"Cơn ghen của Lọ Lem" và giấc mộng không xa vời của Trần Lực

Thứ Ba, 12/12/2017, 22:02
Sau "Quẫn", đạo diễn Trần Lực tiếp tục gây bất ngờ cho công chúng khi ra mắt một vở náo kịch cộp mác "sân khấu ước lệ": "Cơn ghen của Lọ Lem". Một vở diễn sinh động, hiện đại đã thổi luồng sinh khí mới vào sân khấu Việt vốn đang ảm đạm.


1.Từ lâu, đạo diễn Trần Lực vẫn mơ ước có một sân khấu của riêng mình để thỏa mãn mong ước làm nghề. NSƯT Trung Anh, bạn thân của Trần Lực từng kể, có một dạo, hai anh lăn lộn khắp Hà Nội tìm thuê địa điểm mở một nhà hát tư nhân để được làm những điều mình muốn cho sân khấu. Nhưng khó khăn chất chồng khó khăn. Một sân khấu riêng của Trần Lực đã không ra đời từ ngày đó mà phải chờ đến bây giờ. 

Ở tuổi 54, Trần Lực khởi nghiệp với đoàn kịch Lucteam - một đoàn kịch không nhà hát, bắt đầu đi những bước đầu tiên. Nhưng Trần Lực nói, cứ đi, trên mặt đất làm gì có đường, người ta đi mãi mà thành đường đó thôi. Nhiều người bảo Trần Lực liều khi dám đặt giữa Hà Nội một sân khấu tư nhân vào thời điểm này. Nhưng tôi nghĩ, đó là một sự dũng cảm. Còn Trần Lực, nhẹ nhàng như không, như cách anh xuất hiện tự nhiên, duyên dáng trên sân khấu. Mê thì làm thôi.

Nhưng sự ''mê'' ấy cũng có nguyên do của nó. Trần Lực sinh ra trong một gia đình truyền thống làm nghệ thuật. Bố là Giáo sư, NSND Trần Bảng, một tác giả, nhà lý luận, đạo diễn có tiếng của sân khấu chèo; mẹ là diễn viên chèo Trần Thị Xuân. Anh lớn lên ở trong nôi của tuồng, chèo nên phương pháp biểu diễn theo trường phái biểu hiện (vốn có trong nghệ thuật sân khấu tuồng, chèo) đã ngấm vào Trần Lực.

Trần Lực xuất hiện duyên dáng trong phần mở màn.

Mặc dù suốt 20 năm làm điện ảnh, nhưng Trần Lực không xa rời sân khấu. Anh nhận ra, sân khấu kịch Việt Nam gần một thế kỷ nay ứng dụng hệ kịch hiện thực tâm lý. Hình thức này đã có nhiều tác phẩm giá trị, đạt tới thời kỳ đỉnh cao tại Việt Nam những năm 1970 - 1980, nó rất hay, nhưng làm giống nhau thì sẽ khiến khán giả nhàm chán.

Và anh chọn một lối đi khác. Dựng nên một hình thức mà anh gọi là kịch ước lệ. Lucteam là 12 diễn viên vừa tốt nghiệp Đại học Sân khấu điện ảnh do anh đào tạo. Họ phải qua một khóa học giải phóng hình thể, học múa, xiếc... rất gian nan. Và trên sân khấu, học trò của Trần Lực đã xuất sắc trong vai diễn của mình, họ trở thành những nghệ sĩ đa năng với khả năng ứng tác cao và không ngừng gây bất ngờ cho người xem.

Có liều không khi sân khấu kịch Hà Nội ảm đạm, không có khán giả? Trần Lực cười, anh tự tin với vở diễn của mình. Anh kỳ vọng: "Chúng tôi muốn làm ra một cái gì đó mới, hấp dẫn, quyến rũ và tự tin sẽ quyến rũ được lớp trẻ".

“Cơn ghen của Lọ Lem” mang đến một luồng gió mới cho sân khấu.

