Craig Shakespeare từ "kép phụ" tới ngôi sao mới ở Leicester

Chủ Nhật, 19/03/2017, 14:00
Arsenal đã trải qua 7 năm liền mà không tài nào qua nổi vòng 1/8 Champions League. Leicester, ngay trong lần đầu tiên dự sân chơi danh giá nhất châu Âu cấp CLB, đã xuất sắc góp mặt ở vòng 8 đội mạnh nhất.


Ở King Power, một CLB đang vật vã trong cuộc chiến trụ hạng ở Premier League, bị dẫn trước 1-2 sau trận lượt đi đối đầu với nhà vô địch vô tiền khoáng hậu Europa League, đứng thứ 3 ở La Liga. Leicester gặp Sevilla trong bối cảnh mà chỉ có phép màu mới giúp họ lật ngược thế cờ.

Craig Shakespeare - tân HLV trưởng Leicester.

Nhưng Leicester còn làm được nhiều hơn thế. Họ không chỉ ghi 1 bàn  - yêu cầu vừa đủ để đi tiếp. Leicester, bằng lối chơi khoa học, đã thắng cách biệt 2 bàn và không cho Sevilla lấy một cơ hội rõ rệt tiếp cận cầu môn. Ngay cả trong cơ hội ngon ăn nhất của Seveilla trên chấm phạt đền, Schmeichel cũng xuất sắc cản phá.

Kể từ sau thất bại trước chính Sevilla ở Sanchez Pizjuan, đấy đã là thắng lợi thứ 3 liên tiếp trên mọi mặt trận của "Bầy cáo". Từ hình ảnh bạc nhược, nhà ĐKVĐ Premier League đang trở lại mạnh mẽ dưới sự lèo lái của Craig Shakespeare - "hình nhân thế mạng" của Claudio Ranieri.

Câu hỏi của tuần này: Craig Shakespeare, ông là ai?

Hạt nhân "giấu mặt"

8 năm qua, ở King Power là 8 năm của những phép màu. Leicester đã đi một lèo từ giải hạng nhì tới Premier League và ở đâu, họ cũng là nhà vô địch. Trong 8 năm ấy, người ta chia ra làm hai giai đoạn phát triển: Một với Pearson - HLV đặt nền tảng phát triển và một với Ranieri- "Gã thợ hèn" trực tiếp hiện thực hóa những giấc mơ điên khùng ở miền Trung nước Anh.

Trên chặng đường đầy màu sắc huyền diệu ấy, ít ai để ý một người đàn ông với dáng vẻ lầm lỳ, trông hơi cục mịch giống hệt những nhà cò chuyển nhượng bóng đá. Ở quận Perry Bar tại thành phố Birmingham, cách sân bóng Villa Park của Aston Villa khoảng 10 phút đi bộ, có một người đàn ông là Craig Shakespeare, thần tượng của CLB địa phương Walsall.

Ông không nổi tiếng hay thường xuyên đăng đàn trên mặt báo, nhưng là thành phần bất khả xâm phạm trong hàng ngũ huấn luyện ở Leicester. Bản thân HLV Pearson đã phải 2 lần bay từ Mỹ trong kỳ nghỉ hè cách đây 8 năm để mời Shakespeare về cộng tác. Khi Ranieri tới tiếp quản, ông cũng mặc nhiên giữ lại Shakespeare. Bấy nhiêu thôi là đủ nói lên vai trò của Shakespeare.

Sự xuất hiện của Craig Shakespeare giúp Leicester tìm lại mạch chiến thắng quen thuộc

Trong những ngày đi đá bóng, Shakespeare là thần tượng ở Walsall. Tiền vệ trung tâm này đã có 350 lần khoác áo đội nhà, ghi 59 bàn. Năm cuối cùng ở đội, Shakespeare còn kiêm nhiệm thêm vị trí HLV trưởng.

Quả thực, ông đâu thích thế. Đấy là vì đồng đội cứ van nài đấy chứ. David Kelly và David Preece, hai người đồng đội cũ của Shakespeaer chia sẻ trên Leicester Mercury: "HLV trưởng sẽ hướng dẫn qua bài tập một lần.

Sau đó, Shakespear làm mẫu rồi chúng tôi làm theo. Anh ấy chăm chỉ, gương mẫu, sống đức độ và thường gánh thêm phần việc của người khác. Nếu HLV rời đi, bọn tôi cần Shakespeare làm chỉ huy".

