Chuyện tình Việt - Ý: Vẫn yêu nhau dù thế nào đi nữa

Thứ Tư, 11/02/2015, 13:28
13 năm quen nhau mà chưa dám làm đám cưới, Elena vẫn chờ đợi ông cho đến khi những gánh nặng cơm áo, gia đình nhẹ bớt. Thăng trầm, vinh nhục… tất cả đều đã trải qua và chỉ có "hằng số Elena" là còn lại. Bà luôn ở bên ông, lúc nào cũng vậy, dù có lúc cách xa nhau hơn 10 ngàn cây số…
Mối tình "vượt biên giới"

Bà nói tiếng Việt lưu loát. Từ nào chưa hiểu, bà quay sang hỏi chồng rồi cả hai cùng cười. Trước mắt tôi là một mối tình Việt - Ý đẹp như cổ tích. Tròn 30 năm sống đời vợ chồng, sự cảm thông dường như ngày càng quyện chặt vào mối lương duyên khác màu da, tiếng nói này. Họ cho nhau tình yêu nhiều hơn hờn trách, ghen tuông. Họ ríu rít bên nhau như đôi chim quyên, cười nói cùng nhau và trên hết, thấu hiểu được tâm hồn nhau.

Hơn 40 năm trước, chàng trai Trương Văn Dân ấp ủ hoài bão sang Ý du học. Nước Ý đón Dân bằng một mùa đông lạnh giá, tuyết rơi trắng trời. Rồi ông gặp Elena trong một ngày định mệnh. Người con gái bản địa có mái tóc vàng, sống mũi cao, nước da trắng và đôi mắt cháy bỏng ước mơ. Elena Pucillo trong cái nhìn của Trương Văn Dân là cô gái chứa đựng sự hồn nhiên, trong sáng tuyệt diệu.

Mùa đông châu Âu không còn lạnh giá nữa, nó được sưởi ấm bằng một thứ tình cảm hòa trộn giữa tình yêu và tình người. Trương Văn Dân có một nét gì đó thanh lịch, hoạt bát của người châu Á, lại sở hữu nụ cười duyên, khi "quét" qua ánh mắt cô gái 16 tuổi chưa biết yêu là gì thì Elena cảm thấy tim mình đập nhanh hơn. Buổi đầu ấy, trái tim trắng tinh như tờ giấy của Elena bắt đầu biết thổn thức. Sao kỳ lạ vậy? - Elena tự vấn bản thân.

Tình yêu của Trương Văn Dân - Elena trải qua nhiều sóng gió, họ bị gia đình Elena phản đối. Mẹ Elena là người đầu tiên công khai ngăn cản chuyện tình "vượt biên" này. Đơn giản, bởi bà không biết Việt Nam là đất nước như thế nào. Trong trí tưởng tượng của bà, Việt Nam nằm ở nơi nào đó xa tít mù khơi, mà cả cuộc đời này bà không bao giờ đặt chân tới đó được. Từ khi chia tay chồng (người con trai vừa lập gia đình), bà chỉ còn cô con gái bé bỏng Elena làm bầu bạn tâm sự. Và trên hết, bà không muốn rời xa con gái, bà sợ mất con. Thế nhưng, Trương Văn Dân thường đến thăm Elena và trò chuyện với mẹ cô. Lâu dần, mẹ Elena có tình cảm đặc biệt với chàng trai Việt Nam, bà yêu thương Trương Văn Dân như đứa con trong gia đình.

Họ yêu nhau bởi luôn tìm thấy sự bình an khi ở bên nhau.

Sống đời sống phương Tây, mọi việc đều rõ ràng, sòng phẳng, thế nhưng lòng Trương Văn Dân luôn canh cánh một món nợ. Nợ nước Ý. Nợ tình yêu của Elena, người con gái hơn 40 năm trước đã quen và yêu ông hơn mọi thứ trên đời. Một tình yêu hoàn toàn trong sáng, không vụ lợi, không nhỏ nhen. Elena chấp nhận đến với Trương Văn Dân từ khi ông còn là một "công tử" ngu ngơ du học. Đến những năm tháng khó khăn, phải sống trong căn nhà mùa đông không có lò sưởi, bụng đói không tiền ăn sáng.

