'Còn đây bão qua, còn đây giấc mơ'

Thứ Sáu, 29/05/2015, 09:00
"Năm nay cuộc hội ngộ của chúng ta có ý nghĩa đặc biệt. Đó là kỉ niệm 40 năm ngày quê hương Việt Nam của chúng ta không còn chiến tranh. Trong chúng ta, những người yêu nhạc Trịnh, tôi nghĩ ai cũng cảm nhận được khát vọng hòa bình trong nhiều tác phẩm của anh. Và đó không chỉ là niềm mơ ước, mà còn dự cảm về một ngày thống nhất sẽ đến. Và đã đến từ năm 1975.
Như anh Sơn đã hát: "Khi đất nước thanh bình, tôi sẽ đi không ngừng. Sài Gòn ra Trung, Hà Nội vô Nam, tôi đi chung cuộc mừng". Chặng đường dài 40 năm đã đi qua, đủ để cảm nhận những giá trị của hòa bình. Và cũng đủ để chiêm nghiệm những điều cần phải làm, để hàn gắn những vết chia cắt còn sót lại trong lòng người Việt chúng ta. Trong chương trình đó, tối nay, ở đây, chúng ta quây quần bên nhau, tưởng nhớ, ngân nga và hãy cùng nhau tay nắm nối tròn một vòng Việt Nam". 

Buổi hẹn hò của những câu chuyện kỷ niệm

Trên đây là lời phát biểu của ca sỹ Trịnh Vĩnh Trinh, đại diện cho gia đình nhạc sỹ Trịnh Công Sơn trong đêm khai mạc và khởi động chương trình "Nối vòng tay lớn" 3 miền, kỷ niệm 14 năm ngày mất của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn (1/4/2001 – 1/4/2015) diễn ra vào tối ngày 23/5 vừa qua tại Hồ Bán Nguyệt (quận 7, TP Hồ Chí Minh).

Hai vợ chồng bà Trịnh Vĩnh Trinh - Nguyễn Trung Trực ngồi dưới khán đài theo dõi chương trình.

Các nghệ sỹ Trần Mạnh Tuấn, Mỹ Linh, Thanh Lam, Cẩm Vân, Tùng Dương, Quang Lý, Việt Hoàn, Hoàng Quyên, Đức Tuấn, Thanh Bùi… cùng hàng ngàn tín đồ yêu nhạc Trịnh đã có một cuộc cuộc hẹn hò đặc biệt nhân ngày nhạc sỹ của "Một cõi đi về" đi xa. Buổi hẹn hò ấy, thăng hoa trong những câu chuyện âm nhạc của các thế hệ nối tiếp nhau, trong sự trở lại đầy mới mẻ, cá tính, điêu linh mà vẫn đầy thân phận, về những kiếp người, về một hành trình ông đã đến, đã sống và đã ra đi trên mặt đất này.

Với nam ca sỹ Tùng Dương, hằng năm, đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn như một lời hẹn. Và lần nào trở lại, đứng trên sân khấu để hát nhạc Trịnh, Dương cũng đầy xúc động. Ngoài màn song ca nhạc phẩm "Hãy yêu nhau đi" cùng ca sỹ đàn chị Thanh Lam, Tùng Dương cá tính, mạnh mẽ khi thể hiện ca khúc "Xin mặt trời ngủ yên" với phong cách Jazz nhấn nhá, đầy ngẫu hứng, lạ tai và bảng lảng với "Hành hương trên đồi cao" - một trong những ca khúc ít người hát của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn - đầy biến hóa.

Nam ca sỹ chia sẻ, có lẽ tất cả chúng ta đều cảm thấy mình gắn bó với các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn. Với Dương, anh gặp lại một phần ấu thơ của mình. "Ru đời đi nhé" là một ca khúc kỷ niệm. Bởi đây là bài hát bố hay hát ru cho Tùng Dương nghe khi anh còn bé. Để rồi trong đêm nhạc thương nhớ này, anh hát lại ca khúc trữ tình này tặng cho Trịnh, cho hàng ngàn người ngồi bên dưới, cũng là hát cho cho chính tuổi thơ của mình.
Ca sỹ Tùng Dương đang phiêu với "Hành hương trên đồi cao".

