Công khai giá tranh có phải chuyện nhạy cảm?

Thứ Năm, 11/07/2019, 08:57
Xem tranh và mua tranh nhiều khi là hai câu chuyện khác nhau. Xem tranh, đó là nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của mỗi người. Còn khi quyết định mua một bức tranh nào đó, người ta sẽ có nhiều cân nhắc sau những cảm xúc mà họ dành cho tác phẩm hội họa ấy.

Việc mua tranh cũng là việc tế nhị, có thể là giữa người mua và chủ galerry, cũng có thể là sự đồng cảm, thân tình coi như bán và tặng giữa người mua tranh và cá nhân họa sĩ. 

Khi ấy, câu chuyện giá tranh thường được coi là khá nhạy cảm. Một giải pháp cho tình huống này là: Có nên công khai giá tranh tại các cuộc triển lãm. Và việc công khai giá tranh có phải là cách để hỗ trợ thị trường mỹ thuật phát triển?

 Họa sĩ  thường "ngại" khi định giá tranh

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa, người nổi tiếng với những tác phẩm hội họa rất cá tính, với hòa sắc và tạo hình độc đáo cho biết, trước đây người mua tranh của ông chủ yếu là khách nước ngoài, đặc biệt trong thời gian những năm 90 của thế kỉ trước. 

Mười năm trở lại đây, những người sưu tập nghệ thuật tại Việt Nam tăng dần. Họ có tình yêu với nền mỹ thuật nước nhà và có mối liên hệ sâu sắc với galerry cũng như cá nhân họa sĩ. Riêng đối với họa sĩ Đặng Xuân Hòa, việc mua bán tranh chủ yếu thông qua con đường cá nhân. Theo ông, việc đề giá tranh cạnh mỗi tác phẩm được trưng bày công khai là sự thiếu chuyên nghiệp. 

"Khi anh để giá tranh công khai, nó lại bị trở thành một thứ hàng hóa. Trên thế giới tất cả những galery mà mình đã được đến xem, không bao giờ họ để giá tranh cạnh tác phẩm. Họ chỉ đề tên tranh, chất liệu, năm sáng tác, còn giá tranh sẽ được in thành một danh sách, nếu ai có nhu cầu mua tranh sẽ liên hệ với ban tổ chức. Trong kinh doanh bao giờ người ta cũng thích sự kín đáo bởi giá tranh có thể thỏa thuận được. Nếu để lộ giá thì bao giờ cũng có người bảo rẻ quá, người lại bảo đắt quá. Thường thường đã có giá lên rồi thì người mua bao giờ cũng nghĩ là đắt" - họa sĩ Đặng Xuân Hòa cho biết.

Mua bán tranh với các họa sĩ, nhiều khi là sự đồng cảm và trân trọng tài năng giữa người sáng tạo và người sưu tập. Khi tác phẩm đã "rơi vào mắt xanh" của người hâm mộ thì tiền bạc không thành vấn đề. Còn với họa sĩ, nhiều khi bán đồng thời với tặng. 

Việc mua bán một tác phẩm nghệ thuật là một hành động văn hóa, cần sự tế nhị chứ không thể "cưa đứt đục suốt" bởi người mua phải thể hiện được sự trân quý, người bán cũng cảm thấy ấm lòng. Do vậy, có một thực tế là họa sĩ vẫn thường ngại khi định giá tranh của mình. 

Có thể họ sợ người ta nghĩ rằng bản thân họa sĩ tự đánh mình cao quá hoặc thấp quá. Còn với kinh nghiệm của các gallery nước ngoài, giá tranh là một yếu tố khá kín đáo, những ai quan tâm và muốn mua tranh phải gặp riêng ban tổ chức - những được được ủy quyền của họa sĩ trong việc mua bán để tìm hiểu giá. 

Một vài gallery dễ tính hơn, họ thường có danh sách các tác phẩm được trưng bày kèm theo giá để phát cho mỗi khán giả khi đến phòng tranh. Họa sĩ Trịnh Lữ cho biết: "Kinh nghiệm của tôi là ở nước ngoài không bao giờ thấy người ta đề giá tranh công khai cả. Tất cả những yếu tố về giá cả, mua bán hầu như đều nằm ở phía sau, nhiều khi mình cũng không biết thật giả ra sao".

Tranh của một họa sĩ tại sàn đấu giá.

Họa sĩ Trang Thanh Hiền cho biết: Nếu trước đây người ta thường đề giá tranh theo định giá đô la thì bây giờ người ta cũng đề giá tranh bằng tiền Việt. Việc này cũng đem lại một số lợi ích, nhất là khi công chúng mua tranh là người Việt Nam đang ngày càng nhiều hơn. Họ sẽ biết được cụ thể giá tranh và lượng sức mình khi mua. 

