HLV Hoàng Anh Tuấn từ chức ở đội U18 Việt Nam:

Có "bột" mới gột nên "hồ"…

Thứ Ba, 20/08/2019, 20:40
Ở ngoài cái ngưỡng “ngũ thập tri thiên mệnh”, HLV Hoàng Anh Tuấn (sinh năm 1968) có lẽ đã thấu hiểu hết sự nghiệt ngã của cái nghiệp ông đam mê và theo đuổi.


Chiến lược gia quê Khánh Hòa đã trải qua đủ hỉ nộ ái ố trên cương vị cầm quân, và bây giờ, ông cần một quãng nghỉ trước khi trở lại với công việc mà ông đã dành hết tâm huyết để phụng sự.

Tầm nhìn khác biệt

Hoàng Anh Tuấn có một sự nghiệp cầu thủ không quá nổi bật. Khi còn thi đấu, ông cùng với Đặng Đạo và Nguyễn Hữu Đang trở thành bộ ba xuất sắc của Khánh Hòa. Tuy nhiên so với hai đồng đội, Hoàng Anh Tuấn không được chú ý bằng. 

Ông cũng từng được triệu tập lên khoác áo đội Việt Nam 2 dự Cúp độc lập dưới thời HLV Tavares. Đó là dấu mốc hiếm hoi giúp người hâm mộ một thời nhớ đến ông Hoàng Anh Tuấn giai đoạn còn mặc quần đùi áo số.

Lọt thỏm trong “Thế hệ vàng” đầu tiên của bóng đá Việt Nam, nhưng Hoàng Anh Tuấn trở nên đặc biệt với tầm nhìn của mình. Xác định sẽ trở thành HLV sau khi giải nghệ, ông bắt đầu học ngoại ngữ và chuyên môn từ rất sớm. 

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ông Tuấn có kể lại hành trình học tiếng Anh của mình: “Mỗi ngày viết lên bảng 5 từ, học cho thuộc bằng được rồi mới xóa đi để viết 5 từ mới”. Sự kiên nhẫn của chiến lược gia này được đền đáp khi ông sớm trở thành HLV có trình độ ngoại ngữ cao nhất Việt Nam. Đó là cầu nối để ông tiếp cận với những nguồn kiến thức bên ngoài. 

Ở tuổi 37, ông đã có được bằng A HLV do AFC cấp. 4 năm sau, ở tuổi 41, Hoàng Anh Tuấn lại trở thành HLV đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ A chuẩn châu Âu sau khi giành học bổng của trường thể thao Hennef, Đức.

Có thể khẳng định rằng không có chiến lược gia nào tại Việt Nam nhiều bằng cấp như ông Tuấn. Ông tham gia rất nhiều chuyến tập huấn ở nhiều quốc gia, thậm chí từng đóng vai trò trợ giảng cho các khóa đào tạo HLV quốc tế. Sự khát khao kiến thức chuyên môn của ông Tuấn để lại nhiều câu chuyện thú vị. Năm 2013, ông từng bán cả ôtô để dự một khóa học về huấn luyện thể lực ở Anh trong vòng có vài ngày.

HLV Hoàng Anh Tuấn nặng lòng với bóng đá trẻ.

Nền tảng kiến thức phong phú và sự cầu thị giúp HLV Hoàng Anh Tuấn nhanh chóng định danh trong làng thể thao Việt Nam. Dấu ấn đầu tiên của ông là việc đưa U21 Khánh Hòa vô địch giải U21 Báo Thanh Niên 2007. Có lẽ vào thời điểm ấy, chính ông Tuấn cũng chưa nghĩ rằng danh hiệu đó đã mở ra định mệnh về việc gắn bó với bóng đá trẻ của mình.

Cũng trong năm 2007, ông được bổ nhiệm dẫn dắt đội 1 Khánh Hòa từ vòng 20 V.League. Lúc đó đội bóng phố biển đang xếp thứ 12/14 và có nguy cơ rớt hạng. Dưới quyền HLV Hoàng Anh Tuấn, Khánh Hòa thắng 4, hòa 1 trong 7 trận còn lại và trụ hạng sớm 1 vòng.

