Làn sóng sử dụng cầu thủ nước ngoài ở Premier League

Cơ hội nào cho người bản xứ?

Thứ Hai, 25/07/2016, 17:10
Phiên chợ hè đã diễn ra được phân nửa thời gian. Như thường lệ, Premier League vẫn là “điểm nóng” trên bản đồ bóng đá thế giới những ngày này. Tới lúc này, 20 CLB đã đăng ký (tạm thời) 565 cầu thủ, thì 374 người trong số này tới từ quốc gia ngoài lãnh thổ Anh, chiếm tỷ lệ 66,2%.

Tức là tại thời điểm bài báo này xuất bản, nhóm cầu thủ ngoại quốc tại giải Ngoại hạng vẫn chiếm thế thượng phong, theo tỷ lệ 1 cầu thủ Anh/2 cầu thủ nước ngoài, tương đương với thống kê giờ này năm ngoái.

Giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh cấp CLB đã đón cả thảy 119 tân binh trong gần 50 ngày qua, tiêu tốn khoảng 458,1 triệu bảng. Trong số này, chỉ có 23 hợp đồng mới mang quốc tịch Anh, ngốn hết… 23 triệu bảng, tương đương mức… 2,5%.

Tuyển Anh đang sở hữu dàn cầu thủ tài năng hội tụ đầy đủ yếu tố kinh nghiệm và sức trẻ.

Nhiều năm qua, dùng “ngoại binh” là xu hướng chủ yếu trên các sân cỏ xứ sương mù và hiện tượng này có vẻ đang tái diễn ở mùa 2016/2017. Một câu hỏi quen thuộc, nhưng chưa bao giờ mất đi tính thời sự: Cầu thủ Anh lấy đâu ra đất diễn?

Nhất “Big 5”, nhì châu lục

Sử dụng cầu thủ nước ngoài là xu hướng chung của các CLB ở giải Ngoại hạng khoảng 5 mùa giải trở lại đây. Năm ngoái, 62,7% các cầu thủ đang chơi bóng tại Premier League đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài Anh.

Mùa trước, 33/44 bản hợp đồng trong hai bản hợp đồng của 8 CLB đứng đầu trên bảng xếp hạng là người nước ngoài. Cho tới lúc giải đấu hạ màn hồi tháng 5/2016, chỉ 11 cầu thủ người Anh được ra sân trong cả 38 vòng đấu.

Trong 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, EPL chứng kiến tần suất ra sân của các cầu thủ ngoại quốc lớn nhất. Ngay cả Serie A, nền bóng đá đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hóa cũng chỉ có phân nửa số cầu thủ không mang trong mình dòng máu Italia.

Xét rộng ra, xứ sương mù là quốc gia nhập khẩu cầu thủ lớn thứ hai và chỉ chịu đứng sau Đảo Síp trên cõi châu Âu. Nhìn chung, nhận xét các sân cỏ xứ sương mù bị xâm lăng bởi những gương mặt “ngoại lai” là hoàn toàn chính xác.

Nhiều nhưng không chất

Có một sự thật đáng buồn là dù sử dụng ồ ạt các cầu thủ nước ngoài và thậm chí là chi tiền rất nhiều cho những cái tên này thì hiệu quả mà các CLB ở Premier League thu về không được như mong đợi.

Cả mùa trước, sân chơi Ngoại hạng chứng kiến 1.026 pha lập công. Vậy mà chỉ có 625 bàn in dấu giày dàn lính đánh thuê, những người chiếm 2/3 số lượng cầu thủ chinh chiến ở Premier League.

Mặc cho trào lưu sử dụng hàng ngoại của giới chủ, các cầu thủ Anh vẫn biết cách lên tiếng, tiêu biểu là Harry Kane và Jamie Vardy.

Tổng kết cuối mùa 2015/2016, các cầu thủ nước ngoài đóng góp vào 42,7% số điểm của tất cả các đội bóng giành được (tính theo số đường kiến tạo và bàn thắng), một thành tích khiêm nhường nếu nhìn sự áp đảo của họ so với những sản phẩm “cây nhà lá vườn”.

