Chương trình radio "Bài ca Hà Nội":

“Mỏ quặng quý” về Hà Nội bằng âm nhạc

Thứ Tư, 21/09/2016, 09:41
700 ca khúc về Hà Nội được gói trọn trong 150 số, phát sóng liên tục trên kênh FM 90 MHZ của Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội, “Bài ca Hà Nội” khởi sự từ năm 2011, vẫn được nhiều người yêu văn hóa Hà Nội, yêu âm nhạc tìm đến như một tín chỉ.


Việc chương trình radio “Bài ca Hà Nội” mới đây được nhắc đến trong danh sách đề cử của Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 9 – năm 2016 như một sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp bền bỉ, lặng lẽ của toàn bộ ê-kip thực hiện.

Một Vũ Đặng Hùng giám đốc của công ty truyền thông giữa dòng chảy như vũ bão của đời sống giải trí - tự nhiên bận lòng đi tìm những giá trị “muôn năm cũ”. Một Trương Quý - nhà văn có nhiều đầu sách tản văn ăn khách về Hà Nội - tự nhiên bị rủ rê viết kịch bản.

Một Giang Trang thản nhiên hát và sống trong vùng nhạc Trịnh - bị lôi kéo thành người dẫn chuyện với chất giọng trung tính, gợi cảm thức về thời gian. 3 con người này gặp nhau theo một cách đẩy đưa nào đó và “tự nhiên” cùng nhau bước vào một câu chuyện chung: giải mã Hà Nội bằng âm nhạc.

Từ trái qua: Giang Trang, Vũ Đặng Hùng và Trương Quý.

Mỗi số gồm 4-5 bài hát. Với thời lượng 150 số (tổng cộng hơn 700 ca khúc về Hà Nội), “Bài ca Hà Nội” đã “phác thảo” lại lịch sử - văn hóa Hà Nội trên diện rộng, trải qua nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn khác nhau. Không chỉ có ca khúc, lịch sử, khán thính giả còn bắt gặp được những câu chuyện văn học, kịch, phim – những sắc màu gắn bó với mảnh đất này thông qua những dẫn nhập thú vị của những người thực hiện. 

Đó là Hà Nội “lê bước phong trần tha phương”, nơi có những bước chân giang hồ của một thế hệ thanh niên Việt Nam trước năm 1945 trong hoàn cảnh thuộc địa. Một Hà Nội xám xịt màu tường những ngôi nhà trong tranh Bùi Xuân Phái, một  Hà Nội quanh quẩn mãi vài ba dáng điệu, tới hay lui vẫn chừng ấy mặt người trong thơ Huy Cận. Đó là Hà Nội “lên đường phơi phới tuổi 20”, “Cô gái Hồ Gươm đã thành chiến sỹ”, “Hà Nội những đêm không ngủ”…

Đó là Hà Nội những năm chiến tranh, gian khó, nhiều thiếu thốn – thành phố không bao giờ trở lại. Đó còn là Hà Nội sau này, “phố quá đông không thấy mặt người”.

Nghe “Bài ca Hà Nội”, nhớ về nhạc sỹ Canh Thân, người nghệ sỹ ôm đàn ghita lên sân khấu trình bày những ca khúc Pháp theo điệu rum-ba đầu tiên của Hà Nội. Nghe “Bài ca Hà Nội”, để nhớ về một Hà Nội Jazz mà người khởi xướng là nhạc sỹ Quyền Văn Minh… Nghe “Bài ca Hà Nội” để nghe ra Hà Nội ngày hôm nay. Một Hà Nội sôi động với những bản tình ca giản dị mà cuộc đời dành cho như một đặc ân. Một Hà Nội thoát khỏi cụm từ “địa phương ca” để thoát xác”, lan tỏa đi các vùng miền.

Mặc dù chương trình khởi phát từ năm 2011 nhưng đến nay, những giá trị của nó vẫn còn nguyên vẹn. Đây không phải là một chương trình kiểu “nghe xổi” (nghĩa là nghe một lần rồi thôi) mà nghe trong nhiều năm tháng, càng nghe càng ngấm. Chương trình “Bài ca Hà Nội” sau khi phát sóng số 150 thì tạm ngừng. Sau đó, tất cả các số được đẩy lên kênh Youtube để khán thính giả có thể tiếp tục nghe lại, theo dõi, cũng là một cách bảo tồn tình yêu Hà Nội.

