ĐT U.23 Việt Nam hướng tới SEA Games 28:

Cứ chập chờn, lơ lửng thế nào!

Thứ Năm, 22/01/2015, 16:00
Năm nay SEA Games diễn ra vào tháng 6, chứ không phải vào cuối năm như truyền thống, vì thế ĐT U.23 QG sẽ hội quân sớm hơn. Nhưng vấn đề của ĐT lúc này không nằm ở chuyện hội quân sớm hay muộn, mà là đang có rất nhiều thứ lơ lửng, không rõ ràng xuất hiện.

Lơ lửng mục tiêu

Không phải đợi tới bây giờ, ngay từ khi trúng cử chức Chủ tịch VFF nhiệm kỳ 7, ông Lê Hùng Dũng đã khẳng định là trong 4 năm tại vị của mình ông sẽ không đặt bất cứ áp lực thành tích nào cho các ĐTQG tham dự các giải đấu trong khu vực. Lý do: Chúng ta cần xây dựng lại nền bóng đá một cách vững chắc, và chỉ khi nào đạt được điều đó mới nghĩ tới chuyện thành tích. AFF Suzuki Cup 2014, VFF chỉ giao nhiệm vụ cho HLV trưởng Toshiya Miura là "cố gắng đưa ĐT vào bán kết", và khẳng định ngay cả khi ĐT không vào nổi bán kết thì hợp đồng với ông Miura vẫn được tôn trọng đến cùng. Theo chiều hướng ấy, ông Dũng tiếp tục tuyên bố sẽ đề cao mục tiêu trẻ hoá ĐT U.23 QG tham dự SEA Games 28 vào tháng 6 tới để có một sự chuẩn bị tốt nhất cho tương lai, chứ kiên quyết không đặt nặng chuyện thắng thua. Ông Dũng thậm chí còn cho biết sẽ lấy nguyên bộ khung các cầu thủ U.19 (nay đã thành U.20) của CLB Hoàng Anh Gia Lai làm nòng cốt ĐT, đồng nghĩa với việc chúng ta sẵn sàng "chấp" đối phương từ 1 đến 2 tuổi và sẵn sàng đối diện với mọi kịch bản không như ý.

Thế nhưng, đùng một cái, Ủy ban Olympic Việt Nam - nơi mà ông Lê Hùng Dũng vừa được bầu làm một Phó  chủ tịnh bổ sung lại bất ngờ giao chỉ tiêu cho ĐT U.23 là: "Phải vào chung kết SEA Games". Tại sao lại có hiện tượng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược như vậy? Tại vì Ủy ban Olympic không hề hay biết chiến lược của VFF? Đại vô lý, vì cả làng cả nước biết thì không có lý do gì tổ chức này không biết. Tại vì Ủy ban Olympic nhìn thấy những tiềm năng đặc biệt của ĐT U.23, và cho rằng với một ĐT như vậy mà lại không có một chỉ tiêu đánh trận nào thì quá ư phí phạm? Có thể! Hay tại vì Ủy ban Olympic muốn tung đòn nhắc nhở VFF về một cách nghĩ - cách làm - cách phát ngôn chủ động tới mức thái quá của VFF? Cũng có thể lắm.

Trả lời báo chí, ông Lê Hùng Dũng cho hay, chắc chắn VFF sẽ phải ngồi lại với Ủy ban Olympic để thống nhất lại một chỉ tiêu cuối cùng. Nhưng bao giờ mới có thể thống nhất? Và thống nhất theo hướng nào? Đấy vẫn còn là những câu hỏi chập chờn, lơ lửng.

Công Phượng và các đồng đội trẻ tại HA.GL vừa thua trận thứ 2 liên tiếp tại V.League.

Lơ lửng thành phần

Như đã nói ở trên, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã nói về kế hoạch lấy những cầu thủ trẻ Hoàng Anh Gia Lai như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Hồng Duy, Văn Sơn... làm nòng cốt ĐT U.23 dự SEA Games. Và tin tưởng rằng khi được huấn luyện bởi một HLV giàu năng lực như ông Miura thì lứa cầu thủ này sẽ có những tiến bộ lớn.

