Trước thềm derby Manchester:

Cuộc cách mạng của Pep lên bóng đá Anh

Chủ Nhật, 01/04/2018, 00:31
Trên danh nghĩa, Pep Guardiola chỉ là HLV trưởng tại Man City, 1 trong 20 đội bóng thi đấu ở Ngoại hạng Anh. Nhưng trên thực tế, triết lý bóng đá của ông đang làm thay đổi cả đội tuyển Anh. Đó là lý do khiến Man Utd của Jose Mourinho sẽ một lần nữa yếu thế trong trận derby diễn ra cuối tuần tới.


Các giải đấu hàng đầu châu Âu vừa trải qua giai đoạn tạm nghỉ, nhường chỗ cho loạt trận giao hữu quốc tế. Đội tuyển Anh đã chơi một trận đấu ấn tượng bằng thắng lợi tối thiểu trước Hà Lan. Nhưng HLV để lại dấu ấn rõ nét nhất trong chiến thắng hôm đó lại không phải HLV trưởng Gareth Southgate. Pep Guardiola mới chính là người cho thấy tầm ảnh hưởng lớn hơn cả.

Suốt 90 phút thi đấu trước đội tuyển Hà Lan, các cầu thủ Anh dù đang hòa hay dẫn trước đều triển khai bóng một cách vô cùng chậm rãi. Lối chơi "sút và chạy" không còn nữa, thay vào đó họ từ từ chuyền ngắn ở sân nhà, dần dần đưa bóng lên phía trên dồn ép đối thủ. Đội tuyển Anh chưa bao giờ chơi như vậy cho tới khi Pep hiện diện ở giải Ngoại hạng.

Pep Guardiola gần như bất khả chiến bại ở Giải Ngoại hạng Anh mùa này.

2 trong 4 hậu vệ ra sân trong màu áo đội tuyển Anh hôm đó đang là học trò của Pep ở Man City: Kyle Walker và John Stones. Nhờ đó, ý tưởng triển khai bóng từ tuyến dưới như Pep yêu cầu ở Man City được áp dụng cho chính tuyển Anh. Họ là những cầu thủ tốt nhất trong khả năng kiểm soát bóng tuyến dưới ở tuyển Anh lúc này, nhờ quãng thời gian được Pep chỉ bảo.

Bên cạnh Man City, Tottenham và Liverpool cũng đóng góp số lượng cầu thủ đáng kể lên tuyển Anh. Nhờ vậy HLV Southgate có thể áp dụng lối đá khi họ chơi ở CLB lên đội tuyển quốc gia. Điều này khác xa so với tình trạng đội tuyển Anh ở những năm 90, nơi các HLV áp đặt lối chơi của mình lên đội bóng, tạo ra một tập thể toàn các ngôi sao nhưng thi đấu méo mó.

Thời điểm Pep Guardiola tới, Ngoại hạng Anh đang ở trong tình trạng khủng hoảng cách mạng chiến thuật. Biểu hiện rõ nhất cho thấy điều đó chính là thành tích các đội bóng Anh ở Champions League ngày một thụt lùi, dù tiềm lực tài chính của họ không hề kém cạnh khi so với các CLB khác. Giờ đây, họ có 2 đại diện góp mặt ở Tứ kết, và chắc chắn 1 đội sẽ lọt vào bán kết giải đấu.

Trở về quãng thời gian những ngày đầu thành lập giải Ngoại hạng Anh đầu thập niên 90. Man City khi đó được HLV Peter Reid dẫn dắt. Ông là người áp dụng chiến thuật đơn giản nhưng hiệu quả, đúng như thời ông còn thi đấu.

Man City sử dụng tiền đạo cao to giỏi không chiến Niall Quinn làm vũ khí lợi hại trong các trận đấu, nhờ đó họ đứng thứ 5 ở Anh trong 2 mùa giải, và đứng thứ 9 ở Ngoại hạng Anh mùa 92-93.

Sau thời Peter Reid, Man City bắt đầu rơi tự do trên bảng xếp hạng, thậm chí có thời điểm tụt xuống chơi ở giải hạng Nhì ngay trong mùa giải đối thủ cùng thành phố Man Utd ăn mừng cú ăn ba vĩ đại. Thất bại này một phần do các đời HLV sau Reid thiếu sự cải tiến để tận dụng triệt để khả năng của Niall Quinn, và đội bóng thiếu một chân sút lợi hại khi anh đầu quân cho Sunderland.

