Real vô địch Champions League 2016-2017:

Cuộc cách mạng của Florentino Perez

Thứ Tư, 07/06/2017, 15:11
Thành công ngày hôm nay của Real không thể không nhắc đến cuộc cách mạng tư tưởng của Perez. Tỷ phú ngành xây dựng đã thay đổi để thích nghi và đón nhận thành quả.


Đã có lúc, nói về bóng đá Tây Ban Nha là người ta tự khắc nhắc tới Barca và triết lý tiqui-taca trứ danh. Barca đã thống trị châu Âu trong ít nhất 5 năm, và đội tuyển Tây Ban Nha với chu kỳ thành công 2008-2012 được xem như bản sao hoàn hảo của tư tưởng Catalan.

Lòng tự trọng không cho phép Florentino Perez ngồi yên. Ông đã thay tổng cộng 4 HLV trước khi Zinedine Zidane được chỉ định nhằm đòi lại vinh quang. Họ đều là những chiến lược gia lão làng và được thừa nhận trên diện rộng. Nhưng không một ai tạo ra cảm giác “an toàn”.

Nếu Pellegrini nhu nhược thì Mourinho lại chỉ có thể thắng trong một trận đấu, chứ không thể trong cả một cuộc chiến dài hơi với Barca. Ancelotti có công đem về phòng truyền thống danh hiệu C1 thứ 10, nhưng thất bại ở các giải đấu mang tính liên tục. Rafael Benitez thì sớm cho thấy chỉ phù hợp với các trường hợp khẩn cấp cần chữa cháy.

Trong bối cảnh ấy, việc bổ nhiệm Zinedine Zidane của Perez khiến giới quan sát không khỏi giật mình. Truyền thống xưa nay ở Madrid là không sử dụng những nhân vật kém tên tuổi. Zidane là một huyền thoại sân cỏ, nhưng chưa hề có mấy kinh nghiệm ở cabin huấn luyện.

Một quyết định mạo hiểm, đủ để lấy đi chiếc ghế chủ tịch của Perez nếu có chuyện gì xảy ra. Nhưng sau 18 tháng, Real đang lấy lại những đặc quyền vốn thuộc về họ. Zidane cho thấy ông là lựa chọn hoàn hảo, là mảnh ghép Perez kiếm tìm bao lâu nay.

Và thành công ngày hôm nay của Real không thể không nhắc đến cuộc cách mạng tư tưởng của Perez. Tỷ phú ngành xây dựng đã thay đổi để thích nghi và đón nhận thành quả.

Real trở thành CLB đầu tiên bảo vệ thành công danh hiệu Champions League kể từ năm 1993.

Yêu "quyền lực"

Có một câu chuyện thế này về Perez. Ông là người ham mê quyền lực, chính vì vậy chỉ ưa làm việc cùng các nhân vật có máu mặt. Ngày trẻ, Perez tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư ĐH Bách khoa Madrid và lập tức vào cơ quan nhà nước làm việc.

Công việc đầu tiên của Perez là một nhân viên hành chính trong hội đồng thành phố, với chức vụ giám sát thi công các tuyến đường công cộng trong dự án khôi phục kinh tế quốc gia sau khủng hoảng.

Đi lên từ kỹ sư, am hiểu chuyên môn nhưng cũng khéo ăn khéo nói, Perez sớm nhận lệnh điều chuyển công tác lên cấp trung ương. Tại đây, ông phụ trách mảng cầu đường của Bộ Công chính vận tải và hưởng khoản hoa hồng béo bở từ các công trình.

Tiềm lực kinh tế ngày một vững mạnh giúp Perez tiến gần tới giới chính khách, nơi ông làm thân với nhiều nhân vật cấp cao trong chính phủ. Nhận thấy đường quan lộ có thể phát triển, Perez lợi dụng tình hình nhiễu nhương trong bối cảnh chính trị hỗn loạn ở Tây Ban Nha để lấy lòng tin của các đại cử tri, trước khi ngồi vào ghế Tổng thư ký Đảng Dân chủ cải cách PRD.

Đấy là con người của Perez.

Florentino Perez - Chủ tịch Real Madrid.