Vào mùa giải Shakespeare kiêm nhiệm cả công việc của HLV, Walsall đã làm nên lịch sử. Đội cán đích ở vị trí thứ 4 giải hạng ba, vượt qua vòng play-off khắc nghiệt và lần đầu được trải nghiệm chơi bóng ở giải hạng nhì - cũng chính là cấp cơ sở của môi trường chuyên nghiệp.

Năm 1989, Shakespeare chuyển sang Hillsborough với phí chuyển nhượng 300000 bảng, phá vỡ kỷ lục giao dịch của cả hai CLB. Đấy là khi ông gặp Pearson, HLV tạm quyền bấy giờ.

Mối quan hệ mù mờ & nỗ lực của Shakey

Tuy nhiên, mối quan hệ những ngày đầu của hai người không có gì đáng nói. Thậm chí, đã xảy ra bất đồng quan điểm khi Shakey - tên thân mật của Shakespeare - không thích lối chơi tấn công phóng khoáng mà Pearson áp đặt. 8 tháng sau, ông chuyển tới West Brom và tiếp tục là thần tượng ở The Hawthornes trong 3 năm.

BLĐ West Brom đã tin tưởng giao cho Shakespeare phụ trách đội U12 của West Brom nhờ tiếng nói có trọng lượng trong phòng thay đồ của ông ta.

Năm 1999, Shakespeare chính thức giã từ sự nghiệp sân cỏ và quay về West Brom sau ba chuyến phiêu lưu ngắn ngủi ở Scunthorpe United, Telord United và Hednesford Town. Nhưng lần này là một vai trò khác: Giám đốc học viện đào tạo trẻ West Brom.

Sau 2 năm, West Brom cần một trợ lý giúp HLV trưởng cáng đáng công việc. Người được chọn tiếp tục là Shakespeare. Hội đồng quản trị còn chẳng thèm hỏi ý kiến trước mà lập tức đánh công văn bổ nhiệm ông vào ghế trợ lý 1 cho Bryan Robson.

Hai tháng sau, Robson nghỉ việc. Định mệnh một lần đưa Pearson về cầm đội và thế là, mối quan hệ giữa Shakespeare và Pearson bước sang giai đoạn khác. Sau này, khi tham gia trả lời phỏng vấn tờ Telegraph, Pearson nói: "Tôi đã thấy những đánh giá trước kia của mình là sai lầm. Shakespeare là một HLV có đầu óc chiến thuật vượt trội".

Nhưng vì những bất đồng quan điểm về chiến lược phát triển CLB mà Pearson tự ái bỏ đi. Như thế cũng có nghĩa là, cờ đến tay Shakespeare. Tháng 10/2006, trong chuyến làm khách tới Crystal Palace, Shakespeare đánh dấu chương mới trong sự nghiệp của mình: HLV trưởng tạm quyền West Brom.

Nhà lãnh đạo bẩm sinh

Với nhiều cầu thủ, không phải Ranieri mà là Shakespeare mới có sức ảnh hưởng lớn nhất. Kevin Phillips là một ví dụ điển hình. Tiền đạo kỳ cựu từng có một thời gian ngắn làm việc trong thành phần huấn luyện của Ranieri ngày HLV người Italia mới tới. Nhưng ngay sau khi mùa hè 2015 kết thúc, Phillips nằng nặc bỏ đi, hy sinh công việc ở Premier League để quay về giải hạng nhất làm trợ lý tại Derby County.

"Nếu không có Shakey, mọi thứ đã đổ vỡ từ lâu rồi. Tất nhiên khi vô địch, HLV là người hưởng mọi đặc ân. Nhưng trong chăn mới biết chăn có rận. Theo tôi, Shakespeare quan trọng hơn Ranieri", Phillips nói.

Shakespeare thời còn phò tá Ranieri.

Đó là một buổi tập đã được lên giáo trình từ cả tuần. Các cầu thủ bắt đầu ngày mới bằng bài tập chạy với HLV thủ môn Mike Stowell. Ranieri từ bãi đỗ xe bước vào, chỉ tay và nói: "Stowell, ra ngoài đi, để tôi hướng dẫn bài tập này".

