Sông Lam Nghệ An tan đàn xẻ nghé sau V.League 2019:

Cơn "hấp hối" của bóng đá bao cấp

Thứ Hai, 28/10/2019, 08:00
Những cổ động viên Sông Lam Nghệ An đã phải thấp thỏm với nỗi lo về V.League 2020 khi đội chủ sân Vinh đứng trước nguy cơ "chảy máu" lực lượng nghiêm trọng sau khi V.League 2019 kết thúc...

Khi mùa giải 2019 vừa mới kết thúc, những cổ động viên Sông Lam Nghệ An đã phải thấp thỏm với nỗi lo về V.League 2020 khi đội chủ sân Vinh đứng trước nguy cơ "chảy máu" lực lượng nghiêm trọng sau khi V.League 2019 kết thúc. Đáng nói hơn, đây là thực trạng đã tồn tại rất lâu mà chưa thể cải thiện với đội bóng xứ Nghệ.

"Con tin" của nhà tài trợ

Trước khi mùa giải 2019 bắt đầu, Sông Lam Nghệ An đã phải đau đầu trong việc tìm kiếm các nhà tài trợ cho đội. Trong thời buổi bóng đá kim tiền, nếu như không có một thế lực đủ mạnh để chống lưng đồng nghĩa với việc sức cạnh tranh bị giảm sút nghiêm trọng.

Cuối cùng, Bắc Á Bank lại là đơn vị đứng ra "cứu" Sông Lam Nghệ An. Đây là một kịch bản lặp đi lặp lại qua rất nhiều mùa giải. Điển hình như ở cuối mùa 2018, Bắc Á Bank và Sông Lam Nghệ An tưởng chừng đã "đứt duyên" nhưng sau khi gõ cửa hàng loạt "Mạnh Thường Quân" không thành công, ban lãnh đạo Sông Lam Nghệ An lại phải tìm mọi cách để ký tiếp hợp đồng với nhà tài trợ quen thuộc.

Không có Bắc Á Bank, không hiểu Sông Lam Nghệ An còn tồn tại ở V.League được hay không dù lò đào tạo của họ luôn được đánh giá vào loại tốt nhất cả nước. Việc quá phụ thuộc vào nhà tài trợ này chỉ ra vấn đề lớn nhất của Sông Lam Nghệ An là họ không thể kiếm được một nguồn thu nào đáng kể khác. Cho đến thời điểm này, đội chủ sân Vinh vẫn phải nhận khoản trợ cấp ít ỏi của tỉnh Nghệ An và nguồn tiền từ Bắc Á Bank là "bầu sữa" chính giúp họ tiếp tục duy trì vị trí ở V.League.

Dù muốn ở lại quê hương nhưng những cầu thủ như Khắc Ngọc cũng phải chia tay Sông Lam Nghệ An.

Mô hình của một CLB bóng đá chuyên nghiệp phải đi theo quy luật "tiền đẻ ra tiền, bóng đá nuôi bóng đá", nhưng Sông Lam Nghệ An lại chưa thể làm được điều đó vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Họ dễ dàng để các cầu thủ tài năng xuất thân từ lò đào tạo của chính mình ra đi theo dạng hết hợp đồng và đương nhiên không thể thu lại một đồng chuyển nhượng nào.

Trong bối cảnh đó, điều đáng nói là ban lãnh đạo đội không tìm ra một hướng đi mới cho CLB. Sự thiếu năng động của ban lãnh đạo Sông Lam Nghệ An chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng họ liên tục đối mặt tình trạng bất ổn sau mỗi mùa giải.

Cuối mùa 2018, một nhà tài trợ lớn đã tìm đến đội chủ sân Vinh nhưng lại không được chấp thuận chỉ vì điều kiện muốn sở hữu lò đào tạo trẻ của CLB. Sông Lam Nghệ An không muốn mất thương hiệu lò đào tạo lừng danh của họ, nghịch lý nằm ở chỗ họ cũng không thể khai thác lợi ích từ những nhân tài của lò đào tạo ấy.     

