Vấn đề của ĐT U.23 Việt Nam trong năm 2013:

Chỉ tiêu SEA Games, lại chỉ tiêu…!

Thứ Sáu, 15/03/2013, 14:45

"Phải lọt vào chung kết SEA Games 27" - đó là chỉ tiêu mà Tổng cục TDTT đề ra với ĐT U.23 QG Việt Nam. Nói như một quan chức Tổng cục thì "phải vào chung kết SEA Games" là một cách nói nhẹ nhàng, bởi với thế và lực của BĐVN những năm qua, và với việc chúng ta chưa bao giờ vô địch SEA Games thì chỉ tiêu cho ĐT phải là: "Vô địch SEA Games" mới đúng. 

Chuyện "chỉ tiêu SEA Games" với BĐVN là cả một câu chuyện dài. Và điều lạ lùng, xót xa trong câu chuyện đó nằm ở chỗ: dường như cứ lúc nào chúng ta đặt chỉ tiêu cao nhất, và quyết tâm vô địch nhất thì chúng ta lại chết nghiêng ngả, tơi bời nhất. Tại sao?

Lời nguyền chỉ tiêu qua các kỳ SEA Games

SEA Games 22 (2003) là kỳ SEA Games mà lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam sắm vai chủ nhà. Với tư thế chủ nhà, kéo theo nhiều lợi thế khác về khán giả, sân bãi (và cả trọng tài), VFF giao chỉ tiêu phải đoạt HCV cho ĐT U.23 QG. Để thực hiện chỉ tiêu vàng, cựu thầy Alfred Reidl được mời lại (trước đó ông Reidl nắm ĐTVN từ năm 1998 đến năm 2000) và những chuyến tập huấn dài ngày ở châu Âu đã nhanh chóng được triển khai.

Nhưng ngay trước giờ khai mạc SEA Games, tại một giải đấu tập huấn có tên "JVC Cup", ĐT U.23 lại dính phải nghi án bán độ, và trung vệ chủ chốt Vũ Như Thành đã bị loại khỏi ĐT theo cái cách mà "người ta loại một con tốt thí, để cố giữ lại một bàn cờ" - nhận xét của một nhà báo lão làng khi ấy.

Không biết cái kiểu "loại tốt thí, giữ bàn cờ" có giúp ĐT lành mạnh hơn không, nhưng SEA Games ấy vẫn có những trận đấu mà ông Reidl không thể lý giải nổi bằng con mắt chuyên môn đơn thuần, mà điển hình nhất là trận bán kết thắng U.23 Malaysia  4-3. Một trận đấu mà thủ thành Malaysia từ gôn mình phát thẳng bóng vào gôn Thế Anh, khiến các thành viên ĐT sau đó nghi kỵ, cãi vã nhau trong phòng thay đồ. Sống sót sau "trận bán kết khó hiểu" với Malaysia, U.23 Việt Nam vào chung kết với Thái Lan nhưng rốt cuộc không qua nổi đèo Thái được đánh giá là vừa mạnh hơn vừa sạch sẽ hơn. 

Sang đến SEA Games 23 trên đất Philipines thì chỉ tiêu vô địch SEA Games lại được đặt ra. Và lần này, ngoài những chuẩn bị chu đáo về chuyên môn, cả một kế hoạch "kiếm tiền cho ĐT" cũng được ông tân PCT tài chính VFF Lê Hùng Dũng vạch ra. Cái kế hoạch mà với nó, ông Dũng tự tin tuyên bố: "Nếu vô địch SEA Games, ĐT sẽ được thưởng tới 6 tỷ đồng".

Ông Dũng và các quan chức VFF tin rằng với việc ra một mức thưởng kỷ lục, các cầu thủ sẽ không dính vào "những trận đấu kiếm tiền" vốn ám ảnh các quan chức BĐVN hàng chục năm qua. Nhưng rốt cuộc thì kiểu treo tiền lịch sử cũng không cứu nổi căn bệnh mạn tính của cả một nền bóng đá: SEA Games 23, ít ai ngờ lại là kỳ SEA Games mà 7 tội đồ rủ nhau "làm độ", để rồi sau đó bóng đá Việt Nam thất điên bát đảo với một vụ án chưa từng có trong lịch sử.