Cần phải lưu ý thêm trong 62,7% số cầu thủ ngoại quốc ở Premier League kia, chỉ 7,74% đến từ Pháp, 5,94% tới từ Tây Ban Nha và 4,3% đến từ Argentina. Về bản chất, không có quá nhiều gương mặt xuất sắc tới từ những nền bóng đá mạnh trên thế giới đổ bộ về “đất nước mặt trời không bao giờ lặn”.

Một cách khách quan, Premier League thậm chí đang trở thành giải đấu “ô hợp”. Nó được cấu thành bởi những con người tới từ 64 dân tộc và nền văn hóa khác nhau. Nhiều nhưng không “tinh”, đấy là bệnh của Premier League.

Cửa sáng cho "hàng nội địa"

Bấy lâu nay, bao đời HLV của Tam Sư luôn miệng phàn nàn việc các CLB ở giải Ngoại hạng lạm dụng cầu thủ nước ngoài làm giảm đi cơ hội ra sân của các tài năng bản địa. Thoạt nghe có vẻ hợp lý, nhưng thực tình số lượng các cầu thủ ngoại không phải lúc nào cũng ảnh hưởng tới chất lượng của ĐTQG hay tương lai của một nền bóng đá.

Tại EURO 2016, 16/23 tuyển thủ Brazil không thi đấu ở giải quốc nội. Ở World Cup 2014, Argentina vào đến chung kết với 19 thành viên đang chơi bóng ở châu Âu. Tương tự, Hà Lan giành HCĐ với 13 gương mặt đang khoác áo các CLB ở 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu.

Bản thân người Anh ý thức rất rõ chân lý này. 24 năm về trước, thời điểm giải Ngoại hạng đổi tên và chuyển sang hình thức công ty cổ phần, chỉ có 11 cầu thủ ngoại quốc chơi bóng ở Premier League. Nhưng rốt cuộc, sự áp đảo của những cầu thủ mang quốc tịch Anh không giúp nổi ĐTQG nước này lọt qua vòng loại World Cup 1994.

Về cơ bản thì để giành được vinh quang dựa trên “con nhà nòi”, các ĐTQG hoặc phải hưởng lợi từ chính sách xây từ móng kéo dài cả thập kỷ như Đức và Tây Ban Nha, hoặc phải mang yếu tố đặc thù về tôn giáo, chính trị như Italia. Không nhất thiết phải “đông”, quan trọng là chất lượng đầu ra.

Granit Xhaka - tân binh người Thụy Sĩ của Arsenal.

Hơn nữa, nhóm quan chức cấp cao ở FA đang dần nhận thức được tầm quan trọng của quá trình đào tạo trẻ. So với mùa 2007/08, lượng cầu thủ nước ngoài ở Anh đã giảm 4%.

Hết mùa 2014/15, số cầu thủ bản địa được ra sân ở Premier League nhiều hơn số cầu thủ bản địa được ra sân ở Ligue 1 (Pháp vốn nổi tiếng là quốc gia chuyên ươm mầm tài năng bản địa) với mức chênh lệch 54 đơn vị.

Ngoài ra, có tới 317 bản hợp đồng từ các quốc gia khác trong 10 kỳ chuyển nhượng gần nhất không được đá chính quá 10 trận/mùa. Theo dự báo của BBC Sports Study, tới năm 2022, lượng cầu thủ bản địa tại Premier League sẽ tăng lên 45%.

Nhìn tổng thể, sự vượt trội của các cầu thủ nước ngoài không phải tác nhân chính dẫn tới thành tích yếu kém của Tam Sư.

Hãy nhìn xem: Mùa trước, hai chân sút hàng đầu Premier League là Harry Kane và Jamie Vardy. 3 năm trước, hai người họ còn ngồi… cắn móng tay trên ghế dự bị của Leicester ở giải hạng nhất, cớ sao giờ đã là sao số?

Người đầu tiên thậm chí còn bị học viện London Colney của Arsenal thải loại – đội luôn vỗ ngực tự hào đi đầu trong công tác đào tạo trẻ. Người còn lại cả đời chỉ quanh quẩn chơi bóng phong trào, mới ngày nào còn là anh công nhân bốc vác trong nhà máy thép, lương tháng chỉ đủ trang trải những sinh hoạt phí hết sức cơ bản.

