Confed Cup 2017: Đóng cánh cửa này là để mở ra… cánh cửa khác

Chủ Nhật, 18/06/2017, 19:24
Cuối tuần này, Cúp Liên đoàn các châu lục – hay còn được biết đến dưới tên gọi Confed Cup sẽ khởi tranh tại Nga, nước chủ nhà World Cup 2018. Theo truyền thống, đây được xem là đợt tập dượt quan trọng trước thềm ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.


Nhưng toan tính của FIFA và những thực trạng đáng buồn xoay quanh giải đấu này đang đặt ra những dấu hỏi lớn về số phận của Confed Cup trong tương lai gần.

Được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1992, Confed Cup là giải đấu giao hữu mang tính chất liên lục địa giữa các ĐTQG mạnh nhất khu vực sở tại, đăng cai bởi Ả-rập-xê-út. Ban đầu, nó được biết tới dưới tên gọi “Cúp hoàng đế Fahd”, nhận tài trợ bởi hoàng tộc Saudi.

Confed Cup 2017 khởi tranh cuối tuần này.

Đến năm 1997, FIFA nhận thấy tiềm năng thương mại rất lớn của giải nên đứng ra giành lại quyền đăng cai, biến nó thành một sân chơi chính thống quy tụ những nền bóng đá lớn nhất thế giới. Từ năm 2005, Confed Cup là giải đấu định kỳ 4 năm/lần, diễn ra vào năm lẻ (đúng một năm trước ngày khởi tranh World Cup) mang trên mình sứ mệnh như cuộc “tập dượt và tổng duyệt” chính quy nhất cho các đội tuyển.

Tuy nhiên, trong một thông báo mới nhất của người phát ngôn FIFA, tổ chức bóng đá lớn nhất thế giới đang cân nhắc phương án thay thế Confed Cup bằng các giải đấu khác.

Xung đột quyền lợi kinh tế

Các fan bóng đá thường chung một thắc mắc: Xem gì vào mùa hè các năm lẻ, khi EURO và World Cup là những giải đấu được tổ chức vào năm chẵn. Chính vì vậy, trong những mùa hè “vắng bóng đá”, FIFA đã phải phối hợp với các liên đoàn khu vực tạo ra rất nhiều giải giao hữu để bán bản quyền truyền hình.

Tuy nhiên, trong hai năm lẻ (tính trong chu kỳ 4 năm), chỉ một mùa hè có bóng đá đỉnh cao, kẹp giữa hai kỳ EURO và World Cup liền kề. Như vậy, bài toán mới tìm thấy “nửa lời giải”.

Quan điểm của FIFA luôn rất rõ ràng là biến bóng đá thành một công cụ thương mại. Đấy là lý do mà giá trị cầu thủ ngày một tăng phi mã, tạo ra những bong bóng kinh tế trên sàn giao dịch.

Nhưng FIFA vẫn phải làm việc với các CLB. Nếu vào những mùa hè lẻ, cầu thủ cứ ngồi trên máy bay và di chuyển, tham gia những sân chơi vô bổ thì đội bóng chủ quản thiệt đơn thiệt kép. Họ vừa mất quân, vừa chẳng thu về chút lợi ích nào. Với đời cầu thủ, họ quan niệm CLB mới là đơn vị trả lương và đảm bảo cuộc sống. Nhiều người vì thế đã từ chối lên tuyển (bằng cách này hay cách khác) dẫn đến những bất đồng về ý thức trách nhiệm dân tộc.

Cùng lúc đó, UEFA đã thông qua dự thảo tổ chức một sân chơi cao cấp hơn hẳn Confed Cup: Cúp CLB mạnh nhất thế giới, diễn ra theo thể thức vòng tròn giống một giải VĐQG. Ngoài ra, giải vô địch thế giới U20 cũng đang chứng kiến bước tăng trưởng kinh tế khổng lồ. FIFA cho biết, lợi nhuận bản quyền họ thu về sau hai lần gần nhất giải được tổ chức tại New Zealand và Hàn Quốc lần lượt đạt mức tăng trưởng là 102% và 150%.

