Chuyện vui đầu xuân hay "người Việt xấu xí"?

Thứ Sáu, 06/03/2015, 08:00
Xuân Ất Mùi mới bắt đầu được chưa đầy hai tuần, vậy nhưng, có những thứ bắt đầu một năm mới chẳng suôn sẻ chút nào. Những phản ứng, những điều tiếng và cả tâm thế của những người trong cuộc ít nhiều đã gây sự khó chịu, thậm chí là thất vọng cho số đông.
Xuân Bắc đóng vai "cô bé hờn dỗi"

Ngay sau khi chương trình Táo Quân phát sóng, hàng loạt dòng ý kiến trên mạng xã hội chê chương trình nhạt nhẽo và kém hấp dẫn so với năm ngoái thì Xuân Bắc cũng không kém cạnh khi dùng chính mạng xã hội để đáp trả. Và dòng trạng thái đó như sau:

"20h ngày 30 Tết năm sau mời mọi người xem... ca nhạc nhé!!! Năm nào phát sóng Táo xong đều: "Không hay bằng năm trước, nhạt, vớ vẩn, không đẳng cấp...". Bọn tớ hết động lực để làm rồi và thực ra là bọn tớ không đủ trình độ để làm"mặn" hơn một món ăn trong bữa tiệc mà các bạn có để đón Tết.

Nhân dịp này, xin gửi tới đại gia đình bảng Kênh truyền hình phát sóng thường xuyên để mọi người tiện tham khảo xem trong năm và Tết năm tới.

Nếu thấy Táo chán quá thì "hoy" (thôi).

Các cụ xem chương trình "Sống vui sống khỏe sống có ích".

Các nhà khoa học - xem "Nhà sáng chế vĩ đại".

Các bạn thanh niên - xem "Hãy làm, đừng nói".

Các cháu teen đến dưới 20 - xem tạp kỹ "Không phải dạng vừa đâu".

Và tốt nhất là hãy thể hiện niềm yêu thích của mình bằng cách... xem lại Võ Tắc Thiên cho nó Hoy.

Hoặc người lớn nói chung xem "Ai thông minh hơn học sinh lớp năm".

Chúc mừng năm mới. Chúc mọi người luôn mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc và luôn có được những chương trình phù hợp với trình độ của mình để thẩm thấm!!! Gia đình Hoy đi!"

Một cảnh trong chương trình “Táo quân”.

Chuyện nghệ sĩ giận hờn khán giả, trách móc khán giả sao "chưa" yêu thích mình cũng có, nhưng đó là những nghệ sĩ bỏ tiền để làm và kinh doanh sản phẩm, còn nghệ sĩ mà được thuê để làm một sản phẩm cho nhà Đài mà lên tiếng chê trách khán giả thì Xuân Bắc là người đầu tiên.

Và cũng cần phải nói rằng, Táo quân là một chương trình được sản xuất để phục vụ khán giả dịp Tết, cụ thể là đêm Giao thừa, tức là trong khung phát sóng của VTV, vậy thì đây là một chương trình được tạm gọi là "phục vụ nhân dân", chứ không phải là một chương trình "chiêu đãi miễn phí" nên tâm thế "có gì xài nấy, đừng có đòi hỏi" là một thái độ ban phát cho khán giả khó có thể chấp nhận được của người nghệ sĩ.

Nên nhớ rằng, ý kiến của khán giả là dựa trên cảm tình họ đã có với những chương trình của năm trước và cũng vì họ đã yêu quý và đã coi đó như một món ăn tinh thần cho ngày cuối năm. Ai cũng kì vọng nó ngon, nó bổ, nhưng thay vì như truyền thống thì món ăn cuối năm lại nhạt nhẽo và dở thì đương nhiên người ăn có quyền được chê, chứ chẳng nhẽ cứ cố gắng mà nuốt xong gật đầu khen lấy khen để.

Hơn nữa, suy cho cùng thì Xuân Bắc cũng chỉ là một diễn viên trong đó nên anh hoàn toàn không có tư cách gì để phản bác chuyện chê bai cả, bởi nếu có chê thì chê nguyên cả một chương trình chứ không ai chỉ cụ thể từng cá nhân để chê cả. Nếu có lên tiếng thì chỉ có thể là đạo diễn hoặc người viết kịch bản, chứ không phải là nghệ sĩ góp mặt trong chương trình ghi hình.

