Từ những đột biến về tài trợ của bóng đá nữ Việt Nam:

Chỉ một mình đội tuyển là chưa đủ!

Chủ Nhật, 20/04/2014, 11:00

Càng gần thời điểm diễn ra VCK Asian Cup 2014, tức là càng gần tới lúc thực hiện một bước tiến quan trọng để vươn tới giấc mơ World Cup, Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam càng nhận được những sự quan tâm, đặc biệt là những khoản tiền tài trợ mà từ xưa tới nay, những cô gái đá bóng khó lòng mơ tới. Nhưng đấy vẫn chưa phải là tất cả....

Thời thế thay đổi

Từ xưa tới nay, sức hút từ thương hiệu của Đội tuyển nữ quốc gia khó lòng sánh được với Đội tuyển nam hay đội tuyển U23 quốc gia. Điều này cũng tương tự khi so sánh quy mô hay vấn đề tài trợ giữa V-League và giải bóng đá nữ vô địch quốc gia. Mọi so sánh vốn vẫn khập khiễng giữa 2 mảng bóng đá nam và nữ của nước ta cả về mặt đầu tư hay thành tích.

Nhưng rồi thì mọi chuyện cũng khởi sắc hơn với bóng đá nữ Việt Nam từ khi đội tuyển quốc gia vượt qua vòng loại Asian Cup để giành quyền vào vòng chung kết giải vô địch châu Á, và từ đây, giấc mơ World Cup được mở ra, nếu Việt Nam nằm trong top 5 châu lục ở giải đấu tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương tháng 5 tới. Ngay trong tiêu chí hành động của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nhiệm kỳ VII, bóng đá nữ cũng được những vị lãnh đạo VFF nhắc tới rất nhiều trong các phát biểu hành động. Đó là cần phải đầu tư nhiều hơn cho bóng đá nữ!

Từ tài trợ dinh dưỡng đến tài trợ tập huấn

Sau khi có chủ trương, bóng đá nữ Việt Nam quả là đã được tập trung đầu tư hơn trước rất nhiều. Đó là những bản hợp đồng tài trợ từ dinh dưỡng (100.000 USD) cho đến việc tập huấn của đội tuyển (10 tỷ đồng/ năm), những vấn đề mà những thế hệ vàng trước từ Hiền Lương, Ngọc Mai, Phùng Thị Minh Nguyệt cho tới thế hệ Kim Chi, Văn Thị Thanh, Đào Thị Miện... khó lòng mơ tới.

Trưởng đoàn ĐT nữ Phan Anh Tú (thứ hai, bìa phải) từng bị "đánh" tơi tả. H.M.

Đúng là nhờ có "giấc mơ World Cup", các tuyển thủ nữ được quan tâm tới cả chế độ dinh dưỡng trong từng bữa ăn trong quá trình tập luyện, được bay thẳng tới địa điểm tập huấn và thi đấu quốc tế bằng những chuyến bay chất lượng cao thay vì phải vất vả transit nhiều chặng như trước đây. Một tín hiệu phấn khởi khác là các cầu thủ cũng được nâng lương khi tập trung đội tuyển, cho dù khoản tiền đó cũng chưa thấm vào đâu so với các đồng nghiệp nam, nhưng đó cũng là một sự động viên khích lệ lớn trong bối cảnh nền bóng đá và nền kinh tế của đất nước vẫn còn nhiều khó khăn.

Cần đầu tư cơ bản

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ không đề cập tới thành tích mà đội tuyển nữ quốc gia đã giành được trong quá khứ. Hãy nhìn từ khía cạnh những cô gái đá bóng có tầm vóc nhỏ bé, cơ bắp khiêm tốn mà các chuyên gia dinh dưỡng đã nhận định, quả đúng là họ cần có sự đầu tư cơ bản nhất từ kiến thức trong việc ăn uống để đảm bảo thể lực, từ đó mới nói tới chuyện nâng cao tầm vóc.  Số tuyển thủ được hưởng tài trợ chỉ vỏn vẹn hơn hai chục con người, vậy thì còn đó hàng trăm cầu thủ ở các câu lạc bộ, rồi các tuyến trẻ của các đội bóng nữ, họ cũng nên được hướng dẫn để có một quy trình dinh dưỡng hợp lý hơn.

Đội tuyển nữ quốc gia được tài trợ nhiều, đó đương nhiên là một tín hiệu vui. Nhưng đó chỉ là những khoản đầu tư ngắn hạn cho mục tiêu hướng tới vòng chung kết Asian Cup 2014 và có xa hơn là để đến được với World Cup 2015. Đừng quên nền tảng của một nền bóng đá mạnh phải bắt đầu từ một giải vô địch quốc gia. Muốn đi xa hơn bằng những bước đi vững chắc, hoặc muốn thực sự đặt mục tiêu hướng đến các kỳ World Cup sau thì bóng đá nữ Việt Nam cần những sự đầu tư thực sự căn bản!

Hãy giải phóng "áp lực" cho các cô gái

Ngày 11/4 vừa qua, sau khi nhận tin mừng về việc ĐT bóng đá nữ Việt Nam sẽ nhận được khoản đầu tư trong hai năm, với mức gần 10 tỷ đồng/năm từ một ngân hàng cỡ bự, thầy trò HLV Trần Vân Phát đã lên đường bắt đầu chuyến tập huấn trọng điểm tại Trung Quốc và Hàn Quốc. Theo HLV Trần Vân Phát thì tại đây, ĐT nữ Việt Nam sẽ đấu trận với CLB hàng đầu của hai nền bóng đá hàng đầu châu lục, và ông Phát khẳng định đó sẽ là những sự va chạm quý báu giúp các cầu thủ thực sự "lớn lên".