Còn Cẩm Vân, nữ ca sĩ lâu lắm rồi không thấy xuất hiện trên sân khấu âm nhạc Việt Nam, đến với đêm nhạc tưởng niệm này, chị vẫn nồng nàn, trầm lắng khi thể hiện "Ru ta ngậm ngùi" và "Sóng về đâu". Chị là người bạn thân thiết của nhạc sỹ. Trước khi dẫn dụ người nghe vào âm nhạc của người tự nhận mình là "tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo", nữ ca sỹ Cẩm Vân có nhắc lại một kỷ niệm cũ: "Đó là ngày 28/2/2001, ngày sinh nhật của Trịnh. Lúc đó Sơn bệnh, yếu lắm rồi. Sơn không bao giờ mời nhưng những người thương anh đều nhớ và đến chơi. Anh bảo, em ơi, hôm nay hát tặng anh Sơn một bài. Nhưng Vân kêu không có nhạc. Anh Sơn bảo hát chay đi". Và Cẩm Vân đã hát "Sóng về đâu" một cách mộc mạc như thế. Hơn 1 tháng sau, nhạc sỹ qua đời, đúng ngày Cá tháng Tư (1/4). Một kỷ niệm mưa ròng, mất mát.

Nghệ sỹ saxophone nổi tiếng Trần Mạnh Tuấn được xem là người hát nhạc Trịnh Công Sơn không lời thành công nhất. Ngoài việc phụ trách phần âm nhạc của đêm nhạc, anh còn xuất hiện trên sân khấu với chiếc kèn saxophone để "hát" ca khúc "Xin cho tôi" đầy bay bổng, phiêu linh. Qua tiếng kèn ma mị của anh, những câu hát mà ta vẫn nghe rõ mồn một từng chữ trước đây như "Xin cho tôi yên ngủ một ngày/ Xin cho đêm không có đạn bay/ Xin cho chim góp nhạc về trời/ Xin cho tôi là kiếp của mây/ Xin cho tôi ra khỏi cuộc đời/ Để bao giờ trời đất yên vui/ Xin cho tôi xin lại cuộc đời" đã mang một khuôn dáng khác. Réo rắt, thăm thẳm hơn.

Ca sỹ Mỹ Linh trình bày "Huyền thoại mẹ".

Câu chuyện tiếp nối

Thế nhưng, đêm nhạc tưởng nhớ người cả một đời "tự làm khô héo tôi đây" ấy không chỉ là sự sum vầy của những buồn - vui kỷ niệm, không chỉ là câu chuyện của những người cũ. Còn là câu chuyện của tiếp nối, của một hồi sinh khác. Rồi từ đó, một thứ kỷ niệm khác, sẽ gắn bó với một người không còn hiển hiện trên cõi đời này nhưng âm nhạc của ông vẫn là âm nhạc của mọi người. Trịnh Công Sơn là người hát rong qua nhiều thế hệ. Ông vẫn còn đâu đó, trong cõi tạm này và hát cho chúng ta nghe.

Đây là lần thứ 2, cô bé An Trần, 11 tuổi, con gái ruột của nghệ sỹ Trần Mạnh Tuấn đến với đêm nhạc kỷ niệm ngày mất của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Hai cha con đã kết hợp với nhau đầy ăn ý khi thể hiện chung nhạc phẩm "Biển nhớ". An Trần được xem là một nhân tố bất ngờ với đêm nhạc và hoàn toàn có thể kỳ vọng trong nay mai, chúng ta sẽ có thêm một nghệ sỹ "hát" nhạc bằng chiếc kèn saxophone huyền thoại.

Hai cha con nghệ sỹ Trần Mạnh Tuấn - An Trần song ca ''Biển nhớ".

Dưới sự dẫn dắt đầy trẻ trung, sinh động của 2 nhạc sỹ Thanh Bùi và Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, màn tốp ca của những học sinh khiếm thị Trường Nguyễn Đình Chiểu kết hợp cùng các học viên Trường Soul Academy trong 2 ca khúc "Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui", "Ở trọ" là tiết mục xúc động nhất của chương trình.