Bởi vậy mà sau khi thông tin về chuyện Xuân Bắc chê khán giả thì cũng đã có những ý kiến của khán giả chê ngược trở lại Xuân Bắc trên các báo mạng, và trong khuôn khổ bài báo này, chúng tôi xin được trích đăng hai ý kiến xác đáng nhất (vì ngôn ngữ comment của đọc giả mang những tính "dị biệt" nên chúng tôi giữ nguyên để thấy được thái độ của khán giả- PV).

"Khen chê là quyền của khán giả. Anh lên nói nghe cái giọng đã thấy kẻ cả rồi, kiểu như "bọn tôi không làm thì đố các ông kiếm được cái gì hay mà xem Tết" vậy, nói như Xuân Bắc là kiểu như bắt buộc phải khen mặc dù chương trình nó dở. Có hay thì xem, không thì thôi nhé. Chương trình miễn phí nhưng xem thì quảng cáo lòi mắt, táo diễn như mấy thằng trẻ trâu, không đủ tính đả kích châm biếm, nhạt nhẽo thì dừng lại đi để lại trong lòng người 1 chút hình ảnh Táo quân đẹp đẽ vốn có" - một bạn đọc tên Tô Minh.

"Từ lúc chưa phát sóng đã úp úp mở mở, nào là công phu, nào là vất vả, nào là tâm huyết, tập dượt từ 10h tối đến 2-3h sáng, các táo vừa tập vừa ngáp sái quai hàm... Đến khi xem thì nhạt hơn nước ốc...''. - một bạn đọc tên Việt Hùng.

Tuấn Hưng "thay đồng nghiệp kể khổ"

Tuấn Hưng từ ngày trở lại đất Bắc để sống, lấy vợ và kiếm sống có vẻ như càng ngày ngôi sao này càng thích "lên tiếng" để "thay trời hành đạo" hơn thì phải. Cách đây mấy tuần là chuyện lên mạng xã hội để cảnh báo bạn bè, nếu ai còn sử dụng phần mềm hoá trang giống Võ Tắc Thiên thì sẽ xoá tên trong danh sách bạn bè và cảm thấy bức xúc vì hiện tượng đó. Chuyện đó qua chưa lâu thì lại thấy chuyện anh lên tiếng vì chuyện Táo Quân bị chê nhạt. Đành rằng, Tuấn Hưng đóng một vai nhỏ nhưng cũng không nhất thiết phải gồng mình chứng tỏ đến vậy.

Nguyên văn dòng trạng thái mà ngôi sao này bày tỏ trên mạng xã hội như sau: "Cuối năm vừa qua, một trong những niềm vui bất ngờ đó là được tham gia Táo Quân với vai Thiên Lôi. Đó là vinh dự đặc biệt của tôi, dẫu còn có nhiều bỡ ngỡ và ngây ngô trong diễn xuất. Hạnh phúc vì được đứng chung sân với các anh chị mà mình đã ngưỡng mộ từ lâu, các anh chị lại chủ động giúp đỡ mình khỏi bỡ ngỡ khi ra sân chơi lớn (khá trùng hợp khi đầu năm được tham gia giải HPL, được đá chung với các ngôi sao mà mình chỉ xem trên tivi hoặc nghe danh mà thôi).

Trở lại với Táo năm nay, khi thấy phản hồi không tốt về độ nhạt của chương trình, tôi vừa buồn, vừa ức chế. Vẫn là những "Anh hùng bàn phím": chỉ được cái ngồi 1 chỗ mà chê, mà phán. Các bạn có biết sự hạn chế nội dung mà chúng tôi không được phép đi quá xa. Ai mà chả thích phê phán thật sát, thật thâm và chi tiết, nhưng đôi khi sự phê phán đó không hợp thời đúng lúc sẽ thổi bùng ngọn lửa dồn nén đã lâu của một bộ phận thì sao? Ai chịu trách nhiệm? Chúng tôi đổ mồ hôi, sôi nước mắt, bao đêm thức trắng để cả ngày hôm sau thiếu ngủ đờ đẫn, rồi đến giờ thì lại tập tiếp, cứ thế cả tháng trời.

