Có hay không 'Hội chứng Sơn Tùng'?

Thứ Năm, 02/04/2015, 10:00
Hàng trăm em học sinh của Trường Tiểu học Đông Thái (Q. Tây Hồ, TP Hà Nội) đã đồng thanh hát ca khúc "Chắc ai đó sẽ về" của Sơn Tùng trong ngày hội trường. Clip "Chắc ai đó sẽ về" do một vị phó giám đốc nọ hát cũng khiến cộng đồng mạng phát cuồng. Hơn 100 người lớn tham gia bảng khảo sát online của PV Báo CAND - khi được hỏi cảm thấy như thế nào về việc con em mình hát thuộc lòng các ca khúc của Sơn Tùng - thì có rất ít tỏ ra bất ngờ, đa số là bình thường và không quan tâm lắm. Vậy thì, có hay không "Hội chứng Sơn Tùng" trong giới trẻ?
"Sơn Tùng" từ trường theo về nhà

Không chỉ sở hữu số lượng fan khủng, không chỉ là chủ nhân của hàng triệu lượt view ấn tượng sau vài ngày ca khúc lên sóng, Sơn Tùng M-TP, cái tên đang làm mưa làm gió tại thị trường âm nhạc Việt Nam còn là thần tượng mới nổi của giới trẻ, nhất là các em học sinh cấp 1, cấp 2. Thay vì hát những bài hát dành cho lứa tuổi thiếu nhi, các em học sinh bây giờ hát và giới thiệu cho nhau nghe nhạc Sơn Tùng một cách rộng rãi. 

Chị Lan có con đang học lớp 4 tại Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (quận Hà Đông, Hà Nội) kể lại: "Về nhà mẹ thấy cháu cứ ư ử những giai điệu trong các bài hát của ca sỹ Sơn Tùng. Cháu hát lúc đang học, đang chơi, đang ăn và thậm chí cả khi tắm. Mẹ thấy lạ và hỏi thì cháu bảo thấy các bạn trong lớp nghe từ Ipad của bố mẹ, anh chị rồi lên lớp, kể lại cho các bạn hát theo, chứ cháu cũng không hiểu lời bài hát như thế nào và cũng không biết mặt mũi chú Sơn Tùng ra sao đâu. Ở nhà mẹ và bố cháu chưa bao giờ mở nhạc đó cả".

Chị Đặng Thị Vân Anh, giảng viên của Trường Đại học Y khoa Vinh kể, đứa cháu tầm 6- 7 tuổi của một đồng nghiệp học ở huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) đến thăm ông ốm đang nằm viện. Cháu hỏi ông khỏe không, ông bảo khỏe vừa vừa và cháu cứ lẩm nhẩm vừa vừa vừa vừa vừaaaaa đâuuuuu (nhại theo ca khúc "Không phải dạng vừa đâu" của Sơn Tùng).

Kể lại chuyện này để chúng ta thấy rằng, những ca khúc của Sơn Tùng, đang có sức lan tỏa mạnh mẽ, từ các thành phố lớn về tận nông thôn - những nơi mà trước đây vốn trẻ em chỉ biết hát những "Em là bông hồng nhỏ", "Cả nhà thương nhau", "Chú voi con"…, lớn hơn nữa thì "Cachiusa", "Làng tôi", "Tia nắng hạt mưa"…

Hàng trăm học sinh Trường Tiểu học Đông Thái (Hà Nội) say sưa hát "Chắc ai đó sẽ về" (Ảnh cắt ra từ clip).

Phải chăng, các em học sinh bây giờ không còn hát và thích hát những ca khúc dành cho lứa tuổi mình? Các ca khúc thiếu nhi với những mô-típ quen thuộc như gia đình, thầy cô, bạn bè, thiên nhiên, ước mơ, khát vọng… dường như không đủ sức hấp dẫn và quyến rũ so với các bài hát nhạc trẻ nói về yêu đương, thất tình, sến sẩm…

Và có một dạo, chúng ta từng "nóng ruột" khi nghe những cậu bé nước mũi vắt còn chưa sạch nhưng đã nhảy xập xình và hát thuộc làu một số ca khúc nhạc trẻ như "Chiếc khăn gió ấm", "Cầu vồng khuyết", "Kiếp đỏ đen"… Tuy nhiên, chưa bao giờ, những ca khúc thiếu nhi lại bị lấn sân một cách ngoạn mục và gần như là áp đảo như bây giờ.

