Nhà hát hàng trăm người, 20 năm "không chốn dung thân" giữa Sài thành

Thứ Bảy, 04/03/2017, 18:59
Bức tranh thừa thiếu nhà hát ở ta không mới. Song, thiếu đến mức như chuyện Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh (HBSO) có lẽ đếm trên đầu ngón tay. Khi kế hoạch xây Nhà hát nằm nguyên trên giấy gần 20 năm đến nay chưa có gì động tĩnh, HBSO phải chi tiền tỷ mỗi năm để thuê mướn địa điểm biểu diễn và tập luyện.


Nghịch lý Nhà hát… không nhà

Nói ra thì có vẻ hài hước. Nhà hát sao lại không có “nhà”, ít nhất phải có một ít đất làm “chốn dung thân” cho vài trăm con người chứ? Thử hỏi, điều đó có lí không? Nhưng điều vô lý ấy lại có thực ngay tại TP Hồ Chí Minh – một trong hai khu kinh tế, văn hóa trọng điểm của cả nước.

HBSO được thành lập vào năm 1993, đến nay đã có hơn 20 năm cống hiến, phục vụ nhu cầu thưởng thức âm nhạc hàn lâm của khán giả trong và ngoài nước đến với thành phố này.
Một buổi chạy thử chương trình của HBSO tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh.

Ngoài việc quy tụ được nhiều gương mặt nghệ sỹ tài năng trong nước, HBSO còn là sự đổ bộ của hàng loạt nghệ sỹ tài năng, danh tiếng quốc tế khi đến TP Hồ Chí Minh tham gia biểu diễn.

Hiện nay, trung bình 1 tháng, HBSO có ít nhất 3 chương trình biểu diễn nghệ thuật. Chưa kể, vào mùa cao điểm (ví dụ như mùa diễn Xuân – Hè, Liên hoan nghệ thuật “Giai điệu mùa thu”), số lượng chương trình nhiều hơn. Với lịch biểu diễn như vậy, lẽ ra, Nhà hát này phải có một nơi để tá túc, tập luyện và biểu diễn từ lâu.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, đơn vị này vẫn phải “ăn nhờ ở đậu” hết nơi này đến nơi khác, từ rạp chiếu phim Khải Hoàn, rạp Nhân dân, trụ sở 2 của Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh và hiện nay là tầng hầm chật hẹp của Nhà hát TP Hồ Chí Minh.

Ngay cả địa chỉ hành chính ở số 7 Công trường Lam Sơn, phường Bến Nghé, quận 1 của HBSO trên trang website của Nhà hát thực ra cũng chỉ là địa chỉ “mượn” của Nhà hát thành phố.

Trong khi đó, theo thông tin mà HBSO cung cấp, để đảm bảo chất lượng chương trình, đơn vị này phải chi hơn 800 triệu đồng mỗi năm để thuê địa điểm biểu diễn (hầu hết diễn ra ở Nhà hát Thành phố vì đây là nơi duy nhất ở TP Hồ Chí Minh tạm đáp ứng được những yêu cầu khắt khe trong biểu diễn Giao hưởng – Nhạc và vũ kịch).

Bên cạnh đó, chi phí thuê địa điểm để tập luyện ở các địa điểm quanh thành phố như Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP Hồ Chí Minh và Nhạc viện TP Hồ Chí Minh… cũng không phải là nhỏ. Bởi lẽ, mỗi chương trình muốn “ra tấm ra món” cần phải tập luyện ít nhất từ 3 – 7 ngày cùng buổi biểu diễn chính thức.

NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc HBSO.

Chưa kể có những vở diễn phải chuẩn bị ròng rã 1 – 2 tháng trời. Ngoài ra, Rạp Thanh Vân – địa điểm được HBSO thuê làm kho chứa nhạc cụ đắt tiền thì nay cũng đang xuống cấp nghiêm trọng, khiến nhiều người lo lắng. 

Kể ra để thấy thực trạng tạm bợ này gây ra nhiều khó khăn, phiền lụy ra sao. Để rồi, mặc dù các nghệ sỹ tập luyện hết sức vất vả, nhưng có những chương trình chỉ công diễn đúng một lần, không thể tái diễn ngay sau đó được. Bởi chẳng phải cứ có tiền là thuê được. Ngày đó, buổi đó mà bên cho thuê cũng chạy chương trình thì… chịu rồi!

Kế hoạch gần 20 năm trên giấy

Việc cần phải có “nhà” cho HBSO là cấp thiết. Cái này không có gì bàn cãi. Tuy nhiên, có vẻ như phía chính quyền TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có động thái gì tích cực.

Kể từ năm 1999, sau khi Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh ra thông báo về quy hoạch phát triển cơ sở vật chất ngành văn hóa thông tin đến năm 2010, trong đó có việc xây dựng nhà hát cho HBSO, đến nay, qua không biết bao nhiêu đề xuất, đề án, kế hoạch…, đây vẫn chỉ là một kế hoạch trên giấy.

Các chương trình lôi kéo được nhiều gương mặt nghệ sỹ quốc tế nổi tiếng.

Đã vậy, kế hoạch này lại thay đổi… như chong chóng. Chẳng biết đường nào mà lần. Làm cho cán bộ, nhân viên của HBSO mấy phen thấp thỏm đứng lên ngồi xuống không yên.

