Raheem Sterling

Công nghệ lăng xê của Premier League

Thứ Hai, 17/08/2015, 08:43
Cái tên Raheem Sterling đã làm náo loạn cả nước Anh trong suốt mùa hè vừa qua, và dự báo cơn cuồng phong này còn kéo dài, khi Sterling cùng Man City sẽ có trận cầu "kinh thiên động địa" vào cuối tuần này gặp Chelsea. Tại sao Sterling lại được chú ý? Câu trả lời rất dễ dàng, nhưng những bí ẩn phía sau bản hợp đồng này mới là chuyện!

1.Raheem Sterling, một cầu thủ nhỏ con, với chiều cao sau khi "làm tròn" là 1m70. Tuy nhiên, giá trị của anh này lại được đo bởi số lượng tiền khổng lồ. Cái giá 49 triệu bảng mà Man City bỏ ra để sở hữu Sterling từ Liverpool đã khiến cả châu Âu "sốc ngược". Vô số câu hỏi đặt ra, liệu một cầu thủ trẻ mới 20 tuổi, chưa nhiều kinh nghiệm, chưa có danh hiệu hay thành tựu nào, có xứng đáng với mức giá kỉ lục như vậy không? Hay đây lại là câu chuyện về công nghệ lăng xê của bóng đá Anh, với chiêu trò hét giá quen thuộc, quen thuộc đến mức, người ta từng nghi ngờ đây là những mánh "rửa tiền" của các ông chủ tỷ phú sở hữu các CLB Anh.

Sterling trưởng thành và nổi tiếng nhờ Liverpool.

Từ khi bóng đá Anh cho phép các tỷ phú, các tập đoàn nước ngoài được quyền mua lại CLB, rất nhiều nghi vấn được đặt ra trong các thương vụ chuyển nhượng. Thậm chí có nhiều tài liệu nghiên cứu vạch thẳng con đường tội phạm thông qua hoạt động sở hữu CLB bóng đá. Thực tế, bóng đá Anh là nơi thường xuyên diễn ra những cuộc mua bán  cầu thủ bí ẩn, kì lạ với những cái giá không ai hiểu nổi.

Nhiều dần thành quen, chuyện phá giá một cầu thủ vô danh cũng có thể có mức phí vài chục triệu bảng trở nên rất bình thường, bởi chẳng ai cấm những tỷ phú nhiều tiền mua một "món hàng" bình dân với giá hàng hiệu cả. Nó chỉ có lợi cho hình ảnh bóng đá Anh, và những vụ rửa tiền mà người ta nghi ngờ thì lâu lắm rồi không thấy bị phát giác.

Vậy thì, tất nhiên kết cục của những giá trị chuyển nhượng khủng khiếp như kiểu Sterling là sản phẩm của công nghệ lăng xê mà ngành công nghiệp bóng đá Anh tạo ra. Báo chí Anh thổi phồng Sterling như một siêu sao, đến mức thần thánh hóa chẳng khác gì một "siêu anh hùng", được kì vọng chỉ vài năm nữa có thể thay đổi cả bộ mặt của ĐT Anh lúc này.

Nhiều người cho rằng, bóng đá Anh đang tự gây ra ảo tưởng cho mình khi mà những tài năng trẻ của họ ngày càng hiếm hoi, các lò đào tạo trẻ lạnh ngắt so với thị trường chuyển nhượng nóng bỏng, với vô số ngôi sao lớn sẵn sàng cập bến.

Chặng đường để biến một cầu thủ tài năng lên tầm của  một "siêu anh hùng" cũng chẳng có gì khó khăn. Một cầu thủ trẻ được đưa lên đội 1, sau đó có một vài trận đấu hay (thường là những trận đấu với các đối thủ yếu), thế là báo chí nhảy vào với những mỹ từ vô cùng đắt. Sau đó, CLB đưa họ vào danh sách đá chính, HLV gọi họ là "ngôi sao", là tương lai của CLB.

Một mùa giải sau, giá trị của anh ta tăng lên nhờ khả năng định giá thiên tài của báo chí, với sự hỗ trợ từ chính CLB. Một màn kịch đòi tăng lương và một bản hợp đồng với CLB mới với giá ở đâu đó. Sterling đã đi đúng con đường đó, cùng với nhiều cầu thủ trẻ khác như Harry Kane, Schneiderlin, Luke Shaw… bây  giờ, hay trước đó là Owen, Milner, Buckley… Và như chúng ta đã biết, nhưng sản phẩm "thổi phồng" đó đều thất bại thảm hại.

