ĐT U.19 Việt Nam với chiến dịch săn vé World Cup:

Cột mốc mới được không?

Thứ Hai, 20/10/2014, 08:17

Ngày 9/10, U.19 Việt Nam sẽ đấu với U.19 Hàn Quốc trong khuôn khổ giải U.19 châu Á tại Myanmar - trận đấu đầu tiên trong chiến dịch săn vé dự VCK U.20 thế giới vào năm sau. Cái chiến dịch mà chúng ta chỉ hoàn thành nhiệm vụ nếu lọt vào top 4 đội mạnh nhất giải. Câu hỏi đặt ra: U.19 Việt Nam có gì cho một chiến dịch và một mục tiêu lịch sử?

1.Cái có đầu tiên là có một thế hệ cầu thủ được đào tạo bài bản bởi công nghệ châu Âu. Một thế hệ với phần đông các cầu thủ đến từ Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG kết hợp với những cầu thủ xuất sắc ở các lò đào tạo khác trong cả nước. Tập hợp này đã chinh chiến với nhau từ giải U.19 Đông Nam Á 2013 đến giải U.19 Đông Nam Á 2014, và giữa hai giải đấu mang tính chất như hai cột mốc ấy là hàng loạt các trận đấu quốc tế cùng những chuyến tập huấn quốc tế tại Anh, Bỉ và Nhật Bản. Nói như HLV trưởng ĐT U.19 Guilaume Graechen thì thế hệ cầu thủ này đang hướng tới việc có thể dõng dạc nói với tất cả rằng: "Chúng tôi muốn đá thứ bóng đá của chúng tôi" - một thứ bóng đá dựa trên tiêu chí đẹp cả ở góc độ phong cách lẫn góc độ chuyên môn.

Công bằng mà nói thì cùng với thời gian cái đẹp nguyên thuỷ thưở ban đầu đã ít nhiều được bổ sung bởi tư tưởng thực dụng - một sự bổ sung tất yếu khi ai cũng thấy nếu chỉ có đẹp không thôi thì chúng ta chỉ giống như một tập hợp để trưng bày triển lãm. Ông thầy Pháp Graechen từ chỗ thẳng thừng tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không phòng ngự, vì đấy không phải là thói quen của chúng tôi" (trước trận quyết đấu với U.19 Australia ở vòng loại giải U.19 châu Á hồi năm ngoái) rốt cuộc đã có những thời điểm chỉ đạo quân mình chơi phòng ngự, thậm chí là phòng ngự một cách căn cơ chặt chẽ khi gặp lại Australia hay Nhật Bản tại giải U.19 Đông Nam Á vừa rồi.

Hy vọng những khoảnh khắc hạnh phúc như thế này sẽ diễn ra với U.19 Việt Nam ở sân chơi chiến lược.

Một đội bóng có thực chất, có những va chạm và không ngừng tích cực thay đổi mình sau mỗi va chạm cho phép chúng ta đặt vào đó thật nhiều hy vọng. Nói như chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng trong ngày dặn dò chia tay các tuyển thủ trước khi lên đường thì: "Ngay cả khi không giành được vé dự World Cup, nhưng nếu tất cả đều chơi tốt, để lại những ấn tượng đẹp đẽ trong lòng người thì chắc chắn sự tin yêu cho U.19 còn tăng cao".

Ở đây, bên cạnh việc thấy được những cái hay, cái tốt của ta cũng đồng thời phải thấy được cái hay, cái tốt của những đối thủ mà ta sẽ gặp ở vòng bảng. U.19 Nhật Bản hay như thế nào là điều khỏi nói, vì hai trận thắng U.19 Việt Nam với tổng tỷ số 8-0 trong vòng chưa đầy một năm đã nói lên tất cả. Nhưng còn U.19 Hàn Quốc và U.19 Trung Quốc thì sao? Một thành viên trong BHL U.19 Việt Nam cho hay, bằng nhiều nguồn khác nhau chúng ta cũng đã có được băng hình các trận đấu của các đối thủ này, và nếu những gì diễn ra trong băng hình là chính xác thì hai đội này không mạnh bằng U.19 Nhật Bản. Và vì thế chiến lược của U.19 Việt Nam ở vòng đấu bảng là phải quyết đấu với Hàn Quốc, Trung Quốc, và cố đá một cách tốt nhất với Nhật Bản để giành một trong hai vị trí dẫn đầu.

