Chuyên nghiệp kiểu... Bình Dương (!?)

Thứ Sáu, 17/03/2017, 15:27
"Như tôi đã nói nhiều lần rồi đấy, mùa này lực lượng Bình Dương không còn mạnh như trước nữa nên mục tiêu chỉ là trụ hạng" - đó là điều mà HLV trưởng Trần Bình Sự nói đi nói lại trong phòng họp báo sau trận Bình Dương thua đau Quảng Nam 0-1 ở vòng 9 V.League tuần rồi.


Có gì bất thường trong câu nói này không? Vừa có vừa không! Có ở chỗ, một đội bóng mà gần 15 năm qua luôn được ví von là "Chelsea của Việt Nam", một đội bóng mà gần như "muốn mua ai có người đấy" thế mà bây giờ chỉ còn đặt mục tiêu trụ hạng. Còn không ở chỗ, bóng đá Việt Nam là như thế, cái gì cũng có thể xảy ra.

Cần nhắc lại, trước đây, cứ mỗi khi bắt đầu mùa giải mới là Bình Dương lại vung tiền vô tội vạ để mua về các cầu thủ sao số. HLV thích đương nhiên mua, HLV không thích cũng vẫn mua, mà rõ nhất là lần ông Lê Thụy Hải còn cầm Bình Dương, và nói đi nói lại với một lãnh đội: "Các ông mang Công Vinh về đây làm gì?", thế mà lãnh đội vẫn mua.

Ông Hải hồi đấy nói thẳng, xét về mặt chuyên môn, Công Vinh vô giá trị trong cái đội hình với hàng loạt những sao số mà ông đã đóng chốt. Nhưng ý lãnh đạo là tất cả. Khi phải lựa chọn giữa việc tôn trọng ý kiến chuyên môn với HLV trưởng với việc tiếp tục bảo vệ quan điểm mua sắm và thói quen mua sắm của mình, không cần nghĩ ngợi nhiều, họ tức thì chọn vế thứ hai.

Vì sao? Vì phải mua sắm thừa mứa chứa chan như thế mới xứng mặt là đội bóng nhà giàu. Và vì cứ phải vung tiền mua sắm vô tội vạ như thế thì mới có được những cái phết cái phẩy phía sau một bản hợp đồng. Chung quy lại, họ nhiều tiền, và muốn dùng tiền để mua tất cả những thứ muốn mua.

Cũng chính vì thế nên ở Bình Dương những năm trước người ta thấy xuất hiện cả những mặt siêu tích cực lẫn siêu tiêu cực từ chính sách... vung tiền mua tất cả. Ở phương diện tích cực, đội bóng đã nhiều lần đăng quang ngôi vua V.League khiến các cổ động viên mát lòng mát dạ.

Vài mùa giải trước, khi còn giàu có, lãnh đạo Bình Dương nhất định vung tiền  mua Công Vinh, bất chấp phản đối của HLV trưởng Lê Thụy Hải.

Ở phương diện tiêu cực, cũng chính từ cái môi trường bóng đá này mà HLV Đặng Trần Chỉnh đã tổng kết một quy luật nổi tiếng của nghề HLV tại Việt Nam: "Ở Việt Nam, ghế thầy 4 chân thì cầu thủ nắm tới 3 chân".

Có nghĩa, khi những cầu thủ chủ lực quây lại, thực hiện một kế hoạch - một âm mưu nào đó thì mọi chỉ đạo chuyên môn của HLV đều vô nghĩa. Ở Bình Dương, từ Đặng Trần Chỉnh, Đoàn Minh Xương, Mai Đức Chung, đến cả một dãy dài các HLV ngoại quốc đều đã ra đi... vì lý do này.

Nhưng trước thềm mùa giải năm nay, nhà đầu tư quyết định: không vung tiền mua sắm nữa. Bình Dương sử dụng nguồn cầu thủ nội sẵn có kết hợp với các cầu thủ trẻ. Họ cũng chỉ mời về một HLV đã hết thời từ rất lâu như ông Trần Bình Sự - người mà hai mùa giải trước đã xuống hạng cùng bóng đá Đồng Nai, và sau đó thậm chí đã tính đến chuyện... giải nghệ. 

Không vung tiền, không mua sắm, không sao số, không thầy "hợp thời trang", rốt cuộc Bình Dương sau gần chục vòng V.League đã thể hiện một bộ mặt như thế nào? Thì đây, đội bóng có biệt hiệu "Chelsea Việt Nam" ngày nào mới chỉ có 8 điểm, đứng thứ 3 từ dưới lên.

Thầy trò Bình Dương mùa này chỉ... chăm chăm lo trụ hạng.

Tính đến thời điểm này, họ đã trải qua 6 trận đấu liên tiếp không biết thắng, và thua cả thảy 3 trận ngay ở sân nhà Gò Đậu - cái sân một thời được ví von là "đi dễ khó về". Thế thì ông Trần Bình Sự nhắm đến mục tiêu trụ hạng, chứ không phải mục tiêu tranh chấp ngôi vô địch như các mùa giải trước là đúng quá rồi còn gì. Mà chỉ sợ, cứ với đà này, 1,2 mùa giải nữa, mục tiêu trụ hạng còn khó khăn, xa xỉ.

Thế đấy, chỉ sau một năm - một mùa giải, Bình Dương từ vị thế của một ông lớn trở thành đội bóng vào giải với mục tiêu... không xuống hạng. Cái gọi là "hình ảnh", là "tầm vóc" mà Bình Dương nhờ tiền có được giờ đây cũng tan ra như bọt xà phòng.