Tuy nhiên, sau khi xem xong trận Hoàng Anh Gia Lai thua 1-2 trước Đồng Tâm Long An ở vòng 2 V.League thì chính HLV Miura đã có những nhận xét hết sức thẳng thắn về những cầu thủ này. Ông bảo, họ đều là những cầu thủ giàu kỹ thuật, có khả năng tiến xa, tuy nhiên thể lực và kinh nghiệm thì vẫn chưa đủ trình độ chơi V.League. Những cầu thủ mà trong mắt Miura thậm chí còn chưa đủ trình độ chơi V.League liệu có đủ trình độ đá SEA Games? Cách nói của ông Miura cho người ta một dự cảm: dường như ông muốn gọi những cầu thủ "U.23 thật sự", chứ không chỉ là những cầu thủ U.20 Hoàng Anh Gia Lai vào ĐT như quan điểm của lãnh đạo Liên đoàn.

Ở đây cũng phải nói thêm rằng có rất nhiều những cầu thủ "U.23 thật sự" đã được Miura phát hiện và trình làng một cách ấn tượng tại Asiad 17 vào năm ngoái. Hồi ấy, một ĐT Olympic Việt Nam với hơn nửa các cầu thủ vẫn đủ độ tuổi dự SEA Games 28 đã tạo nên bất ngờ lớn với trận ra quân thắng Olympic Iran 4-1, và sau đó dẫn đầu bảng, lọt vào tứ kết.

Ở đây cũng phải thấy rằng chính những cầu thủ này đã tỏ ra đặc biệt phù hợp với lối chơi nhanh, gọn, ít chạm theo đúng triết lý Miura. Nó khác và khác rất xa so với lứa trẻ Hoàng Anh Gia Lai chơi bóng theo kiểu kĩ thuật, bay bướm và đôi khi bị biến dạng thành chậm chạp, rườm rà. Thế mới có chuyện, ngay sau khi Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đề xuất tới việc lấy lứa trẻ Hoàng Anh làm nòng cốt ĐT U.23, người ta đã phải vội vàng đặt ra câu hỏi: Những cầu thủ ấy liệu có phù hợp với triết lý Miura?

Lấy những cầu thủ U.19, U.20 Hoàng Anh làm bộ khung như quan điểm của Liên đoàn, lấy những cầu thủ U.23 thật sự như quan điểm của Miura, hay đan xen nhân sự để ĐT vừa có thể thi đấu tốt trong hiện tại, vừa có sự chuẩn bị tốt cho tương lai - đấy là những điều mà bộ phận chuyên môn VFF cùng HLV trưởng Miura cần phải sớm chốt lại với nhau.

Và một độ vênh

Cần nhắc lại rằng ngay sau khi HLV Miura "điểm huyệt" về điểm yếu thể lực của các cầu thủ Hoàng Anh thì ông bầu Hoàng Anh Đoàn Nguyên Đức đã lập tức phản bác với lý lẽ: "Tôi thấy tụi nhỏ vẫn có thể chạy từ đầu tới cuối một cách khoẻ khoắn". Còn khi Miura nói về việc các cầu thủ Hoàng Anh chưa đủ kinh nghiệm đá V.League thì ông Đức lập tức bảo: "Tụi nó vừa ra trường đã lấy đâu ra kinh nghiệm. Điều quan trọng là tụi nó xung phong đá V.League để tích luỹ kinh nghiệm cho mình. Vả lại, chúng tôi đào tạo cầu thủ không để tung ra sân thi đấu thì đào tạo để làm gì?".

Không nói tới việc rốt cuộc thì ông Miura đúng hay bầu Đức đúng, vì nói như chính ông bầu này thì: "Khi xem bóng đá, 100 người lại có 100 ý kiến khác nhau", cái chính là từ câu chuyện này người ta có thể cảm nhận một độ vênh nhất định trong quan điểm của ông bầu này với nhà cầm quân người Nhật. Và mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ: bây giờ thì bầu Đức không chỉ xuất hiện với tư cách của một ông bầu, mà còn đang giữ vị trí PCT tài chính VFF.

HLV trưởng Miura (phải) muốn gọi những cầu thủ U.23 tốt nhất cho ĐT U.23 dự SEA Games 28. (Ảnh trong bài của H.M.).