Sang đến SEA Games 24, 25, rồi 26, khi ĐT U.23 lần lượt được dẫn dắt bởi Riedl, Calisto, Falko Goetz thì chỉ tiêu "phải vô địch" không xuất hiện nữa, mà thay vào đó là chỉ tiêu "phải vào chung kết". Rốt cuộc thì SEA Games 24, 26, với một phong độ tệ hại, thua xa đối thủ, ĐT U.23  gãy nặng ở bán kết, chỉ riêng SEA Games 25 là có thể vào chung kết  - và  đấy là trận chung kết mà cả ĐNA nghĩ rằng BĐVN chắc thắng. Lý do nằm ở chỗ, đối thủ trong trận chung kết - U.23 Malaysia đã từng bị chúng ta hạ dễ đến 3-1 ở vòng bảng, và nếu đặt từng con người, từng vị trí lên bàn cân thì Malaysia khi ấy không thể sánh nổi với Việt Nam. Ấy thế mà trận chung kết tưởng như nắm chắc chiến thắng lại là một trận chung kết "ngựa về ngược" với một cú đá phản lưới nhà của hậu vệ Mai Xuân Hợp.

Sau này thì chính người thầy ruột của Mai Xuân Hợp - cựu HLV Thanh Hoá Trần Văn Phúc cũng phải thốt lên: "Đấy là một cú đá phản không thể nào tin nổi". Bằng con mắt của một nhà chuyên môn lão luyện - con mắt của một người đã từng "thức đêm nên biết đêm dài lắm mộng…", ông Phúc không ngại ngần chỉ ra: "Chúng ta không thua ở chuyên môn, mà thua ở những cái ngoài chuyên môn!".

Dài dòng về những kỳ SEA Games đã qua, và những "mục tiêu SEA Games"được đặt ra là để rút ra một kết luận: Cứ khi nào chúng ta mơ mộng nhiều nhất thì khi ấy chúng ta lại chết một cách khó hiểu, khôn lường nhất. Trong một cuộc trao đổi mang tính "trà dư tửu hậu" với người viết, PCT VFF Nguyễn Lân Trung rất chia sẻ điều này, thậm chí còn nói theo kiểu vui vẻ rằng: "Có khi không giao chỉ tiêu vô địch hay vào chung kết SEA Games thì chúng ta mới có thể vô địch SEA Games cũng chưa biết chừng!"  

Cơ sở nào cho chỉ tiêu chung kết?

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì thời gian vừa qua, những nhà chuyên môn VFF, trong đó có TTK Ngô Lê Bằng thoạt tiên chỉ đặt chỉ tiêu "phải vào chung kết" cho ĐT U.23 ở SEA Games 27. Nhưng cái chỉ tiêu "phải vào chung kết" đã nhanh chóng bị Tổng cục TDTT "tuýt còi" với lý do: một chỉ tiêu như thế khó có thể tạo động lực và phát huy tinh thần chiến đấu của các cầu thủ. Với quan điểm chỉ đạo của Tổng cục thì chỉ tiêu "phải vào bán kết" sau đó nhanh chóng được nâng thành "phải vào chung kết". Thậm chí nhiều quan chức Tổng cục còn tin rằng "phải vào chung kết" chỉ là một cách nói nhẹ nhàng, chứ trên thực tế ĐT U.23 phải phấn đấu đoạt ngôi cao nhất. Câu hỏi đặt ra: Từ những cơ sở nào mà chúng ta lại nghĩ ĐT U.23 có thể vào chung kết, thậm chí, có thể vô địch SEA Games 27?

Vì chúng ta đang sở hữu một ĐT U.23 thực sự mạnh mẽ chăng? Cho đến lúc này hình bóng của ĐT U.23 QG vẫn chỉ là những gì mà ĐT U.22 QG dưới trào HLV Hoàng Văn Phúc thể hiện ở BTV Cup Bình Dương cuối năm 2012. Giải đấu mà U.22 đã lọt vào chung kết, và sau đó được ông PCT VFF Lê Hùng Dũng khen ngợi hết lời. Trong một cuộc trả lời báo chí, ông Dũng từng say sưa kể về những cầu thủ U.22 dám mạnh dạn đi bóng, đột phá vào hàng thủ đối phương mà theo đánh giá của ông thì "ngay cả những cầu thủ của ĐTQG cũng chưa chắc đã làm được".

Rồi ông còn có ý tưởng  đưa ĐT U.22 đá V.League để trui rèn sức mạnh và có thể trở thành một đội bóng chiến thắng tại trận địa SEA Games 27. Nhưng nên nhớ rằng hình ảnh sơ khai của một đội bóng tại một giải đấu mang nặng tính giao hữu chỉ có ý nghĩa tham khảo không hơn không kém. Đến thời điểm hiện tại, khi mà đội bóng ấy còn chưa được tập hợp trở lại, thậm chí khi HLV trưởng của nó còn chưa được xác tín, sẽ là ảo tưởng nếu tin rằng U.23 Việt Nam sẽ là một đội bóng nổi trội ở SEA Games.

