Đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng:

Chờ một hình hài ấn tượng

Thứ Tư, 24/02/2016, 21:30
Chỉ cần chờ cái gật đầu cuối cùng của Tổng cục TDTT là chắc chắn HLV Nguyễn Hữu Thắng sẽ ngồi lên ghế thuyền trưởng ĐT Việt Nam, thay cho cựu thầy Toshiya Miura. Với Hữu Thắng, ĐT Việt Nam sẽ có một diện mạo, một hình sắc như thế nào? Chuyên đề CSTC đánh giá cả mặt thuận lẫn mặt chưa thuận (dự kiến) của vị tân vương này.


Thuận...

Đầu tiên, chắc chắn là so với ông Miura, HLV Hữu Thắng sẽ thuận lợi hơn nhiều trong việc nắm bắt sở trường, sở đoản của cầu thủ Việt Nam, cùng tâm tư tình cảm của các cầu thủ trong từng bối cảnh khác nhau. Theo lời kể của nhiều tuyển thủ từng làm việc dưới trướng Miura thì ở ngoài sân cỏ nhà cầm quân người Nhật cũng là một người tình cảm, quan tâm đến các học trò, nhưng dẫu sao ông vẫn là một HLV ngoại quốc, nên vẫn có những quyết định không thật phù hợp với mong muốn của các học trò. Ở đây, phải nhấn mạnh là mong muốn tích cực, hợp lý, chứ không phải kiểu mong muốn của những "ông trời con".

Đơn cử như việc các cầu thủ muốn và rất muốn được tập luyện với một khối lượng vừa phải, phù hợp với sức chịu đựng của mình thì HLV Miura trước sau như một, luôn trung thành với những bài tập nặng, vì tin rằng "chỉ có như thế mới cải thiện được điểm yếu thể lực của cầu thủ Việt Nam". Hậu quả là hàng loạt cầu thủ chấn thương, và khi bước vào các giải đấu chính thức, chúng ta luôn mất người một cách không đáng có vì những lý do này.

Hay như việc các cầu thủ muốn đá bóng ngắn, phối hợp nhỏ - lối chơi đã được định hình từ thời Calisto, và thực tiễn cho thấy nó là một lối chơi hiệu quả thì ông Miura lại "ép" vào ĐT một thứ bóng dài, bóng bổng, và hậu quả là càng đá đội bóng càng lạc lối. Với một ông thầy người Việt Nam như Nguyễn Hữu Thắng, chắc chắn những chuyện như thế này sẽ không xảy ra.

Những HLV người Việt Nam gần đây của ĐTQG như Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc đều thất bại, và đều phải ra đi chỉ sau một giải đấu ở khu vực Đông Nam Á. Có một điểm chung giữa hai con người này, đó là họ đều thuộc mẫu HLV hiền hoà, giàu tình cảm, và ở các CLB của mình, họ luôn được các học trò vì quý mến mà...  chiến đấu hết mình. Những Hữu Thắng lại là một tuýp người - tuýp HLV khác hẳn.

Ở Hữu Thắng, người ta nhìn rõ phong cách của một "đại ca", và rất nhiều các cầu thủ Sông Lam Nghệ An trước đây vừa nể vừa sợ cái chất "đại ca" ấy. Sau thất bại của HLV Hoàng Văn Phúc, chính một quan chức VFF từng thổ lộ với người viết: "Có lẽ, chúng ta chỉ thành công với những HLV tinh quái, và có uy với các học trò", vậy thì Hữu Thắng (cùng với Lê Huỳnh Đức - người đang làm HLV trưởng SHB.Đà Nẵng) chính là một HLV, một sự chọn lựa như thế. 

Bóng đá Việt Nam hiện tại đang chứng kiến hàng loạt cầu thủ tài năng người Nghệ An trải đều các CLB từ Nam ra Bắc. Đó có thể là những cái tên đã khẳng định được tên tuổi của mình như Lê Công Vinh, Nguyễn Trọng Hoàng, có thể là những cái tên mới nổi trong vài năm trở lại đây như Hoàng Văn Bình, Ngô Hoàng Thịnh, hoặc cũng có thể là những cái tên trẻ, chỉ vừa quá tuổi dự SEA Games vào năm ngoái như Quế Ngọc Hải, Nguyễn Mạnh Hùng...