2.Vậy Sterling là ai? Đây cũng chính là câu chuyện mà báo chí khai thác rất nhiệt tình và cũng là một phần của sản phẩm lăng xê. Báo chí Anh viết rằng, Sterling lớn lên ở vùng Maverley của Kingston, Jamaica,  nhưng di cư sang Anh với mẹ (bà Nadine), khi cậu bé mới được năm tuổi, định cư tại London. Rồi câu chuyện gia đình khó khăn của Sterling, từng bị loại ở một số đội bóng trẻ vì thể hình quá thấp bé, còi cọc, không đủ tiêu chuẩn. Hay chỉ như câu chuyện về nơi ở của Sterling.

Từ ngôi nhà của mình, Sterling có thể nhìn thấy mái vòm của SVĐ Wembley, địa điểm huyền thoại của bóng đá Anh. Từ khi 10 tuổi, Arsenal đã từng nhận ra tài năng của Sterling, nhưng anh từ chối để gia nhập Queens Park Rangers. Như vậy, cách đây 10 năm, khi Arsenal vô địch Premier League lần cuối cùng, Sterling từng suýt có mặt ở CLB này. Nhưng có lẽ hỏi lại tất cả những người Arsenal, chắc chẳng ai nhớ đến cái tên Sterling cả.

Sterling sẽ đối diện rất nhiều áp lực khi đến Man City.

Những câu chuyện như vậy tạo ra sự hấp dẫn hơn về Sterling. Nhưng rõ ràng, báo chí đã làm đúng và quá hoàn hảo những gì thuộc về chuyên môn của mình. Họ cung cấp những điều mà độc giả cần và cả những gì họ không biết. Và từ đó, cầu thủ Anh được sống một cuộc sống vương giả, hào nhoáng với câu chuyện "vị tiền bạc" được nhắc đến nhan nhản. Ngày xưa, ai cũng biết đến lòng trung thành của những Terry, Lampard, Gerrard, Henry, Scholes, Giggs… nhưng giờ thì gần như chẳng có nữa. Sterling được coi là điển hình cho hình ảnh một ngôi sao còn quá trẻ, rũ bỏ nơi tạo ra mình để chạy theo đồng tiền. Mặc dù, đó là sự thay đổi mang tính đương nhiên trong thời buổi tiền bạc có thể chế ngự mọi thứ như Premier League, nhưng cũng không khỏi chạnh lòng.

Sterling có tài, vì thế anh xứng đáng nhận nhiều hơn mức lương 35.000 bảng/tuần ở Liverpool. Nhưng khi Liverpool đưa ra mức giá gấp gần 3 lần, lên đến 100.000 bảng/tuần, Sterling vẫn lắc đầu. Và thế là 49 triệu bảng được Man City đưa ra và mức lương có thể nói là tăng kỉ lục: 200.000 bảng/tuần. Vậy thì có thể gọi Sterling là kẻ phản bội? Với những con số hấp dẫn, lớn gấp nhiều lần như vậy, nếu suy nghĩ theo chiều ngược lại, Liverpool không trân trọng Sterling bằng Man City!

Ở đây, lại phải mổ xẻ số tiền mà Man City bỏ ra để có Sterling. Số tiền 49 triệu bảng phí chuyển nhượng, cùng hợp đồng 5 năm với mức lương 200.000 bảng/tuần, tổng chi phí cho Sterling lên đến 100 triệu bảng. Chỉ tính riêng phí chuyển nhượng 49 triệu bảng của cầu thủ trẻ chưa có danh hiệu này, cũng ngang bằng số tiền mà Man Utd mua 3 tân binh mùa này gồm Morgan Schneiderlin (24 triệu bảng), nhà vô địch thế giới Bastian Schweinsteiger (14) và hậu vệ Matteo Darmian (12,7).

Khi Sterling còn là một cậu bé, Real Madrid cũng chỉ tốn có 46 triệu bảng để mua huyền thoại Zinedine Zidane. Dĩ nhiên, sẽ còn phải tính lạm phát, nhưng về con số thì dứt khoát Sterling cao hơn Zidane rồi. Như thế, anh trở thành cầu thủ U21 đắt giá nhất trong lịch sử bóng đá thế giới, phá kỉ lục của một "quả bong bóng" khác là Lucas Moura, người được PSG mua về và bỏ xó với giá 31,8 triệu bảng cách đây 3 năm.

Chưa hết, sự khủng khiếp của công nghệ lăng xê và những túi tiền không đáy còn nằm ở con số sau: Sterling là cầu thủ Anh đắt giá nhất từ xưa đến nay, phá vỡ và bỏ xa kỉ lục cũ của Andy Carroll, do Liverpool mua về  năm 2011 (35 triệu bảng). Tính ở cả Premier League, cũng chỉ có 2 người đắt giá hơn Sterling là nhà vô địch thế giới, vô địch châu Âu Fernando Torres (50 triệu bảng, Chelsea) và Á quân thế giới, nhà vô địch Champions League, Angel Di Maria (59,7 triệu bảng, Manchester United).

