Dự thảo về phân loại phim ở Việt Nam

Có thực sự 'cởi trói' cho sáng tạo?

Thứ Sáu, 02/10/2015, 10:30
Phim Việt sẽ dán nhãn dành cho các lứa tuổi khác nhau, trong đó có loại phim C18, cấm trẻ em dưới 18 tuổi. Đã đến lúc Điện ảnh Việt cần có những thay đổi để tiệm cận với những nền điện ảnh văn minh của thế giới. Nhưng liệu việc dán nhãn phim có phải là cách cởi trói cho sự sáng tạo của nghệ sĩ hay lại gò bó họ vào những khuôn khổ khác. Và phim C18, liệu có tràn ngập thị trường Việt trong tương lai?

Nhiều đạo diễn và các nhà sản xuất đều đồng tình với việc dán nhãn, phân loại phim. Đây là điều mà thế giới đã làm từ lâu. Sau khi phân loại theo Dự thảo, phim Việt sẽ có 4 cấp độ: Phim dành cho mọi lứa tuổi (dán nhãn là P), Phim cấm trẻ em dưới 13 tuổi (C13), Phim không dành cho người dưới 16 tuổi (C16) và Phim cấm khán giả dưới 18 tuổi (C18).

Việc phân loại phim dựa trên các tiêu chí về chủ đề, nội dung, mức độ bạo lực, kinh dị, khỏa thân, tình dục, ma túy, ngôn ngữ… có trong phim. Vậy thay vì 2 loại phim trước đây, Điện ảnh Việt sẽ có những bước đi cởi mở hơn, mở rộng biên độ sáng tạo cho người nghệ sĩ. Dòng phim C18 được chú ý nhiều nhất, vì lần đầu tiên có ở Việt Nam. Các đạo diễn sẽ không phải lo lắng khi phim bị đóng gói cất kho như "Bẫy cấp 3", "Rừng xác sống", hay cắt gọt méo mó làm ảnh hưởng đến nội dung của phim như "Bi, đừng sợ", "Cánh đồng bất tận", hay cả những phim ngoại nhập đều bị cắt gọt để phù hợp với các tiêu chí phát hành phim ở Việt Nam.

C18 là một cơ hội cho khán giả được thưởng thức trọn vẹn những tác phẩm nghệ thuật và cũng là cơ hội cởi trói cho sự sáng tạo của người nghệ sĩ, họ không phải quá lo lắng vì việc phim khi kiểm duyệt sẽ bị cắt gọt, méo mó.
Nhiều cảnh trong phim “Cánh đồng bất tận” đã bị cắt.

Đạo diễn Thanh Vân, người trực tiếp tham gia góp ý với Dự thảo  này cho biết: "Đúng là từ trước tới nay, điện ảnh nước ta chỉ phân ra 2 loại phim: 1 loại dành cho tất cả mọi người và 1 loại dành cho thiếu nhi. Điều này ít nhiều gây khó khăn cho việc sản xuất, quảng bá và giới thiệu phim, đặc biệt là các dòng phim nghệ thuật. Tôi đánh giá đây là một "cuộc cách mạng" trong công tác sản xuất và quản lý phim".

Tuy nhiên, việc dán nhãn đó có thực sự "đúng người đúng việc" khi công tác kiểm duyệt ở Việt Nam còn mang nhiều cảm tính? Và dòng phim C18, giống như một trào lưu có tràn ngập thị trường Việt? Những năm gần đây, dòng phim giải trí chiếm thế thượng phong, nhiều đạo diễn dùng các chiêu cảnh nóng, bạo lực để câu khách. Việc dán nhãn C18 đã cởi trói cho các nhà làm phim khỏi "ám ảnh" kiểm duyệt, liệu có tạo điều kiện cho sự nở rộ dòng phim này trong tương lai, trở thành một chiêu trò hút khách bởi vốn dĩ thị hiếu của dân Việt là chạy theo đám đông. Vậy dòng phim này trong tương lai sẽ cần khuyến khích hay hạn chế.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng lạc quan khi cho rằng, khán giả ngày càng thông minh. Chính họ sẽ là "bộ lọc" công bằng nhất cho các phim ra rạp chứ không phải là bất cứ nhãn mác nào. Và việc thực hiện khuyến cáo để không xem thường phải do ý thức cá nhân. Ví dụ khi một đứa trẻ dưới 16 tuổi thấy dán mác 16+ thì phải hiểu phim không dành cho mình, phải hỏi phụ huynh. Đó là giáo dục trong gia đình, nhà trường.

Một vấn đề gây tranh cãi trong Dự thảo lần này, đó là cảnh khỏa thân, tình dục ở cấp độ C18 được quy định: "Cảnh khỏa thân toàn phần phải phù hợp với nội dung phim, không cận cảnh bộ phận sinh dục, không diễn ra thường xuyên (cảnh được miêu tả không quá 3 lần) và không kéo dài thời lượng (không vượt quá 5 giây)".

Một cảnh trong phim “Bi, đừng sợ”.

Việc quy định cảnh nóng trong phim C18 không quá 5 giây và không quá 3 lần trong một phim gây phản ứng của các đạo diễn… Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho rằng, đó là một quy định máy móc, phi nghệ thuật, cản trở sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Điều quan trọng không phải là những định lượng cơ học mà là tính nghệ thuật của hình ảnh. "Nếu cảnh nóng mang tính nghệ thuật cao thì 1 phút vẫn là ít. Còn những cảnh nóng thô thiển, dù chỉ xuất hiện trên phim 2 giây cũng là dài", đạo diễn Thanh Vân nói.

