Chuyện ít biết về dàn nhạc của Tổng thống Putin sắp có buổi biểu diễn giao lưu với Đoàn nghi lễ CAND

Thứ Năm, 05/12/2019, 11:28
Được coi là dàn nhạc điển hình và là mẫu hình chưa từng có ở các nước, ít khi xuất hiện ở các diễn đàn âm nhạc lớn trên thế giới, dàn nhạc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Liên bang Nga thuộc lực lượng quân sự nội bộ của Chính phủ, hoạt động độc lập với Quân đội, do Tổng thống Nga Vladimir Putin trực tiếp điều hành.

Đây cũng là dàn nhạc nổi tiếng về tính kỷ luật cao, biểu diễn giao hưởng nhưng hướng tới số đông, mỗi buổi biểu diễn trong khán phòng phục vụ không dưới 1.000 người, biểu diễn ở ngoài trời sẽ phục vụ hàng vạn người. Theo kế hoạch, ngày 5-12 tới, dàn nhạc này sẽ có chuyến lưu diễn đặc biệt tại Việt Nam và sẽ giao lưu với Đoàn nghi lễ CAND.

Dàn nhạc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Liên bang Nga được thành lập năm 1956, từ một đội nhạc nghi lễ mang tên Dzerzhinsky. Ngày 11-10-1971, theo Quyết định số 282 của Bộ Nội vụ Liên Xô, dàn nhạc được mang tên dàn nhạc kiểu mẫu Bộ Nội vụ Liên Xô. Năm 2016, dàn nhạc được đổi tên thành dàn nhạc kiểu mẫu của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Liên bang Nga. Dàn nhạc bao gồm dàn nhạc giao hưởng kết hợp với dàn nhạc kèn hơi. 

Các hoạt động của dàn nhạc rất phong phú và đa dạng, tập trung chủ yếu phục vụ khán giả quân đội. Tuy nhiên, dàn nhạc biểu diễn thành công ở nhiều phòng hòa nhạc và địa điểm hòa nhạc khác nhau trong và ngoài nước, tham gia tích cực vào các sự kiện chính trị xã hội quan trọng, tiến hành nhiều buổi hòa nhạc, tuyên truyền giáo dục âm nhạc cho lực lượng quân sự và công chúng.

Dàn nhạc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Liên bang Nga.

Dàn nhạc đã phục vụ quân nhân tại các điểm nóng của đất nước ở Fergana, Kokand, Kuvasay, Andijan vào năm 1989, các chuyến đi tới Cộng hòa Chechen, bắt đầu từ năm 1995 giúp thúc đẩy tinh thần của những người lính và động viên họ trong hoàn cảnh khó khăn. Trong nhiều năm hoạt động nghệ thuật, dàn nhạc đã tổ chức hàng trăm buổi hòa nhạc, thực hiện nhiều cuộc ghi âm trên đài phát thanh, ghi lại nhiều chương trình hòa nhạc trên truyền hình và thực hiện bộ phim tài liệu “Moskva ra lệnh xuất phát”. 

Đội ngũ nghệ sĩ của Dàn nhạc đã tham gia phục vụ Thế vận hội năm 1980, Liên hoan Thanh niên và Sinh viên Thế giới năm 1986, cuộc thi thể thao “Friendship-84”, biểu diễn trong đại lễ kỷ niệm 850 năm thành phố Moskva. Từ năm 2002 đến nay, dàn nhạc đã biểu diễn thành công tại các Festival quốc tế các ban nhạc Kèn đồng quân đội ở St Peterburg, tham gia biểu diễn ở nhiều sự kiện lớn tại Pháp, Đức.

Theo nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu, khả năng trình diễn của dàn nhạc rất phong phú. Các tác phẩm lớn hay nhỏ, họ đều có khả năng thực hiện một cách xuất sắc. Dàn nhạc có 5 ca sĩ nổi tiếng, trong đó có 2 nữ ca sĩ được nhiều người mến mộ là Getman Olga Anatolyevna và Malika Razakova. Getman Olga Anatolyevna sinh năm 1980 tại Moskva, cô từng được đào tạo tại lớp huấn luyện thuộc Dàn hợp xướng mang tên Pyatnitsky, tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Gnesin, làm việc trong Dàn hợp xướng mang tên Pyatnitsky. 