Nhà văn Trương Quý: Ê-kip thực hiện muốn kể tiếp câu chuyện Hà Nội

- “Bài ca Hà Nội” là một chương trình radio âm nhạc – văn hóa – lịch sử Hà Nội ấn tượng. Sau khi chương trình tạm ngừng vào năm 2011, vẫn có người chờ đợi một “Bài ca Hà Nội mới” đấy thưa nhà văn? 

+ Ê-kip cũng muốn tiếp tục chương trình radio “Bài ca Hà Nội”, làm lại theo một hệ thống mới và theo một thể thức mới. Nó sẽ có tính tương tác nhiều hơn và format đa phương tiện hơn. 

Chương trình trước tôi thấy vẫn hơi cổ điển. Mặc dù cũng được gọi là gọn nhưng nó giống như lối kể một chiều, khó mà dỡ các số lẻ ra. Chúng tôi muốn các số co giãn, độ dài ngắn thoải mái hơn.

Nhưng nói vậy thôi, để tiếp tục cũng có khá nhiều vấn đề đặt ra lắm. Nếu chương trình dùng chất liệu là các bài hát về Hà Nội thì hơi ít màu bởi các bài thiên về chất trữ tình nhiều. Thứ hai, muốn làm cho nó mới, lấy không gian, câu chuyện, sự kiện, chi tiết làm chính và âm nhạc chỉ là một thứ đưa đẩy thì đòi hỏi kỹ thuật dàn dựng, điều khiển… phải khác. 

Bản thân tôi và Giang Trang cũng phải thay đổi hơn, phải biết nói chuyện, đối thoại hơn, đòi hỏi chúng tôi phải là người của radio nhiều hơn. Chưa kể, radio đang bị số hóa thành các phương tiện truyền thông trên mạng. Để tiếp tục mô hình này, e cũng cần phải nghĩ lại nhiều thứ.

Với 150 số, chương trình "Bài ca Hà Nội" khởi phát từ năm 2011, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

- Và Hà Nội vẫn là chất liệu, đề tài trung tâm?

+ Chúng tôi lấy Hà Nội làm chủ đề trung tâm nhưng nó có nhiều tầng tiếp cận. Từ văn bản, chủ đề, cảm xúc… thế nào cũng được, miễn sao kết nối được với người nghe. Chúng tôi không định làm ra một chương trình theo kiểu tự hào, đại ý, “ô, cái thời khổ mà vui nhỉ?” – mà cố gắng phản ánh lại hiện thực những năm tháng chân thực ấy. Chân thực cũng có cái hay của nó chứ sao?

Khi làm chương trình này, chúng tôi thích sự gợi mở, nhìn Hà Nội dưới khía cạnh một thành phố văn hóa. Tư liệu về Hà Nội không ít. Cái chính là chúng tôi muốn làm đến đâu.

- Là người soạn nội dung cho “Bài ca Hà Nội”, anh thấy cái khó nhất khi thực hiện là gì?

+ Làm nội dung, khó nhất là chuyển hóa những tư liệu, dữ kiện ấy thành một thể loại để phù hợp đọc trên đài phát thanh. Lúc đầu, các đoạn dẫn của chúng tôi khá dài, sau phải sửa lại cho ngắn. Và phải làm sao dữ liệu không bị vụn, lời dẫn có dung lượng 2.000 chữ mỗi số, cắt làm sao để đọc cho vừa đủ, vừa khéo, không lan man, tránh bị cụt.

Nói chung, khó nhất là format. Thứ hai, các tiêu chuẩn kĩ thuật của các sản phẩm thu âm cũ có chất lượng không đều nhau. Các bản thu cũ rẹt rẹt. Cũng khá nhiều bất lợi. Tuy nhiên, tôi lại thích các bản thu ấy vì nó mang lại không khí tin cậy của một sản phẩm gốc. Các sản phẩm remake (làm lại) sau này mặc dù trong, dù nét nhưng tôi không khoái bằng.