 Để rồi cứ mỗi mùa giải trôi qua, các CĐV lại phải chứng kiến những cầu thủ trụ cột lũ lượt rời đội bóng mà không đem lại một khoản lợi nhuận nào. Như một vòng tròn luẩn quẩn, Sông Lam Nghệ An đã nghèo lại càng nghèo và tiếp tục phải phụ thuộc vào Bắc Á Bank, nhà tài trợ có lẽ cũng chẳng còn mặn mà lắm với khoản đầu tư không đem lại một lợi ích rõ ràng về mặt kinh tế.

Hậu quả nhãn tiền chính là thành tích trên sân cỏ. Từ khi đăng quang ngôi vô địch V.League 2011 đến nay, Sông Lam Nghệ An chưa từng một lần kết thúc mùa giải ở vị trí trong top 3. Trong khoảng thời gian đó, thành tích tốt nhất mà đội bóng xứ Nghệ đạt được là vị trí thứ 4 ở các mùa 2012, 2013 và 2018. Sông Lam Nghệ An vẫn là một cái tên tạo ra ấn tượng nhờ lịch sử hào hùng nhưng giờ khó có thể nói họ là một thế lực ở V.League đủ sức cạnh tranh danh hiệu.

Con tàu mất phương hướng

Kết thúc mùa giải V.League 2019, Sông Lam Nghệ An sẽ đối mặt với một cuộc chảy máu lực lượng khủng khiếp. Hàng loạt trụ cột của đội chủ sân Vinh sẽ đáo hạn hợp đồng như thủ thành Nguyên Mạnh, hậu vệ Đình Hoàng, tiền vệ Hồ Khắc Ngọc, tiền đạo Hồ Phúc Tịnh. Tổng cộng sẽ có đến 14 cầu thủ trong đội hình 1 có thể ra đi theo dạng chuyển nhượng tự do.

Tương lai u ám này khiến HLV Nguyễn Đức Thắng cũng đang nhấp nhổm rời sân Vinh. Ông cho biết chỉ với khoảng 10 cầu thủ còn lại, Sông Lam Nghệ An không thể đảm bảo thành tích tại V.League ngay cả khi đôn những cầu thủ của đội U21 lên.

Không thể trách HLV Đức Thắng bởi chẳng có nhà cầm quân nào trên thế giới dù tài năng cỡ nào có thể xoay sở với đội hình "rách nát tả tơi" như thế. Sông Lam Nghệ An nhiều khả năng sẽ phải chia tay cả bộ khung gồm thủ môn đội trưởng Nguyên Mạnh, Trần Đình Hoàng, Hồ Khắc Ngọc, Lê Thế Cường, Võ Ngọc Toàn, Võ Ngọc Đức, Hồ Phúc Tịnh… Những cái tên còn lại như Quang Tình, Văn Bình, Đình Đồng… đều đã lớn tuổi và không còn ở đỉnh cao phong độ.

Hồ Khắc Ngọc, cái tên được xem là "hot" nhất của Sông Lam Nghệ An lúc này, khẳng định rằng anh cùng nhiều đồng đội muốn tiếp tục gắn bó với CLB, nhưng ban lãnh đạo đã không đưa ra một động thái cụ thể nào nhằm giữ chân cầu thủ.

Xuân Mạnh và Văn Đức rời sân Vinh chỉ còn là vấn đề thời gian?

Khắc Ngọc nhiều khả năng sẽ ra đi giống như những công thần đàn anh Quế Ngọc Hải hay Trọng Hoàng. Điểm đến của tiền vệ tuyển thủ quốc gia này rất có thể là Viettel. Khắc Ngọc chưa thừa nhận nhưng Đình Hoàng và Ngọc Toàn thì đã chắc chắn bến đỗ mới là SHB Đà Nẵng. 

Đội bóng này sẵn sàng chi ra 1 tỷ đồng tiền lót tay để đưa bộ đôi này từ sông Lam đến sông Hàn. Đình Hoàng và Ngọc Toàn đều là những trụ cột của Sông Lam Nghệ An với tổng cộng 49 lần ra sân cho đội bóng này ở mùa giải năm nay.