Từ năm 2008, cô đã làm việc trong đơn vị của Vệ binh Quốc gia. Năm 2017, cô được phong tặng Danh hiệu Nghệ sĩ Công huân của nước Cộng hòa Udmurt. Còn ca sĩ Malika Razakova cũng từng đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi toàn Liên bang Nga và các cuộc thi quốc tế và là Nghệ sĩ Công huân Cộng hòa Tatarstan.

Dàn nhạc có 3 giọng ca nam xuất sắc. Trong đó, nghệ sĩ Chebotarev Dmitry đã tốt nghiệp chuyên ngành Thanh nhạc tại Nhạc viện Tchaikovsky (Moskva) năm 2016. Hiện nay, Chebotarev Dmitry là giảng viên, ca sĩ solist của Dàn hợp xướng quốc gia Nga A.V.Sveshnikov và là khách mời solist của Dàn hợp xướng thính phòng nam “Peresvet”, nghệ sĩ đơn ca của dàn nhạc kiểu mẫu Vệ binh Quốc gia Liên bang Nga. 

Chebotarev Dmitry đã thực hiện nhiều chương trình hòa nhạc với tư cách là ca sĩ đơn ca trên khắp nước Nga, có thể biểu diễn nhiều thể loại như tình ca, ca khúc, Aria trong các vở opera và hài kịch, ca khúc nghệ thuật, nhạc jazz, nhạc pop.

Getman Olga Anatolyevna - 1 trong 2 “bóng hồng” nổi tiếng của dàn nhạc.

Giọng nam trầm Tolstokorov Alexey sinh năm 1987, từng được đào tạo tại trường Âm nhạc A.N. Scriabin, Học viện Âm nhạc Gnesins, Trung tâm Opera Galina Vishnevskaya. Từ năm 2017, anh là ca sĩ của Dàn nhạc kiểu mẫu của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Liên bang Nga. 

Tolstokorov Alexey từng được trao nhiều giải thưởng: Giải đặc biệt cho tiết mục trình diễn xuất sắc nhất, giải Nhất tại Liên hoan Đơn ca mở rộng Moskava lần VI, giải thưởng Grand Prix trong cuộc thi Bài hát yêu nước của Quân đội, danh hiệu “Người hát hay nhất bài hát Nga”, giải thưởng “Cho màn trình diễn xuất sắc nhất trong tác phẩm của M. Glinka” tại cuộc thi Giọng hát toàn Nga mùa đầu tiên. Anh cũng đã giành giải Ba và được nhận học bổng của cuộc thi Giọng hát quốc tế lần thứ VIII mang tên Nghệ sĩ Nhân dân Liên bang Nga A.P. Ivanova.

Ca sĩ Kukhta Oleg Valerievich sinh năm 1971, từng công tác tại Bộ chỉ huy Không quân Ryazan mang tên Lenin Komsomol, khoa tình báo đặc biệt GRU. Nam ca sĩ từng phục vụ trong Lực lượng vũ trang Liên bang Nga, là sĩ quan cao cấp của lực lượng đặc biệt GRU GSH. 

Anh từng được tặng Huân chương Dũng cảm và nhiều huy chương khác. Anh giành giải Nhất cuộc thi “Victoria” năm 1994, giải Nhất cuộc thi Victoria Grand Prix năm 1995 và giải Nhất cuộc thi quốc tế “Slavic Bazaar” năm 1999. Anh từng là ca sĩ đơn ca của Đoàn Ca múa Quân đội, Dàn nhạc kiểu mẫu của Bộ Nội vụ Nga. Anh trở thành Nghệ sĩ Công huân của Liên bang Nga năm 2008.

Chia sẻ về dàn nhạc đặc biệt này, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khẳng định: Dàn nhạc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Liên bang Nga là mẫu hình chưa từng có ở các nước hoặc ít thấy xuất hiện ở các diễn đàn âm nhạc lớn. Đây là dàn nhạc giao hưởng kết hợp điện tử. 

Việc kết hợp với điện tử nhằm đưa yếu tố trẻ, yếu tố mới mẻ vào dàn nhạc giao hưởng. Dàn nhạc giao hưởng bình thường sẽ biểu diễn trong một phòng hòa nhạc tiêu chuẩn, không có sự trợ giúp về âm thanh. Nhưng khi hướng đến công chúng đông là hàng nghìn người, thậm chí hàng chục nghìn người như trong một không gian sân vận động thì bắt buộc dàn nhạc phải sử dụng một hệ thống âm thanh chuyên nghiệp, chuyển tải được nhiều nguồn âm thanh khác nhau: giao hưởng, điện tử và dàn nhạc kèn. 