Theo đánh giá của giới chuyên môn, một ĐTQG với những cầu thủ Nghệ An làm nòng cốt là điều rất khả thi vào lúc này. Nếu Hội đồng HLV Quốc gia cũng đồng tình với nhận định này thì việc HLV trưởng ĐT là một người như Nguyễn Hữu Thắng chắc chắn là một sự chọn lựa tối ưu.

Cuối cùng, quan trọng nhất, HLV Hữu Thắng là một người có khả năng chịu áp lực rất cao. Năm 2009, Hữu Thắng từng chấp nhận về Hà Nội T&T để giải cứu đội bóng khỏi nguy cơ xuống hạng, bất chấp việc kết thúc lượt đi mùa giải ấy Hà Nội T&T đang đứng bét bảng, và lịch sử V.League chứng minh: đội nào đứng bét bảng sau lượt đi, đội đó trước sau cũng gật đầu xuống hạng.

Kết quả, Hà Nội T&T không những trở thành đội bóng đầu tiên phá được lời nguyền này để trụ hạng ấn tượng, mà còn kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 4. Không nhiều HLV có thể chịu áp lực và đưa một con tàu đang dần đắm cập bến an toàn như thế. Thời ĐTQG còn được dẫn dắt bởi các HLV Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, không khó thấy nhiều thời điểm cả hai vị này đều thể hiện một bộ mặt run rẩy trước áp lực, và đấy được cho là điều tối kỵ trong nghề HLV.

Và chưa thuận

Từ khi còn là một cầu thủ đến khi trở thành một HLV, Hữu Thắng điển hình cho một phong cách mạnh mẽ, sắt thép. Là cầu thủ, đá ở vị trí trung vệ, Hữu Thắng nổi tiếng với những pha băng cắt, xoài người phá bóng từ chân hậu vệ đối phương. Hữu Thắng cũng là một trong những trung vệ có thể "dằn mặt" đối phương một cách hiệu quả nhất trong thời đại của mình. Chính vì vậy, từ cả màu áo Sông Lam Nghệ An đến màu áo ĐT Việt Nam, Hữu Thắng từng phải nhận khá nhiều thẻ vàng, thẻ đỏ, trong đó có những thẻ đỏ mà vì nó, kịch bản trận đấu đã quay sang hướng khác.

Còn trên cương vị HLV, Hữu Thắng luôn thổi vào các đội bóng của mình một tư tưởng "bóng đá đàn ông", và mặc dù luôn giải thích "bóng đá đàn ông" không đồng nghĩa với đá láo, đá ẩu, nhưng thực tế ai cũng hiểu biên giới giữa hai khái niệm này là rất mong manh. Thế mới có chuyện, từng có một học trò của Hữu Thắng (là Trần Đình Đồng) đá gãy chân đối thủ, và sau đó, khi Đình Đồng bị Ban Kỷ luật VFF đình chỉ thi đấu tới hết mùa thì Hữu Thắng đã nhất quyết không đồng tình.

Dưới thời Hữu Thắng, không loại trừ khả năng ĐT Việt Nam sẽ bị nhận thẻ nhiều hơn, và gây chấn thương cho đối thủ nhiều hơn. Dĩ nhiên, đây chỉ là một nhận định, còn thực tế, từ cấp độ CLB đến cấp độ ĐTQG - nơi được cho là một bộ mặt lớn của một nền bóng đá là hai câu chuyện khác nhau, và chắc chắn Hữu Thắng hiểu rõ sự khác biệt này.

Có một chi tiết mà không nhiều người biết đó là ngay sau khi HLV Phan Thanh Hùng ra đi (sau AFF Suzuki Cup 2012), cùng với Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng đã được nhìn nhận là 2 ƯCV hàng đầu. Tuy nhiên theo ông Ngô Lê Bằng -  Tổng thư ký VFF thời điểm ấy thì: "Chúng tôi nghĩ phương án Hữu Thắng hơi nhạy cảm. Vì trong quá khứ, Hữu Thắng đã vướng phải chuyện nọ chuyện kia. Chúng tôi sợ, khi ĐT thắng thì không sao, chứ thua thì không tránh khỏi những dị nghị này nọ, trong đó có những dị nghị không hay".

