Bí mật phía sau nghề… trinh sát bóng đá:

Cuộc chiến sinh tử hay trò chơi kinh tế?

Thứ Tư, 01/07/2015, 16:30
Trong bóng đá, người ta biết và hiểu nhiều về HLV, cầu thủ, giám đốc điều hành, chủ tịch, thậm chí là những người đại diện đầy quyền uy. Thế nhưng, có một chức danh bóng đá nữa mà rất ít người để ý, đó là nghề trinh sát. Trinh sát bóng đá (scout) có 2 nhiệm vụ: trinh sát cầu thủ và trinh sát chiến thuật. Nhiệm vụ này chẳng khác gì những "mật vụ" nằm vùng. Họ cực kì quan trọng ở bất kì đội bóng nào, nhưng lại chẳng mấy khi được nổi tiếng. 

1.Làm việc 24/7. Điện thoại là vật bất li thân và không bao giờ được phép hết pin hay cạn tiền. Thường xuyên đi khắp nơi, đẩy luật bóng đá đến giới hạn tuyệt đối. Một chiếc máy tính xách tay, và một sự kiên trì đến lạnh lùng. Đó có thể coi là một số nét khái quát về hình ảnh của scout, hay trong bóng đá được gọi là nhà trinh sát.

Hình ảnh phổ biến trong làng bóng đá Anh là những sân vận động lớn, với một biển trẻ em tranh nhau trái bóng dội, với đủ thể loại thi đấu. Từ sân 6 đến 11. Cha mẹ chúng đứng quanh đó, vừa tự hào, vừa lo lắng rằng những đứa trẻ của mình liệu có thể thay đổi cuộc sống của chúng, và của cả gia đình hay không? Ở mé ngoài sân, luôn có một người đàn ông đeo kính đen lặng lẽ ghi chép và theo dõi tất cả những diễn biến.

Martin Waldron, một "scout" của CLB Everton, một người khá nổi tiếng trong việc tìm kiếm tài năng trẻ cho CLB và đã làm việc cho Everton suốt 20 năm. Ông nói rằng: "Mùa hè là thời gian điên cuồng của tôi. Có hơn 200 giải đấu chỉ trong khu vực Tây Bắc nước Anh trong quãng chưa đầy 3 tháng hè". Waldron đưa ra những con số và khối lượng công việc khiến bất kì ai cũng phải nể sợ. Mỗi ngày nghỉ cuối tuần, ông cần huy động khoảng 80 trinh sát. Điện thoại ít nhất mỗi người 3 chiếc và chúng không bao giờ tắt.

Arsene Wenger, HLV hiếm hoi xây dựng được một hệ thống "scout" điển hình

Như đã nói, trinh sát có hai loại: trinh sát cầu thủ và trinh sát chiến thuật. Nhưng cho dù đó là việc đánh giá tài năng của các ngôi sao trẻ vừa chớm nở, chuẩn bị các nội dung cho những bản hợp đồng tiền nong, hoặc lên hồ sơ về các đối thủ tương lai của CLB, tất cả đều phải tiến hành chi tiết, tỉ mỉ và gần như không thể có sai sót.

Khi nói đến trinh sát trong làng bóng đá Anh, hệ thống của Everton được đánh giá cao nhất chứ không phải những đội bóng như Man Utd, Chelsea, Man City hay Liverpool, Arsenal. Có thể đó là do "xuất thân" của họ là một đội bóng nghèo, không có tỷ phú giàu có đứng phía sau, nên Everton phải tự nuôi sống bản thân bằng sự bươn chải, tạo nguồn tài năng cho chính mình. Everton có 160 nhà trinh sát chỉ ở khu vực Tây Bắc nước Anh. Và những người này đã đi khắp các sân, từ hang cùng ngõ hẻm, có mặt ở tất cả… 200 giải đấu từ độ tuổi U6 đến U13 để kiếm tìm từng cá nhân có tiềm năng, rồi sàng lọc. Và kết quả là họ đã tìm thấy hàng loạt tài danh sau này, như Wayne Rooney, Leon Osman, Tony Hibbert, Jack Rodwell, James Vaughan và Jose Baxter…

"Khi David Moyes đến dẫn dắt Everton, ông nói rằng ông muốn có các cầu thủ trẻ người Anh, đặc biệt là những người ở vùng Tây Bắc". Và từ khi đó, một cơ chế được tạo thành. Những cầu thủ trẻ được mang về sẽ kí kết với chính HLV David Moyes, được tập luyện với đội, được nhận vé xem các trận đấu tại Premier League, được điều trị y tế cá nhân và thậm chí có lương.

