"Cuộc chiến chó mèo" và sự méo mó nhân cách

Thứ Năm, 24/04/2014, 16:30

Trong khi cuộc sống còn quá nhiều bất an, chẳng hạn như bệnh sởi đang có nguy cơ thành dịch, hạt mùi già chống sởi bỗng thành đặc sản, thì trên mạng đang tồn tại một cuộc chiến có phần ngớ ngẩn: tranh cãi có nên ăn thịt chó hay không! Xuất phát từ chuyện những chú mèo trong phim "Vừa đi vừa khóc" của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng bị cho là chết thảm, người ta dấy lên câu chuyện bảo vệ chó mèo và người Việt Nam ăn thịt chó là… man di mọi rợ…

Yêu mèo hay mù quáng?

Bộ phim "Vừa đi vừa khóc'' của Vũ Ngọc Đãng vừa phát tập đầu tiên đã gặp phản ứng của một nhóm người về chuyện những chú mèo đóng phim không được bảo vệ. Theo một nhân viên trong đoàn làm phim đề nghị giấu tên thì: "Có 3 con mèo trong phim, hai con đầu thì chắc chắn chết, con thứ 3 không biết có chết không, đóng xong thì quăng lên xe để đạo cụ, không chết vì nước cũng chết vì ngợp và nóng, đó mới là sự thật, có thể đạo diễn không biết hoặc quanh co".

Ngay sau khi xảy ra vụ tranh cãi, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng giãi bày: "Con mèo trong tập một của "Vừa đi vừa khóc" là bộ phận thiết kế mượn của một anh họa sĩ. Chúng tôi quay cảnh con mèo trên sông, sau đó là ở nhà bé Trí rồi cuối cùng mới là nhà Hải Minh. Vì vậy, con mèo đã được đảm bảo an toàn cao nhất để giữ raccord cho phim. Quay xong, con mèo đã được trả lại cho chủ nhân của nó. Chúng tôi bảo đảm quay trên sông con mèo không gặp vấn đề gì cả và làm thế nào là chuyên môn của chúng tôi".

Tuy nhiên, rất nhiều người, trong đó điển hình là Trác Thúy Miêu, một người yêu chó mèo và đang kêu gọi phản đối việc giết hại chó mèo trong cộng đồng. Chị này cũng là một MC của chương trình "Vào bếp là chuyện nhỏ" trên VTV3. Một người khác, đó là đạo diễn phim "Hạt mưa rơi bao lâu" Đoàn Minh Phượng. Chị Phượng cho rằng: "Một con mèo con ngay cả khi bị đem bán nó vẫn có cơ hội được mua về nuôi nấng và được sống. Khi đoàn phim mua nó thì đoàn phim lấy đi cơ hội đó của nó, nên anh phải trả lại bằng cách sau khi sử dụng nó xong, lo cho nó được sống. Nếu không lo được thì đừng mua nó và phải bỏ cảnh cứu mèo trong phim. Dù anh có cho rằng cảnh đó phục vụ nghệ thuật hay truyền tải cái gì đó: Phục vụ nghệ thuật là chuyện của anh, anh không có quyền đòi hỏi ai khác chết để anh phục vụ nghệ thuật cả.

Cảnh phim ''Vừa đi vừa khóc'' của Vũ Ngọc Đãng.

Nhiều người nói rằng, chúng ta giết bao nhiêu thú để ăn thịt thì mấy con mèo có nghĩa gì chứ. Chúng ta giết thú để ăn thịt vì ăn là một nhu cầu để sống còn. Nếu chúng ta giết thú khác hơn là để giải quyết nhu cầu sinh tồn, thì về mặt đạo đức, chúng ta đã thua sư tử, chó sói rồi. Sư tử giết để tồn tại, không giết để mua vui".

Tiếp đó, một công văn giả mạo nhân danh Hiệp hội Bảo vệ động vật quốc tế gửi VTV yêu cầu ngừng chiếu bộ phim. Câu chuyện này khiến nhiều người chợt so sánh, trong bộ phim "Cát nóng", đạo diễn Lê Hoàng sẵn sàng quay cận cảnh việc nhân vật giết thịt những con giông bằng dao, máu me bê bết thì gần như không ai thèm để ý. Còn việc một con mèo trong phim của Vũ Ngọc Đãng được khẳng định là an toàn, chỉ vì thả nó lội nước để quay phim cũng làm cho nhóm người này ầm ĩ. Và chúng ta đặt ra câu hỏi, phải chăng tình yêu cho động vật cũng được phân chia? Phải chăng bạn bày tỏ tình yêu mèo thì bạn sẽ cao quý hơn? Còn nếu như bạn yêu những con khác như trâu bò thì sẽ kém văn minh hơn chăng? Nhiều người cũng không ngừng mỉa mai nhóm yêu chó mèo rằng, đó là thái độ trưởng giả học làm sang!