Có chăng, thói quan liêu và tầm nhìn hạn chế của những nhà quản lý bóng đá nơi đây mới là nguyên căn của mọi vấn đề. Khi bóng đá gắn liền với ngân hàng và các yếu tố tài chính, bóng đá không đơn thuần là bóng đá. Nó còn là công cụ hái ra tiền và đánh bóng tên tuổi của giới đầu tư ngoại quốc.

Leicester giờ này năm ngoái bị đánh giá là ứng viên xuống hàng đầu. Lúc này, giá trị cổ phiếu của họ đã xấp xỉ Liverpool sau chiến tích độc nhất vô nhị. Điều quan trọng, là phải hài hòa giữa yếu tố thương mại và chuyên môn. Mà điều này, chắc FA rõ hơn ai hết, nhất là sau thành tích kém cỏi của ĐT Anh tại EURO 2016.

Ai yêu, ai ghét "đồ Anh"?

Trong 20 CLB tham gia tranh tài Premier League 2016/17 (thống kê tạm tính tới bây giờ), Burnley là đội chuộng những mặt hàng trong nước nhất. Có tổng cộng 14 cầu thủ người Anh đang thi đấu cho đội chủ sân Turf Moor. Ngược lại, Man City lại là các đội hạn chế dùng cầu thủ bản địa nhất (3 người).

Trong danh sách chuyển nhượng mà BTC giải công bố, thật bất ngờ khi Chelsea là đội tích cực tuyển chọn những sản phẩm cây nhà lá vườn nhất. Tính ra, họ đón 6 cầu thủ người Anh và theo tiết lộ của HLV Antonio Conte, cả 6 người này đều sẽ được đăng ký trong danh sách đội 1.

Phải nói thêm Conte là người Italia, vốn đề cao tính bản sắc. Conte làm việc ở Anh, vì thế ông sẽ xây dựng đội bóng trên nền tảng người Anh. Bằng chứng rõ nhất là tuyên bố đảm bảo băng thủ quân cho John Terry, bất chấp trung vệ này đã bước sang tuổi 36.

Trong bài trả lời phỏng vấn mới nhất, Conte tiết lộ: “Không tránh khỏi việc sử dụng các cầu thủ ngoại, nhưng dưới tay tôi, Chelsea sẽ trở thành nguồn cung ứng sản phẩm tốt nhất cho cấp đội tuyển”.

Tờ Mirror đăng tin, Chelsea đang theo sát Harry Kane trong bối cảnh Diego Costa xuống phong độ và tăng cân trầm trọng.

Tiềm năng chưa được khai phá

Sự đa dạng văn hóa, vùng miền từ việc mua cầu thủ nước ngoài là một trong những lý do chính giúp giải Ngoại hạng được đón nhận trên toàn thế giới. Tiền bản quyền truyền hình vì thế cũng rất hấp dẫn, trung bình 60 triệu bảng/CLB/mùa.

Đáng lý, số tiền ấy phải được tái đầu tư một cách hợp lý như săn tìm tài năng trẻ trên khắp thế giới với giá rẻ hoặc rót vào các lò đào tạo. Tuy nhiên, năng lực hạn chế của bộ phận tuyển trạch viên ở đây khiến các CLB chủ quản vừa mất nhiều tiền mua người, vừa thiếu tiền ươm mầm sao mai.

Đơn cử như trường hợp của Eden Hazard và Christian Eriksen. 6 năm trước, Chelsea và Tottenham đã có thể tiếp cận hai ngôi sao này với mức giá chỉ… 100.000 bảng. Nhưng ban tuyển chọn của họ lại lựa chọn một giải pháp tốn kém hơn rất nhiều: Chi hơn 10 triệu bảng trong một mùa hè cho phí đi lại để săn lùng người ở thị trường Nam Mỹ rồi chuyển qua hỏi mua những mục tiêu cũ với giá… 32 triệu bảng và 20 triệu bảng.

Đơn Ca
.
.
.