2.Điều này không phải CLB Anh nào cũng làm được. Nguyên nhân từ việc cầu thủ nhập khẩu đắt giá ngày càng nhiều với hầu bao không bao giờ cạn của các tỷ phú nước ngoài. Bên cạnh đó, chính Waldron còn thừa nhận, không chỉ số cầu thủ nước ngoài tăng ở Premier League, các học viện cũng đang tràn ngập cầu thủ trẻ từ nước ngoài. Và một nguyên nhân thực tế khác là, tỷ lệ sinh đang suy giảm mạnh ở Anh, khi số lượng bé trai nhập học ở Anh giảm 23% trong khoảng gần 10 năm trở lại đây. Ở Kirkby (vùng Lancashire), có 4 trường tiểu học, nhưng bây giờ chỉ còn có 2. Bên cạnh đó, số lượng trẻ em béo phì tăng cao.

Ron Bone, tuyển trạch viên trưởng của CLB Middlesbrough (nhân vật tiếng tăm khi phát hiện ra những cái tên Stewart Downing, Lee Cattermole và Curtis Fleming, và một số cầu thủ khác từng vô địch FA Cup cho các đội trẻ năm 2004) thừa nhận, ông còn phải đấu tranh để giữ chân cầu thủ lớn tuổi. Bởi một thực tế tại Anh đang diễn ra trong hơn 1 thập kỉ qua, đó là số cầu thủ trẻ khi đến độ tuổi 16 thường bỏ ngang, xảy ra những vấn đề phiền nhiễu đặc trưng của độ tuổi mới lớn. Và thực tế, người Anh đã nghiên cứu, số cầu thủ trẻ độ tuổi 15, 16 đến 18 phạm tội trong 5 năm qua đã lên gần 100 người và tỷ lệ bỏ ngang bóng đá tăng 26%.

Nếu nói về tầm vóc và phạm vi phủ sóng toàn cầu, Arsenal là đội bóng có hệ thống trinh sát có mặt ở nhiều "điểm nóng" nhất. Khi HLV Arsene Wenger đến CLB này năm 1996, ông đã mang một bộ tài liệu ghi lại đầy đủ số liên lạc ở nước ngoài, những nơi mà ông có quan hệ. "Hệ thống tài liệu của Wenger giống như một kim tự tháp lớn", Philippe Auclair, phóng viên của tờ thể thao danh tiếng hàng đầu châu Âu L'Equipe tiết lộ. "Trên cùng là Arsene Wenger, dưới là tuyển trạch viên trưởng Steve Rowley, dưới nữa là hệ thống gọi là "siêu trinh sát", những người có mặt ở tất cả các "mỏ" bóng đá lớn: Francis Cagigao (Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha), Gilles Grimandi (Pháp, Israel và châu Phi ), Peter Clarke (Hà Lan), Danny Karbassiyoon (Mỹ và Mexico), Tony Banfield (Ý, Croatia và Slovenia). Dưới nữa là các lớp và các lớp trinh sát khác ở mọi quốc gia".

Ngoài ra, những CLB không xây dựng được hệ thống như Arsenal sẽ nhờ đến một số công ty cung cấp dịch vụ trinh sát trên cơ sở đặc biệt. "The Scouting Network" có 30 trinh sát ở Anh và 25 người ở nước ngoài, tất cả có sẵn để tìm kiếm một đội hoặc một cầu thủ và có thu phí. "Scout7" là một cơ sở dữ liệu trực tiếp có sử dụng 30 nghiên cứu trên khắp thế giới để theo dõi gần 70.000 cầu thủ trẻ ở 127 quốc gia, và họ có thể tự hào khi có khách hàng là những CLB lớn như Chelsea, Sevilla và Ajax. Khi bóng đá trở thành nền kinh tế nhắm tới mục đích lợi nhuận, gọn nhẹ, loại dịch vụ phụ trợ tăng kiểu này tăng chóng mặt. Và đó là lí do tại sao nhiều CLB có tiền họ không xây dựng hệ thống tìm kiếm cầu thủ trẻ như Everton, Arsenal. Và đó cũng là lí do tại sao mà cách đây 4 năm, Chelsea sa thải 15 trinh sát, chỉ giữ lại có… 8 người trong nỗ lực để sắp xếp lại hoạt động đào tạo trẻ.

Wayne Rooney, một sản phẩm của những trinh sát từ CLB Everton.