3.Các CĐV Man City thì tin rằng họ có một tài năng xuất chúng. Nền bóng đá Anh thì tự hào họ có một bản hợp đồng đắt giá hàng đầu thế giới và họ tự xếp Sterling vào đẳng cấp siêu sao tầm cỡ Messi, Ronaldo, Ibrahimovich, Thomas Mueller… Nhưng đơn giản, đó là sản phẩm lăng xê hoàn hảo mà thôi. Bởi thực tế, không có lí do nào đủ thuyết phục để cho rằng Sterling có đẳng cấp ấy.

Mùa giải năm ngoái được coi là thời điểm đưa Sterling lên tầm "sao số", nhưng có tới 30 cầu thủ ghi nhiều hơn Sterling ít nhất từ 7 bàn trở lên. Và trớ trêu là trong 30 cầu thủ ghi nhiều bàn thắng hơn Sterling (từ 7 bàn trở lên), có tới 7 cầu thủ cũng mang quốc tịch Anh: Harry Kane, Charlie Austin, Saido Berahino, Wayne Rooney, Danny Ings, Steven Gerrard and Peter Crouch. Và nếu như có tính giá trị của tổng cộng 7 cầu thủ Anh này cũng chưa chắc đã hơn phí chuyển nhượng của Sterling nhiều. Thậm chí nếu bỏ Rooney ra khỏi danh sách, 6 cầu thủ còn lại chưa chắc đã có giá bằng 1/2 con số 49 triệu bảng. Nếu tính đường chuyền thành bàn, Sterling cũng chỉ có 7 và có tới 15 người kiến tạo từ 7 bàn thắng trở lên.

Mới 20 tuổi, Sterling đã là triệu phú.

Vậy, cơ sở nào để khẳng định Sterling xứng đáng với mức giá ghê gớm kia? Có thể đó là hi vọng về tương lai của một cầu thủ tài năng mới có 20 tuổi. Nếu tiếp tục thăng tiến, hoàn toàn có khả năng Sterling sẽ trở thành "siêu hạng" trong 5 năm tới. Nhưng cũng có thể 49 triệu bảng sẽ mất toi như cách Man City đã mất cho Robinho, Chelseamaats cho Torres… Và hi vọng của Man City giống như cuộc chơi, một canh bạc mà chẳng có gì đảm bảo sẽ thành công. Nhưng đã là người có tiền, đôi khi chỉ mua một món đồ chơi đắt tiền cũng đủ để gây tiếng vang, từ đó thu tiền từ những "cửa khác". Hay nói cách khác, đó là một "thú chơi". Và khi ấy, trách sao được các cầu thủ chạy theo đồng tiền. Và càng chẳng trách được cái công nghệ lăng xê khủng khiếp của bóng đá Anh!

Một số điều đặc biệt về Sterling

- Sterling trở thành bản hợp đồng đắt nhất mà Man City từng thực hiện, bỏ xa kỉ lục thuộc về Sergio Aguero (38,1 triệu bảng), tiếp đến là Robinho (32,5 triệu bảng).

- Sterling là cầu thủ người Anh thứ 9 được kí bởi tập đoàn Abu Dhabi Group (tài trợ và đỡ đầu cho Man City) kể từ năm 2008. Tính tổng cộng 9 cầu thủ Anh đó có giá 95 triệu bảng gồm (James Milner, Gareth Barry, Joleon Lescott, Jack Rodwell, Scott Sinclair, Adam Johnson và Wayne Bridge). Không cần tính cũng thấy, Sterling chiếm 1/2 số tiền đó.

- Trong 8 cầu thủ Anh mà tập đoàn Abu Dhabi mua về Man City từ năm 2008, hiện nay chẳng còn ai khoác áo CLB này nữa. Và trong số đó chỉ có duy nhất Barry là người chơi đạt mốc 100 trận cho Man City (tổng cộng 123 trận trước khi chuyển đến Everton năm ngoái). Tổng số trận đấu mà 8 cầu thủ Anh trước Sterling thi đấu cho Man City là 392 trận, trung bình 49 trận mỗi người.

- CLB Queens Park Rangers cũng sẽ nhận được 10 triệu bảng trong vụ chuyển nhượng của Sterling vì họ có điều khoản khi bán anh này cho Liverpool: 20% giá trị nếu Liverpool bán Sterling cho CLB khác.

Lê Giang
.
.
.