Thứ tự bài tập bị đảo lộn. Ranieri tự ý xới tung và sắp xếp lại dù cho lịch tập đã được ông thông qua từ trước. Nhiều cầu thủ phải đi tập bài khác khi chưa có sự chuẩn bị đầy đủ.

Đấy chỉ là một minh họa nhỏ. Tuần trước, hậu vệ trái Chrisitan Fuchs tiết lộ ở King Power, Shakespeare là người nhận được nhiều sự tin tưởng nhất của các cầu thủ. Theo Fuchs, Shakespeare không bao giờ tỏ thái độ hách dịch và thể hiện sự chuyên quyền mặc cho Ranieri trao cho ông ấy quyền này.

Vào cuối tuần, Shakespeare luôn đứng ra chủ trì các bữa tối liên hoan nhỏ gắn kết đội. Trong khi đó, Ranieri, với đặc tính bảo thủ điển hình của người Italia, thường xuyên lấy lý do "vợ kêu" và về nhà ăn cơm với vợ.

Thế nên, cuộc nổi loạn ở Leicester có thể bắt nguồn từ lý do đã đến lúc, King Power cần một nhà cầm quân phù hợp hơn. Shakespeare có thể không hay hơn Ranieri về mặt chiến thuật, nhưng ông biết khơi gợi tinh thần chiến đấu và ngọn lửa chiến đấu từ sâu thẳm bên trong mỗi cầu thủ.

Bóng đá, đôi khi, không phải câu chuyện của chiếc sa bàn. Ở 3 trận đấu Shakespeare đã nắm quyền, Leicester đã chơi đúng với đội hình 4-4-2 đưa họ lên ngai vàng Ngoại hạng với những con người cũ đã tạo ra công thức chiến thắng.

Nhưng luồng gió Shakespeare thổi vào, hoàn toàn không mang màu sắc chiến thuật. Là tình người, là khả năng gắn kết tâm hồn.

Tỷ lệ tuyệt đối

Sau chiến thắng trước Sevilla, Craig Shakespeare đã có trận thắng thứ 5 liên tiếp trong sự nghiệp cầm quân của mình. Đáng nói, 5 cũng là tổng số lần Shakespeare ra quân trên cương vị HLV trưởng.

Trong 5 trận này, các đội bóng Shakespeare dẫn dắt ghi 12 bàn và chỉ thủng lưới 4 bàn. Mặt khác, đây cũng là lần thứ hai Shakespeare được chỉ định làm HLV tạm quyền sau lần đầu ở West Brom cách đây 11 năm. Tuy nhiên, điểm khác biệt là Shakespeare không còn làm công việc dọn dẹp tạm bợ mà đã nhận sự tin tưởng tuyệt đối từ các ông chủ người Thái.

Ở 5 trận đấu này, thống kê chuyên môn về Shakespeare là vô cùng ấn tượng. Tỷ lệ giữ bóng trung bình là 52,7%, tỷ lệ chuyền chính xác là 82,8% và khả năng chuyển hóa cơ hội thành bàn lên tới 27,6% - tức trung bình 4 cơ hội lại có 1 bàn.

Shakespeare là tín đồ của bóng đá phản công. Ông theo đuổi trường phái catenaccio và nhận bằng pro (cấp bằng cao nhất) của UEFA sau 3 mùa hè theo học tại Milan, Italia. Sơ đồ ưa thích của Shakespeare là 4-3-2-1 nhưng như tâm sự của vị này trên tờ Telegraph, môi trường bóng đá Anh không phải điều kiện lý tưởng để áp dụng mô hình này.

Tại Los Angeles hè 2012, Shakespeare tham gia buổi thuyết giảng của HLV Jose Mourinho trong chuyến du đấu mùa hè tới Bắc Mỹ của Real Madrid. Ở đây, trong bài kiểm tra nhỏ Mourinho dành cho các khán giả (là các HLV nhà nghề trên thế giới), Shakespeare là một trong ba người trả lời chính xác.

Câu hỏi Mourinho đưa ra: Đức tính quan trọng nhất của một HLV là gì? Câu trả lời của Shakespeare: Hãy là chính mình. Yếu tố này từng được Mourinho đề cập rất nhiều trong các bài phỏng vấn. Phải luôn có cá tính riêng mới tiến xa trong nghề.

Đơn Ca
.
.
.