Chương trình còn có sự góp mặt của ca sỹ Đức Tuấn - NSƯT Việt Hoàn (với liên khúc "Dựng lại người, dựng lại nhà", "Huế, Sài Gòn, Hà Nội", "Ta đã thấy gì trong đêm nay"), ca sỹ Mỹ Linh (với "Rừng xưa đã khép", "Huyền thoại mẹ"), NSƯT Quang Lý (với "Em đi bỏ mặc con đường''), NSƯT Thanh Lam (với "Hạ trắng", "Diễm xưa"), ca sỹ trẻ Hoàng Quyên (với "Đêm thấy ta là thác đổ). Mỗi người một giọng, đã làm nên sắc thái đa dạng của âm nhạc Trịnh Công Sơn.

Không thương mại hóa đêm nhạc Trịnh

Đây là lần thứ 4, gia đình nhạc sỹ Trịnh Công Sơn tổ chức đêm nhạc kỷ niệm ngày mất của ông. Điểm đặc biệt nhất của chương trình năm nay là đêm nhạc sẽ lần đầu tiên được tổ chức xuyên Việt tại 3 địa điểm: Sài Gòn, Hà Nội và Huế với sự dàn dựng của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cùng Giám đốc nghệ thuật - nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn. Với tên gọi "Nối vòng tay lớn", đêm nhạc Trịnh Công Sơn 2015 sẽ diễn ra với 26 tiết mục có chủ đề hướng về quê hương, đất nước.

Ngoài việc tưởng nhớ đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chương trình còn có ý nghĩa chào mừng 40 năm thống nhất đất nước. Và cũng như các năm trước, chương trình năm nay gia đình Trịnh Công Sơn tiếp tục không bán vé, phục vụ miễn phí khán giả. "Lúc còn sống, anh Sơn luôn luôn muốn hát giữa sân cỏ để mọi tầng lớp, mọi giới đến nghe.

Đây là ý nguyện của anh và đó cũng là tâm niệm mà anh em chúng tôi vẫn thực hiện mỗi năm nhân ngày giỗ của anh Sơn là tổ chức những đêm nhạc miễn phí để tất cả mọi người đều được nghe, được đến để nhớ về anh Sơn…", em gái út của Trịnh Công Sơn - ca sỹ Trịnh Vĩnh Trinh chia sẻ.

Sau đêm diễn tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 23/5, đêm diễn "Nối vòng tay lớn" sẽ tiếp tục tổ chức ở Hà Nội vào ngày 30-5 và ở Huế vào ngày 6/6.

Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh: Gia đình luôn muốn Khánh Ly hát trong đêm nhạc nhớ Trịnh

Trước câu hỏi vì sao vào thời gian này, nữ danh ca Khánh Ly, người được xem là gắn bó như hình với bóng với nhạc sỹ Trịnh Công Sơn - đang ở Việt Nam và cũng có tổ chức 1 show nhạc tại Hà Nội và Hải Phòng - lại không thấy tham gia chương trình kỷ niệm 14 năm ngày mất của Trịnh thì em gái Trịnh Công Sơn, bà Trịnh Vĩnh Trinh chia sẻ:

"Qua thông tin báo chí, chắc ai cũng biết rằng chồng chị Khánh Ly vừa mới mất. Có 1 hợp đồng mà chị Ly về nước hát đã ký với Đồng dao trước đó - khi mà anh còn sống. Thành ra, việc anh mất đột ngột, đối với chị cũng như Ban tổ chức mà nói đó là một mất mát rất lớn. Không bao giờ mình dám nghĩ rằng mình sẽ mời chị về hát trong chương trình này khi mà anh vừa mất. Còn chuyện chị Khánh Ly về đây hát đúng lúc này, tôi nghĩ là xuất phát từ cái hợp đồng đã kí trước đây mà thôi. Lẽ ra chị về nước hát trước đó nhưng vì sự cố đáng tiếc như vậy. Và đương nhiên, Ban tổ chức họ sẽ hoãn chương trình đó một thời gian. Còn về phía gia đình, chúng tôi luôn muốn có sự có mặt của chị trong chương trình. Vì trước 1975, chị là người gần gũi với anh Sơn nhất. Hai người gắn bó với nhau như bóng với hình. Anh tôi cũng từng nhận xét rằng: "Khánh Ly hát cho một thời vừa lãng mạn vừa đau thương trong chiến tranh hay nhất".

Đậu Dung
.
.
.