Họ có 2 nhiệm vụ là biểu diễn các tác phẩm kinh điển đòi hỏi trình độ kỹ thuật chuyên môn cao nhưng đồng thời cũng hướng dẫn, giáo dục công chúng tiếp cận với âm nhạc truyền thống của nước Nga như âm nhạc dân gian, âm nhạc của thời kỳ cách mạng. Họ ít xuất hiện ở những phòng hòa nhạc lớn, nổi tiếng. Nếu biểu diễn trong phòng hòa nhạc, khán giả tối thiểu trong khán phòng phải là hàng nghìn người. Nếu biểu diễn ở ngoài trời, số lượng người xem phải là hàng vạn. 

Tác phẩm họ chọn biểu diễn vừa có tính kinh điển, vừa có tính giáo dục lòng yêu nước, giáo dục truyền thống dân tộc, tuổi trẻ và thanh thiếu niên. Đi theo dàn nhạc phải là công trình kỹ thuật về âm thanh rất lớn. Các nhạc cụ biểu diễn của họ cũng tương tự. Với các nhạc cụ như kèn Turbo, đại hồ cầm Contrabass, Đàn Harp…, khi di chuyển bằng máy bay, họ không thể gửi vào khu hành lý thông thường mà sẽ phải mua vé riêng, tương đương với 1 đến 2 vé thông thường dành cho người.

Cũng theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, dàn nhạc dành nhiều tình cảm yêu mến cho nhân dân Việt Nam. Vào tháng 5-2019, khi Hội Nhạc sĩ Việt Nam mời dàn nhạc sang Việt Nam biểu diễn, họ đã đồng ý rất nhanh, dù rằng ở ngay tại Liên bang Nga cũng không dễ mời họ và sự xuất hiện của họ luôn là một vinh dự. Không những thế, trong chuyến đi này, dàn nhạc còn tự túc kinh phí di chuyển từ Moskva sang Hà Nội.

Để phục vụ cho chuyến lưu diễn tại Việt Nam sắp tới, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã dày công chuẩn bị nhiều tháng đi tìm hiểu và đi đặt những yêu cầu đó với nhiều công ty trên cả nước, sau đó mới tìm được một công ty đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, công ty này ở Đà Nẵng và TP HCM. Chương trình biểu diễn của dàn nhạc lại ở Hà Nội và Hạ Long, Quảng Ninh nên công ty sẽ phải mang hàng tấn thiết bị âm thanh ánh sáng từ Đà Nẵng, TP HCM ra phía Bắc.

Từ trái qua: Diễn viên, ca sĩ Malika Razakova, ca sĩ Kukhta Oleg Valerievich, giọng nam trầm Tolstokorov Alexey.

Theo yêu cầu của dàn nhạc, buổi biểu diễn trong phòng hòa nhạc phải bố trí được tối thiểu 200 chỗ ngồi. Với hòa nhạc ngoài trời, đối tượng phục vụ có thể là hàng vạn người. Vì vậy, buổi biểu diễn tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, ban tổ chức sẽ thiết kế để khán giả ngồi cả ở phần sau sân khấu. Đây là lần đầu tiên có chương trình bố trí khán giả ngồi sau sân khấu ở Việt Nam. 

Ngoài ra, do đặc thù của dàn nhạc giao hưởng kết hợp với điện tử, âm thanh tương đối lớn nên khác với thông lệ, khách VIP sẽ không ngồi ở hàng 1, 2 mà ngồi ở khu vực phía sau, cao hơn sân khấu. Trong chương trình, các nghệ sĩ hai nước sẽ cử Quốc thiều của 2 nước Nga – Việt, biểu diễn các tác phẩm kinh điển quen thuộc của Nga và thế giới, những bài hát trích trong các vở nhạc kịch, các bài dân ca Nga, các bài hòa tấu hữu nghị giữa Việt Nam và Nga trong đó có 2 ca khúc “Miền xa thẳm”, “Tổ quốc gọi tên mình”, hòa tấu “Người ở đừng về”, dân ca quan họ Bắc Ninh, hòa nhạc “Trống cơm”… 

Hải Hà
.
.
.