Derek Bragg, Giám đốc của Công ty The Scouting Network thừa nhận: "Công việc kinh doanh của chúng tôi đang diễn ra tuyệt vời, khi ngày càng nhiều CLB không có khả năng tạo ra một mạng lưới trinh sát toàn thời gian, và phủ sóng khắp toàn cầu".

3.Với mô hình của các CLB hiện đại như bây giờ, các scout ngày càng ít đi, bù vào đó là những "scout dịch vụ". Tuy nhiên, họ không thể làm tất cả mọi việc, "săn tài năng" ở khắp nơi một cách dễ dàng. Ngoài sự phức tạp, vất vả đến mức… khổ sở, nghề trinh sát còn có những quy tắc ngầm được tuân thủ khá rạch ròi.

Những mạng lưới do thám sẽ có những mánh khóe "mua" sự hợp tác của một khu vực. Ở đó, họ có sự phân chia rõ ràng, giống như lãnh địa riêng. Ví dụ, các đội bóng Tây Ban Nha có lợi thế cả về tình cảm lẫn sự gắn bó với các nền bóng đá Nam Mỹ. Pháp hay cụ thể là CLB Lyon có quan hệ tốt với bóng đá Brazil, nơi họ đã phát hiện ra hàng loạt siêu sao như Fred, Ederson và Juninho. Chỉ có điều các CLB Pháp về tổng thể thiếu sự hiện diện về thương mại và lịch sử thành tích bóng đá nên thời gian gần đây thường thua thiệt so với Tây Ban Nha. Bóng đá Đức gần hơn với địa bàn Đông Âu, mang lại cho họ một lợi thế trong khu vực đó. Tuy nhiên, khi nói đến nhân lực và khả năng tài chính, các CLB Premier League vẫn là những kẻ cai trị.

"Ở khắp mọi nơi tôi đặt chân đến, tôi đều thấy các tuyển trạch viên người Anh," Miroslav Vjatrovic, người phụ trách vùng Balkans cho Liverpool nói. "CLB Anh có rất nhiều hệ thống tuyển trạch và họ có tiền bạc để tạo ra hệ thống đó, kể cả là đi thuê. Đó là một lợi thế rất lớn".

Không chỉ có cuộc đấu tranh để phân chia địa bàn, trong đời sống của các "scout" còn là một cuộc cạnh tranh về mưu mẹo mánh khóe và cả cuộc "so tài" về công nghệ, sự nhạy bén kinh doanh. Đó mới là cuộc chiến khốc liệt hơn nhiều, bởi đó là khâu cuối cùng quyết định ai là người thành công và tạo ra giá trị thặng dư, sức sống và sự tồn tại cho CLB…

"Trinh sát" hay làm kinh tế?

Khi bóng đá Anh đã nhìn thấy tiềm năng trẻ cần thiết cho sự phát triển bóng đá ở khắp nơi, họ đã có mặt tại bất cứ vùng đất nào. Asenal còn có trinh sát ở Bangladesh, hầu hết các nước châu Phi. Họ cũng có hồ sơ của cầu thủ thuộc 19 nước châu Á. Tờ Dailymail cách đây 2 năm từng có bản thống kê khá chi tiết và công bố rằng, các CLB Anh đã có các "scout" ở khoảng 136 nước khắp thế giới. Có nghĩa là họ đã đến, tìm hiểu và trinh sát tới gần 3/4 số nền bóng đá thuộc FIFA.

Dĩ nhiên, phần lớn những "scout" này là dịch vụ làm thuê, nhưng đó cũng là một nỗ lực lớn của bóng đá Anh trong việc phối hợp tìm kiếm cầu thủ trẻ. Tuy nhiên, đây được coi là một công việc kinh doanh, hợp tác phát triển bóng đá hơn là tìm kiếm tài năng thực sự để mang về phục vụ cho CLB. Đó chính là điểm khác biệt rất lớn và cũng là một nhiệm vụ nữa của "scout", tạo ra một hệ thống kinh doanh bóng đá khép kín. Nó tách rời hoàn toàn với những "scout" trong nước, tìm kiếm, đào tạo cầu thủ với mục đích làm kinh tế, phục vụ cho đội 1.

Thực tế, ngôi sao để khuếch trương hình ảnh CLB thì vẫn là những bản hợp đồng mùa hè càng đắt giá, càng "bom tấn" càng tốt. Và cuộc chơi của những "scout" vẫn là sự bươn chải ở những sân bóng bụi mù để tạo ra những giá trị thặng dư, bù lại phần nào những chi phí chính của CLB.

Lê Giang
.
.
.