Năm 1999, vị trí được nhắm tới để xây Nhà hát nằm trên đường Lê Duẩn, quận 1. Tiếp đến, năm 2008, Công viên 23/9 được chọn và đây chưa phải là đáp án cuối cùng khi năm 2011, Khu đô thị mới Thủ Thiêm thuộc quận 2 được gọi tên.

Năm 2012, chủ trương của thành phố lại quay về địa cũ ở Công viên 23/9. Giữa năm 2013, một cuộc tọa đàm chọn địa điểm xây dựng Nhà hát lại được tổ chức nhưng địa điểm cuối cùng ở đâu vẫn chưa được chốt. 

Đến bây giờ, sau nhiều lần “mừng hụt”, khi nhắc tới việc xây dựng Nhà hát, hầu hết cán bộ, công nhân viên của Nhà hát đều lắc đầu ngán ngẩm và xem đó là một điều… không tưởng. Có người còn cực đoan cho rằng, đó chỉ là một “bánh vẽ” trên giấy. Mà “bánh vẽ” thì thích vẽ gì rồi xóa mà chẳng được!

Đất ở đâu và tiền ở đâu?

“Đất ở đâu” và “Tiền ở đâu” là 2 câu hỏi mà NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc HBSO đưa ra khi được hỏi về kế hoạch xây dựng Nhà hát trong cuộc gặp gỡ báo chí vừa qua.

Theo vị lãnh đạo HBSO, từ khi lập kế hoạch đến nay, biết bao nhiêu cuộc họp, đề án… họp lên họp xuống nhưng đến thời điểm hiện tại, việc xây dựng Nhà hát vẫn chỉ là một kế hoạch trên giấy.

Ông nói:“Để xây dựng nhà hát, chỉ có 2 vấn đề thôi. Đất đâu và tiền đâu? Giờ còn chưa có đất thì biết nói cái gì? Chỉ khi nào giao đất thì lúc đó mới lập ra bản vẽ được. Chỉ khi nào có bản vẽ thì lúc đó mọi thứ mới hiện thực hóa được. Rồi tiếp đến, vấn đề tiền đâu để xây? Ngân sách Nhà nước có đủ không? Nếu không đủ thì để chúng tôi kêu gọi xã hội hóa. Việc kêu gọi này, với chúng tôi mà nói không quá khó. Tôi biết rằng, có nhiều đơn vị sẵn sàng ủng hộ tiền bạc để xây dựng một nhà hát xứng tầm. Thành phố quyết định đi”.

Khi PV hỏi, với tư cách là người đứng đầu HBSO, ông có những biện pháp quyết liệt gì để thúc đẩy, tiến tới hiện thực hóa kế hoạch này, ông Thạch trả lời khá thận trọng: “Tôi vẫn đang cố gắng từng ngày, từng bước, với từng người. Từ nay tới năm 2021 - khi tôi nghỉ hưu, trong 5 năm ấy, tôi không muốn làm điều gì khác ngoài việc này. Tôi hi vọng đến năm 2021 có thể động thổ được công trình này”, ông nói. “Động thổ thôi nhé, tôi chẳng dám nói điều gì cao xa hơn thế nữa”, ông nhấn mạnh lần nữa.

Lo ngại về một "Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang thứ hai"(?!)

Cũng tại cuộc gặp báo chí đầu năm này, ông Thạch cho biết, theo thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình (thuộc Sở này - PV) chính là chủ đầu tư công trình xây dựng Nhà hát – một công trình có giá trị đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng.   

Và hẳn nhiều người còn nhớ, Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình này chính là “tác giả” của công trình Trung tâm Nghệ thuật cải lương Hưng Đạo (số 136 Trần Hưng Đạo, P. Phạm Ngũ Lão, Q.1) khiến dư luận ồn ào trong thời gian qua?

Theo kế hoạch, công trình này xây xong dự kiến sẽ bàn giao cho Nhà hát Cải lươngTrần Hữu Trang quản lý và sử dụng. Tuy nhiên, đơn vị này không chịu nhận vì quá nhiều lỗi trong thiết kế, xây dựng, không phù hợp với nhu cầu biểu diễn của sân khấu cải lương hiện đại như tiêu chí đặt ra.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi trong một chương trình của HBSO.

Vì thế, công trình này đã “đắp chiếu” hơn một năm. Sau gần 4 tháng thanh tra, Thanh tra TP Hồ Chí Minh đã kết luận công trình này “có quá nhiều sai phạm” do yếu kém, chưa có nhiều kinh nghiệm. Đến nay, số phận của công trình này ra sao, phía Sở vẫn chưa có một câu trả lời thỏa đáng.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu có một “kịch bản Trần Hữu Trang thứ hai” hay không? HBSO chỉ là đơn vị thụ hưởng mà thôi, không có tiếng nói gì ở đây. Ông Thạch cho biết: “HBSO đã từng có văn bản đề nghị chuyển đơn vị đầu tư về Nhà hát để chúng tôi có thể giám sát, kiểm soát chất lượng xây dựng.

Chúng tôi sẽ thuê đội ngũ tư vấn, thiết kế chuyên nghiệp để họ làm công việc đó. Hơn nữa, khi chúng tôi là chủ đầu tư thì chúng tôi có thể thương lượng, thúc đẩy dự án, cũng như kêu gọi xã hội hóa. Nghĩa là chúng tôi có đủ quyền để tham gia vào dự án, mà không phải là những người đứng ngoài nữa. Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang là một bài học kinh nghiệm quá đau xót, quá lớn cho chúng tôi”.

Đậu Dung
.
.
.