Lần này, trước khi quyết định chọn Hữu Thắng, chắc chắn dàn lãnh đạo VFF cũng đã cân nhắc yếu tố này một cách kỹ lưỡng. Vậy thì tại sao cuối cùng họ vẫn chọn? Có thể, VFF tin rằng thời gian giống như một liều thần dược khiến mọi vết thương đã được chữa lành. Vậy thì hãy cùng hy vọng đấy là một suy nghĩ chính xác ở một bối cảnh mà những yếu tố phức tạp trong nền bóng đá vẫn chưa hề tiêu tan.

Hy vọng, dưới thời của Nguyễn Hữu Thắng, ĐTQG sẽ thể hiện một hình hài ấn tượng ở sân chơi AFF Suzuki Cup vào cuối năm.

Phải từ chức, nếu...

Trên một tờ báo, bầu Đức tuyên bố rằng khi gặp gỡ với Nguyễn Hữu Thắng, ông đã nói rõ một điều kiện: có thể ĐT Việt Nam cuối năm nay không vô địch AFF Suzuki Cup nhưng ĐT U.22 năm tới thì nhất định phải vô địch SEA Games. Nếu không vô địch, HLV Hữu Thắng nên từ chức, và dàn lãnh đạo VFF, từ chủ tịch đến các phó chủ tịch cũng nên đồng loạt từ chức luôn.

Nghe những phát biểu này, một đồng nghiệp của tôi lật ngược vấn đề: Ô hay, bóng đá có thắng, có thua, và sự thắng - thua đôi khi phụ thuộc vào may rủi, tại sao lại chỉ từ những thắng thua nhất thời mà phải từ chức hàng loạt nhỉ? Một đồng nghiệp khác phân tích: Nếu từ chức ở VFF, bầu Đức còn có cả một hậu phương Hoàng Anh để trở về, và khỏi nói ai cũng biết, đấy mới là nơi làm nên thương hiệu của ông, chứ với một vài quan chức VFF lúc này, nếu từ chức thì đào đâu ra một "hậu phương sáng láng" để trở về theo dạng ấy.

Những suy nghĩ này có lý không? Có lý! Nhưng còn một cái lý lớn hơn phải nghĩ đến: những năm dài vừa qua, nếu bộ máy VFF làm việc nghiêm túc, các ĐTQG dưới sự lèo lái của VFF hoạt động trơn tru thì chẳng nói làm gì. Đằng này bao nhiêu kỳ SEA Games trôi qua, bao nhiêu cơ hội vô địch xuất hiện, bao nhiêu lần các quan VFF đao to búa lớn, nhưng tính đến lúc này chức vô địch SEA Games vẫn chỉ là một giấc mơ.

Và sau cứ mỗi lần hy vọng rồi lại tiếc nuối, tưởng ngôi vô địch là sự thực nhưng hoá ra vẫn chỉ là mơ gần như chỉ có ông HLV trưởng ĐTQG phải chịu trách nhiệm, chứ các quan VFF vẫn không ảnh hưởng nghiêm trọng gì. Cá biệt, sau thất bại tại SEA Games năm 2011 trên đất Indonesia, khi sức ép từ Tổng cục TDTT và dư luận là quá khủng khiếp thì ông Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn đã bị buộc phải từ chức, nhưng thứ nhất, phải nhắc lại: đấy chỉ là lần liên đới trách nhiệm hiếm hoi, cá biệt. Và thứ hai, từ chức rồi, ông Tuấn quay về Tổng cục TDTT làm việc, và sau này lại trở về VFF với một vị thế oách hơn, đường bề hơn.

Người xưa nói, "muốn có công phi thường, phải có quyết phi thường". Trong bối cảnh nền bóng đá èo uột và cơ quan điều hành nền bóng đá càng lúc càng có biểu hiện rối loạn, mất phương hướng thì một "quyết phi thường" là điều cực kỳ cần thiết. Việc bầu Đức đề nghị ông tân HLV trưởng ĐT và cả một ê kíp lãnh đạo VFF ở vào thế dựa lưng vào núi, phía trước là vực thẳm, nhìn ở một góc độ nào đó chính là một cái "quyết phi thường". 

Theo thông tin của chúng tôi, cá nhân Nguyễn Hữu Thắng - một nhân vật nổi tiếng là giàu kinh nghiệm và bản lĩnh chiến trường hoàn toàn đồng ý với một cái "quyết phi thường" như thế, vậy dàn lãnh đạo của VFF thì sao? 

P.Đ.

Hà Hiếu
.
.
.