"Chuột túi" gửi chân, ông kẹ châu Á khốn đốn

Thứ Hai, 16/04/2012, 10:44

Tuyển Ả rập Xê út, một trong tứ đại gia bóng đá châu Á bị "chuột túi" Úc đá văng khỏi cuộc đua giành vé tới Brazil 2014. Ả rập Xê út chỉ là nạn nhân mới nhất, còn rộng hơn, những ông kẹ Nhật, Hàn, Iran đã ngấm đẫm vị đắng từ Socceroos, chưa kể những trận thua tức tưởi của các đội bóng giàu tham vọng như Uzbekistan, Iraq, Jordan…

Tất cả bi kịch đều bắt nguồn từ việc "chuyển khẩu" của đội bóng ở tận châu Đại dương nhưng sang tá túc Á châu.

1. Tuyển Úc khép lại vòng loại thứ 3 World cup khu vực châu Á với vị trí nhất bảng và gần như không có trở ngại đáng kể nào trong hành trình chinh phục một trong 4 vé chính thức dự World cup 2014 tại Brazil. Tại vòng loại thứ 4 World cup 2014 khu vực châu Á sẽ bắt đầu vào mùa hè tới, Úc đụng độ Nhật Bản và 3 cái tên quen thuộc khác là Iraq, Jordan, Oman. Nhìn vào 5 cái tên trong bảng, hai tấm vé chính thức khó lọt tay đội bóng đương kim vô địch Asian cup 2011 Nhật Bản và "chuột túi" Úc.

Giờ đây, mỗi khi đụng độ với người Úc, các đội bóng châu Á đều "run", kể cả những cái tên như Nhật, Hàn, Iran; còn với các đội bóng trung bình và nhỏ thì chỉ coi đây là cơ hội để "một ngày đàng, học sàng khôn".

Người Úc gia nhập làng bóng đá châu Á kể từ 2006 và sau những khởi động có phần trục trặc ở Asian cup 2007, những chú chuột túi đã nhanh chóng làm quen môi trường mới, khẳng định đẳng cấp. Tại vòng loại thứ 4 World cup 2010, Úc chứng tỏ sức mạnh gần như tuyệt đối khi giành 20 điểm (thắng 6, hoà 2, bại 0), vượt trên đối thủ kị giơ Nhật Bản tới 5 điểm. Thắng lợi như chẻ tre của người Úc cũng đồng nghĩa nỗi đau của những Bahrain, Qatar, Uzbekistan. Cup bóng đá thế giới tại Nam Phi, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ lại đây sạch bóng Tây Á.

Đau nhất chính là Ả rập Xê út. Dù là thế lực lớn ở châu Á và đội tuyển vùng Vịnh này đã 4 lần liên tiếp giành quyền tham dự World cup (1994, 1998, 2002, 2006, trong đó từng lọt vào vòng 2 World cup 1994) nhưng tuyển Ả rập đã bị chính người Úc hất văng và hất đau khỏi World cup thêm một lần nữa. Tại vòng loại thứ 3 World cup 2014, Ả rập Xê út nằm cùng bảng với Úc, Oman và Thái Lan. So với các đội như Oman, Thái Lan, người Ả rập ở ghế trên. Nhưng đụng độ phải đội tuyển châu Đại dương, gã khổng lồ Tây Á hai lần ngã ngựa cả trên sân nhà lẫn sân khách, đều với cách biệt 2 bàn (thua 1-3 lượt đi và thua 2-4 lượt về).

Ả rập Xê út cay đắng rời cuộc chơi khi bị "chuột túi" hạ đo ván ở lượt trận cuối vòng loại thứ 3 World Cup 2014.

Đặc biệt, tại lượt trận cuối, nếu thắng lợi trước tuyển Úc thì Ả rập Xê út nghiễm nhiên giành vé vào vòng sau, bất chấp nỗ lực của hai "chú nghé" Oman và Thái Lan. Hy vọng đó có cơ sở bởi sau 5 lượt trận, Úc đã chính thức đoạt vé và không còn nhiều động lực thi đấu. Người Úc hoàn toàn có thể "thương" đội bóng Ả rập để đá lỏng chân, mở cửa chính cho họ đoạt tấm vé vào vòng trong.

