Arsenal Manchester United:

Chiếc bánh pizza sau… 10 năm

Thứ Ba, 16/12/2014, 15:04
Mỗi giai đoạn, trận chiến giữa Arsenal và Man Utd đều có những cảm xúc khác nhau, nhưng điểm chung duy nhất giữa họ vẫn là mối thù đã trở thành truyền thống. Cuối tuần này, màn tỷ thí từng được coi là kinh điển của nước Anh sẽ tái hiện và ở đó câu chuyện về chiếc bánh pizza được nhắc lại sau đúng 10 năm.

1. Ngày 24/10/2004, Man Utd tiếp đón Arsenal trên sân nhà Old Trafford. Đó được coi là một trong những trận đấu đáng nhớ nhất trong lịch sử giải Ngoại hạng Anh. Man Utd khi đó đã đánh bại Arsenal 2-0, trong một cuộc đấu căng thẳng. Và như một định mệnh nào đó, Man Utd chính là CLB cắt đứt chuỗi 49 trận bất bại của Arsenal. Thế nhưng, trận đấu này không chỉ đánh dấu cột mốc ấy, mà còn được nhắc đến với "vụ án chiếc bánh pizza" trong đường hầm dẫn ra sân. Báo chí Anh còn gọi, đây là "trận đấu buffet".

"Mọi con mắt quay lại, những cái miệng há hốc. Những lát bánh pizza rơi từ trên đầu, xuống mặt, rơi rớt xuống bộ quần áo đen đẹp đẽ. Vụn bánh và thức ăn dính khắp cổ áo, chảy xuống người ông ấy. Tôi thấy Ferguson như sắp nổ tung. Ông ấy giận dữ đi vào phòng thay đồ. Những tiếng ồ rộ lên, nhưng chúng tôi phải cố nén cười vì hình ảnh lúc ấy".

Trong cuốn tự truyện của mình, Asley Cole (năm 2004 đang khoác áo Arsenal), đã tả lại hình ảnh đầu tiên trong đường hầm dẫn ra sân, sau khi kết thúc trận đấu lịch sử năm ấy. HLV trưởng của Man Utd là ông Alex Ferguson chính là nạn nhân, hứng miếng bánh pizza. Mặt ông cau lại, rồi biến sắc. Bộ quần áo bị vấy bẩn bởi mùi thức ăn. Ferguson lảo đảo vào phòng thay đồ, lau rửa lại những vết bẩn trên áo, và miệng không ngớt lầm bầm những lời tục tĩu.

Vì sự kiện xảy ra trong đường hầm, khi đó báo chí xuất hiện ở đó vẫn còn rất hạn chế, nên những báo lá cải tại Anh ngày đó còn "thổi" câu chuyện này lên một mức độ cao hơn. Họ nói rằng, cùng với những miếng bánh pizza bay về phía các cầu thủ Man Utd và HLV Ferguson, còn có cả caffe, súp đậu, súp cà chua. Nhưng thực tế, chỉ có những miếng pizza, món ăn nhẹ chuẩn bị cho đội khách dùng trước và sau khi trận đấu kết thúc.

Quãng thời gian đầu những năm 2000 là lúc hai đội bóng Arsenal và Man Utd có sự kình địch ác liệt nhất, khi gần như chỉ có họ là đối tượng cạnh tranh đến quyền trượng thống trị bóng đá Anh, khi cả hai thay nhau giành 9 danh hiệu vô địch giải Ngoại hạng Anh. Ngoài ra, sự kình địch còn được đẩy lên với mối quan hệ luôn xung khắc mạnh mẽ giữa hai HLV Ferguson và Wenger. Sự kiện này tạo nên một làn sóng phản ứng dữ dội không chỉ từ những CĐV Man Utd mà còn đến từ chính HLV Ferguson, người được coi là đã kích động để xảy ra sự việc này.

2. Trước khi chiếc pizza bay, báo chí Anh nói rằng, sau những phàn nàn của tiền đạo van Nistelrooy về cách chơi bạo lực của Arsenal, đã khiến Ferguson điên tiết, ông lao vào Wenger tranh cãi kịch liệt, và kết quả là miếng pizza đã bay. Cũng cần phải nói thêm rằng, cũng có một điều khiến Ferguson tức tối là cách hành xử của hậu vệ Sol Campbell bên phía Arsenal. Anh này đã từ chối bắt tay Wayne Rooney, người ghi bàn ấn định chiến thắng 2-0 cho Man Utd, sau khi trận đấu kết thúc.