Trong hoàn cảnh này, Confed Cup lại bộc lộ những yếu điểm. Tỷ lệ lượt xem Confed Cup đã thấp dần đều. Tại giải đấu năm nay ở Nga, phải đợi tới tuần lễ cuối cùng trước giờ khởi tranh, FIFA và các đơn vị truyền thông ở Nga mới đạt được thỏa thuận. Trước đó, không một nhà đài nào đứng ra đăng cai phát sóng.

Đích thân Phó Thủ tướng Vitaly Mutko đã cáo buộc FIFA thổi giá quá cao. Cụ thể, hãng thông tấn Tass đưa tin FIFA đòi 120 triệu euro phí bản quyền, gấp gần 4 lần so với con số đài Truyền hình quốc gia Nga phải chi để phát sóng World Cup 2014 (32 triệu).

Phải 6 ngày trước giờ G, kênh truyền hình có 100% vốn Nhà nước Channel One (với kênh quảng bá đặc thù Match TV) mới đi đến thỏa thuận cuối cùng khi FIFA chịu “xuống nước”.

Nhưng Channel One cũng chưa đồng ý chốt hợp đồng phát sóng World Cup 2018 với lý do, cần phải đánh giá khách quan hiệu quả kinh tế của Confed Cup 2017. Với lượng khán giả đến sân của giải đấu năm 2013 tại Brazil thấp kỷ lục (tỷ lệ phủ sân không quá 75%), FIFA có lý do để chấm dứt sứ mệnh hai thập kỷ của Confed Cup.

Phải nói thêm, những biến động trong format giải đấu của hai kỳ World Cup 2022 và 2026 buộc FIFA phải tính toán lại sự tồn tại của Confed Cup. World Cup 2022 ở Qatar sẽ diễn ra vào tháng 11 vì nhiệt độ mùa hè ở Tây Á không đảm bảo sức khỏe cầu thủ, còn World Cup 2026 sẽ là một diễn đàn bóng đá hoàn toàn mới với sự tranh tài của 48 đội tuyển (ĐT), dự kiến tổ chức ở Bắc Mỹ tại ba quốc gia Mỹ, Mexico và Canada.

Bỏ Confed Cup, FIFA vừa không vướng vào các tranh tụng vô bổ với các CLB, vừa tăng doanh thu bản quyền và đảm bảo quyền lợi cầu thủ.

Sự thờ ơ của các nền bóng đá

Trên lý thuyết, Confed Cup là đợt tập dượt quan trọng trước thềm World Cup. Nhưng thực tế đã chỉ ra những điều ngược lại. Chưa một nhà vô địch hay á quân Confed Cup nào vào tới chung kết ở kỳ World Cup liền kề.

FIFA đang tính đến phương án xóa sổ Confed Cup.

Không khó để lý giải hiện trạng này, bởi từ Confed Cup tới World Cup còn cả 12 tháng, rất nhiều biến động nhân sự vì chấn thương sẽ xảy ra. Đấy là không kể thay đổi trên băng ghế chỉ đạo, mỗi HLV có một triết lý và quan điểm dùng người khác nhau. Vì thế, Confed Cup không thể ánh xạ phản ánh chính xác nhất sức mạnh và thực lực của các ĐTQG.

ĐT Đức sớm cho thấy tư duy “coi nhẹ” Confed Cup. GĐĐH LĐBĐ Đức, cựu danh thủ Oliver Bierhoff, khẳng định mùa hè 2017 là dịp để các ngôi sao Đức xả hơi và duy trì thể lực. HLV Joachim Loew đã cất toàn bộ các tên tuổi ở nhà, coi Confed Cup là sân chơi mang tính cọ xát không hơn không kém cho những cầu thủ ít kinh nghiệm. Trong trận giao hữu gặp Đan Mạch gần đây, Loew đã trình làng 6 tân binh lần đầu làm nhiệm vụ quốc gia.

Đức nổi tiếng với nền bóng đá khoa học. Họ từng tính rằng, để đảm bảo tốt nhất cho một giải đấu, thời gian tập trung để đạt điểm rơi phong độ là 3 tuần. Đại bản doanh phải ở cách trung tâm thành phố tối thiểu 15km và thời gian sử dụng smartphone muộn nhất là 9h30 tối.