Rào cản của chính trị gia

Hai năm trước, Perez ngồi trên khán đài VIP ở sân Bernabeu. Nhưng gương mặt ngài chủ tịch hôm ấy không lấy gì làm vui vẻ. Hơn 8 vạn CĐV áo trắng đang hô cao khẩu ngữ “Perez Dimision”, nghĩa là “Từ chức đi Perez”.

Tháng 11/2015, Barca đại thắng Real 4-0 trong trận siêu kinh điển đầu tiên của mùa giải. Chiếc ghế của Perez lung lay hơn bao giờ hết. Các phiếu bầu cử tri có một sức mạnh ghê gớm ở đây. Cảnh tượng hôm ấy làm người ta nhớ lại câu chuyện năm 2005, khi Perez cũng mất chức sau hàng loạt quyết định khó hiểu, gồm bán Makelele, đem về Beckham và sa thải HLV Del Bosque.

Nhưng không dễ để nghe thấy những lời bàn tán xì xào về Perez những ngày nay. Tại Cardiff rạng sáng chủ nhật, những gì hiện lên là bầu không khí lễ hội đầy ắp tiếng cười. Nhờ Perez mà Real mới có Zidane trên ghế chỉ đạo. Có Zidane, là có chiến thắng.

Carlos Pinedo, tác giả của cuốn sách “Real – CLB xuất sắc nhất thế kỷ 21” mới được xuất bản cho rằng, khi Perez tới Real, ông không hiểu bóng đá và áp dụng tư duy của một nhà buôn bất động sản vào cách quản lý.

Năm 2000, hành trang của Perez tới Bernabeu là các quan hệ chính trường. Ông ta tuân thủ triệt để triết lý của cố Chủ tịch Bernabeu – người khởi xướng ra trào lưu “Dải ngân hà” vào thập niên 50-60 thế kỷ trước và coi đó là cách tốt nhất để nắm bắt vận mệnh Real trong tay. “Tôi sẽ mua cầu thủ đắt tiền và phần còn lại sẽ tự vận hành”, Perez nói.

Mang trong mình tư duy của một kẻ cầm quyền và điều khiển xã hội bằng quyền lực tập trung, Perez tiếp tục đi vào vết xe đổ của chính mình trong lần trở lại nhiệm sở vào năm 2009. Ông rót hàng trăm triệu euro mua cầu thủ, nhưng nguy hại hơn là sa thải HLV như cơm bữa. Ronaldo tới Real từ năm 2009, nhưng phải chờ 5 năm sau mới có thể nâng Cúp châu Âu một lần nữa. Vậy nhưng, đúng 12 tháng sau, Ancelotti bị đẩy ra đường… qua một cuộc điện thoại.

“Rất khó để Perez thay đổi hành vi. Nhưng một khi Perez thay đổi, chúng ta sẽ phải ghi nhận sự thay đổi đó”, Pinedo nói tiếp.

Perez ăn mừng danh hiệu Champions League 2017 với Zidane.

Cuộc cách mạng của Perez

Mọi chuyện bắt đầu từ án phạt của FIFA. Real bị phát hiện gian lận tuổi trong công tác đào tạo trẻ và nhận án 12 tháng quản chế, chịu sự giám sát trực tiếp của FIFA và không được phép tiêu tiền trên TTCN theo ý thích.

Bộ sậu ở Valdebebas, đứng đầu là Jose Angel Sanchez – cánh tay phải của Perez, buộc đưa ra các chiến lược chuyển nhượng thông minh và khôn ngoan hơn. Lần gần nhất, Real tạo “bom tấn”, mang về một galacticos thực thụ là James Rodriguez mùa hè 2014.

Trong khi đó, Toni Kroos và Modric lại được định giá khôn khéo thông qua các hoạt động đàm phán (30 triệu euro/người). Đồng thời, Real đã thu về 99 triệu euro nhờ các giao dịch của Di Maria và Oezil.

Nói cách khác, Real đã xoay vốn và không vứt tiền vô tội vạ qua cửa sổ.