Trong giai đoạn 2007-2012, Ông Tuấn đã xây dựng Khánh Hòa trở thành một đội bóng "khó chịu" nhất tại V.League dù có lực lượng không quá mạnh. Thành công đó giúp ông được mời lên làm trợ lý cho HLV Phan Thanh Hùng tại AFF Cup 2012.

Sau giải đấu này, HLV Hoàng Anh Tuấn từng được cân nhắc để trở thành HLV trưởng của ĐT Việt Nam. VFF và vị chiến lược gia này thậm chí đã đạt được thỏa thuận với mức lương 200 triệu đồng/tháng. Thế nhưng những mâu thuẫn trong giới lãnh đạo liên đoàn đã khiến bản hợp đồng không được ký kết.

Nặng lòng với bóng đá trẻ

Không trở thành HLV của ĐT Việt Nam, ông Hoàng Anh Tuấn về dẫn dắt đội bóng Hải Phòng nhưng mọi việc không suôn sẻ vì bất đồng giữa ông với Ban lãnh đạo đội bóng đất Cảng. Năm 2015, ông được bổ nhiệm HLV trưởng đội U19 Việt Nam.

Cần phải nói rằng, việc dẫn dắt bóng đá trẻ ở bất cứ nơi đâu đều không dễ dàng. Đặc trưng của bóng đá trẻ là sự bất ổn, khó lường khi các cầu thủ chưa phát triển hết tiềm năng, chưa có nhiều kinh nghiệm và cần sự trui rèn rất tỉ mỉ từ người thầy của mình. Một đội bóng trẻ có thể vừa đá rất hay trận trước, trận sau đã thua sấp mặt cũng là chuyện bình thường.

Ông Hoàng Anh Tuấn cũng đã trải qua thời gian đầu đầy khó khăn. U19 Việt Nam lọt vào chung kết U19 Đông Nam Á năm 2015 nhưng thua Thái Lan đến 0-6. Năm 2016, U19 Việt Nam chỉ giành HCĐ ở giải đấu. Sau những thất bại đó, ông Tuấn đều phải nhận rất nhiều chỉ trích. Nhưng vào thời điểm đó, ông vẫn có được niềm tin từ VFF.

Niềm tin đó thu được trái ngọt ở giải vô địch U19 châu Á năm 2016. Ông Tuấn đã dắt dắt thế hệ của Quang Hải, Đình Trọng, Văn Hậu, Bùi Tiến Dũng… vào tới bán kết giải đấu, đồng thời giành vé dự World Cup U20 thế giới năm 2017 tại Hàn Quốc.

HLV Park Hang-seo đã được kế thừa một đội ngũ rất tốt từ người đồng nghiệp.

Chiến công lẫy lừng đó đưa tên tuổi ông Hoàng Anh Tuấn lên tột đỉnh vinh quang. Nhưng nó cũng là một đỉnh cao rất khó vượt qua, bởi một điều đơn giản là không phải lứa cầu thủ nào cũng có chất lượng như nhau.

Khi HLV Park Hang-seo đến Việt Nam, ông thầy Hàn Quốc đã được thừa hưởng một đội bóng có chất lượng tốt với rất nhiều học trò cũ của HLV Hoàng Anh Tuấn. Đến bây giờ, những ngôi sao của bóng đá Việt Nam như Quang Hải, Văn Hậu, Bùi Tiến Dũng vẫn nhắc đến người thầy cũ cùng sự kính trọng và biết ơn. Ông Park sau những thành công giành được cũng luôn gửi lời tri ân đến người đồng nghiệp đã ươm mầm cho ông những cậu học trò ưu tú.

Có trình độ chuyên môn rất tốt và đã được chứng thực ở nhiều cấp độ, ông Hoàng Anh Tuấn tất nhiên nhận được rất nhiều lời mời hấp dẫn từ các đội bóng V.League với mức đãi ngộ hấp dẫn. Nhưng trong suốt những năm vừa qua, ông đã khước từ rất nhiều cơ hội để thi thố ở giải Vô địch Quốc gia để dành tâm huyết cho các đội bóng trẻ.

