Kỳ khôi chuyện hoạch định tương lai nền bóng đá từ nay tới năm 2030:

Con rồng mấy mắt, mấy chân?

Thứ Hai, 05/03/2012, 06:01

Nó là một câu chuyện kỳ khôi kéo dài từ nhiều năm nay, mang đến cho người hâm mộ BĐVN đầy đủ những xúc cảm  hỉ - nộ - ái - ố. Nó là một vấn đề đã khiến cho rất nhiều quan chức BĐVN "việt vị" nhưng dường như cũng chẳng ai đau, và chẳng ai phải trả giá cho sự "việt vị" của mình. Ấy là việc đặt ra một mục tiêu và vẽ nên một tương lai của cả một nền bóng đá, cái việc vừa được xới lên qua một hội thảo phát triển BĐVN từ nay cho tới năm 2030.

Khi tương lai đã trở thành quá khứ

Từ năm 1995 - năm mà ĐTQG Việt Nam bất ngờ giành HCB SEA Games 18 tại Chiang Mai (Thái Lan), người ta đã bắt đầu bàn tán về tương lai nền bóng đá. Cái tương lai mà đã có lúc được vạch ra một cách gần gũi, cụ thể như "2 năm nữa, BĐVN phải vượt qua bóng đá Thái Lan", lại có lúc được vẽ vời xa xôi như "VCK World Cup 2018, ĐT Việt Nam nhất định phải góp mặt".

Nói về cái mục đích "vượt qua Thái Lan" ai cũng biết sau nhiều lần ôm hận bởi người Thái, BĐVN rốt cuộc đã vượt qua Thái ở chung kết AFF Suzuki Cup 2008 để lần đầu tiên đứng đỉnh đầu khu vực. Nhưng nếu từ một chiến thắng trong khoảnh khắc để kết luận rằng chất lượng bóng đá Việt Nam đã vượt qua chất lượng bóng đá Thái Lan thì chắc chắn là phiến diện.

Bằng chứng là HLV Calisto - người đã từng làm việc ở cả Việt Nam (trên cương vị HLV trưởng CLB ĐT.LA, HLV trưởng ĐTVN) và Thái Lan (trên cương vị HLV trưởng CLB Muang Thong United) đã có một nhận xét được rất nhiều chuyên gia đồng cảm: Bóng đá Việt Nam còn nghiệp dư hơn bóng đá Thái Lan rất nhiều. Ông Calisto không chỉ nói một cách cảm tính hay nói cho sướng miệng mà đã đưa ra nhiều con số, nhiều lý lẽ chứng minh cho lời nói của mình. Chẳng hạn như ông bảo ở Thái League, đồng tiền không thể làm hư cầu thủ như V.League. Hay ở Thái League, trước một trận đấu, công tác tiếp thị, quảng cáo diễn ra chuyên nghiệp tới mức đã được các CLB thực hiện trong ròng rã cả tuần liền.

Mà ở đây, cũng phải đau đớn thừa nhận một sự thực rằng trong khi không vượt qua nổi Thái Lan theo đúng kế hoạch, BĐVN thậm chí còn bị một số nền bóng đá khác trong khu vực vượt qua, trong đó rõ nhất là bóng đá Malaysia. Năm 1995 - năm mà ĐTVN dựng lên cột mốc phát triển mới cho lịch sử nền bóng đá, chúng ta đã thắng dễ Malaysia ở vòng bảng SEA Games.

Và kể từ đó cho tới những năm 2000, ĐTVN luôn là một khắc tinh của Malaysia. Ấy thế mà vào cuối những năm 2000 tới nay, từ trận địa SEA Games vốn chỉ dành cho ĐT U.23 cho tới trận địa AFF Cup vốn dành cho ĐTQG, ĐTVN lại thất bại liên tiếp trước người Mã. Thất bại tới mức từ chỗ chỉ "run run sợ Thái", bây giờ cái tâm lý "sợ Mã" và "ngại Mã" đã xuất hiện trong não trạng của không ít những nhà làm bóng đá, và cả những tuyển thủ QG.

Trong khi những mục tiêu ngắn hạn gói gọn trong phạm vi khu vực, BĐVN còn chưa đạt tới thì những mục tiêu dài hạn như việc ĐTVN phải tham dự VCK World Cup 2018 quả thật chẳng khác gì một… trò đùa. Còn nhớ, hồi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đặt ra mục tiêu này, trên trang thể thao của tờ "Thể thao & Văn hóa", nhà báo Hồng Ngọc đã thẳng thắn đặt ra câu hỏi: "Phải chăng Liên đoàn Bóng đá đang mắc bệnh loạn ngôn?". Câu hỏi ấy từng bị phê nặng là "không có tinh thần xây dựng". Nhưng rõ ràng là bây giờ nhìn lại mới thấy một nhận xét dũng cảm như thế mới thể hiện đúng "tinh thần xây dựng", còn những người cứ cố phủ định là nó "không có tinh thần xây dựng" thì không những mắc bệnh loạn ngôn, mà còn mắc bệnh ảo tưởng.