Tuy vậy, "đề thẳng giá tranh có thể khiến người mua băn khoăn khi vừa cùng lúc xem tác phẩm nghệ thuật nhưng nhìn sang lại thấy rõ tính thương mại. Người ta sẽ đặt câu hỏi: Bức tranh này nhiều tiền thế ư? Điều đó sẽ làm hạn chế cảm xúc đối với người xem tranh. Ở một góc độ tế nhị hơn, nên quy bức tranh ấy ra tiền đô và để trong catalog để ai thực sự quan tâm, yêu thích thì mới hỏi đến"- Họa sĩ Trang Thanh Hiền ủng hộ cách làm truyền thống.

Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, ông chủ của không gian nghệ thuật Nhà sàn Collective cũng thừa nhận: "Trong điều kiện xã hội như ở Việt Nam khó có thể có một người đại diện cho mình. Ví dụ như diễn viên điện ảnh, ca sĩ có những người thay mặt họ để kí hợp đồng, đưa ra giá cát-xê. Thế nhưng họa sĩ thì lúng túng! 

Nhiều họa sĩ cũng không biết lẽ ra giá tranh nên như thế nào? Ở nước ta, trước khi có những nhà sưu tập chuyên nghiệp thì trong một thời gian dài, việc mua bán và định giá tranh thường bị chi phối bởi mối quan hệ. Giá trị thật của bức tranh khi ấy cũng bị giảm đi đáng kể".

Gần đây, họa sĩ Đào Hải Phong có thể coi là một trong số ít những người thẳng thắn, dám công khai giá tranh của mình. Sau triển lãm của anh tại Bangkok, Thái Lan, họa sĩ gốc Hà Nội này đã tiết lộ tranh của anh không phải loại thấp nhưng cũng không quá cao. 

Bức cao nhất có giá chừng 15.000 USD, có bức xấp xỉ chục ngàn USD hoặc có bức giá vài nghìn đô la. Với cuộc triển lãm ở nước ngoài lần này, anh cho biết, ngoài mục đích giới thiệu và bán tranh thì nó còn cho biết anh đang đứng ở đâu, giá tranh của anh trong mối tương quan với các họa sĩ nước ngoài thế nào.

Nhiều người ủng hộ công khai giá tranh.

Công khai giá tranh như một cách hỗ trợ thị trường mỹ thuật trong nước

Thực tế việc nên hay không công khai giá tranh là điều gây tranh cãi. Bởi lẽ tranh là tác phẩm nghệ thuật, không phải như những hàng hóa thông thường khác mà có thể đo đếm bằng giá cả hay bằng sức lao động, nguyên vật liệu làm ra nó. 

Xưa nay, những gì liên quan đến nghệ thuật thường rất khó định giá. Tuy vậy, khó không có nghĩa là không định giá được. Tại nước ngoài, người ta đã có những hình thức tham khảo để các họa sĩ mới bán tranh hoặc các gallery có những định giá dựa trên những thang bảng nhất định. Tuy nhiên, dù có sự đo đếm như thế nào thì sự phức tạp và đặc thù trong nghệ thuật khiến cho việc định giá tranh là vô cùng khó.

Dẫu biết là khó nhưng hơn 1 năm trở lại đây, hầu hết các cuộc triển lãm do Trung tâm hỗ trợ, phát triển nghệ thuật đương đại (Vicas Art Studio) tổ chức đều công khai giá tranh bên cạnh tác phẩm. Điều đáng mừng là không ít tác phẩm hội họa đã đến tay người mua, với nhiều xu hướng thẩm mỹ khác nhau. 

Họa sĩ Bùi Quang Thắng, giám tuyển nghệ thuật của Trung tâm hỗ trợ, phát triển nghệ thuật đương đại đưa ra ví dụ: Đã có trường hợp đến triển lãm, người ta thích một bức tranh mà không biết giá của nó là bao nhiêu tiền và cũng không dám hỏi. Giả sử người ta có 20 triệu nhưng giá bức tranh ấy là 100 triệu. 

Khi ấy người mua sẽ bị ngượng. Hơn nữa, bán tranh cho người Việt Nam thì giá cả phải hợp lý. Là người có nhiều trải nghiệm, tại mỗi cuộc triển lãm, ông đều tư vấn cho họa sĩ mức giá phù hợp để người xem có thể mua. Mục đích của ông không phải là bán tranh cho người nước ngoài mà cho người Việt Nam để phát triển thị trường nghệ thuật trong nước. 