Tháng 1/2016, Perez buộc phải giải quyết một bài toán hóc búa. Benitez không đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nhưng trên thị trường cũng không còn cái tên nào khả dĩ hơn. Các HLV giỏi đều đã yên vị và chuyển công tác vào giữa mùa giải là điều tối kỵ. Hoặc không, phải chấp nhận bỏ một số tiền rất lớn ra để phá vỡ hợp đồng.

Tất nhiên là Perez không ngại chi tiền, vì tiêu tiền là… sở thích của ông. Tuy nhiên, Perez lại chỉ định Zidane – HLV chưa hề có kinh nghiệm trận mạc. Nhưng Zidane là chứng nhân lịch sử của thế hệ galacticos đầu tiên dưới triều đại Perez, là người am hiểu từng ngóc ngách ở thủ đô và biết chính xác nhu cầu của các cầu thủ trong phòng thay đồ.

Trong cuốn sách của mình, Pinedo đã viết một đoạn sau khi phỏng vấn Perez: “Nói về Zidane hả? Cậu ấy là chìa khóa. Tôi đã học được nhiều điều từ những sai lầm trong quá khứ. Zidane không có bản lý lịch hoành tráng, nhưng lại được lòng cầu thủ. Mối quan hệ Zidane có được tại đây rất tốt đẹp. Bao năm qua, Real cứ mải miết đi tìm ông nọ bà kia, nhưng lại chưa nhìn ra được phẩm chất cần có của một HLV làm việc tại Real”.

Real đã đem về phòng truyền thống danh hiệu Champions League thứ 12 trong lịch sử. Nhưng quan trọng hơn hết, họ là đội bóng đầu tiên bảo vệ thành công ngai vàng kể từ khi giải đấu đổi tên vào năm 1993, hóa giải “lời nguyền” Champions League. Bản thân Zidane cũng san bằng kỷ lục cũ của huyền thoại Arrigo Sacchi làm được trong hai mùa giải 1989 và 1990 cùng AC Milan.

Và có lẽ, Perez, 70 tuổi, mới là người hạnh phúc nhất. Rốt cuộc, chính sách Galacticos của ông cũng lên tới đỉnh cao, dưới sự trợ giúp đắc lực của Zidane. 

“Lòng tham” vô độ

Perez giàu tham vọng. Ông là chủ sở hữu Padros – một ngân hàng từng tuyên bố phá sản vào năm 1992. Vào tay Perez, Padros ăn nên làm ra và trở thành thế lực trong lĩnh lực nhà băng tại xứ đấu bò chỉ sau một thập kỷ.

Nhưng Perez không dừng lại và hài lòng với chiến thắng. Ông sáp nhập Padros vào ngân hàng thành phố Madrid, quốc hữu hóa một phần tài sản của công ty này và tạo ra mối ràng buộc nhất định với giới quan chức.

Trên cơ sở nguồn vốn, Perez lại mở rộng địa bàn làm ăn. Ông lấn sân sang xây dựng, mở tập đoàn ACS với các gói thầu được ngân hàng Madrid bảo hiểm và vươn vòi bạch tuộc đi khắp Tây Ban Nha. Theo đánh giá của tạp chí Forbes, ACS là nhà thầy xây dựng có quy mô lớn nhất thế giới.

Ngày tham gia tranh cử ghế chủ tịch Bernabeu, Perez đã bí mật tạo vây cánh bằng việc kết thân với PP – Đảng Kito bảo thủ với thành phần tham gia chủ yếu là phe cánh hữu và giới quý tộc giàu có. Chính PP đã đứng sau giúp Perez thắng cử, và cấp vốn cho vị này dồn tiền mua Luis Figo từ kình địch Barca như lời hứa với các madridista nếu thắng cử.

Bên cạnh đó, Perez còn tham gia ngành luật với chức vụ cố vấn quốc hội cho các dự thảo luật pháp. Thậm chí, còn có cả một bộ luật mang tên… Florentino Perez được thông qua vào năm 2011, nới lỏng điều lệ cho phép doanh nhân tham gia điều hành tập đoàn nhà nước. Hiện tại, Perez là thành viên ban giám đốc tập đoàn năng lượng quốc gia Iberdrola.

Đơn Ca
.
.
.