- Sau giải "Cánh diều vàng", liệu có một cái nhìn lạc quan về tương lai của phim Việt hay không thưa anh?
+ Chúng ta có thể lạc quan ở khía cạnh số lượng, với 18 phim tham gia liên hoan trong số 40 phim được sản xuất đã tạo ra một thị trường phim Việt, giúp cho khán giả quan tâm đến điện ảnh. Còn chất lượng thì đáng lo ngại hơn là vui mừng. Mặt bằng chung của phim tương đối thấp, có một vài cánh én nhưng không đủ cho một năm sản xuất đến 40 phim điện ảnh mà chỉ có vài ba phim có tín hiệu tốt. Những phim được giải nếu so với mặt bằng chung của khu vực là cả một khoảng cách.
Những năm 1990-2000, chúng ta đã có vị thế trong khu vực Đông Nam Á, hồi đó chúng ta có "Đời cát", "Mùa ổi", "Bến không chồng"… Liên hoan phim Châu Á - Thái Bình Dương năm 2000, chúng ta có 5 tác phẩm dự thi, Liên hoan Berlin đã có một diễn đàn về phim Việt. Bây giờ, làm sao có một chùm phim Việt như thế để có thể tổ chức những cuộc tọa đàm, thảo luận.
 |
Đạo diễn Thanh Vân. |
Tôi rất lo ngại ở khía cạnh đó. Xã hội hóa rất tốt, tạo cơ hội để nhiều nhà sản xuất làm phim, nhưng ngược lại, do áp lực về kinh doanh lớn quá, nên phim cũng rơi vào tình trạng vội, thậm chí thiếu sáng tạo ý tưởng. Tôi xem 5 phim trong "Cánh diều", có đến 4 phim đàn ông cởi trần, giống như kiểu trước đây con gái nuy.
Sự lưỡng tính, giả gái bị lạm dụng. Vấn đề không phải đề tài đó không hay mà cùng một lúc quá nhiều phim đề cập, chứng tỏ chúng ta quá nghèo về ý tưởng, trong khi xã hội có rất nhiều vấn đề đáng bàn. Người ta cho đó là hay, là hợp gu chăng? Tôi không hiểu.
- Sự lưỡng tính của phim Việt không chỉ ở nội dung mà cả trong cách lựa chọn giữa nghệ thuật và doanh thu?
+ Đúng thế, chúng ta lưỡng lự giữa nghệ thuật và vấn đề doanh thu làm nên sự lưỡng tính trong phim Việt. Mọi người hay nói một câu rất đúng rằng, phim thương mại phải có tính nghệ thuật và phim nghệ thuật phải có khán giả. Điều đó rất đúng nhưng đi tìm được mẫu số chung rất khó, 100 phim may ra mới có 1 phim chạm tới điều đó. Cả thế giới cũng vậy chứ đâu chỉ ở Việt Nam.
Nhưng thế giới đã đi qua thời kỳ trung dung này rồi, họ tách bạch và còn cực đoan hơn nữa khi làm nghệ thuật, chấp nhận nó không mang tính thương mại. Cũng giống như trong một xã hội, có những đặc sản, chuyên một món gì đó hàng trăm năm sẽ thành truyền thống. Nhưng cũng có cơm bình dân với thu nhập rất cao. Cuộc sống là như vậy.
- Nhưng rõ ràng trong quá khứ, ở thập niên 1990-2000, chúng ta đã có rất nhiều bộ phim hay. Ngày đó, các anh làm phim như thế nào?
+ Thời đó, chúng tôi làm phim không có bất cứ áp lực gì. Phim tốt là phim tốt thôi. Nhưng hiện nay, có sự thái quá. Trước đây gặp nhau thì hỏi về kịch bản, đạo diễn, về diễn viên, còn bây giờ, gặp nhau chỉ hỏi về doanh thu, ra rạp được bao nhiêu tuần, ngay trong nghề đã như vậy rồi. Báo chí, truyền thông cũng đổ xô vào việc doanh thu bao nhiêu và đôi khi có sự nhầm lẫn về mục đích, về thông tin.
Ngay như thời tôi làm "Sống cùng lịch sử", tôi vẫn giữ hàng tập những bài báo nói về việc không có doanh thu. Nhưng không có bài báo nào có nhận xét hay đánh giá về phim. Doanh thu là câu chuyện của nhà phát hành. Báo "Tuổi trẻ" trong một liên hoan phim ở TP Hồ chí Minh đã có thống kê, phim "Sống cùng lịch sử" ra rạp 0 đồng. Điều đó hoàn toàn sai.
