Chuyện Maxk Nguyễn "cầm nhầm" ý tưởng của nghệ sỹ quốc tế:

Chuẩn bản quyền, bắc thang lên hỏi ông trời

Thứ Ba, 29/08/2017, 15:42
Maxk Nguyễn bị tố đạo nhái ý tưởng từ các tác giả nước ngoài trong dự án “Saigonemoji”của mình. Câu chuyện càng được đẩy lên cao khi Maxk là “người có lỗi mà không biết lỗi”, vẫn khẳng định một cách chắc nịch trên báo cũng như trên trang facebook cá nhân của mình, rằng “Saigonemoji nói không với đạo nhái”...


Sử dụng, chỉnh sửa artwork một cách hồn nhiên

Chính vì phát ngôn trên mà một số người trong cộng đồng này tiếp tục “lột trần” Maxk Nguyễn khi tung ra những bằng chứng chứng minh Maxk Nguyễn không chỉ có “ý tưởng trùng lặp”, hay không ghi nguồn ảnh; mà còn sử dụng artwork từ tác giả khác để hoàn thành tác phẩm của mình.

Khi không thể lấp liếm được nữa, để khép lại những ồn ào vừa qua, Maxk Nguyễn đã viết “tâm thư” xin lỗi trên facebook.

Cụ thể, chàng trai xin lỗi những họa sĩ, nhiếp ảnh gia quốc tế mà anh ta đã sử dụng, chỉnh sửa artwork của họ trong những bài đăng ở dự án “Saigonemoji” gây lầm tưởng rằng những hình ảnh đó là artwork của “Saigon emoji”. Đó là các tác giả: Martine Strøm, Haeley, Carlos Huante, Francesco Vullo và David Kranský.

Maxk Nguyễn cũng thừa nhận bản thân đã mắc sai phạm, thiếu chuyên nghiệp khi "không kiểm tra kỹ càng nguồn hình tận gốc, vì thế thiếu sót thông tin trao đổi xin trích nguồn (credit) từ tác giả". Đồng thời, anh ta đã dành 2 ngày qua trao đổi với các tác giả để được họ chấp nhận. Loạt ảnh không có sự cho phép sẽ được xóa khỏi “Saigonemoji”.

Maxk Nguyễn được biết đến nhiều qua các dự án “Sài Gòn sau vai”, “Vịt lộn, vịt dữa, cút lộn”, “Sài Gòn 3 mét vuông”, “Saigonemoji”…

Theo lời trần tình của 9x này, “Saigonemoji” là dự án cá nhân, hoàn toàn phục vụ cho mục đích chia sẻ, lan tỏa và học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm cảm hứng và hoàn toàn không mang yếu tố thương mại”.

Anh ta cũng nói thêm: “Là một người đang tham gia cộng đồng sáng tạo và trên con đường xây dựng nghề nghiệp thông qua sự sáng tạo, mình hoàn toàn ý thức việc sử dụng hoặc cắt ghép artwork của artist khác là một việc vô cùng tai hại. Điều đó có thể gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến những cá nhân có liên quan đến sản phẩm một khi nó đã từng là giá trị tinh thần không cân đong đo đếm được”.

Maxk Nguyễn tên thật là Nguyễn Mạnh Khôi, là designer được nhiều người biết đến ở TP Hồ Chí Minh. 9X này từng giành quán quân Vietnam Young Lions 2016 (hạng mục phim ngắn), trở thành đại diện Việt Nam tham dự Cannes Young Lions tại Pháp, thắng giải quảng cáo Dutch Lady competition, làm giám khảo cuộc thi Lets On Air 2016 hạng mục thiết kế...