Một cô giáo kể lại: "Nếu chúng ta bước chân vào lớp học nào bất kỳ ở bậc trung học cơ sở và hỏi ca sĩ mà các em yêu thích hiện nay là ai thì gần như 100% đáp án sẽ là Sơn Tùng. Và ngay cả hai đứa con tôi - một đứa học lớp 1, một đứa học lớp 3 - cũng hát rất nhiều ca khúc của Sơn Tùng. Bài "Không phải dạng vừa đâu" trở thành câu nói đế của tụi trẻ rồi. Tôi chủ nhiệm lớp 6 nhưng tiết sinh hoạt văn nghệ, tụi nhỏ chỉ kêu cô ơi cho hát bài người lớn đi".

Những ca khúc dành cho người lớn đang lấn sân vào thế giới của trẻ thơ. Những ca khúc thiếu nhi từng làm xao lòng một thế hệ - và có nhiều người trong số đó dù lúc này trên đầu đã hai thứ tóc vẫn luôn tưởng vọng với rất nhiều bồi hồi, thương yêu, trân trọng - thì với các em nhỏ bây giờ, dường như lại trở nên "lạc hậu" và không còn thú vị nữa. Các em nghe nhạc tình yêu, hát theo và "chế" lại nữa. Những ca khúc thuộc dòng này mới ra mắt được vài ngày thì y như rằng mấy ngày sau đã lan từ trường về nhà.

Những người - lớn - hồn - nhiên

Còn các bậc phụ huynh thì sao? Theo kết quả của một khảo sát online mà PV thực hiện mới đây với gần 100 người lớn (qua nhiều độ tuổi, nhiều thành phần, nhiều nghề nghiệp từ bộ đội, giáo viên, kiểm toán, nhân viên kinh doanh, nhân viên ngân hàng, thiết kế… đến cả nhà báo) thì chỉ có 2% trong số này nói con/cháu họ không biết nhạc Sơn Tùng, 70% người cho biết con/cháu họ có nghe, số còn lại không để ý nên không biết có nghe hay là không. Khi được hỏi nếu con/cháu nghe và hát nhạc Sơn Tùng thì chỉ 1-2% tỏ ra bất ngờ, 60% thấy hết sức bình thường, số còn lại không quan tâm lắm, thích nghe gì thì nghe.

Từ kết quả trên, chúng ta có thể thấy rằng, hình như người lớn đang bàng quan và "bình chân như vại" trước thực trạng này. Hoặc cũng có thể, với họ, đây là một chuyện hết sức bình thường. Việc con cháu họ nghe và hát, thậm chí nhại, chế lại nhạc Sơn Tùng cũng giống như mọi sinh hoạt hằng ngày, thường như chưa bao giờ thường hơn thế. Phù hợp hay không phù hợp với độ tuổi của chúng, điều đó không quá quan trọng. Đó là chuyện bình thường, họ không quan tâm lắm và những đứa trẻ thích nghe gì thì nghe.

Sơn Tùng, một hiện tượng mới nổi của âm nhạc Việt Nam.

Phải chăng, "One… Bắt đầu sự hình thành của ladykillah. Two… Bắt đầu sự hình thành của Youngpilots. Three… Sự kết hợp độc đáo đã tạo nên cái tên MM-TP… MMM-TP", "Eh eh eh.. Em đang nơi nào… Can you feel me"... dẫu cho những câu hát lai căng tây tây ta ta có như thế này cũng kệ. Dẫu cho cái tiếng Việt - mà lẽ ra ở độ tuổi các em cần học tập, trau dồi và nâng niu - đang bị mài mòn và "xâm thực" bởi những làn sóng ngoại lai thì với những người - lớn - hồn - nhiên này nói theo cách của các em nhỏ cũng là "no problem", nghĩa là "không vấn đề", "vô tư đê''.

Một Tiếng Việt tròn vành, rõ chữ, bổng trầm như tiếng mẹ cha, một Tiếng Việt là "tiếng làng tiếng nước của riêng ta" và "trong trẻo như hồn dân tộc Việt", cái Tiếng Việt mà cả đời thi sĩ Lưu Quang Vũ và nhiều người Việt Nam nợ một mối ân tình, thì nay đang bị méo mó đến không ngờ.