Huyền Chip và ”cuộc chiến chó mèo” với hai siêu mẫu

Câu chuyện chú mèo trong phim của Vũ Ngọc Đãng khơi ngòi lên câu chuyện về việc người Việt ăn thịt chó. Và người ta lại bàn tán say sưa việc ăn thịt chó có bị cho là man di mọi rợ hay không? Tại sao phương Tây không ăn thịt chó, còn người châu Á, đặc biệt là người Việt Nam và Hàn Quốc thì quán cầy tơ lại mọc ra không kể hết và sống mơn mởn. Đỉnh điểm cho vụ tranh cãi là bài viết của Huyền Chip, tác giả cuốn "Xách vali lên và đi". Huyền Chip viết: "Là người Việt Nam, khi đi chơi với bạn bè nước ngoài, tôi rất hay được hỏi câu: "Có phải người Việt Nam ăn thịt chó thật không?". Khi tôi khẳng định thông tin đó là chính xác, phản ứng của mọi người rất khác nhau: từ việc lẳng lặng ôm chó chạy thật xa ra khỏi tôi đến việc năn nỉ xin tôi bắt trộm chó người yêu cũ làm một bữa thịt cầy ăn thử. Nhưng có lẽ phổ biến nhất là ba loại phản ứng sau: Phản ứng 1 (sợ hãi): "Eo ôi, sao người Việt Nam thật là man rợ". Phản ứng 2 (tò mò): "Có phải người Việt Nam nghèo quá không có gì ăn mới phải ăn thịt chó không"? Phản ứng 3 (thích thú): "Hay thế. Hôm nào mình phải sang Việt Nam ăn thử mới được".

Huyền Chip.

Những người tôi thích nhất thường là những người có phản ứng rơi vào nhóm thứ 3. Đó là những người nhận ra rằng văn hóa là khác biệt và họ luôn sẵn lòng thử những cái mới.

…Tôi không có vấn đề gì với những người ăn chay hay những người không thích ăn thịt chó vì không thích vị của nó hay sợ béo, nhưng nếu ai ăn thịt và lên án những người ăn thịt chó vì lý do đạo đức, tôi nghĩ đó là đạo đức giả. Cuộc tranh luận với những người này thường diễn ra như sau:

- Tại sao bạn ăn thịt gà mà lại không ăn thịt chó?

- Bởi vì gà không chịu đau nhiều khi ta giết nó.

- Hừ? Từ bao giờ chúng ta bắt đầu có đơn vị cân đo đong đếm cho đau đớn vậy? Vậy gà chịu đau bao nhiêu khi bị giết và chó chịu đau bao nhiêu khi bị giết? Nói như vậy, việc giết gà hay giết chó là bình thường nếu như ta cho chúng một liều thuốc tê trước khi giết để chúng không chịu đau đớn gì?

- Nhưng gà không thông minh như chó. Nó không biết nhiều như chó nên sẽ không cảm nhận được nhiều như vậy.

- Có nghĩa là nếu chúng ta giết một người trí óc không được phát triển thì tội chúng ta sẽ nhẹ hơn khi giết một người đầu óc bình thường?

- Nhưng chúng ta giữ chó ở nhà. Chó là bạn bè của chúng ta. Chúng ta không thể ăn bạn của chúng ta.

- Được rồi, em trai tôi có nuôi một con gà cưng. Nó yêu con gà đó lắm, nhưng nó không lên án ai về việc ăn gà cả. Ai yêu chó thì đó là việc của họ. Họ có thể không ăn thịt chó, nhưng họ không thể lên án những người ăn thịt chó được.

Những nền văn hóa khác nhau coi trọng những loài vật khác nhau. Người theo đạo Hindu coi trọng con bò và không ăn thịt bò. Người theo đạo Hindu không lên án người phương Tây ăn thịt bò ở trong các nước phương Tây thì cũng chẳng có lý do gì để người phương Tây lên án người Việt Nam ăn thịt chó ở Việt Nam cả.

Chúng ta tin rằng, mọi động vật đều có quyền bình đẳng trước bàn nhậu. Chẹp, giờ mình nói như thể một tay đồ tể giết động vật không ghê tay ý nhỉ. Tôi không ăn thịt chó (bởi vì tôi không thích vị của nó), nhưng tôi không đánh giá người khác chỉ dựa trên việc người ta có ăn thịt chó hay không.

Đồng ý với bạn rằng sẽ thật khó để hình dung ra cảnh những chú chó đáng yêu như thế bị mang ra dội nước sôi làm thịt. Tôi không thích việc những con chó bị giết. Tôi cũng không thích việc những con gà, con lợn hay thậm chí con tôm, con cá bị giết.