Maxk cũng thiết kế bìa sách, logo và nhận diện thương hiệu cho hàng loạt nhân vật, đơn vị truyền thông khác. Maxk Nguyễn được biết đến nhiều nhất qua dự án “Sài Gòn sau vai”, bộ tranh “Vịt lộn, vịt dữa, cút lộn”, triển lãm “Sài Gòn 3 mét vuông”, gần đây là Instagram “Saigonemoji”…

Nếu Maxk Nguyễn là một nhân vật vô danh, có lẽ câu chuyện đã chẳng có gì ầm ĩ. Anh ta nổi tiếng, lại là người làm nghề sáng tạo, là người từng lên báo phát ngôn rất đanh thép: “Sáng tạo là thứ không thể “cố” hay “copy” được.

Nhưng sau vụ việc này, Maxk Nguyễn còn “nổi tiếng” hơn, nhưng với tư cách của một người “cầm nhầm” ý tưởng, đạo nhái trong cộng đồng làm nghề của mình. Có người cho rằng, sau việc này, uy tín của Maxk Nguyễn “rớt một cách thê thảm”.

Maxk Nguyễn bị “tố” đạo ý tưởng từ artwork của các nghệ sỹ quốc tế.

Dự án phi thương mại, có quyền đạo nhái?

Lời xin lỗi của Maxk Nguyễn ngay lập tức châm ngòi thêm một cuộc tranh luận nữa từ phía những người quan tâm vụ việc.

Bên cạnh một số ý kiến cho rằng lời xin lỗi trên chưa thành khẩn, vẫn còn quanh co, lập lờ ngụy biện khiến người ta đọc xong cũng “chào thua” thì một bộ phận “fan” của Maxk Nguyễn bày tỏ sự đồng cảm, xem chuyện đạo nhái vừa qua chỉ là kết quả của việc “đánh hội đồng” từ những người “ghen ăn tức ở” anh ta.

Có bạn bình luận: “Những ai đã từng tiếp xúc với Maxk sẽ hiểu và tin tưởng vào nhân phẩm và tài năng của em. Vững vàng Maxk nhé, đừng để sự ganh ghét và cay độc của người khác làm ảnh hưởng đến em. Luôn ủng hộ em!”, “Anh đã làm điều đúng đắn và dù đúng hay sai thì em vẫn luôn tin tưởng và ủng hộ anh hết mình!

Nếu có thất bại thì anh đừng nản chí vì vẫn sẽ luôn có người bên cạnh anh và giúp anh mặc dù ngoài kia luôn có những người suốt ngày giả tạo ủng hộ anh nhưng thật ra họ canh me và muốn hãm hại anh bất cứ lúc nào có thể...”.

Có bạn còn cho rằng, đây là cách giải quyết tốt nhất: “Đơn giản đây là dự án anh bắt đầu từ những ngày đầu làm thiết kế, và nó hoàn toàn là dự án phi lợi nhuận, chỉ mong muốn sử dụng hình ảnh để truyền tải thông điệp nên va vấp sẽ có.

Và câu chuyện kéo dài đến bây giờ là bởi sự hiếu thắng và đầy tính đẩy con người khác tới đường cùng. Với người hưởng thụ đơn giản như em, được xem những tác phẩm ý nghĩa của anh và những artist (nghệ sỹ - PV) khác đã là 1 điều tuyệt vời, em yêu thích những thông đẹp hơn là câu chuyện về thẩm mỹ hay nghệ thuật”.

Lướt qua một lượt các bình luận sau khi Maxk đăng tải lời xin lỗi của mình, có thể thấy, một bộ phận các bạn trẻ Việt Nam đang xem nhẹ câu chuyện vi phạm bản quyền này.

Bản thân Maxk Nguyễn, một người thuộc giới sáng tạo, trong lời xin lỗi ở trên cũng ngụy biện rằng “Saigonemoji” là dự án cá nhân, hoàn toàn phục vụ cho mục đích chia sẻ, lan tỏa và học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm cảm hứng và hoàn toàn không mang yếu tố thương mại. Nói như vậy, khác gì cho rằng, những người làm dự án phi thương mại đều tự cho mình cái quyền đạo nhái, ăn cắp ý tưởng của người khác?!