Vậy thì vì đối thủ của chúng ta ở SEA Games tới không còn mạnh mẽ như trước nữa chăng? Lầm to! Sau thất bại tại AFF Suzuki Cup 2012 trong tư thế của một trong hai nước đồng chủ nhà, Thái Lan đang dồn quyết tâm vô địch SEA Games và sớm giao ĐT U.23 Thái cho ngôi sao Kiatisak. Ở Indoneisa, Philipines và Singapore - những động thái tương tự cũng đã diễn ra, có nghĩa một ĐT U.23 cụ thể, với một ông HLV trưởng cụ thể đã sớm được định hình. Nó khác và khác rất nhiều với một ĐT U.23 vẫn còn nằm ở thì tương lai, và một ông HLV trưởng vẫn mù mờ, chưa xác tín của bóng đá Việt Nam lúc này.

Riêng ĐT U.23 Myanmar - ĐT chủ nhà của kỳ SEA Games 27 thậm chí đã được thành lập từ cuối năm 2012, và đã từng thay thế ĐTQG Myanmar đá AFF Suzuki Cup 2012. Cứ nhìn cái cách những cầu thủ trẻ Myanmar đá khai mạc AFF Cup 2012 với ĐTQG Việt Nam (chứ không phải U.23 Việt Nam), và xác lập tỉ số hoà 1-1 ở thế trên chân là đủ thấy đội bóng này mạnh mẽ, giàu tiềm lực nhường nào.

Không rõ ràng về sức mạnh của mình, cũng không chứng minh được các đối thủ của mình đi xuống (nếu không muốn nói là có chiều hướng đi lên), thế mà BĐVN vẫn đặt chỉ tiêu "phải lọt vào chung kết SEA Games" thì đúng là lạ thật. Chỉ tiêu ấy vừa tạo những áp lực không cần thiết lên các cầu thủ "trẻ người non dạ", vừa phảng phất màu sắc của căn bệnh "duy ý chí", không tôn trọng "hiện thực khách quan".

Những kỳ SEA Games trước đây, khi ĐT U.23 Việt Nam thực sự mạnh mẽ, và khi chúng ta đủ niềm tin đặt "chỉ tiêu vào chung kết" thì chúng ta đều thất bại một cách kỳ lạ. Còn bây giờ, khi nội lực cả một nền bóng đá (chứ không riêng gì ĐT U.23 QG) đang đi xuống, khi mà niềm tin đang trở nên mông lung, xa xỉ hơn bao giờ hết thì không hiểu sao chúng ta lại đặt một chỉ tiêu rất, rất quá sức mình.

Hay việc đặt chỉ tiêu cao cũng chính là một cách để những người ra chỉ tiêu gồng lên, cố lấy lại niềm tin sau khi đã đánh mất niềm tin vào chính bản thân mình?!

"Bóng đá - Những góc khuất bí ẩn…"

Đó là tên một trong không nhiều cuốn sách về bóng đá mới được phát hành của nhà báo Lê Thành Trung, người vẫn được biết đến với những bài bình luận bóng đá giàu tính văn học với bút danh "L Trung" trên báo Bóng Đá. Đọc cuốn sách này, người yêu bóng đá sẽ biết tới những câu chuyện kỳ lạ, ít người biết, từ việc đã có những đội bóng sơ khai ở nước Anh bị "xử tội" về việc "dám" trả lương cho cầu thủ của mình, tới việc những nhà độc tài chính trị đã kiểm soát, thâu tóm bóng đá bằng những biện pháp hãi hùng, không tưởng nhất.

Nhận xét về cuốn sách, nhà báo cựu trào Vũ Công Lập cho biết: "Lê Thành Trung muốn đến với bóng đá, muốn hiểu bóng đá trên tinh thần và phương pháp nghiên cứu. Niềm khao khát này đã tạo ra chất lượng cuốn sách, khiến chúng ta có thể đọc một cuốn sách dầy mà không thấy chán, thậm chí có thể đọc mê mải một mạch. Bạn sẽ biết rằng, ngay từ năm 1944, doanh thu từ các trận đấu bóng đá đã được bàn giao cho ANC.

Cho nên, khi 100.000 khán giả vào sân thì họ không chỉ đi xem bóng đá, mà họ đang nộp tiền cho tổ chức cách mạnh của mình. Bạn cũng sẽ biết rằng, bóng đá chính là nơi đầu tiên mà người da mầu và người da trắng đã tay xiết chặt tay nhau, thể hiện tình đoàn kết trong một cuộc chiến đấu chung. Và bạn lại biết thêm, trên hòn đảo bị giam giữ, Mandela, Zuma và các đồng đội đã tiến hành một cuộc đấu tranh bóng đá, với nhận xét rằng, điều hành giải bóng đá trong điều kiện cực kỳ gian khổ đó cũng là sự luyện tập cho quá trình điều hành đất nước sau này…".

Người yêu bóng đá có thể tìm mua cuốn sách tại các hiệu sách trên toàn quốc.

Phan Đăng
.
.
.