Nói về chuyện độ vênh, không ai không nhớ hồi cuối năm ngoái, khi trả lời phỏng vấn một đài truyền hình Nhật Bản quê mình, ông Miura đã gọi V.League "là một giải đấu kinh khủng" - kinh khủng từ chất lượng các cầu thủ, đội bóng đến việc quản lý, điều hành giải. Khi ấy, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cũng đã được đề nghị nhận xét về những điều này, và ông Dũng đã nhận xét như sau: "Tôi thấy ông Miura đã nói rất thẳng, và chúng ta cần phải biết lắng nghe, mổ xẻ nó để sớm hoàn thiện những tồn đọng của mình".

Thực ra, ngay cả khi không đồng tình với Miura ông Dũng cũng rất khó "phê" Miura trước công luận, bởi đơn giản ông chính là người đặt ra chiến lược Nhật hoá nền bóng đá, và từ chiến lược đó mà một thầy Nhật như Miura mới lần đầu tiên xuất hiện. Ông Đoàn Nguyên Đức lại không có những quan hệ với Miura giống như ông Dũng, và có thể vì vậy chăng mà ông Dũng không ngại "nói lại cho rõ" những điều ông Miura đã nói?

Nếu những đời HLV trưởng người Việt Nam trước đây, ĐTQG hay ĐT U.23 QG luôn bị đặt câu hỏi về tình trạng "quân anh, quân tôi, quân chúng nó", bây giờ người ta lại có lý do lo ngại về tình trạng "tư tương của anh, tư tưởng của tôi, và...". Mong rằng đấy chỉ là những lo ngại thái quá, bởi nếu không ĐT của U.23 có thể sẽ rạn nứt ngay từ khi nó còn chưa kịp thành hình!

Ông Miura cô độc?

"Dư luận có vẻ như đang bị nhiễu thông tin khi không biết tin vào nghị quyết VFF được thường trực thông qua (lấy nòng cốt U.19 dự SEA Games 28) hay vẫn như ông Miura chia sẻ là đừng bất công với lứa cầu thủ U.23 chơi rất tốt và đã thể hiện ở đội Olympic lẫn đội tuyển.

Nếu là người bình thường thì ông Miura chắc chắn sẽ không phải nhọc công giải thích. Nhưng với những "ông chủ" của mình lại đang "say" U.19 thì chắc chắn ông Miura sẽ rất mệt để đưa ra chứng minh cũng như lời khuyên: "Hãy để các cầu thủ trẻ đấy tích lũy thêm và phát triển bình thường vì họ có tiềm năng rất lớn nhưng lại thiếu kinh nghiệm".

Lúc này lại thấy ông Miura rất cô độc dù người ta thuê ông là để tận dụng chất xám của một chuyên gia".

(Nguyễn Nguyên - Báo Pháp Luật TP HCM)

Nhức đầu chuyện U.23

"Nếu quan điểm của VFF thắng thế, nghĩa là lứa cầu thủ trẻ HAGL làm nòng cốt cho U.23, thì khó mà gạt HLV Guillaume ra ngoài. Nhưng giữ ông Guillaume thì ông này từng công khai bày tỏ quan điểm là nếu làm thì phải ngồi ghế số 1 chứ không làm trợ lý! Vậy thì Miura để làm gì?

Vẫn chưa hết, nếu ông Miura chỉ chọn lấy một vài cầu thủ xuất sắc nhất của HAGL như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... thì điều ấy lại "vi phạm" một nguyên tắc của bầu Đức, đó là ông không đồng ý để tập thể con cưng của mình bị xé lẻ. Với bầu Đức, một là sử dụng thì lấy nguyên đội, hai là thôi chứ ông không chịu nhặt lấy một vài gương mặt nổi trội để ghép với các cầu thủ khác để lập nên U.23.

Làm sao để tìm được một phương án cho U.23 mà cả bầu Đức - chủ sở hữu lứa cầu thủ tốt nhất Việt Nam hiện nay - lẫn ông Miura đều không buồn? Đó là một thử thách rất lớn cho VFF vậy".

(Nhất Huy - Báo Công an TP HCM)

Phan Đăng
.
.
.