Chuyện bổ nhiệm HLV của bóng đá Đông Nam Á: Từ Park Hang-seo đến Akira Nishino

Thứ Ba, 06/08/2019, 13:57
Tân HLV trưởng đội tuyển Thái Lan Akira Nishino đang đứng trước áp lực rất lớn từ người hâm mộ bóng đá xứ sở chùa Vàng với sự kỳ vọng lớn lao đặt vào vị chiến lược gia từng tham dự World Cup. Nghịch lý nằm ở chỗ ông thầy sinh năm 1955 lại phải bắt tay vào núi công việc khổng lồ một cách hoàn toàn đơn độc khi chưa chọn được trợ lý cho mình, điều hiếm khi xảy ra ở các nền bóng đá phát triển.


"Luật" của vùng trũng

Mỗi vị HLV tài danh trên thế giới đều có một ê kíp trợ lý luôn đi cùng ở bất cứ nơi nào họ dừng chân. Ví dụ như Jose Mourinho, có thể dễ dàng chỉ những cái tên quen thuộc trong đội ngũ của "Người đặc biệt" như trợ lý Rui Faria, HLV thủ môn Silvio Louro, HLV thể lực Carlos Lalin. Nếu một đội bóng muốn ký hợp đồng với Mourinho, họ thường sẽ làm điều tương tự với tất cả những nhân vật trên để tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho vị chiến lược gia người Bồ Đào Nha.

Sự ăn ý và hiểu biết lẫn nhau giữa HLV trưởng và những cộng sự rất quan trọng trong bóng đá. Nhưng điều đó có vẻ không đúng lắm ở Đông Nam Á, nơi các đội tuyển thường chỉ quan tâm đến người ngồi vào chiếc ghế nóng rồi sau đó mới tính tiếp đến chuyện xây dựng đội ngũ huấn luyện.

Akira Nishino đau đầu tìm trợ lý.

Dĩ nhiên việc xây dựng ê kíp vẫn phụ thuộc chủ yếu vào ý muốn của vị HLV trưởng. Điển hình như HLV Park Hang-seo. Ông lựa chọn người học trò cũ, bạn thân Lee Young-jin làm trợ lý cho mình. Sự kết hợp này đem đến những thành công rực rỡ cho bóng đá Việt Nam suốt thời gian qua. Ông Lee Young-jin hiện tại còn đang là người dẫn dắt U23 Việt Nam sau khi đã thể hiện bản thân xuất sắc trong vai trò phụ tá cho thầy Park.

Nhìn sang đội tuyển Thái Lan, HLV Akira Nishino cũng đang cần một trợ lý xuất sắc như vậy trước những nhiệm vụ đầy thử thách mà FAT (Liên đoàn Bóng đá Thái Lan) đặt ra. Nhưng có vẻ như ý muốn của ông đang mâu thuẫn với các lãnh đạo của FAT. Trong khi phía Thái Lan gợi ý việc sử dụng trợ lý nội thì Nishino chỉ muốn làm việc với những người đồng hương. Đó là mong muốn dễ hiểu khi những người sử dụng chung ngôn ngữ và tương đồng về phong cách làm việc tất nhiên sẽ cộng tác với nhau hiệu quả hơn.

Trợ lý của Nishino thời còn dẫn dắt đội tuyển Nhật Bản vào đến vòng 2 World Cup 2018 là ông Hajime Moriyasu giờ đã trở thành HLV trưởng của "Samurai xanh". Tân HLV của đội tuyển Thái Lan sẽ phải sử dụng mối quan hệ cá nhân và hiểu biết của mình để chọn ra cho mình một phụ tá đắc lực.

Nhưng thời gian thì không  chờ đợi, Thái Lan sẽ bước vào trận đấu với Việt Nam trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022 vào ngày 5-9 và từ giờ đến thời điểm đó chỉ còn hơn 1 tháng. Việc không có một ê kíp san sẻ gánh nặng đang khiến cho HLV Nishino gặp rất nhiều khó khăn trong công tác chuẩn bị.

Những phát ngôn mạnh miệng ban đầu của vị chiến lược gia Nhật Bản không che giấu một thực tế rằng ông đã thực sự gặp khó khăn ngay từ bước đi đầu tiên: Làm quen với cách làm việc theo kiểu "không giống ai" tại môi trường bóng đá được xem là vùng trũng của thế giới.

Tiền và quan hệ

Trên thực tế thì "mối lương duyên" giữa đội tuyển Thái Lan và HLV Akira Nishino đã trúc trắc ngay từ đầu. Việc FAT để lộ ra thông tin về cuộc đàm phán đã khiến phía chiến lược gia Nhật Bản khó chịu và suýt chút nữa mọi sự đã không thành.

Hầu hết những cuộc đàm phán của hai bên đều xoay quanh mức lương mà Nishino sẽ nhận nếu dẫn dắt "những chú voi chiến". Là một chiến lược gia tên tuổi từng dự Olympic lẫn World Cup, mức lương mà Nishino đòi hỏi dĩ nhiên không thể ở mức "làng nhàng", tuy nhiên đẳng cấp và tham vọng của đội tuyển Thái Lan không bằng đội tuyển Nhật Bản nên chiến lược gia này cũng hiểu rằng không thể đòi hỏi mức thu nhập tương đương như vị trí cũ.

Nishino và những người đại diện từng bỏ dở cuộc đàm phán giữa chừng vì không hài lòng với đề xuất của phía Thái Lan. Cuối cùng con số được chốt lại là 81.000 USD/tháng, khoảng 1 triệu USD/năm. Kỷ lục của bóng đá Thái Lan.

Người đại diện quyền lực Lee Dong-jun (phải).