2."Cơn ghen của Lọ Lem" ra mắt báo giới vào 23-11 tại nhà hát Kim Mã (số 1 Giang Văn Minh) và đang diễn tại Trung tâm văn hóa Pháp (L'Espace) cho hết tháng 12. Đây là một nguyên tác của nhà viết kịch vĩ đại người Pháp Moliere. 

Câu chuyện kể về một gia đình thuộc thành phần tiểu thị dân ở nước Pháp cách đây 400 năm đã được Trần Lực và ê kíp (Đỗ Trí Hùng biên kịch) nhào nặn thành một vở giễu nhại về đời sống gia đình trong xã hội Việt Nam đương đại với facebook, uber... mang đến cho sân khấu một không khí tươi mới, hấp dẫn. Câu chuyện xoay quanh gia đình vợ chồng Lọ Lem- Angelic, bố mẹ cô vợ, nàng hầu gái và ngài tiến sĩ  Doctor. 

Ấn tượng và cũng là tâm điểm của sự giễu nhại đó là nhân vật Tiến sĩ Doctor. Một nhân vật điển hình của thói rởm đời, "thùng rỗng kêu to", sẵn sàng bán cái mác rởm ấy để lấy một tuần đi xe ôm công nghệ miễn phí của Lọ Lem. Với lối "tả ý" thay vì "tả thực" (của dòng hiện thực tâm lý vốn đã nhàm chán), sân khấu tối giản đến mức tối đa, nhân vật được vẽ mặt nạ đầy tính hề, "Cơn ghen của Lọ Lem" đã mang đến một cách thưởng lãm sân khấu trực tiếp, nơi khán giả có thể tương tác với nhân vật. Đó cũng là một điểm nhấn thú vị.

Trước đó, Lucteam ra mắt vở kịch kinh điển “Quẫn” của tác giả Lộng Chương.

Trong kho tàng kịch kinh điển của nhà viết kịch vĩ đại này, Trần Lực chọn "Cơn ghen của Lọ Lem" vì vở chưa từng được diễn ở Việt Nam. Đây là một vở ngắn, đòi hỏi mức độ ứng tác cao của diễn viên và rất khó khi chuyển soạn. Thế nhưng, với thủ pháp sân khấu ước lệ, Trần Lực và ê kíp đã làm được một kỳ tích, thổi luồng sinh khí mới mẻ, hiện đại vào vở kịch kinh điển này.

Nhiều người gọi "Cơn ghen của Lọ Lem" là "cơn điên" của Trần Lực. Phải "điên" và cả sự hồn nhiên nữa, Trần Lực mới dám làm điều không ai dám làm như thế. Như cách anh xuất hiện ở phần mở đầu trên sân khấu, duyên dáng, tự nhiên, thoải mái. Trần Lực gọi "Cơn ghen của Lọ Lem" là một nồi lẩu. Nhưng đó là một nồi lẩu ngon. 

"Thế mạnh của Lucteam là sự hồn nhiên và ngây thơ chứ không phải sự uyên bác. Lucteam là đoàn kịch của thầy và trò. Tôi là thầy - Trần Lực và học trò của tôi - những nghệ sĩ trẻ tuổi. Chúng tôi thành lập vì thầy trò có chung chí hướng và khát khao chinh phục nghệ thuật đỉnh cao cùng phương pháp nghệ thuật sân khấu ước lệ", Trần Lực khẳng định.

Chỉ mới ra đời trong một thời gian ngắn, nhưng Lucteam đã có một lưng vốn ba tác phẩm, cùng với "Quẫn”, "Cơn ghen của Lọ Lem" và sắp tới là "Bà Triệu". Ba vở diễn sẽ lần lượt được công diễn trong thời gian tới. 

Trần Lực tin, sự tươi mới, trẻ trung và hiện đại của Lucteam sẽ kéo được khán giả trẻ đến rạp. Với những đêm diễn mở màn của "Cơn ghen của Lọ Lem" tại Trung tâm văn hóa Pháp và sự hào hứng, thích thú của khán giả, tôi tin giấc mộng của Trần Lực không xa vời.