HLV Joachim Loew - ĐT Đức - thờ ơ với Confed Cup năm nay.

Nhưng ở giải đấu năm nay, Đức chỉ tập trung trong 13 ngày và chọn ở tại một khách sạn 5 sao giữa trung tâm Moscow thay vì Sochi – địa điểm tổ chức thế vận hội mùa đông 2014 như dự kiến.

Trên trang chủ của LĐBĐ Đức, HLV Joachim Loew bày tỏ quan điểm: “Confed Cup là giải đấu hành xác. Không chỉ thể lực, mà tinh thần các cầu thủ cũng không thoải mái. Họ phải đá những trận vô nghĩa, rồi hấp tấp về hội quân cùng CLB chủ quản và lại bắt đầu cho mùa giải CLB dài 9 tháng. Coi như, từ giờ đến World Cup 2018, sức khỏe bị bào mòn. Đây không gọi là chuẩn bị”.

Ông Loew cũng kêu gọi FIFA nên chấm dứt tổ chức Confed Cup vào năm 2021 và chú trọng vào các lứa trẻ, đặc biệt là lứa U20 và U17. “Những giải bóng đá như Confed Cup hay Olympic nên bỏ đi, vì nó không mang lại gì ngoài danh hão”, Loew kết thúc bài phỏng vấn của mình.

Suy nghĩ của người Nga

Thực trạng bóng đá Nga hiện tại không cho phép các CĐV nước này lạc quan về vận hội của ĐTQG. Trong một cuộc khảo sát mới đây của Futbolgrad, chỉ có 35% độc giả tỏ ra hào hứng với Confed Cup 2017 cũng như World Cup 2018.

Trên BXH hệ số UEFA, bóng đá Nga chỉ đóng góp duy nhất một đại diện là Zenit, hạng 19. Tính cạnh tranh ở giải Ngoại hạng Nga là rất thấp, bằng chứng là kể từ sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết vào năm 1991, Zenit đã vô địch quốc gia 4 lần, trong khi CSKA Moscow đã có 10 danh hiệu trong phòng truyền thống.

Rubin Kazan (2008, 2009), Spartak Vladikavkaz (1995) và Lokomotiv Moscow (2002, 2004) là những CLB hiếm hoi có thể phá vỡ thế thống trị của Zenit và CSKA.

Trong lịch sử, Nga chưa bao giờ là một cường quốc bóng đá trên bình diện châu lục. Chưa từng có một CLB Nga nào vào đến chung kết Champions League. Nga từng có hai nhà vô địch UEFA Cup là CSKA 2005 và Zenit 2009 nhưng ở giải đấu mới có tên gọi Europa League, những ký ức tươi đẹp ấy đã không ùa về.

Một thập kỷ trở lại đây, các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường nước ngoài của bóng đá Nga không mang lại những kết quả khả quan. Andrei Arshavin, Pavlyuchenko, Zhirkov và Kanchelskis đều không thể hiện được phẩm chất tại Premier League.

Với tính chất địa lý và xã hội đặc thù, bóng đá Nga bị phân hóa nặng nề. Các tỷ phú năng lượng chủ yếu đầu tư nguồn lực tài chính vào các CLB Thủ đô và ở thành phố Petersburg. Mạn phía Tây nước Nga với khí hậu khắc nghiệt với tốc độ đô thị hóa chậm chạp bị ngó lơ, dẫn đến thực cảnh 2/3 CLB bóng đá chuyên nghiệp phải hoạt động trong điều kiện cơ sở vật chất tồi tàn.

Năm ngoái, tại EURO 2016, với mức đãi ngộ của LĐBĐ Nga cho các HLV bản địa quá bèo bọt mà không một HLV nào đứng ra nhận trách nhiệm quản lý chiếc ghế nóng Fabio Capello bỏ lại. Cuối cùng, Leonid Slutsky – HLV của CSKA bấy giờ - buộc phải kiêm nhiệm cả ghế thuyền trưởng cấp ĐTQG theo cơ chế “Thu nhập dựa theo thành tích của ĐTQG tại Pháp, không lương cứng”.

Đơn Ca
.
.
.