Khi trận tái đấu giữa họ diễn ra vào tháng 1/2005, Ferguson đã lên tiếng trong cuộc họp báo trước trận: "Họ là những kẻ giết người. Những gì cầu thủ Arsenal đã làm là điều tồi tệ nhất mà tôi từng thấy trong thể thao". Tuy nhiên, giải thích cho sự kiện này, hậu vệ Phill Neville của Man Utd nói rằng: "Đó là sự tích tụ của những hận thù đến từ trận đấu năm 2003" (một trận đấu đầy bạo lực, kết thúc với tỷ số 0-0). Thế nhưng, phía Arsenal cũng phản pháo lại rằng, chính họ mới là những người bị chơi xấu trong trận đấu tại Old Trafford ngày 24/10/2004. Đã thua cuộc, không thể có trận bất bại thứ 50, lại bị đá xấu suốt cả trận, nên chiếc pizza… mới bay.

“Vụ án” chiếc bánh pizza và những người liên quan.

Vậy ai là thủ phạm của miếng pizza ấy? Sau những cuộc điều tra của báo chí, và đích thân một cầu thủ Arsenal tiết lộ sau này, thủ phạm chính là tiền vệ Cesc Fabregas. Nhưng có vẻ như ai là người ném bánh chẳng còn quan trọng với Ferguson, vì ông đã dựa vào đó để cáo buộc Arsenal là đội bóng "bẩn", mà không quan tâm ai là người ném bánh vào ông. "Bánh pizza là món ăn luôn có trên bàn ăn của các đội bóng đến thi đấu ở Old Trafford. Và tôi dám khẳng định, bàn ăn của Arsenal luôn đặc biệt và tốt nhất. Fabregas đã ném bánh vào tôi ư? Tôi không có ý muốn biết thủ phạm là ai".

Thực tế có thể miếng bánh không định hướng vào Ferguson, như Neville thừa nhận: "Đường hầm nhỏ hẹp, chiếc bánh có thể bay vào bất cứ ai". Sự thật chỉ có thể, Fabregas không bao giờ khai nhận hành vi, cũng chẳng có ai chứng thực miếng bánh pizza ấy có chủ đích bay vào Ferguson hay không. Nhưng có một sự thật là cuộc chiến Arsenal-Man Utd trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Nó tạo ra một sự phân cách, một sự thù hận thực sự giữa hai đội bóng và giữa các CĐV của họ.

Sau khi trận đấu kết thúc, Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) đã triệu tập hai đội bóng trong một cuộc họp kéo dài như để dàn hòa. Ở đó, tiền đạo van Nistelrooy bị phạt nguội do có hành vi vào bóng ác ý với Asley Cole, với án treo giò 3 trận và nộp phạt 15.000 bảng. Tổng cộng số tiền nộp phạt của hai đội sau trận đấu đó lên đến 275.000 bảng. Mục đích cuối cùng của FA là tuyên bố chấm dứt mọi hoạt động hai đội có thể chống lại nhau, tránh lặp lại những chuyện không hay như vậy.

3.Mặc dù đã nhận được cảnh báo từ FA, nhưng mối quan hệ giữa hai đội nói chung và cá nhân Ferguson với Wenger nói riêng vẫn tiếp tục xấu đi. Họ gần như chỉ công kích, nói xấu nhau chứ chưa bao giờ có dấu hiệu làm hòa. Thậm chí, những trận đấu sau đó giữa Arsenal và Man Utd vẫn liên tục xảy ra xô xát, trong đó những cuộc chiến thực sự giữa Roy Keane (đội trưởng Man Utd) và Patrick Vieira (đội trưởng Arsenal) là ví dụ tiêu biểu cho hận thù giữa hai đội. Nhiều lần, chính Roy Keane đã khẳng định: Arsenal là đối thủ đáng ghét và tạo nên sự "căm phẫn" đặc biệt với Man Utd, và Vieira chính là kẻ mà anh muốn "đấm vào mặt" mỗi khi gặp nhau.

Van Persie, đội Arsenal bị Wenger bán sang Man Utd lúc 29 tuổi.

Nguyên nhân của mối quan hệ căng thẳng bắt đầu ở Premier League, và nó bất ngờ được hóa giải phần nào trong trận đấu ở Champions League. Mùa giải 2008/2009, Arsenal đụng độ Man Utd ở bán kết Champions League. Sau trận đấu lượt về ở SVĐ Emirates diễn ra ngày 6/5/2009, Arsenal thua 1/3 (thất bại chung cuộc với tổng tỷ số sau 2 trận là 1-4), HLV Wenger đã bất ngờ tiến đến phía Ferguson và mời ông vào phòng làm việc của mình. Ở đó, Wenger đã chúc mừng Ferguson và hy vọng Man Utd sẽ giành chiến thắng ở trận chung kết.