Vài chục năm qua, mảng ca khúc dành cho thiếu nhi bị các nhạc sỹ "bỏ lơ" một cách ngon lành. Vì khó viết, lại nghèo như một nhạc sỹ từng bộc bạch. Vì cũng với  những nốt nhạc ấy, họ có thể viết những cái sinh tiền, có đám đông của mình. Một cuộc ngã giá thẳng thừng, kiên quyết và lạnh lùng. Nhiều chương trình dành cho thiếu nhi có lên sóng nhưng lại bị công nghệ của truyền hình thực tế ảnh hưởng.

Trong khi đó, trẻ em cứ suốt ngày phải nghe những bài hát cũ trong chương trình giáo dục. Trẻ em bây giờ không còn giống trẻ em ngày xưa. Viết như thế nào cho mới, cho phù hợp với cảm thức của các em, viết như thế nào để những người nghe truyền thống của dòng nhạc này - là chính các em nhỏ - không rời bỏ nó mà đi - đó là một câu chuyện cần lưu tâm.

Chưa thể gọi Sơn Tùng là một hội chứng trong giới trẻ. Cũng chưa đến mức gọi đây là căn bệnh của đám đông! Nhưng rõ ràng đám đông ấy đang lên cơn sốt. Một cơn sốt mang tên Sơn Tùng M-TP. Và không nói nhiều đến một đám đông 18+ ít nhiều đã định hình được tính cách, sở thích; ở bài viết này, người viết hướng đến một đám đông dưới 18 tuổi đang trong quá trình định hình nhân dạng, con người - đang phải nghe một Tiếng Việt phân rã trong thời đại nghe nhìn. Và trong cái phân rã ấy, các em đã bắt gặp Sơn Tùng rồi xem đó là một điều thú vị.

"Chúng ta thiếu hẳn hệ thống chỉ đạo từ trên xuống dưới về vấn đề sáng tác cho thiếu nhi"

Nhà văn Lê Phương Liên, nguyên Trưởng ban Ban Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Quỹ Đô-rê-mon (NXB Kim Đồng):

"Tôi đọc báo có thấy người ta bàn tán nhiều về Sơn Tùng nhưng vì không phải "gu" của tôi nên tôi cũng không để ý lắm. Mãi Tết năm vừa rồi, khi xem chương trình Táo quân, tôi mới nghe đến ca khúc "Không phải dạng vừa đâu". Tôi thấy lạ quá, có hỏi mấy đứa cháu thì các cháu mới bảo đây là nhạc Sơn Tùng. Nói cho công bằng, "không phải dạng vừa đâu", đây thực sự là 1 câu hay.

Một câu tiếng Việt rất lý thú. Nó hợp tâm lý trẻ em, tâm lý tuổi mới lớn. Đó là thứ tâm lý muốn khẳng định mình, muốn mình là một cái gì đó. Không phải tự dưng mà rất nhiều các em nhỏ thích thú và hát theo Sơn Tùng đâu, về mặt này chúng ta phải sòng phẳng. Hiện nay, cuộc sống cộng đồng rất dễ lây lan, nhất là những từ mới lạ, những từ đó nhanh chóng trở thành mốt và mọi người đều nói.

Nhất là thế giới trẻ, các em luôn tìm cách phá vỡ mọi khuôn sáo cũ. Chúng không thích làm những điều mà bố mẹ, thầy cô giáo mong muốn. Đấy là sự phá cách của tuổi trẻ, chúng thích thế. Tôi công nhận Sơn Tùng thông minh, biết tạo ra giá trị mới. Tuy nhiên, sự phá cách, sự thay đổi ấy phải dựa trên một cơ sở học vấn, tri thức và một trái tim biết yêu thương. Thì khi đó họ mới tạo nên 1 tác phẩm có giá trị thực sự, còn không kết quả sẽ là những quái thai.

Trước đây, khi còn nhỏ, vào thập kỉ 60 của thế kỷ trước, tôi nhớ Ban chấp hành TW Đảng còn ra cả nghị quyết về giáo dục cho nhi đồng. Chúng ta còn có hẳn Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng do cụ Tôn Đức Thắng, lúc đó là Phó Chủ tịch nước đứng đầu. Ủy ban này sau biến thành Ủy ban Chăm sóc trẻ em, rồi sau nữa sáp nhập vào UB Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và hiện nay thì giải tán hoàn toàn.

Một số cán bộ về hưu của tổ chức này có lập nên Hội Bảo trợ trẻ em, chỉ xoay quanh công ước bảo vệ quyền trẻ em. Còn sáng tác cho thiếu nhi, ai chỉ đạo? Và nếu có đề nghị, chúng ta cũng chẳng biết đề nghị với ai cả".

PV
.
.
.