Coi thường khán giả - tử lộ của nghệ sĩ

Chủ Nhật, 02/04/2017, 10:41
Coi thường khán giả bao giờ cũng là tử lộ của người nghệ sĩ. Một chút khinh suất, người nghệ sĩ có thể sẽ phải trả giá.


Thời buổi công nghệ tràn lan, để được chú ý hay được chú ý hơn nữa, người ta có rất nhiều cách. Nói lời hay ý đẹp đã đành, hành động tích cực đã đành, đôi khi nói lời khó nghe cũng khiến người nổi tiếng trở nên nổi tiếng hơn nữa. 

Nghệ sĩ nổi tiếng vì có nhiều khán giả hâm mộ. Nhưng nếu vì một vài phát ngôn thiếu xét đoán, thiếu tỉnh táo mà khán giả đồng loạt quay lưng, tắt tivi, không đến rạp những chương trình có người nghệ sĩ đó thì coi như sự nghiệp của họ sa vào ngõ cụt. Coi thường khán giả bao giờ cũng là tử lộ của người nghệ sĩ. Một chút khinh suất, người nghệ sĩ có thể sẽ phải trả giá.

Được và mất từ mạng xã hội

Trở thành tâm điểm của mạng xã hội, là con dao hai lưỡi. Người nghệ sĩ có thể được yêu thêm hay bị ruồng rẫy khi ở trong tâm điểm ấy. Chúng ta không lạ gì những câu chuyện như vậy trên mạng xã hội. Nữ nghệ sĩ A hẹn hò với đại gia B trong khi đại gia chưa ly dị vợ, phải chịu bao nhiêu gạch đá dư luận. Công chúng lập hội nọ hội kia, yêu cầu các nhãn hàng tẩy chay nữ nghệ sĩ, hoặc kêu gọi mọi người tẩy chay các nhãn hàng nữ nghệ sĩ là gương mặt đại diện. 

Nghệ sĩ hài Minh Béo phạm tội ấu dâm ở Mỹ, mạng xã hội đã dậy sóng một thời gian dài. Anh này dẫu cho đã được tha tù, về nước, nhưng sự nghiệp của anh ta coi như chìm xuồng. Khán giả sẽ khó mà chấp nhận những chương trình có anh ta tham gia. 

Tuy nhiên, cũng mạng xã hội, những đám đông mà ta không cụ thể nhìn thấy, đã ủng hộ MC Phan Anh một số tiền khổng lồ sau lời kêu gọi của anh chung sức giúp đồng bào miền Trung trải qua thiên tai lũ lụt vào cuối năm ngoái. 

Những ví dụ điển hình cho thấy, nếu người nghệ sĩ có những hành động mang tính tích cực, lan tỏa thì mạng xã hội sẽ mang đến cho họ những phần thưởng lớn không ngờ tới. Nhưng nếu họ làm những việc không hay, nói những lời xúc phạm, làm tổn thương công chúng của mình, thì sự trừng phạt cũng không hề nhỏ. Họ sẽ phải đối mặt với sự mổ xẻ của công chúng. 

Ảnh minh họa.

Cho nên, những người làm nghệ thuật chân chính và khôn khéo, họ biết giữ khoảng cách với công chúng. Những thể hiện của họ đều là để nói rằng, công chúng có vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp của họ. Rằng, những gì họ sáng tạo, cũng chỉ là để hướng đến công chúng. 

NSND Thế Anh từng chia sẻ: “Người nghệ sĩ không cần phải làm mọi cách để lấy lòng công chúng. Nhưng anh ta phải đủ văn hóa để kính trọng công chúng, biết ơn công chúng. Không có công chúng, thứ nghệ thuật anh ta làm ra, dù hay đến thế nào, cũng là vô nghĩa”.

Quay lại câu chuyện của Trấn Thành. Nghệ sĩ này thực sự đã khiến khán giả nổi giận khi phát ngôn: “Nếu chúng tôi diễn hài nhảm, khán giả hãy tắt tivi”. Người ta đọc thấy, trong phát ngôn của nghệ sĩ nổi tiếng này, một sự ngạo mạn, một sự thách thức. 

Phát ngôn cũng cho thấy Trấn Thành là kiểu nghệ sĩ luôn đặt mình cao hơn khán giả, không quan tâm đến cảm xúc, thẩm mỹ, mong muốn của khán giả. Một kiểu nghệ sĩ luôn cho mình là đúng, là số 1. Khi nghe ý kiến nhận xét rằng hài ngày càng nhảm, Trấn Thành đã phản ứng theo cách của một người hiểu biết kém, không chịu soi xét mình. Xin thưa, đôi khi văn hóa của một người được bộc lộ chỉ trong một câu nói là như vậy.

Thích gì nói nấy hay căn bệnh thiếu hiểu biết của nghệ sĩ trẻ

Có một sự thật là hiện nay có không ít nghệ sĩ lệ thuộc quá nhiều vào chiêu trò, mà quên mất việc rèn giũa bản thân. Họ là những người có tài năng, buổi đầu ghé chân vào nghệ thuật thì lao động rất nghiêm túc. Sau khi có chút tiếng tăm và sự ủng hộ của công chúng, họ bị lóa mắt trước ánh hào quang và bắt đầu sống trong ảo tưởng về mình, về nghệ thuật. 

Thay vì cần mẫn lao động để mang đến những sản phẩm tốt hơn cho công chúng thưởng thức, họ sa đà vào những chiêu rẻ tiền. Họ chú trọng hình thức, phát ngôn những điều đao to búa lớn, hay chủ trương gây ra những xì-căng-đan để tạo thành tâm điểm chú ý. Càng được đám đông tung hô, họ càng sa đà. Họ luôn nghĩ mình là số 1, kiêu căng tự phụ, dẫn đến thiếu xét đoán trong không ít lời nói, hành động. 

