Cú hích cho sân khấu Hà Nội sau mùa dịch

Thứ Hai, 05/10/2020, 08:02
Đại dịch COVID-19 khiến cho các nhà hát, vốn dĩ đã ít khán giả, lại càng khó khăn. Nhưng các nghệ sĩ vẫn miệt mài lao động, sáng tạo để cho ra đời những sản phẩm mới. Ngay khi đại dịch được kiểm soát, Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ IV-2020 (từ 26-9 đến 3-10) đang diễn ra tại Hà Nội là động lực khích lệ các đoàn nghệ thuật…


1.Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ IV-2020 có 13 đơn vị nghệ thuật ở Thủ đô và một số tỉnh, thành tham gia với 13 vở diễn gồm: “Trương Chi - Mị Nương (Nhà hát Kịch Hà Nội), “Những người ở lại” (Trường ĐH Sân khấu và điện ảnh Hà Nội, “Huyền thoại Hà Nội” (Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật Quân đội), “Trinh nguyên” (Nhà hát Chèo Việt Nam), “Hoàng thúc Lý Long Tường” (Nhà hát Chèo Bắc Giang), “Người đi tìm minh chủ” (Nhà hát Cải lương Việt Nam), “Bạch đàn liễu” (Sân khấu Lucteam), “Huyền thoại Thánh Mẫu” (Nhà hát Cải lương Hà Nội), “Cánh chim trắng trong đêm” (Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu), “Người tốt nhà số 5” (Nhà hát Kịch Việt Nam), “Chuyện thành Cổ Loa” (Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh), ”Đợi đến mùa xuân” (Nhà hát Tuổi trẻ); “Tình sử Thăng Long” (Nhà hát Chèo Hà Nội).

Nhạc kịch “Trại hoa vàng” được giới trẻ Hà Nội quan tâm.

Các vở diễn đều được chuẩn bị và dàn dựng trong những ngày khó khăn khi dịch COVID-19 có nguy cơ bùng phát và tất cả các nhà hát trên địa bàn thành phố đều đóng cửa. Nhưng dịch bệnh không làm nguội tình yêu và đam mê của các nghệ sĩ. Nhìn vào hạng mục các vở diễn tham dự liên hoan năm nay cho thấy một sức trẻ đang trỗi dậy ở lĩnh vực sân khấu, với rất nhiều tìm tòi, sáng tạo. Một thế hệ các đạo diễn, diễn viên trẻ đã vượt qua những thử thách của cơm áo gạo tiền, những gian khó của nghề để trọn vẹn sống với đam mê của mình.

2. Vở “Trương Chi - Mị Nương” (đạo diễn Phùng Tiến Minh) của Nhà hát Kịch Hà Nội mở đầu cho Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm nay gây ấn tượng mạnh đối với công chúng. Dựa trên tích truyện dân gian Việt Nam về chàng Trương Chi và quận chúa Mị Nương, đạo diễn Phùng Tiến Minh đã lồng ghép nhiều yếu tố kịch thử nghiệm với sự kết hợp ca múa nhạc hiện đại trong một câu chuyện cổ tích. Ngoài thể hiện phong cách dàn dựng mới mẻ, tại sân khấu quay hiện đại nhất miền Bắc thời điểm này, dàn diễn viên Ngọc Quỳnh, Thùy Dương, NSƯT Quang Thắng, Thiện Tùng… đưa khán giả tới nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Trong đó, vai Đoàn gia của nam diễn viên Thiện Tùng là mảng màu diễn xuất hiếm thấy trên sân khấu kịch. Đây cũng là vai diễn “lột xác” của kép chính Thiện Tùng. Trước khi tham gia Liên hoan sân khấu Thủ đô, “Trương Chi- Mỵ Nương” đã công diễn tại Rạp Công Nhân từ ngày 23-9, sau một thời gian dài đóng cửa. Vở diễn được giới chuyên môn và khán giả yêu sân khấu đánh giá cao, góp phần định vị lại vị thế của Nhà hát Kịch Hà Nội.

Tại sân khấu Nhà hát Chèo Hà Nội, vở “Trinh Nguyên”- một vở chèo cổ, do NSƯT Đoàn Vinh và Nguyễn Ngọc Kình đạo diễn, mang đến một không khí mới cho vở. Đề tài không mới nhưng vở diễn vẫn thuyết phục khán giả khi kể lại xúc động câu chuyện tình mẫu tử, tình anh em, cách ứng xử cao thượng giữa mẹ kế và con chồng.

Cảnh trong vở “Bạch đàn liễu” của sân khấu Lucteam.

Sau vở “Quẫn” gây ấn tượng tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2017, năm nay Sân khấu Lucteam mang đến một tác phẩm mới “Bạch đàn liễu” của nhà viết kịch Xuân Trình. NSƯT Trần Lực cùng ê kíp sáng tạo đã dựng lại “Bạch đàn liễu” của nhà viết kịch Xuân Trình theo một phiên bản mới: “Tôi và Lucteam luôn trân trọng những tác phẩm của các vị tiền bối. Những tác phẩm sân khấu hay phải được dàn dựng lại với tinh thần của các nghệ sĩ đương đại - đó là mong muốn của chúng tôi”.