Thiếu vắng những trụ cột như vậy, Sông Lam Nghệ An chắc chắn sẽ suy yếu rất nhiều. Đó là nguyên nhân khiến HLV Đức Thắng không còn động lực để tiếp tục công việc của mình. Chia sẻ với báo giới, ông chia sẻ việc mình bị động hoàn toàn trước các quyết định về mặt nhân sự và không chắc chắn về lực lượng chuẩn bị cho mùa giải mới thực sự làm cho ông rất khó tiếp tục dẫn dắt đội bóng chủ sân Vinh.

Như mọi lần, mỗi khi gặp khó khăn là Sông Lam Nghệ An lại cầu viện "người nhà". Nhiều khả năng trong mùa giải tới, bộ đôi HLV Nguyễn Thành Công và Ngô Quang Trường sẽ trở về dẫn dắt đội bóng quê hương. Ông Nguyễn Thành Công là con trai HLV nổi tiếng Nguyễn Thành Vinh, mùa vừa rồi dẫn dắt CLB Sài Gòn; trong khi ông Ngô Quang Trường cũng sẽ rời chức vụ Giám đốc kỹ thuật của CLB Hải Phòng sau V.League 2019.

Điều may mắn cho Sông Lam Nghệ An là họ còn giữ chân được hai ngôi sao sáng giá Phan Văn Đức và Phạm Xuân Mạnh, những người đã khẳng định được tên tuổi trong màu áo U23 và đội tuyển quốc gia. Nhưng nếu cứ tiếp tục tình trạng như hiện tại thì chắc chắn ngày Văn Đức và Xuân Mạnh rời sân Vinh sẽ sớm đến, cùng với đó là sự sa sút không thể chống đỡ của đội bóng từng là biểu tượng lừng lẫy một thời.

Sông Lam Nghệ An tiêu tiền như thế nào?

Đầu mùa V.League 2019, Sông Lam Nghệ An đã cố gắng tìm được một nhà tài trợ mới với tiềm lực tài chính tốt nhưng cuối cùng thất bại do không muốn mất thương hiệu lò đào tạo. 

Bắc Á Bank phải tiếp tục "chống lưng" cho đội bóng chủ sân Vinh với gói tài trợ thêm 1 năm, trị giá 30 tỷ đồng. Con số này không thể giúp đội bóng xứ Nghệ giữ chân được những ngôi sao hàng đầu như Quế Ngọc Hải, người sau đó đến Viettel. Tuy nhiên số tiền ngày cũng đủ giúp SLNA có kinh phí để duy trì hoạt động.

Sau vài vòng đầu tiên của V.League 2019, SLNA nhận thêm một gói tài trợ mới 20 tỷ đồng từ một doanh nghiệp địa phương. 20 tỷ đồng đó được chia ra làm 2: 13 tỷ dùng để trả lương cho các cầu thủ và 7 tỷ đồng nằm trong quỹ thưởng cho mỗi trận hòa và thắng.

Nguồn thu của đội bóng xứ Nghệ từ vé bán trong các trận đấu là không đáng kể. Mỗi trận đấu, sân Vinh chỉ đón trung bình 2.000 đến 3.000 khán giả. Trong đó, gần 1/3 là vé mời và giấy mời.

Khoản thu không đủ bù chi đó là lý do Sông Lam Nghệ An không thể chi ra những khoản phí lót tay để giữ chân các cầu thủ trụ cột.

Cay đắng hơn cho Sông Lam Nghệ An là họ có thể để mất các trụ cột vào tay đội bóng "hàng xóm" là Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, tân binh của V.League 2020. Trường hợp cụ thể là chân sút ngoại binh Michael Olaha. Tiền đạo người Nigeria đang cân nhắc việc chuyển đến đội bóng mới sau khi ghi 18 bàn/75 lần ra sân cho SLNA tại V.League. Bên cạnh đó, hai ngoại binh khác Damir Memoivic và Joel Vinicius cũng sẽ không tiếp tục gắn bó với đội chủ sân Vinh.

Đơn Ca
.
.
.