Khi chọn bài hát, tôi vẫn ưu tiên chọn những bản đầu tiên, có tính chất khởi thủy, vừa tự nhiên, vừa trong trẻo. Kể cả những bản thu thời Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Tùng Dương, tôi thích sự “phập phồng” đầu tiên ấy.

- Có nhiều gắn bó với mảnh đất Hà Nội, lại làm một chương trình phát thanh đậm chất Hà Nội, trong quá trình thực hiện, hẳn anh và các cộng sự của mình cũng có được những trải nghiệm thú vị cho chính mình chứ?

+ Chúng tôi cố gắng giải cấu trúc hình ảnh Hà Nội. Từ trước đến nay, các băng ca nhạc, CD, VCD về Hà Nội rất công thức, quan phương, đại thể như: Người Hà Nội, Tiến về Hà Nội, Hà Nội những năm chống Mỹ, Hà Nội đổi mới… theo một tiến trình ổn định. Hà Nội trở thành chất liệu để minh họa. Chúng tôi không muốn đi theo cách đó.

Mặc dù vẫn dùng những ca khúc Hà Nội ấy nhưng đặt trong không gian khác, cố gắng kết nối với những đường dây gốc mà bài hát đã hình thành. Ông Nguyễn Đình Thi viết “Người Hà Nội” ở vùng nào. Hay các nhạc sỹ Đoàn Chuẩn, Doãn Mẫn… họ bắt đầu viết như thế nào.

Và có một điều thú vị khác nữa, ví dụ như có những nhạc sỹ vô tình gắn bó với Hà Nội, chúng tôi nhìn thấy những thay đổi khác biệt trong con đường sáng tác của họ do lịch sử mang lại… Như chuyện nhạc sỹ Văn Chung là một ví dụ. Ông Văn Chung giai đoạn Tiền chiến khác ông Văn Chung thời kháng chiến, thời chống Mỹ ra sao. Thấy rất rõ.

Những điều này giúp chúng tôi có nhiều cách tiếp cận Hà Nội khác nhau. Không phải cứ mượt mà kiểu “ẻo lả” như “Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xưa, tóc thề thả gió lê thê” mới là Hà Nội. Có những Hà Nội khác nữa. Chúng ta cũng nên nói đến.

Các bài hát về Hà Nội dồi dào về ca từ, nặng tính văn học. Nhiều bài phổ từ thơ, đọc như thơ. Cũng nhiều bài đọc lên như khẩu hiệu. Tuy nhiên, các nhạc sỹ quá tài, các ca sỹ thời ấy quá giỏi. Có những ca khúc, phần lời buồn cười nhưng kỳ lạ là, khi họ hát lên dễ thương kinh khủng. Các nghệ sỹ của chúng ta thể hiện mượt mà, tình cảm. Mặc dù là bài hát tuyên truyền nhưng có độ chân thực của họ khi thể hiện.

Đặc biệt là, khi dựng lại chân dung âm nhạc thời kỳ nhạc trẻ, chúng tôi cố gắng tìm lại niềm hào hứng của chính mình, thế hệ mình. Các giọng ca ngày đó và bây giờ ra sao? Cũng nhiều thú vị chứ.

- Sau câu chuyện “Bài ca Hà Nội” 2011, “vốn” về Hà Nội chắc đã cạn bớt rồi?

+ Hà Nội là một mảnh đất “hiếu sự”, có ti tỉ cái để kể, để nói về. Nó cũng có nhiều vấn đề về lịch sử (lại là một lịch sử dài) và câu chuyện đó vẫn đang được nối tiếp đến đương đại. Bao nhiêu cái chưa được nói đến. Tất nhiên, mỗi thời sẽ có cái hay, cái đặc biệt riêng của nó.

Hiện, “vốn” về Hà Nội của chúng tôi khá dồi dào. Sau khi đóng nội dung mấy năm trước, nhiều bài hát tiếp tục được tìm thấy. Nhiều câu chuyện khác chưa được kể. Tôi tin, nếu làm tiếp, chúng tôi sẽ có những câu chuyện mới để kể cho mọi người.

- Cảm ơn nhà văn! 

Đậu Dung
.
.
.