"Việc định giá bức tranh không phải do họa sĩ muốn định là định mà phải kết hợp cả 3 yếu tố: Một là nghệ sĩ có yêu cầu, thứ hai là những người tổ chức định giá và thứ 3 là giá cả phải phù hợp với mặt bằng kinh tế xã hội của Việt Nam hiện nay. "Bởi lẽ, muốn phát triển thị trường nghệ thuật thì phải chú tâm đến việc hướng đến công chúng nước nhà. Hài hòa giữa nhu cầu của công chúng và nghệ sĩ thì nghệ thuật mới đi hết quãng đường của nó, chứ không phải trở về cất kho"- họa sĩ Bùi Quang Thắng nói.

Trao đổi với PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, đơn vị thành lập Trung tâm hỗ trợ, phát triển nghệ thuật đương đại, ông cho biết: Mục đích khi thành lập Vicas Art Studio chính là hỗ trợ, phát triển nghệ thuật đương đại. 

Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thì chúng ta cần những bước đi cụ thể. Trong đó, việc thành lập các không gian sáng tạo để các nghệ sĩ có thể phát huy khả năng của mình để có thể tiếp cận thị trường, tiếp cận công chúng. Một trong những hình thức cụ thể để hỗ trợ nghệ thuật đương đại là minh bạch thị trường, tạo ra sự bình đẳng, rõ ràng. Vì thế, ngay từ khi thành lập trung tâm hỗ trợ, phát triển nghệ thuật đương đại thì Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đã chủ trương minh bạch giá tranh. 

"Đến với trung tâm, đa phần các nghệ sĩ đang trên đường hình thành thương hiệu của mình. Trung tâm hỗ trợ cho họ xây dựng được chất lượng nghệ thuật cho mỗi cá nhân. Công khai giá tranh để tạo ra mặt bằng, sự so sánh là vô cùng quan trọng. Trong hệ thống chuỗi trưng bày triển lãm của trung tâm này cũng có một vài triển lãm không công khai giá tranh. Nhưng theo kinh nghiệm trực tiếp thì việc công khai giá tranh lại bán được tranh nhiều hơn"- PGS. TS Bùi Hoài Sơn nói.

Thị trường mỹ thuật Việt Nam trong những năm gần đây đang có những tín hiệu khởi sắc nhưng vẫn chưa chuyên nghiệp, chưa minh bạch, thiếu lòng tin từ phía họa sĩ vào các chủ gallery, các  nhà đấu giá. 

Để tạo uy tín và xây dựng được thương hiệu cho các họa sĩ, đặc biệt là những họa sĩ trẻ thì rất cần sự chọn lựa minh bạch. Thỏa thuận với các họa sĩ là thỏa thuận dân sự, các bên đều có lợi ích. Đặc biệt, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đã có chứng nhận những tranh đã được sử dụng, trưng bày là tranh độc nhất, có giá trị, có uy tín. 

"Khi thành lập ra trung tâm này, chúng tôi không lấy mục đích nó là một cơ sở giám định, cũng không lấy mục đích nó là một gallery. Mục tiêu căn bản của trung tâm này là để thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, trong đó khâu kết nối nghệ sĩ, khán giả là rất quan trọng. Vì thế, chúng tôi xác định mình là tổ chức phi lợi nhuận, tập trung vào phát triển khán giả, kết nối thị trường. Mục đích của chúng tôi là tạo môi trường, truyền cảm hứng, tạo động lực cho việc phát triển thị trường tranh"- PGS. TS Bùi Hoài Sơn khẳng định.

Tại nước ta, trong những năm gần đây, sự không chuyên nghiệp của thị trường tranh đã khiến cho uy tín của các họa sĩ bị ảnh hưởng, giá tranh vì thế cũng bị mất giá. Do vậy, cần có những biện pháp cụ thể để xây dựng lại thị trường tranh một cách chuyên nghiệp. Việc niêm yết giá tranh phải chăng là khâu bắt đầu để chúng ta tạo dựng lòng tin, xây dựng mặt bằng giá tranh mới cho công chúng, đặc biệt là những người yêu tranh trong nước.

TS Phạm Long- nhà nghiên cứu mỹ thuật:

"Có thể vẫn còn một số họa sĩ ngại về việc đánh thuế hoặc sợ ảnh hưởng đến nhà sưu tập nên họ vẫn ngại ngần công khai giá tranh. Thực ra đó là điều có hại. Càng công khai bao nhiêu thì người sưu tập càng chủ động tiếp cận mua tác phẩm bấy nhiêu. Đã là thị trường chuyên nghiệp thì việc bán tranh cho công chúng trong nước hay nước ngoài đều như nhau, không thể có chuyện bán cho người nước ngoài thì giá sẽ cao hơn".

Đinh Thúy
.
.
.