Khi U18 Việt Nam thất bại trước U18 Campuchia, HLV Hoàng Anh Tuấn đã đứng ra nhận trách nhiệm và từ chức. Đó là cách hành xử đầy tự trọng và đáng tôn trọng.

Bóng đá trẻ, như đã nói, luôn luôn bất ổn và có tính thời vụ. Ông Tuấn có một phần trách nhiệm nhưng phải nhìn nhận rằng ông đã không đủ “bột” để “gột nên hồ”. Sự phát triển của một nền bóng đá phải có tính đồng bộ và bắt đầu từ cơ sở. Việc hàng loạt những lò đào tạo cấp CLB không sản sinh ra thêm những tài năng rõ ràng không phải lỗi của ông Tuấn. Với một lứa cầu thủ không quá nổi trội thì thất bại là một điều rất bình thường.

Người hâm mộ thì vốn không kiên nhẫn. Nhiều người vẫn nghĩ rằng việc những Quang Hải, Văn Hậu tiếp theo xuất hiện là… tất nhiên như chuyện “con chị đi con dì nó lớn”. Nhưng để có một lứa cầu thủ đồng đều tài năng không bao giờ là đơn giản, cần rất nhiều nguồn lực cùng đồng hành và cả sự may mắn.

Bài toán khó bây giờ để được giao cho người kế nhiệm HLV Hoàng Anh Tuấn.

Năm 2016, sau khi U19 Việt Nam vượt qua chủ nhà Bahrain ở tứ kết giải U19 châu Á và nhờ đó có vé dự World Cup U20 thế giới tại Hàn Quốc năm 2017, người đầu tiên mà HLV Hoàng Anh Tuấn gọi điện thông báo là mẹ ông.

Ông Tuấn kể lại: “Tôi rất ít khi rơi nước mắt, nhưng khi đội bóng có vé dự World Cup, tôi đã khóc khi gọi điện cho mẹ mình. Tôi ít khi chia sẻ với bà về công việc của mình vì sợ bà lo lắng. Nhưng vào khoảnh khắc đưa U19 Việt Nam đến World Cup, người đầu tiên tôi muốn chia sẻ là mẹ của mình”.

Sau cuộc hôn nhân không hạnh phúc của HLV Hoàng Anh Tuấn, người mẹ hơn 90 tuổi của ông cũng là người chăm sóc 2 đứa con đang ở tuổi mới lớn của chiến lược gia này. Vì đặc thù công việc, ông Tuấn thường xuyên phải xa nhà và rất trân trọng quãng thời gian ít ỏi ở bên gia đình. Sau khi chia tay U18 Việt Nam, ông sẽ có nhiều thời gian để chăm sóc tổ ấm của mình trước khi nghĩ đến những thử thách mới.

Việc phải rời xa gia đình khiến ông Tuấn dành rất nhiều tình cảm cho các cậu học trò của mình. Khi ông Park Hang-seo mới đến Việt Nam, ông thầy người Hàn đã nhận được từ người đồng nghiệp của mình một bản tổng kết vô cùng chi tiết không chỉ về các thông số chuyên môn mà còn về tâm tư, tình cảm, tính cách của từng cậu học trò. Đó là một phần lý do giúp ông Park hòa nhập rất nhanh và có được sự trân trọng từ các cầu thủ Việt Nam.

Sau khi U18 Việt Nam thất bại trước U18 Campuchia, các học trò cũ của ông Hoàng Anh Tuấn như Quang Hải, Văn Hậu, Bùi Tiến Dũng… đều gửi lời chia sẻ đến người thầy cũ của mình.

Việc ông Hoàng Anh Tuấn từ chức chắc chắn sẽ để lại khoảng trống không nhỏ, đặc biệt là khi ông đang có kế hoạch áp dụng lối chơi của đội U23 và đội tuyển quốc gia cho lứa cầu thủ trẻ để tạo tính kế thừa cho tương lai.

Đơn Ca
.
.
.