Thực tế thì trong khi U.19 Việt Nam là đội bóng lấy các thành viên của một học viện bóng đá làm nòng cốt thì U.19 Nhật lại được tuyển chọn từ rất nhiều học viện như thế. U.19 Hàn Quốc được chọn từ những đội bóng ở những trường đại học - cái nôi cho sự phát triển của bóng đá xứ Hàn nhiều năm qua, còn U.19 Trung Quốc lại được chọn từ các CLB đang dự giải nhà nghề Trung Quốc. Rõ ràng là diện tuyển chọn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc rộng hơn ta, và từ đây hoàn toàn có thể dự báo: Khoảng cách giữa đội hình chính với đội hình dự bị của họ cũng sẽ không lớn như ta? Nếu đúng vậy thì một HLV mới chỉ thể hiện rõ năng lực ở mảng đào tạo trẻ (chứ chưa thể hiện được nhiều ở mảng cầm quân đánh trận) như ông Guilaume Graechen sẽ phải hết sức cẩn trọng với từng đường đi nước bước của mình.

2.Bên cạnh những cái được về mặt chuyên môn, lần này U.19 Việt Nam còn có một cái được quan trọng khác về mặt tinh thần, tư tưởng khi ông bầu Đoàn Nguyên Đức lần đầu tiên theo đội với tư cách "trưởng đoàn". Thực tế thì không phải đến bây giờ, mà ngay từ đầu những năm 2000, khi nhìn vào sự thành công của một ông cựu trưởng đoàn vốn là một tỉ phú ở ĐTQG Thái Lan, rất nhiều người Việt Nam đã hy vọng sẽ có một ngày những doanh nhân như bầu Đức làm trưởng đoàn ĐT.

Hàng triệu CĐV quê nhà đợi tin chiến thắng.

Nhưng phải đến mãi bây giờ, và cũng mới chỉ ở cấp độ U.19 thì ông Đức mới chính thức "ra chiêu". Ai cũng biết ông Đức là cha đẻ của một thế hệ cầu thủ được đào tạo bài bản bởi công nghệ Arsenal, nên khi ông Đức làm trưởng đoàn thì những "đứa con" U.19 của ông chắc chắn sẽ vững tin hơn rất nhiều. Người ta cũng biết rằng với một trưởng đoàn như ông Đức, quyền lợi của các cầu thủ sẽ được bảo vệ, thậm chí được nhân lên đến mức tối đa.

Nhiệm kỳ VII VFF, ông Đức đã ngồi vào ghế PCT tài chính VFF - cái ghế mà ông bảo là mình chỉ ngồi khi người đứng đầu Liên đoàn là ông Lê Hùng Dũng. Nhưng vì quá bận bịu với công việc kinh doanh và nhiều cuộc họp thường trực VFF, bầu Đức thường xuyên vắng mặt. Thành thử, việc ông làm trưởng đoàn U.19 cũng có thể coi là một cơ hội để ông thực sự ghi điểm trên tư cách một lãnh đạo Liên đoàn, chứ không chỉ là tư cách một ông bầu, một doanh nhân.

Có một thực lực đáng để hy vọng, có một ông trưởng đoàn mà rất nhiều thế hệ cầu thủ trước đây từng ao ước, U.19 Việt Nam còn có những lợi thế đặc biệt khác từ hậu phương. Vẫn như những chuyến xuất ngoại trước đây, lần này ĐT tiếp tục có sự phục vụ của một đội ngũ đầu bếp chuyên biệt - những người có thể giúp họ,  ăn những món ăn vừa quen miệng, vừa đảm bảo dinh dưỡng, thay vì việc cứ phải nhăn nhó với những món ăn xứ người. Đích thân PCT chuyên môn VFF Trần Quốc Tuấn - người cũng đang đảm nhiệm khá nhiều chức vụ quan trọng tại AFC và AFF đã liên lạc với LĐBĐ Myanmar đề nghị hỗ trợ tối đa để đội ngũ đầu bếp này có thể xuất hiện ở khách sạn ĐT đóng quân - điều mà không phải đội khách nào cũng có thể thực hiện.