NSND Lê Khanh: Thổi một luồng gió mới

Tôi xem vở đến lần thứ 2 rồi, càng xem càng thú vị. Trần Lực và  êkip của anh quá giỏi, đã làm thay đổi cách nhìn về sân khấu. Sân khấu đã trở nên đa dạng và vui tươi như vậy. Nó không đóng khung như chúng ta vẫn làm bao nhiêu năm nay. Câu chuyện giễu nhại tưởng như không có gì, hiển nhiên đấy mà sâu cay, càng ngẫm càng thấy sâu sắc. Nhân vật Doctor là một điển hình cho thói rởm đời của xã hội, tôi cười nghiêng ngả với điệu bộ và giọng nói của nhân vật này.

Trần Lực đã đào tạo ra một thế hệ diễn viên quá giỏi, họ có đủ ba kỹ năng cần thiết của sân khấu đương đại: diễn, biết âm nhạc và vũ đạo. Diễn được như các bạn không dễ đâu. Ai đó cứ lo ngại về việc thiếu những lớp trẻ tài năng. Nhưng nhìn vào Lucteam, tôi nể phục tài năng của các em. Tôi thích thú khi Trần Lực và ekip đã Việt hóa được tinh thần của Moliere qua ngôn ngữ tiếng Việt.

Một tác phẩm cách chúng ta 400 năm mà vẫn đầy hơi thở của đời sống. Với cách làm này, anh đã phá bỏ tính bảo thủ của những người làm sân khấu ở Việt Nam, mang đến một luồng gió mới cho sân khấu nước nhà, dù với thế giới không còn mới mẻ, nhưng ở Việt Nam chưa có ai dám dũng cảm làm như Trần Lực. Đó là điều tôi vẫn trăn trở mà chưa làm được. Những gì Trần Lực đang làm cho thấy, quan trọng không phải làm gì mà làm như thế nào. Tôi tin Trần Lực sẽ thành công trên con đường của mình.

NSƯT Trung Anh:  Sân khấu cần nhiều phong cách cho khán giả lựa chọn

Suốt mấy ngày nay, tôi không ngừng nghĩ về "Cơn ghen của Lọ Lem". Đó là vở diễn thứ hai, sau vở "Quẫn" của sân khấu Lucteam. Tôi không tin vào những gì mà các diễn viên trẻ (rất trẻ) đã thể hiện trên sân khấu nữa, bất ngờ, quá bất ngờ, quá tài năng. Tôi vẫn biết sau khi tốt nghiệp, các diễn viên trẻ tiếp tục được rèn luyện thêm dưới sự kèm cặp của thầy Trần Lực, nhưng để cho ra mắt được một tác phẩm hoàn hảo như vậy vẫn là một bất ngờ lớn với tôi.

Vở diễn với một phong cách hoàn toàn mới so với kịch truyền thống xưa nay ta vẫn xem, rất khó diễn để thể hiện ý đồ của đạo diễn, nhưng các diễn viên trẻ đã chuyển tải nó nhẹ như không, duyên dáng và chính xác đến kinh ngạc. Ngôn ngữ hình thể đầy biểu cảm, đa dạng khắc họa nên các tính cách nhân vật một cách rõ nét mà ý nhị, mềm mại. Vở diễn cuốn hút, sôi động nhưng cũng đầy ắp hơi thở thời đại. Và đạo diễn Trần Lực lại một lần nữa cho khán giả thấy được sự tài hoa của mình trên lĩnh vực sân khấu mà nhiều người chưa biết tới. 

Lạ mà hay. Đó là một phong cách hoàn toàn mới lạ ở nước ta, rất khó thể hiện nhân vật, nhất là thể hiện cả tính cách nhân vật và thể hiện tâm lý qua ngôn ngữ hình thể. Trần Lực quá giỏi và liều khi đi ngược lại phong cách của các nhà hát đương thời. Nhưng đó là điều tất yếu nếu muốn kéo khán giả đến rạp. Nhưng dám đặt một sân khấu tư nhân vào thời điểm này thì quả là DŨNG CẢM. Tôi muốn sân khấu Việt Nam có nhiều phong cách khác nhau để khán giả có nhiều lựa chọn.

V. Hà
.
.
.