Một “Bạch đàn liễu” biến ảo trên sân khấu đã chứng minh cho tài năng, tâm huyết và con đường mà NSƯT Trần Lực theo đuổi trong nhiều năm qua. Ê kíp sáng tạo của Lucteam với tinh thần đương đại đã làm nên thành công cho vở diễn theo phong cách ước lệ của sân khấu truyền thống. Sân khấu được đan cài nhiều yếu tố khái quát và hài hước, hiện đại và truyền thống chèo…

Qua bàn tay biên tập của nhà biên kịch Đỗ Trí Hùng, lời thoại mang hơi thở đương đại, hài hước, sâu cay. Có thể nói, “Bạch đàn liễu” đã mang đến cho sân khấu Hà Nội một không khí mới, chắc chắn sẽ thu hút khán giả trong thời gian tới khi ra rạp.

Điều đáng nói ở Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần này là các tác phẩm không phải dàn dựng chỉ để mang đi thi. Các nhà hát đều có chủ định dàn dựng để đỏ đèn sân khấu, vì thế các tác phẩm được đầu tư kỹ lưỡng nhằm thu hút sự trở lại của khán giả sau đại dịch. “Người tốt ở nhà số 5” của Nhà hát Kịch Việt Nam, “Tình sử Thăng Long” của Nhà hát Chèo Hà Nội, “Những người ở lại”… của Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh sau khi tham dự liên hoan đều có kế hoạch diễn dài kỳ phục vụ khán giả thủ đô. Có thể nói, Liên hoan sân khấu thủ đô đã góp phần hâm nóng lại sân khấu sau mùa đại dịch.

3. Tuy nhiên, như đã nói, không chờ liên hoan, trước đó, các nhà hát đã chủ động luyện tập và đỏ đèn. Vở nhạc kịch “Trại hoa vàng” của Nhà hát Tuổi trẻ hấp dẫn và sinh động đã thu hút khán giả trở lại sân khấu sau 3 đêm diễn thành công. Sự xuất hiện của “Trại hoa vàng” với một sắc màu mới, trẻ trung cho thấy sức hút của sân khấu chưa bao giờ nguội, điều quan trọng là sân khấu có dám đổi mới, để hấp dẫn khán giả hay không.

NSƯT Ánh Tuyết, đạo diễn “Trại hoa vàng” cho biết, vở nhạc kịch bám theo cốt truyện với hệ thống nhân vật của truyện ngắn Nguyễn Nhật Ánh nhưng đưa thêm câu chuyện hướng nghiệp, sự lựa chọn tương lai của người trẻ. Vở nhạc kịch sử dụng các ca khúc được các bạn trẻ yêu thích chứ không sáng tác mới, như các ca khúc “Và thế là hết” (Soobin Hoàng Sơn), “Thật bất ngờ” (Mew Amazing - Lê Đức Hùng), “Con đường tôi” (Trọng Hiếu), Bohemian Rhapsody (ban nhạc Queen ma), đó cũng là một cách thu hút đông đảo khán giả trẻ. Ngoài ra, vở kịch “Bộ cảnh phục” giành giải cao tại Liên hoan sân khấu “Về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân” năm 2020 của nhà hát cũng đã có lịch diễn.

Vở “Trương Chi - Mỵ Nương” của Nhà hát Kịch Hà Nội thu hút sự quan tâm của công chúng.

Trước đó, hai vở nhạc kịch tiếng Anh, “Cô bé lọ lem” và “Matila” một dự án nhạc kịch cho thiếu nhi diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ cũng cháy vé, thu hút sự quan tâm của đông đảo giới trẻ, đặc biệt là các em học sinh. Đây chính là nguồn khán giả tiềm năng của sân khấu trong tương lai.

Ngoài ra, các nhà hát đặc thù như Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cũng đang chuẩn bị ra mắt vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” vào tháng 11-2020. Sau cơn sốt mang tên “Hồ Thiên Nga”, ê kíp sáng tạo của nhà hát hy vọng “Những người khốn khổ”, với cách dàn dựng mang phong cách broadway sẽ thu hút khán giả.

Nghệ sĩ Đào Tố Loan chia sẻ: “Với một ê kíp sáng tạo và tinh thần làm việc không mệt mỏi, “Những người khốn khổ” chắc chắn sẽ thu hút khán giả bởi cách tiếp cận mới theo thể loại broadway, một thể loại âm nhạc khá phổ biến ở nước ngoài nhưng chưa được dàn dựng nhiều ở Việt Nam. Trong xu thế hiện đại, các nghệ sĩ phải luyện tập để đa năng hơn, vừa biết nhảy, vừa hát… Sân khấu cũng phải thay đổi để tiếp cận gần hơn với công chúng”.

4. Có thể nói, trong thời gian qua, các nhà hát đã không ngừng nỗ lực để “xoay chuyển tình thế hậu COVID-19”. Trong đó, Nhà hát Kịch Hà Nội tập trung hiện đại hóa bằng sân khấu quay, mở sân khấu Quảng Lạc ở khu vực phố cổ để thu hút khán giả. Còn Nhà hát Chèo Hà Nội đã tập trung bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cho nghệ sĩ trẻ, nhằm đem đến sức sống mới cho các vở công diễn dịp này, giữ “lửa nghề” cho các diễn viên trẻ… Họ âm thầm luyện tập cho ra đời những sản phẩm mới để hâm nóng lại thị trường sân khấu. Sau 8 tháng gần như “đóng băng”, các nghệ sĩ sân khấu vốn chật vật với nghề lại càng khó khăn. Nhưng có vẻ như tình yêu và đam mê với sân khấu, như NSND Trung Anh từng chia sẻ rằng, nó là một ma lực, khiến các nghệ sĩ lại lao mình như thiêu thân theo ánh đèn sân khấu. Hy vọng, sân khấu sẽ khởi sắc trở lại bởi chính tình yêu đó.

Linh Nguyễn
.
.
.