Tôi có những bằng chứng phản bác, thậm chí kiện về thông tin sai đó. Nhưng thôi. Nhắc lại chuyện này để tôi muốn nói một điều rằng, các bạn làm truyền thông phải đúng sự thật, đi từ sự thật. Điều đó có ảnh hướng rất lớn đến bộ phim. Một khi mà truyền thông chỉ quan tâm đến người nổi tiếng, scandal thì những thứ tử tế còn bị chìm lấp, không được biết đến.
- Nhưng cũng có một thực tế là nhiều phim Việt do các nhà làm phim độc lập sản xuất, phát hành rầm rộ ở nước ngoài như "Đập cánh giữa không trung" của Nguyễn Hoàng Điệp và mới đây, "Cha và con và"… (Đổi tên thành Mekong stories) của Phan Đăng Di được phát hành tại 14 rạp ở Pháp, nhưng khá khó khăn khi tìm rạp phát hành ở Việt Nam. Theo anh, vì sao?
+ Đó là gu của những nhà phát hành, họ có tiền và họ có quyền quyết định. Họ nghĩ rằng, phim này ăn khách hay không. Cho nên thái độ, văn hóa của những nhà phát hành rất quan trọng. Nếu họ chỉ quan tâm đến doanh thu thì chúng ta chỉ có những món ăn như bom tấn của Holywood mà thôi. Phải có những nhà phát hành vừa có tiền vừa có đủ tầm nhìn và biết chấp nhận lấy phim có doanh thu cao để nuôi những bộ phim nghệ thuật với số lượng khán giả ít hơn.
 |
Phim của Phan Đăng Di đang chiếu rộng rãi ở Pháp. |
Chỉ nghĩ đến tiền thì rất khó, như thế sẽ thiệt hại cho khán giả. Với những phim xã hội hóa như hiện nay, khán giả đang ăn những món tầm thường. Doanh thu không đánh giá được chất lượng phim. Hiện nay cả xã hội đang hướng tới doanh thu mà không biết phim Việt đang mang màu sắc gì. Tôi thấy thương cho các diễn viên, trong tầng thấp của điện ảnh, họ làm hết mình, say mê, cống hiến nhưng cũng không hiểu hết là có đáng làm không.
- Vì họ không có những lựa chọn chăng? Vậy theo anh, vì sao bây giờ công nghệ tốt hơn, điều kiện tốt hơn, nhưng chất lượng phim lại tỷ lệ nghịch với điều đó?
+ Không cẩn thận nền điện ảnh Việt sẽ đưa đến một mặt bằng lấy sự khéo léo nhờ công nghệ, hình ảnh, âm thanh làm trọng. Nhưng rất thiếu những ẩn ức đời sống, thấy cuộc sống nhạt nhòa quá, lều phều quá. Vì sao cách đây 20 năm, chúng ta có những gương mặt điện ảnh rất rõ nét, Đặng Nhật Minh, Phi Tiến Sơn, Lưu Trọng Ninh... Vì mỗi người tiếp cận cuộc sống một cách khác nhau.
Bây giờ rõ ràng chúng ta thấy những gương mặt, đạo diễn là gì đó rất nhạt nhòa, thoắt ẩn thoắt hiện bởi chỉ có những phim tiệm cận được con người nhất mới thể hiện nhân sinh quan của tác giả. Còn bây giờ làm theo công nghệ nên tác giả rất mờ nhạt. Phim có tính làm trò nhiều, khán giả sẽ cười vì chiêu trò. Trong khi điện ảnh không phải là nghệ thuật làm trò. Bạn có thể kể được tên tuổi của những ai???
- Có chứ, dù không nhiều, những nhà làm phim độc lập như Nguyễn Hoàng Điệp, Phan Đăng Di, họ quyết liệt theo đuổi con đường của mình và tôi nghĩ, chính họ làm nên diện mạo của điện ảnh Việt đương đại?
+ Đúng thế, tôi nghĩ, họ rất cần thiết để làm nên bộ mặt điện ảnh Việt đương đại. Có thể còn nhiều ý kiến về họ, cho rằng, họ nhìn cuộc sống từ một góc tối, nhưng không sao, đó là cuộc sống, có những ngày nắng đẹp, có những ngày mưa buồn.