Trong câu chuyện này, Maxk nhân danh một dự án mang tính phi lợi nhuận để “làm bừa”. Nếu không bị “khui ra”, không biết anh chàng này định “nhân danh” tới lúc nào và trong những dự án (có khi) chẳng phải phi lợi nhuận nào nữa?

Một tác phẩm ra đời là kết quả của một quá trình lao động nghệ thuật miệt mài của nghệ sỹ, không phải tự nhiên mà có. Mỗi tác phẩm đều gắn với tên người sáng tạo ra nó, không phải ai muốn lấy là lấy.

Tư cách pháp nhân của họ được bảo hộ bởi luật pháp. Lấy mà không xin phép, sửa có chủ ý mà không hỏi qua, nghĩa là vi phạm bản quyền, nghĩa là vi phạm pháp luật, dù cho anh sử dụng vào bất kì mục đích nào đi chăng nữa (lợi nhuận hay phi lợi nhuận).

Maxk Nguyễn yêu Sài Gòn. Những dự án của Maxk đều mang hình ảnh Sài Gòn đến gần hơn với mọi người, trong đó có “Saigonemoji”. Mục đích của Maxk Nguyễn là tốt, không ai phủ nhận điều đó.

Nhưng từ một người làm công việc sáng tạo lại không tôn trọng sự sáng tạo của người khác, Maxk đã làm cho dự án (lẽ ra là tốt đẹp này) trở thành một câu chuyện buồn của giới sáng tạo Việt Nam trong mắt cộng đồng làm nghề sáng tạo của thế giới.

Thêm một sự giống nhau giữa tác phẩm của Maxk và một nghệ sỹ quốc tế khác.

"Chuẩn" bản quyền ở Việt Nam còn nhiều khó khăn!

Trong sáng tạo, những cái na ná và hai ý tưởng lớn gặp nhau không phải là hiếm, không ai có thể “vỗ ngực” mà khẳng định tác phẩm của tôi là duy nhất, là số 1. Nhưng “gặp nhau” không chỉ một lần mà nhiều lần thì câu chuyện lại trở nên bất thường.

Câu hỏi đặt ra, Maxk còn “copy” ý tưởng của các nghệ sỹ quốc tế ở đâu nữa? Một số đàn anh trong nghề của Mark Nguyễn còn cho biết, danh sách nghệ sỹ quốc tế mà Maxk thừa nhận “copy” ý tưởng của họ còn dài hơn nữa, không chỉ dừng lại đó.

Bản quyền vốn là một câu chuyện nhức nhối, “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” ở nước ta trong nhiều năm qua. Không chỉ trong lĩnh vực thiết kế, mà ở các lĩnh vực khác như âm nhạc, điện ảnh, sách, nhiếp ảnh, mỹ thuật… cũng diễn ra tình trạng vi phạm bản quyền.

Ngoài ý thức làm nghề của nghệ sỹ, gần như chưa có một biện pháp nào để giải quyết câu chuyện được xem là khá bức xúc hiện nay ở Việt Nam.

Người ăn cắp, đạo nhái ý tưởng sau khi bị phanh phui, câu chuyện ồn ào trên các phương tiện báo chí, truyền thông một thời gian sau cũng im ắng, mọi việc lại về đúng vạch xuất phát. Những trường hợp tranh chấp nhau về bản quyền, kéo nhau ra tòa có nhưng chẳng đi đến đâu cả.

Mặc dù chúng ta đã tham gia công ước Berne nhưng vấn đề bản quyền vẫn chưa được ứng xử một cách văn minh và đúng luật.

Trong khi đó, hành lang pháp lý vẫn còn lỏng lẻo, hình thức xử phạt chưa đủ mức răn đe; thành ra, câu chuyện “chuẩn” bản quyền ở Việt Nam còn nhiều cam go. 

Du Nguyên – Nguyễn Nhật
.
.
.