3. Có thể nói chưa bao giờ chúng ta lại mơ mộng đến việc có thể tham dự một VCK World Cup, dẫu chỉ là một World Cup bóng đá trẻ như lúc này. Và cũng chưa bao giờ, một ĐT trẻ của chúng ta đi dự một giải đấu châu Á lại được trang bị "đến tận răng" như lúc này. 

Hy vọng giờ sẽ là lúc mà các cầu thủ thuộc một "thế hệ hy vọng" của chúng ta sẽ chính thức đạt được một cột mốc mới sau một quá trình tập dượt gắn liền với ba lần vào chung kết là ba lần thua đau!

HLV Graechen muốn giữ sự cân bằng cho các học trò

Ngày 5/10 - ngày ĐT chính thức lên đường sang Myanmar dấn thân vào một "sân chơi lịch sử", rất nhiều CĐV đã quây kín xe chở đội và đã không ngừng réo tên các cầu thủ mà mình đã lấy làm thần tượng từ lúc nào không hay. Là một người thầy, người cha của những cầu thủ này, HLV trưởng Guilaume Graechen tỏ ra rất "dạn dày kinh nghiệm" khi đề nghị với các CĐV: "Ở giải đấu này nếu chẳng may chúng tôi không thành công, mong các CĐV cũng hãy nhìn các cầu thủ với một thái độ rộng lượng, vì họ vẫn còn một tương lai rất dài phía trước. Ngược lại, trong trường hợp chúng tôi thành công thì mọi người cũng đừng tâng bốc các em quá đà". Sau đó nhà cầm quân người Pháp nhấn đi nhấn lại một điều mà mình đã từng đề cập sau mỗi trận đấu của ĐT tại giải U.19 Đông Nam Á vừa qua: "Chưa ở đâu trên thế giới tôi lại thấy các CĐV tin yêu, cổ vũ một ĐT trẻ như thế này. Thực sự chúng tôi rất cảm ơn tấm lòng của các CĐV".

Rõ ràng, ông Guilaume Graechen không chỉ nhắm tới việc cố gắng đạt được mục tiêu tại VCK U.19 châu Á, mà quan trọng và sâu xa hơn: ông muốn giữ cho các cầu thủ một trạng thái cân bằng tâm lý để có thể phát triển đường dài.

Trở thành tân sinh viên trước khi đấu giải

Một ngày trước khi lên đường sang Myanamr, 10 cầu thủ thuộc Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG trong thành phần ĐT U.19 đã tham dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường Đại học TDTT TPHCM. Đây là 10 cầu thủ đã được tuyển thẳng vào Đại học vì đã cùng ĐT U.19 giành chức HCB giải U.19 Đông Nam Á 2013. Theo ông bầu Đoàn Nguyên Đức thì để các cầu thủ có thể vừa yên tâm học hành vừa tập luyện bóng đá một cách đều đặn, tới đây ông sẽ mời các giảng viên của Đại học TDTT TPHCM lên Pleiku dạy riêng cho các cậu sinh viên của mình, và ông khẳng định: "Sự khác biệt chỉ là họ được ưu tiên dạy riêng ở ngoài trường, chứ các vấn đề còn lại, từ học hành, thi cử đều sẽ diễn ra nghiêm túc như với mọi sinh viên khác".

Việc một bộ phận lớn các cầu thủ U.19 trở thành "tân sinh viên" ngay trước khi cùng ĐT dấn thân vào một sân chơi chiến lược có một ý nghĩa tinh thần lớn lao, vì nó giúp cho các cầu thủ cùng gia đình của họ hoàn toàn tin tưởng vào tương lai phía trước.

Phan Đăng
.
.
.