Cuộc gặp gỡ đó đã phần nào làm giảm sức nóng trong mối quan hệ căng thẳng kéo dài giữa hai HLV và hai đội bóng. Cũng chỉ 10 ngày sau, tức là ngày 16/5/2009, Man Utd lại đón tiếp Arsenal tại Old Trafford trong khuôn khổ Premier League. Khi ấy, lần đầu tiên sau nhiều năm, người ta lại thấy Ferguson bắt tay Wenger thân mật. Tất cả đều không hiểu lí do tại sao lại có sự thân mật ấy. Mãi về sau này, khi câu chuyện Ferguson được Wenger mời vào phòng mới được tiết lộ.

Trận đấu Arsenal - Man Utd luôn rất nóng bỏng.

Trở lại câu chuyện về miếng bánh pizza. Việc xác minh thủ phạm đã bế tắc suốt từ ngày xảy ra chuyện đến tận năm 2011, tức là 7 năm sau. Trong một cuộc phỏng vấn trên đài BBC, cựu cầu thủ của Arsenal tham dự trận đấu ngày đó là Martin Keown đã khẳng định, người ném miếng pizza vào Ferguson là tiền vệ Cesc Fabregas. Cho đến nay Fabregas vẫn chưa có phản ứng nào, nhưng câu chuyện về miếng bánh pizza ngày ấy lại càng được bổ sung thêm những chi tiết khiến nó trở thành "huyền thoại" trong lịch sử giải Ngoại hạng Anh.

Ti sao Arsenal bán van Persie cho Man Utd?

Wenger là "tín đồ" của HLV Peter Taylor và Brian Clough, những người cực kì thành công về chuyển nhượng cùng Nottingham Forest thập kỉ 80, với những thương vụ siêu hạng, trong đó nổi bật là vụ mua Roy Keane 80.000 USD (1990), bán 5,6 triệu USD (1993). Họ đã viết 1 cuốn sách tự truyện, trong đó có kể về cách chuyển nhượng làm sao có lợi nhuận cao nhất, các mẹo bán cầu thủ. Cuốn sách có tên "With Clough by Taylor". Wenger vốn tốt nghiệp ĐH khoa học kinh tế ở Strasbourg nên thích lắm, ông nghiên cứu cuốn sách này rất kĩ và nó giúp ông có một chu kì chuyển nhượng siêu thành công. Cuốn sách nói: Đã nghiên cứu và khẳng định: hãy bán ngay ngôi sao khi họ chuẩn bị chạm ngưỡng 30 tuổi.

Có lẽ Wenger là một trong những HLV đầu tiên sử dụng số liệu thống kê để đánh giá các cầu thủ, nên ông phát hiện sớm những cầu thủ lớn tuổi có dấu hiệu đỉnh cao và sẽ đi xuống. Đầu tiên là Dennis Bergkamp, khi anh ở tuổi 30, Wenger bắt đầu dùng cầu thủ này trên ghế dự bị và được thay vào sân. Bergkamp đã phàn nàn và Wenger đã đưa ra các chỉ số ông thống kê được trong 1 năm trước đó. Nó cho thấy hiệu suất của anh đang giảm dần, và những trận Bergkamp đá dưới 60 phút có hiệu suất cao hơn. Từ phút 70, Bergkamp chạy ít hơn, tốc độ giảm. Thực tế, từ sau 30 tuổi, chỉ có 1 mùa Bergkamp được dùng trên 30 trận/mùa, tối đa mỗi mùa Bergkamp đá chính cả trận không quá 12 trận. Vì thế, Wenger luôn bán cầu thủ khi họ chuẩn bị đến 30 tuổi, dù họ có đang ở giai đoạn hay nhất:

Ông đã bán Patrick Vieira ở tuổi 29 (25 triệu USD), Thierry Henry (29 tuổi) thu về 30 triệu USD, Emmanuel Petit lúc 29 tuổi thu được 10.5 triệu USD, và Marc Overmars bán lúc 28 tuổi, bỏ túi 37 triệu USD. Sagna bán lúc vừa qua 30 tuổi được vài tháng cho Man City. Thomas Vermaelen bị bán sang Barca vừa rồi cũng 29 tuổi. Van Persie, lạ chưa cũng bán sang MU lúc 29 tuổi với giá 30 triệu USD. Như vậy, 4/5 đội trưởng gần đây của Arsenal bị bán đi lúc đều 29 tuổi gồm: Vieira, Henry, van Persie, Vermaelen. Trừ mỗi Fabregas.

Và đó là lí do Arsenal bán van Persie khi 29 tuổi cho Man Utd.

Lê Giang
.
.
.