Khi tôi nhìn thấy cách người ta giết gà ở Ấn Độ, tôi đã quyết định rằng mình sẽ ăn chay. Con người là một loài động vật ăn tạp. Chúng ta đã ăn thịt trong suốt 1,5 triệu năm qua, và chúng ta rất có thể sẽ tiếp tục ăn thịt cho đến tận khi loài người kết thúc"…

Nathan Lee - Trác Thúy Miêu - Phương Mai.

Ngay lập tức, Huyền Chip bị hai người mẫu Phương Mai và Nathan Lee tức giận miệt thị. Phương Mai nói đầy khinh khi: "Phải thấy tội cho nó. Ai biểu nó xấu gái vô duyên lại thêm man di mọi rợ. Con gái người ta mĩ miều son môi móng tay đỏ chót, xách túi Jimmy Choo ưỡn ẹo oánh mông lên taxi xuống nhà hàng 5 sao, cầm dao nĩa ăn mà hai ngón út không quên cong tớn lên để làm duyên. Nó - quần đùi, áo ba lỗ ngồi vỉa hè, cái tay vừa bốc miếng thịt vừa gãi mông, chân hai tháng quên wax cái trên cái dưới, xung quanh chỗ nó ngồi là đủ loại cống rãnh giấy thải". Còn Nathan Lee cũng bày tỏ: "Nhìn chó chứ cương quyết không nhìn thể loại này". Được Nathan Lee ủng hộ, Phương Mai phấn khích hơn: "Khổ, sau vụ chém bậy với quyển "nhật kí", mà nói thực là em có tò mò thử đọc mà đọc không nổi vì dở quá - thì không ai nhớ tới ẻm nữa. Mà ẻm vẫn muốn tấn công showbiz nên gây tiếng vang chăng? Đập hết toàn mặt, toàn body lột hết da ra rồi bảo ba mẹ trồng lại từ đầu đi em ơi. Chắc cũng nổi"…

Chưa hả giận, Phương Mai còn nhờ mọi người tìm Facebook của Huyền Chip để vào chửi. Còn Trác Thúy Miêu cũng vào bình luận, cho rằng Huyền Chip xấu vì cô ta… ăn thịt chó.

Nhiều người cho rằng, đó là hành động thiếu kiềm chế và vô văn hóa của những người tạm được coi là "người của công chúng". Rất nhiều người tỏ ra ngạc nhiên trước thái độ của siêu mẫu Phương Mai vì cô vốn được tiếng là thông minh và ứng xử tốt. Một số người bày tỏ sự thất vọng vì những ngôn ngữ đường phố trong phát biểu của cô. Sau đó, Phương Mai có lên Facebook đính chính là mình không nói tục chửi bậy, chỉ là mình bày tỏ sự bức xúc với những người ăn thịt chó mà thôi… Blogger Hà Cao chỉ trích ngược lại nhóm Trác Thúy Miêu: "Chả hiểu sao một thứ nhan sắc rẻ tiền, sến sẩm như Trác Thúy Miêu hay nói đúng hơn là thứ gái già và xấu lại có thể tự tin chê bai Huyền Chip xấu. Nhà cô này không có gương hay gương nhà cô này cài tiện ích 360 hoặc mỗi lần muốn ngắm mình cô phải vục mặt xuống giếng vì khi ấy thế giới chả còn ai cả nên cô hoang tưởng thế!?

Nhưng ấy là ta nói vui, bởi với một đứa con gái như Huyền Chip thì từ lâu cô ta đã chả còn quan trọng cái đẹp ở hình thức, ở phấn son, mà lao đi tìm kiếm, chinh phục những vẻ đẹp khác, ấy là tri thức và văn hóa thế giới. Tức nó đã chả sợ xấu (ở vẻ ngoài) từ lâu rồi và tự tin ở vẻ đẹp khác, sâu hơn. Đánh một người khác mà họ chả thấy đau, họ còn cười khẩy (tức khinh) bạn thì xin lỗi, cái việc tấn công người khác của bạn chả khác mấy với việc bạn đang cầm dao tự cứa tay mình".

"Cuộc chiến chó mèo" trên mạng còn tiếp diễn và trong những tranh luận đó, người ta cũng nhận ra được nhân cách của con người. Nhân cách của những người tỏ ra yêu động vật nhưng lại miệt thị đồng loại và nhân cách của cả những người luôn muốn tỏ ra tôn quý hơn những người khác. Tất nhiên, cuộc chiến có phần ngớ ngẩn này sẽ chẳng đi đến đâu, giống như hầu hết các phong trào nửa vời son phấn khác. Trong khi xã hội đang gánh hàng ngàn áp lực và bệnh sởi vẫn đang là cơn ác mộng với trẻ nhỏ Việt Nam

Trúc Nhân
.
.
.