40 năm, ông đã theo sự lựa chọn của riêng mình, nhưng cũng có lúc cuộc đời tước đi của ông quyền lựa chọn. Tuy vậy, ông vẫn mỉm cười phấn đấu. Bằng sự cần cù, thông minh, Trương Văn Dân vượt qua trở ngại, trở thành một Giám đốc Kỹ thuật rồi Trưởng phòng nghiên cứu phát triển Dược Thú y của một tập đoàn lớn nhất nước Ý. Nhưng rồi càng lên cao, đụng chạm đến tiền tài địa vị, con người sẵn sàng xô đẩy nhau, ganh ghét nhau, thậm chí chà đạp nhau để tiến thân. Lắm khi Trương Văn Dân cảm thấy mệt mỏi, muốn buông bỏ cái lớp hào quang bóng loáng của chốn quan trường.

"Tôi là dâu Việt đấy"

Khi còn ở Ý, Trương Văn Dân xem Việt Nam là nơi trú ẩn an toàn sau những bon chen của xã hội Tây phương. Dường như ông đã mệt mỏi với những xô bồ, giờ đây cần phải sống chậm lại. Nước Ý trong trái tim Trương Văn Dân là quê hương thứ hai, bởi hơn nửa cuộc đời học tập và làm việc, đất và người ở đây đã là một phần máu thịt của ông.

Nhưng, Việt Nam thì vẫn luôn là nỗi nhớ cháy bỏng. Năm 1981, 1982, ông về nước thăm gia đình và năm 1985, sau khi làm đám cưới ở Ý, Trương Văn Dân cùng vợ Elena về quê hương Việt Nam. Một mâm cơm nho nhỏ trong gia đình chào đón cặp vợ chồng đặc biệt. Rồi sau đó là một đám cưới thân mật cùng những người thân và bạn bè tại Sài Gòn.

Lần đầu đến Việt Nam, Elena đã cảm nhận trọn vẹn tình cảm của những người thân trong gia đình chồng dành cho mình. Bà đã phải thốt lên khi nhìn thấy chiếc xe đạp bán bắp dạo ngoài đường. Điều này gợi lại thời thơ ấu của bà ở nước Ý. Không ngờ, đời sống ở Việt Nam lại có những nét giống quê hương của bà đến vậy. Elen a đã lặng người đi, bà ngấu nghiến gặm bắp luộc ngay trên vỉa hè và cười sảng khoái như một đứa trẻ. Tình yêu Việt Nam tự nhiên đến, thân thương và cháy bỏng mà không một chút gượng ép.

Học tiếng Việt không phải là điều dễ, bà chỉ được học trong hai tháng, còn phần lớn là tự học do tiếp xúc bên ngoài, cùng sự trợ giúp của chồng. Đến nay, Elena đã có vốn tiếng Việt rất khá. Bà cho biết: "Nhờ chồng nhiều lắm đó, chồng chính là người thầy lớn của tôi". Được chồng dẫn về quê ăn Tết, Elena nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống cùng bà con.

Elena lên chùa xem các sư cô gói bánh chưng, bà cũng xắn tay vào gói. Sự cởi mở, ham học hỏi của cô dâu Tây làm không gian làng quê rộn ràng, vui nhộn. Với người dân quê võ Tây Sơn, bà không những nói giỏi tiếng Việt, mà đôi khi cao hứng, bà "phang" luôn tiếng Bình Định, cũng choanh choách chẳng kém cạnh gì dân nhà nòi. Tự bao giờ, Elena đã là một nàng dâu Tây bị "Việt hóa".

Một phút tự do được bà Elena viết trong những ngày ở Việt Nam.

Những lần bà một mình đi chợ Bến Thành, mấy người bán hàng thấy bà Tây đeo kính đen, vận áo choàng sành điệu đã hét giá "trên trời". Lúc ấy, bà "xổ" một tràng tiếng Việt ra làm các bà trố mắt: "Tôi là nàng dâu Việt Nam đấy, tôi biết giá cả ở đây như thế nào là phải". Ba năm sống ở chung cư  Q.Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh), hầu như người dân nào cũng quen mặt Elena, kể cả các khu chợ gần đó. Elena sống hòa mình cùng hàng xóm, bà có cách nói chuyện dí dỏm, yêu đời, gần gũi khiến người lạ gặp lần đầu mà ngỡ thân quen từ rất lâu.