Nhưng những gì diễn ra trên sân cho thấy Úc muốn tẩy chay "cáo già" Ả rập ngay từ vòng 3 để vòng tiếp theo đỡ rắc rối. Chỉ trong 4 phút giữa hiệp hai, các chú "chuột" nã vào lưới Ả rập tới 3 bàn, buộc gã khổng lồ Tây Á ngã ngựa ngay ở vòng loại thứ 3, một kết quả tồi tệ nhất với đội bóng danh tiếng vùng Vịnh.

Tuy nhiên, chính Ả rập Xê út phải tự trách mình khi sức mạnh đội bóng 4 lần dự World cup ngày càng suy yếu. Trong một bảng đấu mà chỉ có Úc nổi trội hơn, các cầu thủ vựa dầu mỏ có thể kiếm điểm để định đoạt số phận khi tiếp Oman và Thái Lan. Thế nhưng, họ cũng không tài nào ghi được bàn thắng vào lưới Oman sau cả hai lượt trận và còn bị "kẻ lót đường" Thái Lan cầm chân ở lượt đi.

2. Với các đội tuyển Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, dù không đến nỗi cay đắng như Tây Á khi đụng độ tuyển Úc nhưng kết quả các trận đấu gần đây cũng cho thấy, cơ hội để giành chiến thắng trước người Úc là rất khó khăn. Trong các đội tuyển Á châu, chỉ duy nhất Nhật Bản tỏ ra kị giơ, nhiều lần cản bước người Úc ngay cả khi sức mạnh người Nhật bị xếp chiếu dưới.

Điển hình là tại Asian cup 2011, Úc thẳng tiến vào chung kết và đụng độ với đại gia Nhật Bản. Đây là lần thứ hai Úc dự Asian cup kể từ khi gia nhập ngôi nhà bóng đá châu Á (trước đó, năm 2007, họ bị chính đội Nhật loại ở tứ kết). Trận chung kết này, người Nhật đối mặt vô cùng khó khăn khi thống kê dữ liệu cả trận cho thấy, tuyển Úc lấn lướt hoàn toàn thế trận và tạo được rất nhiều cơ hội. Tuy nhiên, may mắn đã không mỉm cười với "chuột túi" và cái dớp kị giơ với người Nhật vẫn chưa thể gỡ bỏ, điều đó khiến Úc dù lấn lướt thế trận nhưng phải chịu thất trận với bàn thắng của cầu thủ có dòng máu Hàn Quốc, Lee Tadanari ở hiệp phụ thứ hai.

Vòng loại thứ 4 World cup lần này, Nhật Bản một lần nữa lại chung bảng với Úc nhưng nếu đội tuyển xứ hoa anh đào không gia cố lại hàng thủ, cải thiện sức mạnh hàng công, thần may mắn khó có thể đứng về phía tuyển thủ xứ hoa anh đào khi người Úc đang ngày càng cho thấy sự già giơ và đang nuôi chí "rửa hận", đánh bại đối thủ số 1 của mình ở châu lục (trên bảng xếp hạng FIFA mới nhất, Úc xếp thứ 20, đứng trên Nhật tới 10 bậc). 

3. Năm 2005, khi Úc làm đơn xin gia nhập bóng đá châu Á, quan chức AFC nói rằng, đây cũng là cơ hội để các đội bóng châu Á được cọ xát với đội tuyển mạnh tầm cỡ thế giới. Năm 2006, Liên đoàn Bóng đá châu Á đã nồng nhiệt thu nhận Úc vào làm thành viên thứ 46 của liên đoàn, cho phép Úc được tham dự các giải của Liên đoàn kể từ năm 2006. Trước đó, Úc có 39 năm nằm trong Liên đoàn Bóng đá châu Đại dương và họ quá ngán ngẩm với chức vô địch ở nơi mà thế giới dường như lãng quên bóng đá.

Tham vọng của Úc là chiếc vé dự VCK World cup nhưng họ đã quá nhiều lần để tuột khỏi tay, dù thực tế các đợt vòng loại, họ chỉ có hai trận quan trọng nhất: tranh vé vớt. Nghĩa là nửa "suất ăn" mà FIFA dành cho châu Đại dương tưởng là đủ nhưng lại tỏ ra quá khó khi các đối thủ tranh vé vớt các châu lục đều già giơ, đặc biệt đối thủ đến từ Nam Mỹ. Trong khi đó, châu Á được dành sẵn 4 suất chính thức và nửa suất vé vớt.