Phải yêu nghề, yêu khán giả và thấy rõ trách nhiệm của mình là mua vui cho đời, chúng tôi mới cố gắng vượt qua chính mình đến vậy. Cái đời nghệ sỹ nó bạc thật. Cố gắng hết sức mà hát không hay bằng bài trước, người ta vẫn đuổi mình xuống sân khấu như thường. Dù mới đó còn tung hô, hoà điệu. Cảm ơn anh Đỗ Thanh Hải, Nguyễn Công Lý, Tự Long, Xuân Bắc, Trịnh Minh Quân..., những người đã giúp tôi đạt được giấc mơ kỳ diệu".

Tuấn Hưng quên mất một điều căn bản là: Không ai đày đoạ bắt các nghệ sĩ phải chọn nghề biểu diễn để mưu sinh cả. Và, Tuấn Hưng cũng quên luôn một điều cốt lõi là chính cái sự ta thán của anh đã mang lại tất cả mọi thứ anh đang có trong đời sống này, từ nhà cao cửa rộng, xe đẹp, cuộc sống giàu có đều từ phúc phận và tình yêu của khán giả dành cho với việc mua vé, mua sản phẩm của anh ta bao năm nay.

Những chương trình truyền hình hài cũng vậy. Trước mắt là chương trình truyền hình để gây dựng danh tiếng, đưa những diễn viên hài đến với khán giả, để từ đó họ chạy show kiếm tiền, họ ra đĩa, họ lưu diễn, v.v...Vậy thì sự khắt khe của khán giả có gì là sai khi ngày càng đòi hỏi chất lượng đi lên. Việc kể lể nghèo khổ cũng như vất vả để sản xuất chương trình là điều không cần thiết, bởi vì đó là chuyện nội bộ và khán giả chỉ nên là người tiếp xúc và đánh giá sản phẩm ở lúc hoàn thiện mà thôi.

Xuân Bắc, Tuấn Hưng.

Hãy thay đổi chứ đừng kêu ca kể khổ

Chắc chắn rằng, Xuân Bắc và Tuấn Hưng chưa phải là những nghệ sĩ cuối cùng kêu ca về việc Táo Quân năm nay bị chê. Sẽ còn ai đó cảm thấy ấm ức nhưng không dám lên tiếng sợ đụng chạm hoặc mất khán giả hâm mộ. Sở dĩ có điều này là bởi những năm trước đó, Táo Quân quá được ái mộ, tạo cho những nghệ sĩ cảm giác luôn được tung hô, luôn được ve vuốt nên khi nhận "thuốc đắng" thay vì "giã tật" thì họ lại quay ra trách móc hoặc giận lây chính những khán giả, những "thượng đế" đã o bế, chăm lo cho họ suốt nhiều năm qua.

Hơn thế nữa là chuyện bóng gió nói rằng, có thể năm tới sẽ không còn Táo Quân nữa vì họ "nản lòng vì những bài báo chê bai". Chuyện nghe thật nực cười bởi sẽ chẳng có gì là không thể thay thế, trước khi có Táo Quân, mọi thứ vẫn ổn và nếu như không có Táo Quân thì họ - chính VTV - sẽ phải nghĩ ra chương trình khác để sản xuất và trình chiếu.

Đơn giản rằng, họ là những người làm truyền hình và nhiệm vụ của họ là sản xuất chương trình để phục vụ quần chúng nhân dân, hơn nữa, sóng nhà Đài là "sóng vàng, sóng bạc" nên mỗi khi chương trình phát sóng là họ bán được cả tỉ tiền quảng cáo. Chẳng nhẽ vì vài lời chê bai mà họ vứt đi cả tỉ đồng? Điều đó nghe hơi phi lí! Đến hẹn lại lên, cũng giống như Táo Quân về chầu trời ngày 23 tháng Chạp, thì năm hết Tết đến, nhà Đài cũng sẽ lại có chương trình cho khán giả xem mà thôi.

Du Miên
.
.
.