Những ngày theo chồng về Việt Nam, để khỏi nhớ nghề, bà tham gia giảng dạy văn hóa Pháp tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh và dạy tiếng Ý cho Lãnh sự danh dự Ý. Thật ra, tiền thù lao không đủ đổ xăng xe, chưa kể công của "xe ôm năm sao" Trương Văn Dân sáng chở đi, trưa đón về. Nói đến đây, ông bà nhìn nhau cười, vui vẻ như những đứa trẻ. Ông Dân bảo: "Nó như cái nghiệp vận vào thân rồi, không bỏ được. Hai chúng tôi như người "điên" ấy mà, toàn làm những việc "khùng" thôi".

Vợ viết, chồng dịch

Học chuyên ngành Hóa và Công nghệ dược nhưng Trương Văn Dân lại yêu văn học đến cháy bỏng. Nó như định mệnh bám rịt lấy ông. Ông đã sáng tác và xuất bản một số đầu sách được nhiều độc giả ái mộ. Trong đó, "Bàn tay nhỏ dưới mưa" được lồng trong bối cảnh xã hội mà Trương Văn Dân chứng kiến, từ bên này hay bên kia trong các chuyến đi về. Đó là một câu chuyện tình yêu say đắm được lồng trong hiện thực bị xáo trộn, dưới ảnh hưởng và sức ép của toàn cầu hóa, nguy và cơ đều trộn lẫn. Nguyên mẫu được ông lấy từ nhiều nhân vật gộp lại, chuyện đời, hạnh phúc và khổ đau của nhiều người, cùng nỗi băn khoăn tâm sự của chính mình.

Vì vậy, "Bàn tay nhỏ dưới mưa" như nhiều mảnh gương, mỗi mảnh phản chiếu một góc. Có mảnh quay vào trong, soi nội tâm nhân vật, có mảnh hướng ra ngoài để nhìn ra thế giới. Các trang viết đều có phản chiếu một chút người, một chút ta, một chút bạn bè và cảm nhận những vấn đề mang tính bản thể. Sự sống và cái chết, nhân phẩm và sự nghiệt ngã, khát vọng vô cùng của con người và những hữu hạn tồn tại…

Vợ chồng Trương Văn Dân - Elena tìm thấy điểm chung là đam mê sáng tác văn chương. Những năm tháng sống ở Việt Nam, bà Elena không ngừng ấp ủ để cho ra đời "đứa con tinh thần". Bà viết sách theo phong cách riêng của mình, viết lặng lẽ và chăm chỉ bằng tiếng Ý. "Một phút tự do" là cuốn sách thứ hai sau cuốn sách đầu tay "Bóng của ngày" (xuất bản năm 2012). Rồi những bản thảo ấy, chính người chồng, dịch giả Trương Văn Dân dịch ra tiếng Việt. Hai tâm hồn đồng điệu, thấu hiểu nhau trong mọi hoàn cảnh, khăng khít đến hòa quyện làm một, đã tạo ra một phong cách văn chương không lẫn vào đâu được.

"Một phút tự do" kết hợp giữa truyện ngắn và tùy bút, với lối viết dung dị, chân thành để lại dư âm nhiều chiều trong lòng người đọc. Ở đó, bà Elena Pucillo đã góp nhặt những câu chuyện đời thường, những mảng ký ức, những suy nghĩ đậm chất văn và đời. Bà bảo rằng, thực chất trong "Một phút tự do" thì đâu đó chính là cuộc đời của tác giả. Chỉ một phút tự do thôi sao? - Tôi hỏi. Bà cười giòn tan, dí dỏm: "Chỉ một phút là đủ, vì cuộc sống này con người vốn đã quá bận rộn". 

Sài Gòn của Việt Nam theo nhận xét của Elena thì đường phố ngột ngạt, xe cộ tấp nập, cuộc sống hối hả nhưng bà vẫn yêu lắm. Yêu từng món ăn, yêu những con đường, yêu quê hương Bình Định và tình yêu lớn nhất là người chồng. Rất nhiều người đã cảm phục trước tình yêu của Trương Văn Dân - Elena, và rất nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao họ lại yêu nhau nhiều đến thế? Người chồng trả lời: "Vì chúng tôi tìm thấy sự bình an khi ở bên nhau. Cuộc sống mà, cũng có những lúc giận nhau, nhưng chỉ được một chút thôi, rồi lại cười đùa như thường".

Ngọc Thiện
.
.
.