Vậy, việc dán nhãn phim là cần thiết. Nhưng cũng cần có những quy định cụ thể, phù hợp với điều kiện, văn hóa của Việt Nam hơn. Không nên lấy bất cứ chuẩn nào của nước ngoài để áp vào Việt Nam, bởi mỗi đất nước có văn hóa thưởng thức nghệ thuật khác nhau. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi xin trích đăng ý kiến của các đạo diễn, nhà sản xuất phim.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng:

Việc dán nhãn và cảnh báo nhằm mục đích để khán giả biết bộ phim như thế nào nên xem. Đó là công bằng cho người làm phim và cả khán giả. Thường thì người ta dán nhãn hạn chế lứa tuổi hay cảnh báo thì họ sẽ không cắt những cảnh có yếu tố đó. Nếu làm đúng thì sẽ có thêm những bộ phim thoáng hơn, điện ảnh chúng ta đa dạng hơn. Và Luật Điện ảnh gần với các nước hơn, điện ảnh phát triển hơn. 

Tuy nhiên, phải nói thật là chuyện kiểm duyệt của ta vẫn mang nhiều cảm tính nên không thể chắc chắn việc khi đã dán mác hạn chế tuổi thì phim không còn bị kiểm duyệt gắt gao và không bị yêu cầu cắt. Lâu nay, chúng ta có quá nhiều quy định khiến nhiều bộ phim cắt đầu, cắt đuôi, trở thành "dị dạng", thậm chí phim nhập cũng chịu chung số phận. Vậy nên, tôi rất lạc quan với dự thảo này, bản thân tôi là người làm phim mà cũng mong muốn sẽ được xem những bộ phim với bản hoàn chỉnh.

Tôi được biết ở Mỹ họ có hiệp hội phụ huynh để đưa ra khuyến cáo và dán nhãn. Vì họ sẽ biết những gì con họ không nên xem. Nên nhà làm phim, nhà phát hành nếu muốn có rộng đối tượng thì họ sẽ cắt cảnh đó, còn nếu họ thấy đó là tính chất quan trọng của phim thì họ dán nhãn khuyến cáo. Nhưng đó là ở Mỹ, họ có một nền điện ảnh phát triển nhất thế giới và quan trọng nữa là nền tảng văn hóa, việc giáo dục của họ cũng khác. Người Việt ta lại hay có tâm lý đám đông và thường tò mò.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.

Những năm gần đây, dòng phim khai thác các đề tài theo thị hiếu giải trí của khán giả  như bạo lực, kinh dị, tình dục… như một công thức mang lại lợi nhuận cho nhà sản xuất phim. Và rõ ràng với nhà sản xuất thì lợi nhuận là trên hết, thế nên không có lý do gì để họ bỏ qua miếng mồi ngon dán nhãn 18+ khi mà thị hiếu của khán giả chúng ta cũng đang nằm gọn trong lĩnh vực đó. Câu chuyện của chúng ta ở đây là một khi phim phát hành ra rạp thì khó mà  kiểm soát được độ tuổi khán giả.

Theo tôi thì chắc chắn giai đoạn đầu chúng ta sẽ phải đối phó với không ít khó khăn, nhưng dần dần nó trở thành chuyện bình thường thì sẽ quen đi. Cũng đã đến lúc chính bản thân mỗi người Việt chúng ta phải tự học cách biết đọc, biết xem có chọn lọc… Khán giả Việt có thể họ cũng là những người thông minh, không dễ đánh lừa như chúng ta nghĩ. Việc ra rạp thất bại của không ít phim Việt cũng là lời cảnh tỉnh cho các nhà làm phim. Ngay mới năm ngoái thôi, phim được cho là có nhiều cảnh nóng nhất trong số các phim Việt cũng thất bại thảm hại khi ra rạp đấy thôi.

Vậy nên, cá nhân tôi nghĩ, việc phân loại chỉ để giúp cho thị trường phim Việt khởi sắc hơn, có những bộ phim "đời" hơn, hay hơn chứ không phải là cơ hội để cho những nhà làm phim lợi dụng cái mác dán nhãn 18+ để kiếm tiền.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh -  Giám đốc Công ty BHD:

Bà Ngô Thị Bích Hạnh.

Việc phân loại phim rất cần thiết để hướng tới một nền điện ảnh văn minh hơn. Tuy nhiên, mỗi nước có một nền văn hóa khác nhau, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật khác nhau, như Mỹ, Singapore... Chúng ta không nên áp các chuẩn của họ một cách máy móc vào mình. Chúng tôi là những nhà sản xuất và phát hành phim rất ủng hộ việc này và sẽ có những văn bản góp ý cụ thể.

Việc phân loại, dán nhãn mác cho phim sẽ tạo điều kiện có nhiều thể loại phim cho đông đảo người xem. Còn một số phim nghệ thuật, dành cho số ít khán giả cũng có cơ hội được ra rạp mà không bị quá ràng buộc, quy định khắt khe trong khâu kiểm duyệt, hoặc không bị cắt bỏ khiến tác phẩm trở nên méo mó. Tuy nhiên, tôi nghĩ, sáng tạo nghệ thuật là một công việc đặc thù, nên cũng có những trường hợp đặc biệt, bởi đây là luật dành cho nghệ thuật, nên cần sự uyển chuyển, không quá cứng nhắc, để cho những sự "vượt rào" có thể được hội đồng thẩm định chấp nhận.

Còn việc dán nhãn có tạo điều kiện cho các bộ phim bạo lực, sex tràn ngập thị trường hay không thì tôi nghĩ nên có những quy chế, những văn bản dưới luật để quy định việc này.

V. Hà
.
.
.