Những ai trót yêu mến đội bóng này có thể ít nhiều xót xa, tiếc nuối. Nhưng những ai thật sự hiểu đội bóng này và hiểu bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thì lại thấy nó là chuyện hết sức bình thường. Nó bình thường như thể hôm nay, một cô gái tuổi 20 có gương mặt tươi tắn, trẻ trung, xinh đẹp, nhưng do dùng phải mĩ phẩm "đểu" nên ngày   mai khuôn mặt đã biến dạng, nhăn nhó, méo mó hệt như một bà già.

Mà ngẫm ra, mọi thứ quay ngoắt 180 độ sau một năm - một mùa giải là còn lâu. Với nhiều đội trước đây, mọi thứ quay ngoắt 180 độ, thậm chí khai tử, tan giã ngay tắp lự chỉ sau một cái gật hay lắc của ông bầu.

Sang mùa thứ 17 rồi, nhưng bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam là như thế!

Anh Đức - nỗi cô đơn của cầu thủ bản địa

Những mùa giải trước đây, Bình Dương ồ ạt sử dụng các cầu thủ ngoại, cầu thủ nhập tịch và những cầu thủ nội sao số đến từ các địa phương, vùng miền khác. Chỉ có duy nhất tiền đạo Nguyễn Anh Đức là người lớn lên, trưởng thành thực sự từ bóng đá trẻ Bình Dương.

Đã có lúc bóng đá Bình Dương mời ông thầy tâm huyết Đặng Trần Chỉnh về cầm lứa trẻ, và đặt ra mục tiêu xây dựng, phát triển cầu thủ trẻ một cách bài bản. Nhưng tính đến lúc này, những cầu thủ trẻ chất lượng của họ cũng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

HLV trưởng Trần Bình Sự thẳng thắn cho biết: "Trong khi nhiều cầu thủ gạo cội không còn đủ thể lực đá 90 phút thì những cầu thủ trẻ được đôn lên lại quá non. Chính vì vậy tôi luôn phải chắp vá nhân sự, và hy vọng đạt được kết quả tốt nhất với những gì mình đang có". 

Người Bình Dương về "nắm" VPF

Trước đây, bóng đá Bình Dương có ông Giám đốc điều hành Cao Văn Chóng - một người "hiểu việc", "hiểu cuộc chơi", và có những đóng góp quan trọng giúp đội bóng đạt được thành tích cao. Nhưng rồi ông Chóng cũng chia tay Bình Dương để về làm việc tại VPF (Công ty cổ phần Phát triển bóng đá Việt Nam), và trong vai trò của Tổng Giám đốc VPF, ông Chóng đang cùng trưởng giải Nguyễn Minh Ngọc tham gia rất sâu vào công tác điều hành V.League.

Mất ông Chóng, Bình Dương cũng nhanh chóng tìm được người thay thế, tuy nhiên, nếu xét về độ "máu mặt" và sự am hiểu đường đi nước bước của sân chơi V.League thì vị này không thể sánh bằng ông Chóng được. Thế mới có người bảo, cùng với chính sách "giảm tiền, giảm chi...", Bình Dương mùa này yếu từ ghế lãnh đạo đến ghế HLV trưởng lẫn cả các cầu thủ đá bóng trên sân.

Lại xuất hiện những "Chelsea mới"

Khi Bình Dương không còn là "đại gia vung tiền" nữa thì V.League lại xuất hiện những "đại gia vung tiền" mới. Đó là CLB TP Hồ Chí Minh. CLB này thắng cũng thưởng, hoà cũng thưởng, và cá biệt, có trận thua vẫn... thưởng to. Điều đáng nói là ngay trước khi mùa giải chuẩn bị khai màn, lãnh đạo CLB này đã thay máu gần chục cầu thủ từng gắn bó với mình ở giải hạng Nhất năm ngoái để ồ ạt mang về những cầu thủ giàu kinh nghiệm chiến trường V.League. Cùng với chính sách "vung tiền làm bóng đá", họ còn "dựng" ngôi sao mới giải nghệ Lê Công Vinh làm "quyền chủ tịch CLB". Người ta dự đoán, cứ với cái đà vung tiền không tiếc tay này, rồi 1,2 mùa giải mới, CLB TP Hồ Chí Minh sẽ lại trở thành "Chelsea của Việt Nam".

Đó còn là FLC Thanh Hoá - một đội bóng mà trong khoảng 2 năm trở lại đây cũng vung tiền vô tội vạ để mua HLV sao số, cầu thủ sao số, quyết giành chức vô địch V.League lần đầu tiên trong lịch sử. Bây giờ, sau 9 vòng V.League 2017, Thanh Hoá đang trải qua chuỗi 9 trận bất bại, một mình độc tôn ở ngôi đầu bảng. Cứ với đà này, chắc chắn họ trở thành ứng cử viên số 1 cho ngôi "vua" V.League năm nay.

Vấn đề của những đội bóng kiểu như TP Hồ Chí Minh, FLC.TH là khi nhà đầu tư chủ trương thay chính sách, hoặc triệt để "rút ống thở kim tiền", họ sẽ lại giống y như Bình Dương của mùa giải năm nay. Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam hiện tại chỉ có khoảng 1,2 CLB như Hoàng Anh Gia Lai, CLB Hà Nội là còn có những dấu hiệu phát triển bền vững thực sự. Những CLB có kế hoạch đào tạo trẻ bài bản, lớp lang, có những nhà tài trợ lâu dài với giá trị tài trợ ở mức tương đối cao trong mặt bằng chung V.League.

Còn với phần lớn những CLB khác, đừng bất ngờ nếu họ thay đổi vị thế - thay đổi mục tiêu, thứ hạng chỉ sau một cái chớp mắt ngắn bằng giây!

Diệp Xưa
.
.
.