Với tham vọng trước mắt là truất ngôi Việt Nam tại Đông Nam Á và xa hơn là góp mặt tại World Cup, người Thái quyết tâm "chơi lớn" ở thương vụ Nishino, nhưng "độ chơi" của họ dường như mới dừng ở chuyện tiền bạc. Sự cập rập trong việc tuyển lựa vị HLV trưởng một ê kíp làm việc cho thấy rõ ràng rằng người Thái quan tâm đến việc tìm một ông thầy tiếng tăm hơn là chuyện ông thầy đó sẽ làm việc như thế nào.

Sự yếu kém về quản lý và tầm nhìn hạn hẹp về chuyên môn là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó. Đáng tiếc, nó lại là căn bệnh chung của cả nền bóng đá Đông Nam Á chứ không riêng gì Thái Lan. Điều này dẫn đến việc các liên đoàn thường ở vào thế bị động khi đàm phán với những người đại diện cho các HLV.

Trở lại trường hợp thầy Park. Dù hiện tại vị HLV Hàn Quốc đã chứng minh được khả năng của mình, cần nhớ rằng ở thời điểm cách đây 2 năm, hồ sơ của ông gặp rất nhiều vấn đề với các tiêu chí được đưa ra bởi VFF. Vào thời điểm đó, VFF muốn có một vị HLV biết tiếng Anh và không quá 60 tuổi (ông Park sinh năm 1957 và không sử dụng tiếng Anh). Gặp khó khăn trong việc tuyển chọn, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh đã gia hạn việc chọn nhà cầm quân cho đội tuyển Việt Nam đến cuối tháng 10-2017.

Nhưng chỉ đến ngày 29- 9, báo Hàn Quốc đăng ảnh Phó Chủ tịch tài chính Đoàn Nguyên Đức, Phó Chủ tịch chuyên môn Trần Quốc Tuấn, Tổng Thư ký Lê Hoài Anh chụp cùng HLV Park Hang-seo tại sân vận động Seoul từng tổ chức các trận đấu của World Cup 2002 và cũng chỉ mất 1 ngày để hoàn thành bản hợp đồng đưa thầy Park đến Việt Nam.

Đứng sau bản hợp đồng này là Lee Dong-jun, "siêu cò" người Hàn Quốc sinh năm 1985, có mối quan hệ rất tốt với Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức. Chính Lee Dong-jun là đạo diễn đưa Xuân Trường sang K-League thi đấu và cũng là người đưa ông Chung Hae-seong sang làm Giám đốc kỹ thuật cho Hoàng Anh Gia Lai. Khi biết VFF cần một chiến lược gia thay thế HLV Hữu Thắng, Lee Dong-jun lập tức gửi hồ sơ của HLV Park Hang-seo qua email và nhờ tầm ảnh hưởng của bầu Đức với vai trò Phó Chủ tịch tài chính VFF, mọi thứ diễn ra sau đó rất nhanh.

Chặng đường 2 năm qua của bóng đá Việt Nam thuộc về lịch sử. HLV Park Hang-seo thành công rực rỡ và trở thành một biểu tượng trong mối quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc. Không thể phủ nhận rằng sau nhiều năm tìm kiếm, thầy Park là đáp án hoàn hảo cho chiến lược nâng tầm đẳng cấp của của bóng đá Việt.

Năng lực và cống hiến của thầy Park đã khiến người ta quên đi sự thiếu minh bạch trong quy trình tuyển chọn HLV trưởng của đội tuyển Việt Nam cách đây 2 năm, khi những quyết định được đưa ra chóng vánh bởi sự can thiệp lớn từ ý muốn chủ quan cùng những mối quan hệ riêng.

Về lâu dài, đó chắc chắn không phải là cách làm việc của một nền bóng đá phát triển.

"Siêu cò" Lee Dong-jun

Năm 2010, Lee Dong-jun bước vào nghề môi giới bóng đá với tấm bằng Quản trị kinh doanh Đại học Sungkyunkwan và chứng chỉ hành nghề của FIFA. Lee Dong-jun bắt đầu tìm hiểu về bóng đá Đông Nam Á vào năm 2016 khi thực hiện kế hoạch bán bản quyền K-League tới các nước trong khu vực. Lee bỏ tiền túi ra mua bản quyền 10 trận đấu K-League với giá khoảng 30.000 USD để phát sóng ở Thái Lan nhưng các trận đấu không thu hút được khán giả.

Sau thất bại đó, Lee Dong-jun tới Việt Nam và thử một phương án khác, cụ thể là tìm kiếm một cầu thủ đưa sang Hàn Quốc thi đấu để mở cửa thị trường. Cuối cùng, Lee chọn Xuân Trường và tình nguyện không lấy phí môi giới chuyển nhượng. Dù tiền vệ của Hoàng Anh Gia Lai sang Hàn thi đấu không thành công như mong muốn, Lee lại "được nhiều hơn mất" khi xây dựng mối quan hệ với bầu Đức.

Sau khi giới thiệu ông Park Hang-seo cho VFF, chính Lee là người dàn xếp cuộc gặp gỡ giữa các lãnh đạo liên đoàn với ông thầy Hàn Quốc. Chỉ mất 10 tiếng phỏng vấn và thương thảo, hợp đồng đã được ký. Cũng chính Lee là người đưa hai vị trợ lý Lee Young-jin và Bae Ji-won đến Việt Nam

Thành công của thầy Park giúp công việc của Lee Dong-jun ngày càng thuận lợi. Ngoài một công ty riêng, mạng lưới của Lee đã mở rộng ra rất nhiều khu vực trên thế giới. Việc Công Phượng sang Bỉ chơi bóng có sự tác động lớn của người đại diện này. Bên cạnh đó, Lee cũng là người đại diện cho thầy Park trong việc đàm phán gia hạn hợp đồng với VFF.

Đơn Ca
.
.
.