Vicent Kompany:

Chớ nên "nhìn mặt mà bắt hình dong"!

Thứ Sáu, 06/05/2016, 20:22
Trong đội hình của Man City (Anh) mùa giải năm nay có hai cầu thủ rất đáng chú ý: Kevin De Bruyne và Vincent Kompany. Người thứ nhất đá ở vị trí tấn công, người thứ hai là thủ lĩnh hàng phòng ngự. Người thứ nhất da trắng, có gương mặt trẻ trai công tử bột, người thứ hai da màu, đầu nhẵn nhụi trông không khác gì một gã giang hồ. Nhưng ở đời, trong rất nhiều trường hợp đúng là không thể "nhìn mặt mà bắt hình dong".


Nếu cuộc đời cầu thủ của Kevin De Bruyne tới lúc này khá trơn tru thì với Vincent Kompany đấy lại là một hành trình đầy nghị lực. Kompany là sản phẩm của một người đàn ông Congo - một đất nước nghèo đói ở châu Phi với một người phụ nữ Bỉ.

Tuổi thơ của Kompany chìm trong nghèo khó, và cho đến tận bây giờ những ám ảnh về "một người mẹ làm việc quần quật từ ngày tới đêm vẫn không đủ ăn, một người cha lái taxi, cóp nhặt từng đồng tiền lẻ" vẫn là một ám ảnh lớn của con người giờ đã rất giàu có, sang trọng này. Nhưng tuổi thơ của cậu bé Kompany không chỉ có cái nghèo - điều mà hàng loạt những cậu bé đá bóng khác từng trải qua, tuổi thơ của anh còn gắn liền với những lần bị chỉ trích, bị xa lánh, bị chửi bới chỉ vì... màu da khác người. 

Sống và học đá bóng ở thủ đô Brusseles của những người da trắng, màu da xạm đen của Kompany trở thành đề tài giễu cợt của rất nhiều chúng bạn. Thậm chí khi thấy Kompany chiếm được vị trí đá chính của một đứa trẻ da trắng khác, những bậc phụ huynh da trắng không ngại có những lời dèm pha, xúc xiểm, và đặt nghi vấn về việc có thể Kompany đã làm lại giấy tờ, ăn gian hồ sơ để được nhập tịch vào châu Âu như một số cậu bé châu Phi khác thời điểm ấy. 

"Dù còn rất nhỏ, nhưng tôi đã phải học cách ứng phó với những điều này", Kompany nhớ lại. Và anh kết luận: "Với những cậu bé bản địa, bóng đá khi ấy có thể chỉ là một cuộc chơi. Nhưng với tôi, bóng đá là cả cuộc đời". Có nghĩa, cậu hiểu bóng đá là con đường duy nhất để mình có thể thoát khỏi thân phận bị đối xử phân biệt, là con đường duy nhất để có thể thực sự bước vào một thế giới khác.

Xác định như vậy nên ở tuổi 14, Kompany phải cố vượt qua nỗi đau gia đình (bố mẹ chia tay) để miệt mài tập luyện. Và ở trên sân tập, các ông thầy của Kompany đều phải mắt tròn mét dẹt với nỗ lực phi thường của cậu. "Thời đó, các thầy luôn bảo tôi hãy chỉ nên chú ý vào những điểm mạnh của mình thôi. Nhưng tôi không nghĩ thế. Tôi tin, mình có thể giải quyết những điểm yếu bằng rất nhiều nghị lực" - Kompany kể lại trong một show truyền hình.

Vincent Kompany.

Có lẽ cũng chính từ nhận thức này mà hiện tại Kompany không chỉ có những điểm mạnh điển hình của một trung vệ như sự mạnh mẽ trong cản phá, khả năng phán đoán nhanh nhạy, khả năng bọc lót kịp thời với các hậu vệ biên, mà còn có những phẩm chất điển hình khác của các cầu thủ tấn công: khả năng quặt bóng, khả năng đánh đầu dứt điểm. HLV Pellegrini của Man City đã hơn một lần khen ngợi những tố chất toàn diện này của Kompany.

Báo chí Anh từng nhắc đi nhắc lại một chi tiết, khi mới đến Man City, lương của cầu thủ này chỉ vào khoảng 45.000 euro/tuần, kém xa mức lương của những cầu thủ trụ cột khác như Yaya Toure (270.000 euro), Tevez (250.000 euro), Aguero (200.000 euro), nhưng vấn đề là Kompany không bao giờ kêu ca, phàn nàn về điều đó. 

Anh chia sẻ: "Tôi luôn biết giá trị của mình. Và tôi cũng biết đã là cầu thủ thì hãy cứ vào sân, thi đấu hết mình, rồi mọi thứ khác sẽ đến sau". Câu nói này đơn giản nhưng mang trong nó một nhận thức, một tầm nhìn vượt lên trên rất nhiều cầu thủ khác. Có lẽ, chính nhờ cái tầm nhìn hơn người ấy mà Kompany đã được tin tưởng giao trọng trách mang băng đội trưởng, và thực tiễn sân cỏ cho thấy anh là một người đội trưởng lỳ lợm, vững vàng.

Cũng nhờ chính tầm nhìn hơn người ấy mà vừa đá bóng, Kompany vừa thành lập một công ty riêng, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lãnh vực cung cấp vệ sĩ cho các cầu thủ, HLV tại giải Ngoại hạng Anh. Rất nhiều HLV, cầu thủ Man City như cựu HLV Roberto Mancini, "gã điên" Balotelli hay "siêu quậy" Tevez đều đã sử dụng dịch vụ này của Kompany. 