Phải đến tận năm 2001 khi Kevin Keegan về làm HLV trưởng, Man City mới cải thiện rõ rệt lối chơi. Họ vô địch giải hạng Nhất ngay trong mùa đầu tiên Keegan dẫn dắt, lên chơi ở Ngoại hạng Anh và thậm chí còn giành vé dự cúp UEFA. Sau khi Keegan rời đội, Stuart Pearce lên thay và thể hiện rất tốt khả năng của một HLV biết mình biết người.

Stuart Pearce là cựu hậu vệ đội tuyển Anh, do đó ông áp dụng lối chơi chắc chắn, thận trọng lên Man City. Nhờ đó, đội bóng có thể trụ hạng bằng lực lượng không quá nổi bật cùng ngân sách khiêm tốn. Tuy nhiên, đến khi các ông chủ nước ngoài mua lại Man City, Pearce không còn phù hợp nữa. Đó là lý do một HLV tên tuổi hơn được đưa về để thay thế: Sven-Goran Eriksson.

Dưới thời Eriksson cùng khoản ngân sách dư dả được chu cấp, Man City chơi bóng tấn công nhiều hơn, cởi mở hơn nhờ những cầu thủ có lối chơi la-tinh như Geovanni, Rolando Bianchi, Javier Garrido hay Elano. Tuy nhiên, đội hình của Eriksson vẫn còn khá yếu ớt, do đó những đời HLV sau như Mark Hughes và Roberto Mancini tiếp tục củng cố, nâng cấp đội bóng.

Mancini là người thành công khi mang về cho Man City chức vô địch Ngoại hạng Anh. Sau khi ông ra đi, người kế nhiệm Manuel Pellegrini cũng làm rất tốt phần việc của mình. Là một HLV lớn tuổi, Pellegrini không chỉ nâng cấp chiều sâu đội hình và chiến thuật, mà còn thổi vào các cầu thủ tinh thần thi đấu mạnh mẽ như Keegan từng làm, chơi tấn công quyết liệt.

Triết lý bóng đá của Pep đang làm thay đổi cả bóng đá Anh.

Nền tảng Pellegrini để lại đã hỗ trợ Pep Guardiola không nhỏ trong những ngày đầu đến Man City. Tại Barcelona và Bayern Munich trước kia, Pep luôn triển khai lối chơi kiểm soát bóng, nắm giữ tới 70% thời lượng giữ bóng. Nhờ đó những đội bóng ông dẫn dắt luôn nắm quyền chủ động phần lớn thời gian thi đấu và tạo ra vô số cơ hội.

Tại Man City, Pep cũng làm điều tương tự. Tuy nhiên, lối chơi kiểm soát bóng này đã thay đổi không ít để phù hợp với bóng đá Anh. Bóng được luân chuyển ra 2 bên cánh nhiều hơn thay vì chỉ tập trung ở khu vực trung lộ. Những tiền vệ, hậu vệ cánh có kỹ thuật và khả năng chuyền ngắn được trọng dụng thay vì chỉ biết chạy và tạt bóng đơn thuần.

Lối chơi Pep áp dụng ở Man City thậm chí được áp dụng cho toàn bộ các cầu thủ trẻ ở học viện bóng đá của Man City. Tại Anh, Pep đã dạy cầu thủ Anh biết cách chơi bóng đầu óc hơn, khi sử dụng những đường chuyền ngắn kết hợp với tốc độ, ban bật chồng cánh, phối hợp trung lộ, thay vì chạy sút hoặc phất bóng dài.

Thành công của Pep Guardiola thể hiện rõ nhất ở thành tích Man City đạt được. Sau 1 mùa giải, khi đã có trong tay những cầu thủ ưng ý cùng triết lý phổ biến đến các cầu thủ, Man City của Pep lúc này gần như bất khả chiến bại ở Anh. Còn ở Champions League, họ cũng đè bẹp các đối thủ khác để tiến vào tứ kết.