Họ liên tiếp vấp ngã trước thềm 3 VCK World cup khi thua trong cả 3 trận tranh vé vớt (World Cup 1994, Úc thua Argentina, 1998 thua Iran và 2002 thua Uruguay. "Ở vòng loại khu vực châu Đại dương chúng tôi không bao giờ kiểm tra được trình độ của mình và không bao giờ có thể chuẩn bị tốt nhất cho các trận đấu hoặc trận play-off", Craig Moore, đội trưởng tuyển Úc khi đó ngán ngẩm nói.

Lâu nay, châu Á vẫn bị coi là vùng thấp của bóng đá thế giới, dù đây là khu vực có số lượng đội tuyển tham dự vòng loại lớn nhất. Có thêm Úc, quan chức liên đoàn cũng mở mày mở mặt hơn với trình độ túc cầu, phần nào hạn chế được sự "làm mình làm mẩy" của 4 ông kẹ: Nhật, Hàn, Iran, Ả rập Xê út (dù so trình độ bóng đá thế giới, Úc cũng chỉ bậc trung, hiện xếp thứ 20 trên bảng xếp hạng FIFA). Giờ đây, cọ xát chỉ đúng một vế. Với các tuyển dưới chiếu ở Đông Nam Á, người Úc ở đâu không ảnh hưởng gì tới họ vì giấc mơ World cup vùng trũng còn quá xa vời. Nhưng với các ông lớn bóng đá châu Á như Ả rập Xê út, Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả những đội bóng bậc khá như Jordan, Iraq, Uzbekistan, sự hiện diện của người Úc làm cơ hội giành vé dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh hẹp dần.

Uzbekistan, một thế lực mới đang lên ở châu Á, hiện xếp hạng 67 trên bảng xếp hạng FIFA và đứng thứ 5 châu Á (chỉ sau 4 đại gia Úc, Nhật, Hàn, Iran), đang nỗ lực để cạnh tranh với Hàn Quốc, Iran ở bảng B, hoặc chí ít là hạng ba để tranh vé vớt. Tại vòng loại thứ 3 World cup vừa qua, Uzbekistan khiến người Nhật thót tim khi cầm hoà 1-1 ở lượt đi và giành chiến thắng 1 - 0 lượt về ngay trên đất Nhật. Tuy nhiên, Uzbekistan không phải đối thủ xứng tầm của Úc khi tại bán kết Asian cup 2011, "chuột túi" khiến đại diện Trung Á ôm hận với 6 bàn không gỡ!

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa người Úc bách chiến bách thắng ở Á châu. Phong độ kanguru nhiều lúc phập phù và kị giơ với một số đội bóng. Được đánh giá trội hơn hẳn nhưng cả hai lượt trận vòng loại World cup vừa qua, Úc chỉ thắng Thái Lan sát nút. Trong khi đó, dù nã vào lưới Oman 3 bàn không gỡ ở lượt đi nhưng lượt về lại thất thủ trên sân Oman. Cùng bảng đấu lượt cuối này có sự hiện diện của Iraq, một đối thủ khó chịu từng cầm hoà Úc trong 90 phút thi đấu chính thức ở tứ kết Asian cup 2011 và cầm hoà ở vòng bảng Asian cup 2007, được cho sẽ gây khó dễ cho "chuột túi".

FIFA vẫn giữ quan điểm phân phối 4,5 vé dự World cup cho Á châu. Khi Úc nhập khẩu về đây, một vé dành cho họ là điều không bàn cãi và như vậy, châu Á thực tế chỉ còn 3,5 vé, bằng với số vé FIFA dành cho khu vực Bắc Mỹ và Caribe. Nửa vé vớt còn lại nếu cứ phải đấu với đối thủ đến từ Nam Mỹ như thể lệ ở vòng loại World cup lần này thì cửa cho đại diện châu Á quá mong manh (World cup 2010, suất này bị New Zealand tước mất từ tay Bahrain, dù đại diện châu Đại dương không có gì nổi trội). Sau khi Ả rập bị loại, may mắn đã đứng về phía Iran khi tránh được bảng đấu có sự hiện diện của Úc bởi nếu không, vận đen nối gót Ả rập dễ lặp lại như chính người Iran cách đây 4 năm

Trường Đăng
.
.
.