu (FA Cup 2000). Và xét cho cùng, Hasselbaink cũng là "sản phẩm" có từ trước triều đại Abramovich.

Nói chuyện về số 9 của Chelsea mới thấy, dù không muốn tin thì bất kì ai cũng phải đặt ra một câu hỏi rằng: có thật là đang tồn tại một lời nguyền?

Số 8 và chuyện của Lampard

Mùa hè vừa qua, Lampard đã chia tay Chelsea sau 14 năm gắn bó. Trong thời gian này, ngoài hàng loạt kỉ lục mới như Cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử Chelsea, tiền vệ ghi nhiều bàn thắng nhất… Lampard còn là một trong hai cầu thủ khoác 1 số áo lâu nhất. Lampard đã tiếp nhận chiếc áo số 8 từ Gustavo Poyet vào năm 2001, tức là đã hơn 13 năm trời. Từ vài năm trước, nhiều người trong đó có đội trưởng Chelsea, John Terry, cho rằng nên cho chiếc áo số 8 vào viện bảo tàng, nhằm tôn vinh những đóng góp của Lampard cho CLB. Thậm chí cũng có tin đồn rằng khi Lampard ra đi, chiếc áo số 8 của Lampard đã bị "yểm bùa" dành cho người nào mặc nó. Thế nhưng ngay lập tức Oscar tiếp quản, và đến nay anh vẫn đang thi đấu rất tốt.

Lê Giang
.
.
.