Trấn Thành buổi đầu được khán giả yêu mến vì anh là nghệ sĩ có khả năng diễn hài linh hoạt, thông minh, có duyên. Nhưng cùng với sự nổi tiếng, diễn xuất của anh ngày càng nhạt. Gần đây nhất ngồi ghế giám khảo chương trình “Thách thức danh hài”, Trấn Thành bị cho là đã dễ dãi khi để thí sinh có biệt danh “hot boy trà sữa” nhận giải thưởng 150 triệu đồng. 

Màn diễn hài của thí sinh này nhạt đến mức, giám khảo ngồi cùng Trấn Thành không thể cười, và khán giả không thể cười. Nhưng Trấn Thành cười ngặt nghẽo, cười đến mức khán giả cho rằng anh giả dối, và anh đang cố tình để cho nhân vật “hot boy” kia được nhận giải tưởng.  

Trước đó, Trấn Thành cũng dính xì-căng-đan diễn hài biến tấu từ vở cải lương Tô Ánh Nguyệt rất phản cảm, tục tĩu. Anh cũng là người thường xuyên mang các đặc điểm của bạn bè nghệ sĩ vào sân khấu để chọc cười khán giả một cách thô thiển. Lý giải điều này, Trấn Thành cho rằng, anh chỉ đùa giỡn những người bạn thân của anh, họ không phản ứng, mắc mớ gì khán giả phản ứng.

Có một sự nhầm tai hại ở đây, khi Trấn Thành cho rằng anh có quyền mang bạn bè vào các tiểu phẩm hài để đùa. Nhưng cho dù các bạn anh đồng ý, mà khán giả thấy thô, thấy tục, thấy không thể chấp nhận, thì khán giả có quyền của họ. Phản ứng, tẩy chay, chê bôi, là việc của họ. Không thể nào, vì bạn của Trấn Thành vui vẻ với sự bông đùa bỡn cợt của anh mà khán giả phải chấp nhận. Vì khán giả là những người bỏ tiền mua vé xem Trấn Thành biểu diễn.

NSND Doãn Hoàng Giang, một người cả đời gắn với sân khấu, đã làm hàng trăm vở diễn, trong đó không ít vở diễn hài, tỏ ý thất vọng về một bộ phận diễn viên trẻ. 

Ông cho rằng, sự nổi tiếng của nhiều bạn trẻ hiện nay dễ quá, nên họ không biết trân trọng chính mình cũng như khán giả. Họ bị cuốn vào những cơn lốc ảo do truyền thông tạo ra, do mạng xã hội tạo ra, và mải miết chạy theo cái bề ngoài nên thường bỏ quên trau dồi cái bên trong, vì vậy họ nông nổi. 

Nông nổi trong đánh giá các vấn đề, hạn hẹp trong cái nhìn về nghệ thuật và đặc biệt luôn xếp mình cao hơn khán giả. Trong khi, người nghệ sĩ thực sự là người hiểu khán giả của mình. Họ tình nguyện là sợi dây nối khán giả với nghệ thuật. Họ đứng ngang với khán giả, và có thể khiêm tốn đứng thấp hơn khán giả. Chỉ có như vậy họ mới thấu hiểu khán giả, và lựa chọn để mang cho khán giả những gì khán giả cần hay mong muốn. 

Người nghệ sĩ sáng tác có thể còn xa khán giả một chút, chứ người nghệ sĩ biểu diễn thì gần khán giả vô cùng. Vì khán giả tạo ra người nghệ sĩ, làm nên tên tuổi của họ. Bất hạnh nhất của người nghệ sĩ là không có khán giả.

Bởi vậy, có thể ví, khán giả giống như một con đường của người nghệ sĩ. Vinh quang ở đấy và thất bại cũng trên con đường ấy. Chinh phục khán giả là vượt qua con đường gian nan, phải lao động khổ cực, phải có tài năng và đổ mồ hôi, đôi khi là nước mắt. Người nghệ sĩ nhìn vào khán giả của mình mà căn chỉnh, sao cho những cống hiến của mình là có ích nhất với khán giả. 

Cũng như vậy, coi thường khán giả là con đường để thất bại, của nghệ thuật và của người nghệ sĩ. Vì xét đến cùng, anh sáng tạo là để cho công chúng thưởng thức. Khi anh không hướng về công chúng, không cần công chúng, con đường anh đi khác gì tử lộ?

Từ phát ngôn “tắt tivi” của Trấn Thành và những hệ lụy sau đó, thiết nghĩ nhiều nghệ sĩ cần phải xem xét lại chính mình. Tắt tivi chỉ là ẩn dụ của việc người nghệ sĩ chối bỏ công chúng. Sự thách thức ấy chẳng phải là dại dột sao, trong thời buổi khán giả có hàng trăm hàng ngàn sự lựa chọn khác nhau, mỗi người nghệ sĩ dù giỏi nhất cũng chỉ có thể chinh phục được một phân khúc khán giả nào đó. 

Tôn trọng khán giả không phải là câu chuyện đầu lưỡi, rằng phải khéo léo nói sao cho đẹp lòng khán giả. Tôn trọng khán giả là phẩm chất văn hóa của người nghệ sĩ, mà chỉ những người thực sự làm nghệ thuật, hiểu sâu sắc giá trị của nghệ thuật mới cảm nhận hết. Công chúng bao giờ cũng là quà tặng kỳ diệu nhất mà cuộc sống dành cho người làm nghệ thuật, nếu họ đủ tâm và đủ tầm.

Minh Hồng
.
.
.