Và khi quá khứ phê hiện tại

Có một sự thật là trong hội thảo phát triển BĐVN vừa qua, phần lớn những cựu quan chức BĐVN đều lên tiếng chỉ trích đội ngũ lãnh đạo hiện thời rất nặng nề. Họ - những cựu TTK VFF Trần Bảy, cựu PCT VFF Ngô Tử Hà, Nguyễn Sĩ Hiển… đã đưa ra hàng loạt "dẫn chứng rất thời sự" để chứng minh năng lực yếu kém của những người đang cầm cân nảy mực cuộc chơi.

Hữu Thắng và con trai cùng chiếc cup vô địch V.League.

Chẳng hạn như ông Trần Bảy đã phê phán dữ dội việc một PCT VFF khi được gửi sang làm việc ở VPF lại đã quay ra đối đầu với chính VFF. Trong quan điểm của ông Trần Bảy, vấn đề ở đây không phải là ông PCT ấy đã chống đối ra sao, mà là cơ chế của VFF thủ cựu tới mức nào mà một người trong tổ chức này chỉ có thể nói về cái yếu, cái thiếu của nó khi người ta không còn hoàn toàn ngồi trong nó?

Hay như ông Ngô Tử Hà cũng đã kêu gọi cần phải rà soát, kiểm tra lại hàng loạt vấn đề khác của VFF hiện nay, chứ không riêng gì vấn đề chuyển giao thương quyền V.League gây xôn xao dư luận. Có lẽ tâm huyết, nguyện vọng của những người đã từng làm quan chức VFF trong việc phát triển cải tổ VFF, cải tổ BĐVN là điều không có gì phải bàn cãi.

Điều đáng nói nằm ở chỗ, trong quá khứ, khi còn đương nhiệm, phần lớn những quan chức bóng đá này cũng để lại tai tiếng và qua đó đã bị dư luận lên án dữ dội. Xin đơn cử như thời ông Ngô Tử Hà làm PCT VFF cuối những năm 90, đầu những năm 2000 - cái thời mà trước vòng đấu cuối cùng của V.League năm 2001, ông Hà đã mang sẵn cái cúp vô địch về sân Vinh. Thời điểm ấy, cơ hội vô địch của chủ nhà SLNA trên sân Vinh và CLB Nam Định trên sân Thống Nhất là ngang nhau.

Thế nên việc ông Hà lờ đi khả năng vô địch của Nam Định trên sân Thống Nhất mà lại đặt niềm tin trọn vẹn vào đội chủ sân Vinh khiến dư luận phải đặt câu hỏi: Có phải ông Hà biết trước là Nam Định sẽ "nằm" và Sông Lam sẽ khải hoàn ca chiến thắng? Có phải ông Hà đã ngửi ra và ngửi rõ những đường đi nước bước nơi hậu trường nên mới dũng cảm "tiên tri" Sông Lam vô địch (mà quả đúng là Sông Lam sau đó vô địch thật)? Ông Hà khi ấy cố biện giải rằng bên cạnh chiếc cúp thật ở sân Vinh, BTC cũng đã để một chiếc cúp phiên bản ở sân Thống Nhất để đề phòng trường hợp Nam Định đăng quang, nhưng lời biện giải đã bị nhà đài VTV làm cho ra nhẽ với phóng sự mang tên: "Đi tìm cúp trên sân Thống Nhất"!?  Chỉ đơn cử một chuyện nhỏ thế thôi là đủ thấy VFF hồi ấy "có chuyện" ra sao và bị dư luận lên án kịch liệt tới mức nào.

Bây giờ thì ông Ngô Tử Hà trong tư cách một cựu quan chức lại đi lên án những quan chức bóng đá đương thời. Và cứ với cái đà này, người ta có quyền tin rằng sau khi nghỉ hưu thì những quan chức bóng đá hiện nay khả năng sẽ lại lên án những quan chức bóng đá đương thời y như thế. Chính vì nhận ra bản chất này mà một thành viên tham gia Hội thảo phát triển bóng đá Việt Nam vừa rồi đã chia sẻ một cách chua xót rằng: "Tôi cảm giác mấy cái hội thảo này thực chất là dịp để người đi trước trút bức xúc lên người đi sau. Nhiều người trút một cách thái quá. Nhiều người thì nhẹ nhàng, khôn ngoan thực hiện chiến thuật "mượn gió bẻ măng". Trong mắt tôi, những hội thảo kiểu này thực sự không có nhiều giá trị".