Mỗi đạo diễn một sắc màu. Tôi chắc rằng, với những liên hoan phim, hay "Cánh diều vàng", phim của họ sẽ là một điểm nhấn cần thiết để cho bức tranh điện ảnh đỡ làng nhàng, một màu. Tôi không đánh giá cao "Trúng số", cách đây 10-15 năm nó chỉ là một bộ phim bình thường mà thôi. Nhưng trong bối cảnh lưỡng tính như thế này, nó có một thông điệp mạnh mẽ dựa trên diễn xuất tốt của Ninh Dương Lan Ngọc.
- Đấy có phải là một xu hướng của phim Việt, đạo diện Nhuệ Giang có nói rằng, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta chỉ làm những bộ phim giản dị, đầu tư ít nhưng kể được câu chuyện của người Việt?
+ Con đường này cách đây hàng chục năm chúng tôi đã nhận ra, khi xem nền điện ảnh Iran, họ kể những câu chuyện nhỏ, giản dị nhưng rất cảm động. Đó là một con đường đi, phù hợp với Việt Nam trong bối cảnh này hơn cả. Nhưng Iran đã rất thành công trên mặt bằng quốc tế.
- Còn chúng ta đang loay hoay giữa những con đường, những xu thế, một chút Hàn Quốc, một chút Mỹ, vì chúng ta thiếu gốc rễ, thiếu bản sắc Việt trong khi điện ảnh là một kênh quảng bá văn hóa hữu hiệu nhất. Nhìn từ góc độ này, anh có thấy hoang mang?
+ Trong bối cảnh này, khả năng phim Việt tiệm cận với khu vực đã thấp rồi, so với Thái Lan, Philippines hay một số cá nhân ở Campuchia. Chúng ta không có cả mùa xuân mà một cánh én cũng khó khăn. Chính các nhà làm phim độc lập đang tiệm cận với điện ảnh thế giới dù đang nhỏ nhoi. Truyền thông trong nước cũng không mặn mà, các báo chỉ quan tâm đến doanh thu, đến những người nổi tiếng.
Tất cả những khó khăn đó buộc chúng ta vào trong một mớ rối rắm và bùng nhùng. Đành rành xã hội hóa là tất yếu và phải chấp nhận nhiều dòng phim. Thị trường và thị hiếu sẽ có sự điều chỉnh. Không thể ăn mãi một món được. Nhưng nếu một mặt bằng về văn hóa, dân trí tốt thì sự điều chỉnh sẽ nhanh hơn, còn vẫn đắm chìm trong việc cô này mặc gì, anh này yêu ai thì còn lâu.
- Theo anh, vậy cốt lõi của vấn đề nằm ở đâu?
+ Từ vấn đề con người. Chúng ta đào tạo theo diện rộng, mỗi năm có vài chục đạo diễn ra trường, nhưng không phải tất cả bọn họ đều làm được việc. Phải có những người có mắt tinh đời, có tầm, có tâm, hoạt động tương đối độc lập, lựa chọn và đầu tư cho những dự án tốt. Như một con ong đi hút mật các loài hoa, biết hút hoa thơm thì mật sẽ quý, còn hút hoa dại sẽ không quý bằng.
Trên mặt bằng rộng rãi này phải có mũi nhọn, đầu tư cho những người đã ló rạng tài năng, không theo số đông nữa, mạnh dạn chấp nhận những dự án có tính độc lập, không đắn đo vấn đề phim này có ăn khách không. Tôi đã từng gặp một nhà sản xuất ở Mỹ, ông sung sướng giới thiệu cho chúng tôi những bộ phim hoàn toàn nằm ngoài hệ thống của Holywood. Ông nói, ông hạnh phúc khi được nắm trong tay phim này. Họ làm vì giá trị tinh thần rất cao, ở một góc độ nào đó, thì tiền không có ý nghĩa quyết định, họ làm vì tình yêu điện ảnh.
- Theo anh, liệu việc cổ phần hóa có phải là một giải pháp tích cực nhất cho phim Việt lúc này?
+ Cổ phần hóa ở một góc nào đó cũng là vấn đề của phim Việt, nó trông chờ vào tầm văn hóa của người có tiền. Tôi nghĩ, họ phải xác định được con đường mình đi. Cần những phim nghệ thuật để lấy danh tiếng, phim có danh tiếng sẽ quảng bá cho thương hiệu, để kêu gọi đầu tư.
Phim có doanh thu sẽ nuôi phim nghệ thuật. Như các phim giải Oscar không có nhiều doanh thu. Hiểu được việc đó sẽ cân bằng được. Chứ lúc nào cũng chỉ nhăm nhăm có Hoài Linh, có Thái Hòa hay không để ăn khách, tư duy ăn xổi đó sẽ không thể cứu vãn được phim Việt.
- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.
Việt Hà (Thực hiện)