Nếu biết rằng ở nước Anh, trước và sau khi giải nghệ, lĩnh vực kinh doanh chủ yếu của các cầu thủ là bất động sản, và đã có không ít ngôi sao phá sản vì kiểu kinh doanh phổ biến này hẳn sẽ thấy một mình Kompany đi một con đường của riêng mình. Và chính nhờ cái riêng ấy mà hoạt động kinh doanh của anh đã đạt thành công lớn với mức lãi lên tới hàng chục triệu bảng mỗi năm.

Có tiền, rất nhiều tiền, nhưng Kompany không phải là một thủ lĩnh ở các hộp đêm hay chủ sở hữu của những "toà lâu đài" lộng lẫy như nhiều cầu thủ khác. Trái lại, anh nổi tiếng vì là đại sứ SOS Bỉ, đại sứ SOS quốc tế, và đã thực hiện các hoạt động từ thiện ở rất nhiều nơi trên thế giới. Năm 2012, Kompany từng đến Việt Nam, chơi bóng một cách thân thiện với những trẻ em Việt Nam tại làng trẻ SOS Gò Vấp (TP HCM). 

Phải làm sao để những đứa trẻ ở những khu vực kém phát triển như châu Phi, châu Á sẽ có cuộc sống tốt hơn? Phải làm sao để sự công bằng giữa những đứa trẻ trên thế giới có thể đạt tới mức cao nhất có thể, đấy là điều mà Kompany luôn nghĩ suy, trăn trở. Đã có những nghi ngờ này nọ về động cơ làm từ thiện của Kompany, nhưng đến lúc này, sau tất cả, người ta thật sự tin tưởng vào một trái tim thiện nguyện của cầu thủ từng trải qua tuổi thơ cay cực, nhiều tủi phận này.

Rõ ràng nếu chỉ nhìn vào cái đầu trọc lốc cùng một vẻ ngoài bụi bặm, gai góc của Kompany không ai nghĩ sau đó lại là một tính cách, một tâm hồn hoàn toàn khác.

Thần tượng Obama

Có lần Vincent Kompany đến trường quay, trả lời phỏng vấn với một gương mặt nặng trĩu. MC dẫn chương trình đặt câu hỏi: "Điều gì tạo ra gương mặt này của anh?", cầu thủ người Bỉ trả lời: "Cả đêm qua tôi thức". Lại hỏi: "Vì sao anh thức?". 

Trả lời: "Vì  nghiên cứu kế hoạch tranh cử của Obama". Sau này Kompany hơn một lần khẳng định Tổng thống Mỹ Obama chính là thần tượng của anh, vì: "Ông ấy cũng là một người da màu. Và chiến thắng của một người da màu trên chính trường Mỹ là lời cổ vũ lớn lao cho rất nhiều người da màu khác".

Là sinh viên khi đã 29 tuổi

Năm Kompany 29 tuổi, người ta thấy anh vừa là cầu thủ đá bóng, vừa là một sinh viên hết sức chăm chỉ của khoa Quản lý kinh doanh ở một trường Đại học tại thành phố Manchester.

Nhiều người cho hay Kompany đi học chẳng qua chỉ để thực hiện lời hứa với bố mẹ mình, nhưng Kompany nói khác: "Tôi muốn kinh doanh. Mà muốn kinh doanh thì kỹ năng của một cầu thủ là chưa đủ, dĩ nhiên rồi. Tôi đi học, bổ sung, thu nạp kiến thức để có thể kinh doanh thành công".

Khó lấy lòng bố vợ

Năm 2011, Kompany kết hôn với Carla trong một đám cưới được tổ chức rất âm thầm, giản dị. Hiện giờ thì anh được biết đến với hình ảnh của một ông bố rất mực yêu con và "luôn học, luôn đọc mọi điều để có thể dạy dỗ con cái tốt hơn" - Kompany chia sẻ. Tuy nhiên có một sự thực tréo ngoe là bố vợ anh, ông Richard Higgs lại là fan trung thành của Manchester United từ rất nhiều năm nay. Tháng 10 năm 2010, khi ngôi sao số 1 của M.U là Rooney đòi ra đi thì ông Richard thậm chí đã có mặt trong đoàn người biểu tình, phản đối chuyện này dữ dội. Thật khó cho Kompany khi đang và có lẽ là còn tiếp tục chơi bóng lâu dài cho một đội bóng được xem là đối thủ lớn của đội bóng mà bố vợ mình yêu mến.

Khoảnh khắc cuộc đời

Giải Ngoại hạng Anh năm 2011, trong trận đấu chẳng khác gì chung kết giữa Man City và Man United, Vicent Kompany đã có một khoảnh khắc cuộc đời khi đánh đầu ghi bàn vào lưới M.U, đem lại chiến thắng tối thiểu 1-0 cho đội nhà. 

Nhờ chiến thắng mang tính bước ngoặt này mà mùa giải đó Man City đã vô địch nước Anh sau đúng 44 năm chờ đợi. Bây giờ, mỗi khi được hỏi là thích thú với những khoảnh khắc, những bàn thắng nào nhất kể từ ngày xỏ giày thi đấu, Kompany luôn nhắc tới khoảnh khắc tuyệt diệu này.

Diệp Xưa (tổng hợp)
.
.
.