Tương lai ơi hỡi tương lai

Theo nội dung của hội thảo phát triển BĐVN thì trong vòng 20 năm nữa ĐTQG nam Việt Nam phải đứng trong tốp 20 châu lục. Nếu nhìn lại cái mục tiêu "trong 2 năm phải vượt qua Thái Lan" mà chúng ta từng đặt ra thì rõ ràng mục tiêu lần này có tầm nhìn xa hơn. Còn nếu so với cái mục tiêu "phải tham dự VCK Word Cup 2018" mà chúng ta cũng từng bàn đến thì mục tiêu lần này rõ ràng thực tế hơn và mang tính hiệu quả nhiều hơn.

Lê Huỳnh Đức với một CĐV nhí.

Tuy nhiên vấn đề ở đây không đơn thuần là đề ra một mục tiêu đúng, mà còn là phải đặt ra những sự kế thừa đúng. Bởi một nhiệm kỳ VFF chỉ kéo dài 4 năm trong khi mục tiêu hướng đến lại diễn ra trong vòng 20 năm - nghĩa là phải trải qua ít nhất 5 nhiệm kỳ. Nếu nhiệm kỳ sau không chịu kế thừa những hướng đi tích cực của nhiệm kỳ trước thì cái gọi là "mục tiêu cho tương lai" chắc chắn không thể thành hiện thực. Ở đây, cần thiết phải kể lại vài câu chuyện chứng minh rất rõ "tư duy nhiệm kỳ", thiếu tính kế thừa đã trở thành truyền thống của VFF.

Chuyện diễn ra ở nhiệm kỳ 4, khi ông PCT VFF Trần Duy Ly đã tính đến việc phải thực hiện một cuốn lịch sử bóng đá Việt Nam, và thực tế đã đầu tư rất nhiều công sức, tiền của để thực hiện công việc này.  Sau khi nhiệm kỳ 4 "rớt đài", ông Ly giao lại việc viết sử bóng đá cho nhiệm kỳ 5, song thực tế là người của nhiệm kỳ 5 cũng chỉ ợm ờ cho qua, nên việc viết sử bóng đá tính đến lúc này đã rơi vào quên lãng. Vẫn là chuyện của nhiệm kỳ 4, nhiệm kỳ mà ông TTK VFF Phạm Ngọc Viễn cặm cụi viết cả một Đề án phát triển bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam được rất nhiều chuyên gia gật gù khen hay. Song khi ông Viễn rời Liên đoàn về làm việc ở Trung tâm Huấn luyện Thể thao QG 1 thì cái Đề án của ông lập tức cũng bị người ta… bỏ đói.

Sự thực là như thế đấy. Cái sự thực mà với nó và vì nó, tất cả những câu chuyện mang tính chất "vẽ vời tương lai nền bóng đá" đang bị một số người ví von với những cuộc vẽ rồng cho sướng tay, sướng mắt. Mà đã thích vẽ cho sướng thì vẽ con rồng có bao nhiêu mắt, bao nhiêu chân chẳng được. Tới đây, chẳng nhẽ cứ phải nhắc lại rằng đời không có rồng, nên nếu thích vẽ, chẳng thà cứ vẽ một con mèo và chiến đấu thật sự vì con mèo ấy có khi còn hay hơn!?

Chợt nhớ, năm nay năm Rồng, viết như thế không biết có mạo phạm?

Cả Đông Nam Á đều vỡ kế hoạch

Trong khu vực ĐNA, không riêng gì Việt Nam, bóng đá Singapore cũng đã có lúc lập hẳn dự án Goal 2014 với mục tiêu đưa ĐTQG của mình tham dự VCK 2014. Để thực hiện dự án này, người Sing đã mời những ông thầy danh tiếng người Đan Mạch về tìm kiếm và phát triển tài năng một cách bài bản. Tuy nhiên những ông thầy Đan Mạch chỉ trụ lại Singapore được 4,5 năm, và cái dự án rất mĩ miều không lâu sau đó đã bị nhận diện là ảo tưởng. Bây giờ, người Sing không còn nói tới chuyện tham dự VCK World Cup nữa, mà chỉ tính đến chuyện làm sao có thể ổn định ở tốp đầu khu vực.

Vào cuối những năm 90, trước việc bách chiến bách thắng ở ĐNA, bóng đá Thái Lan cũng đã chán nản "vùng trũng ĐNA" nên đặt mục tiêu phải trở thành những đội bóng mạnh nhất châu lục. Sự thực thì không những không vươn đến tầm châu lục, sự chuyển giao thế hệ cùng hàng loạt những bất ổn ở ghế thuyền trưởng ĐTQG khiến Thái Lan thậm chí đã "mất trắng" ở đấu trường khu vực. Và bây giờ mục tiêu mà người Thái đặt ra đơn giản là phải nhanh chóng trở lại ngôi vị số 1 ĐNA.

Phan Đăng
.
.
.