Trong khi Pep Guardiola dùng triết lý của mình để thay đổi một CLB và cả nền bóng đá, thì Jose Mourinho vẫn cũ kỹ và bảo thủ. Ông trung thành với tư tưởng phòng ngự phá lối chơi của đối phương: Trước khi tìm cách thắng, hãy cố gắng không thua. Cách chơi này chỉ hiệu quả khi Mourinho có những cầu thủ xuất sắc và phù hợp nhất trong tay, nhưng hiện tại, Man Utd không có điều đó. Đó là lý do Man Utd hụt hơi trước Man City, và sớm bị loại ở Champions League.

Từ khi được các ông chủ Ả rập đầu tư, Man City đã dần thoát khỏi cái bóng của Man Utd. Với Pep Guardiola, họ thậm chí càng lấn át đối thủ. Một chiến thắng trên sân nhà Etihad tuần tới sẽ là món quà mãn nhãn của Pep và các học trò tới người hâm mộ trước ngày chính thức nâng cúp vô địch.

Mourinho thừa nhận có thể bị Pep tiếp tục bỏ xa mùa tới

Trả lời phỏng vấn mới đây, HLV Jose Mourinho chia sẻ ông sẽ khó có khả năng bắt kịp Pep Guardiola và Man City mùa tới nếu kình địch cùng thành phố bạo chi vào kỳ chuyển nhượng mùa hè 2018.

Tại Ngoại hạng Anh mùa này, Man Utd bị Man City bỏ xa tới 16 điểm. Thành tích giữa hai đội hoàn toàn chênh lệch, dù trong 2 mùa dẫn dắt Man Utd, Mourinho đã được duyệt chi tới 300 triệu bảng Anh nâng cấp, mua sắm đội hình.

Mourinho lo sợ Man Utd có thể tiếp tục bị Man City bỏ xa.

Mourinho lên tiếng chê bai đội hình ông tiếp nhận ở Man Utd lúc nhậm chức quá thiếu tính kế thừa, dù người tiền nhiệm Louis van Gaal cũng chi ra không ít tiền trên thị trường chuyển nhượng. Hầu hết những cầu thủ Van Gaal mua về lúc nầy gần như không được Mourinho sử dụng hoặc bán tháo, trừ trường hợp của Martial.

Mourinho cũng khen ngợi đội hình của Man City lúc này có rất nhiều cầu thủ mà Pep được kế thừa từ những HLV tiền nhiệm như Otamendi, De Bruyne, Fernandinho, Silva, Sterling hay Aguero. Trong khi đó, Mourinho phải xây dựng lại đội hình Man Utd từ đầu.

"Thực tế là một số CLB sẵn sàng có khả năng giành chiến thắng, số khác lại không. Với những CLB chưa sẵn sàng, chúng ta phải bỏ tiền đầu tư, nâng cấp đội hình theo một hướng đi khác trước kia. Nếu CLB mạnh hơn chúng ta chững lại trong lúc chúng ta đầu tư thì sẽ sớm ngang hàng họ. Nhưng nếu họ tiếp tục đầu tư giống chúng ta, sẽ rất khó bắt kịp", Mourinho chia sẻ.

Tuy vậy, Mourinho khẳng định ông không có ý lo sợ Man Utd sẽ không bao giờ theo kịp Man City. Để minh họa cho chuyện này, ông lấy ví dụ về nhiệm kỳ ở Real Madrid. Dù không thể giúp đội bóng này giành cú Decima, nhưng ông vẫn kịp mang về một cúp vô địch La Liga, phá vỡ thế thống trị của Pep ở Barcelona.

Trên thực tế, có nhiều dẫn chứng cho thấy, Mourinho đã tính đến con đường huấn luyện lâu dài ở Man Utd. Bằng việc đưa về những cầu thủ ở độ tuổi 24-25 như Lukaku, Lindelof, Pogba, Bailly; đồng thời trọng dụng cầu thủ trẻ của CLB như Rashford và McTominay, rõ ràng Mourinho không chỉ hướng tới việc nhanh chóng giành danh hiệu cùng Man Utd. Ông muốn xây dựng một đội hình có sức chiến đấu tốt trong 3-5 mùa giải nữa, một đội hình mang tính kế thừa.

Đơn Ca
.
.
.