Thực tế, trước chuyến tập huấn này đã có những tranh luận không nhỏ giữa cá nhân ông Phát với bộ phận chuyên môn VFF, khi có ý kiến cho rằng thời tiết ở Trung Quốc, Hàn Quốc lúc này đang lạnh, và việc tập huấn ở một địa điểm lạnh không phù hợp là bất hợp lý, vì VCK Asian Cup năm nay sẽ diễn ra ở xứ nóng là Tp HCM. Tuy nhiên cuối cùng bộ phận chuyên môn của VFF cũng đồng ý với quan điểm của thầy Phát, và đang rất hy vọng chuyến tập huấn có ý nghĩa then chốt này sẽ giúp ĐT nữ Việt Nam được nâng tầm về chất lượng.

Để đứng được vị trí thứ 5 tại VCK Asian Cup vào tháng 5 tới đây, qua đó giành suất dự VCK World Cup nữ, ĐT nữ Việt Nam phải đứng thứ 3 ở bảng đấu của mình, sau đó phải giành chiến thắng trong trận đấu Play Off với đội đứng thứ 3 ở bảng còn lại. Nhiệm vụ thứ nhất khả năng sẽ được hoàn thành dễ dàng, vì chúng ta chỉ cần thắng đội nữ Jordan - đội mà chúng ta luôn giành chiến thắng. Nhưng nhiệm vụ thứ hai sẽ đầy khó khăn, thách thức, vì đối thủ trong trận Play Off này khả năng sẽ là Myanmar hoặc Thái Lan.

Ở SEA Games 27 vừa qua, ĐT nữ Việt Nam đã thắng Myanmar ở vòng bảng và thua Thái Lan ở chung kết. Ở trận thắng Myanmar, yếu tố may mắn đã ủng hộ chúng ta rất nhiều (cầu thủ đội bạn tự đưa bóng vào gôn nhà), còn ở trận thua Thái Lan, các cô gái Việt Nam đã bộc lộ sự thất thế trông thấy về mặt thể lực và vận hành chiến thuật. Để cạnh tranh với Việt Nam, ĐT nữ Thái Lan đã được đưa sang tập huấn tại Nhật Bản dài ngày, và nhiều cầu thủ Thái còn đang thi đấu ở giải vô địch quốc gia Nhật Bản, còn ĐT Myanmar cũng đang được dẫn dắt bởi một ông thầy Nhật Bản - người đến từ một trong những nền bóng đá nữ xuất sắc nhất thế giới hiện nay.

Khi chúng tôi đặt ra những vấn đề này cho HLV trưởng ĐT nữ Việt Nam Trần Vân Phát thì nhận được câu trả lời là: "Nếu đá đúng sức, lại gặp được chút ít may mắn, khả năng ĐT nữ Việt Nam vượt qua Thái Lan hoặc Myanmar là có thể". Tuy nhiên ông Phát nhấn đi nhấn lại đến một yếu tố có thể coi là bất lợi của ĐT nữ Việt Nam, đó chính là áp lực sân nhà. Và ông kết luận: "Các cầu thủ chỉ có thể vào trận với một thể trạng tốt nhất chừng nào áp lực sân nhà được giải phóng một cách cao nhất".

Mong là tất cả những vấn đề, từ chuyên môn đến tâm lý của các nữ tuyển thủ sẽ được thầy Phát "giải quyết thành công" trong chuyến tập huấn tại Trung Quốc và Hàn Quốc.

Ngọc Anh

Đừng "mượn gió bẻ măng"

Hậu SEA Games 27 vừa rồi, khi ĐT nữ được nhận toàn bộ số tiền dự kiến sẽ thưởng cho ĐT nam, và lần đầu tiên trong lịch sử các cô gái được nhận một khoản khổng lồ (trên dưới 3 tỷ đồng) thì đã có những dị nghị về chuyện chia tiền thưởng trong nội bộ ĐT. Cụ thể là một số tờ báo dẫn lời một số các tuyển thủ (giấu tên) bày tỏ bức xúc về việc ông trưởng đoàn Phan Anh Tú đã nhận mức thưởng loại B.

Chính từ những thông tin này mà nội bộ ĐT đã có ít nhiều ảnh hưởng, và không thể nói sự ảnh hưởng ấy không tạo ra những hiệu ứng tiêu cực trong quá trình ĐT tập trung, chuẩn bị cho mục tiêu World Cup.

Tuy nhiên những người sành hậu trường ĐT và hậu trường VFF đã nhanh chóng "ngửi" ra rằng đó có thể chính là một đòn đánh vào ông Phan Anh Tú - người khi đó đang có ý định ứng cử vào ghế PCT truyền thông VFF nhiệm kỳ VII. Những cú đánh mang nặng màu sắc cá nhân với mục tiêu "hạ bế cá nhân" trước thềm một cuộc bầu bán thường vẫn diễn ra với bóng đá Việt Nam.

Bây giờ, khi Nhiệm kỳ VII vừa mới thành hình, và vẫn có những đô chênh giữa người này người nọ, việc này việc nọ trong bộ máy Liên đoàn thì mong là người ta cũng không lấy ĐT nữ làm cái cớ để "mượn gió bẻ măng" như vậy nữa.

Hơn lúc nào hết, các cô gái cần được bình yên!.

Tuấn Thành

Vĩnh Thành
.
.
.