Cuộc chơi độc đáo của “ba chàng ngự lâm” trong hội họa

Thứ Sáu, 18/09/2020, 08:25
Cực đoan, quyết liệt, độc lập là tính cách nổi bật của cả 3 họa sĩ: Doãn Hoàng Lâm, Tào Linh, Nguyễn Vân Chung.


Họ sẽ cùng chơi một cuộc trong triển lãm có cái tên ngắn gọn mà nhiều gợi mở: “Toan” tại Hà Nội từ ngày 11 đến ngày 16-9 này. Những bức tranh được vẽ và trưng bày trong mùa dịch như gửi gắm một thông điệp về cuộc sống, rằng cái đẹp vẫn luôn song hành và cứu rỗi thế gian, vượt qua mọi thử thách, biến cố.

Sự hòa trộn của 3 phong cách riêng biệt

Anh cả của nhóm, họa sĩ Tào Linh chia sẻ về cái tên của triển lãm: “Toan là tên gọi một chất liệu quan trọng gắn với công việc của người họa sĩ. Nó được ví như cánh đồng của người nông dân vậy. Người họa sĩ khi ngồi trước toan cũng giống như người nông dân đứng trước cánh đồng của mình, họ mang theo rất nhiều hứa hẹn, rất nhiều hy vọng. 

Việc vẽ với họa sĩ cũng tương tự như việc gieo hạt của người nông dân. Chúng tôi cần mẫn trên cánh đồng của mình, gieo vào đó những điều chúng tôi suy tưởng, gửi gắm những thông điệp qua màu, qua hình, qua bố cục”.

Về góc độ người thưởng lãm, đồ rằng các họa sĩ cũng muốn một ý nghĩa tương tự khi đặt tên “Toan” cho triển lãm. Đó là hy vọng về một sự chia sẻ, rằng họ đã “gieo” còn công chúng thì “nhận”. Những gì công chúng “nhận” rất quan trọng, nó chính là sự tưởng thưởng cho họa sĩ, trên hành trình tìm kiếm của họ.

Doãn Hoàng Lâm nổi tiếng với lối vẽ biểu hiện. Tranh khỏa thân của anh  mang một ngôn ngữ riêng, rất khó trộn lẫn. Phong cách mạnh mẽ, không chịu cưng chiều đôi mắt người thưởng lãm của Lâm không dễ thuyết phục người xem nếu tiếp xúc với tranh của anh lần đầu. 

Trong số những họa sĩ chuyên tâm vẽ nude đương đại, Lâm đặc biệt ở chỗ, anh biểu hiện vẻ đẹp thân thể đàn bà gai góc, nhục cảm và đầy thân phận. Xem tranh Lâm, người ta khó mà “yên ổn”, bởi cảm xúc mãnh liệt của họa sĩ ngồn ngộn qua những nét vẽ vừa táo bạo vừa tự tin của một người thành thục kỹ thuật sơn dầu cũng như hình họa. 

Doãn Hoàng Lâm không tìm kiếm vẻ đẹp hoàn hảo của cơ thể đàn bà, cũng không hướng tới một vẻ đẹp dễ. Thậm chí anh cố ý “làm khó”, bằng cách tối giản và tối giản hơn nữa, không mơn trớn dẫn dắt cảm xúc người xem mà để họ xộc thẳng tới những ý niệm thẩm mỹ anh muốn đề cập. 

Kỹ càng đến mức sốt ruột để chăm chút cho từng đường nét đàn bà trong tranh, Doãn Hoàng Lâm giấu dưới mỗi bức tranh một thông điệp nhân văn. Không dễ để nhận thấy, bên dưới những dáng vẻ đàn bà có phần “quằn quại” là một thái độ cảm thông, yêu thương, chia sẻ vô bờ bến của người họa sĩ. Tiếng nói trong tranh nude của Lâm là tiếng nói chống lại mọi định kiến, chủ động tạo ra những chuẩn mực riêng về cái đẹp để giải phóng phụ nữ khỏi ràng buộc, bó hẹp. 

“Tôi thích nhìn phụ nữ trong sự tự nhiên, trải nghiệm của họ”- Doãn Hoàng Lâm chia sẻ. Từ lâu anh đã định hình một phong cách vẽ nude độc đáo, kiên nhẫn với con đường mình đi, dù biết tranh của mình không dễ xem cũng chẳng dễ treo.

Họa sĩ Doãn Hoàng Lâm.

Nguyễn Vân Chung là một gương mặt mới hơn cả trong 3 họa sĩ triển lãm “Toan” lần này. Chung đi con đường của hội họa trừu tượng - một con đường khó, nhiều mịt mù và cũng không dễ tìm được công chúng. 

Tuy nhiên, Vân Chung đã ít nhiều gây cảm tình với người xem và thuyết phục người trong giới, với cách đặt vấn đề thông minh trong cả cảm xúc lẫn hình họa. Chỉ sử dụng hai mảng màu đen trắng, xu hướng cực tối giản, Nguyễn Vân Chung dường như có dụng ý buông thả nhiều hơn cho trí tưởng tượng của người xem, không muốn đánh đố họ bằng sự rối rắm mà không ít tác giả đi theo trừu tượng thường mắc phải. 

Họa sĩ chia sẻ: “Ban đầu, hội họa của tôi cũng đầy màu sắc, sau một thời gian, tôi chọn cho mình con đường đi tối giản và kiệm màu. Gam màu chủ đạo đen trắng và những tông màu ghi, đôi khi nếu chơi màu thứ ba trên tác phẩm tôi sẽ ưu tiên màu đỏ. Nhưng dù ít màu hay nhiều màu, tác phẩm của tôi vẫn thể hiện rõ sự cô đọng - đơn giản nhưng đầy sức mạnh”.

Tranh của họa sĩ Doãn Hoàng Lâm.

Tào Linh vẽ chưa lâu, anh vốn là dân kỹ thuật rồi “nhảy dù” sang lãnh địa nghệ thuật, nhưng nhanh chóng nhập cuộc với đời sống hội họa qua rất nhiều triển lãm chung và riêng. Tranh của Tào Linh ẩn chứa một sự từng trải, giàu chất suy tưởng, tính ẩn dụ cao, được tiết chế đến độ cô đọng. Những triết lý về đời sống được trình bày nhẹ trên bề mặt nhưng sâu dưới đáy, có sức thẩm thấu lớn, mang đến một cảm giác dễ chịu cho người xem. Tào Linh từng nói: “Vẽ chính là sự thực hành chánh niệm”, ít nhiều cho thấy quan niệm của anh trong nghệ thuật.

Tranh của Tào Linh phảng phất chất thiền, có khả năng truyền năng lượng tích cực cho người xem, khơi gợi những vọng tưởng thầm kín khuất lấp đâu đó trong tâm hồn. Đứng cạnh tranh của Doãn Hoàng Lâm và Nguyễn Vân Chung, tiếng nói trong tranh của Tào Linh giống như một chiếc cầu nối, tạo ra sự hài hòa cần thiết của “bộ ba”, một sự “có lý” để 3 người cầm cọ đứng chung trong một triển lãm.

Họa sĩ Nguyễn Vân Chung.

Tôn vinh cái đẹp

Giữa những ngày dịch bệnh, ba họa sĩ vẫn quyết tâm hoàn thành kế hoạch cho cuộc triển lãm. “Chúng tôi biết rằng thời điểm này không có lợi cho triển lãm, vì người xem có thể sẽ ngại tới những nơi có hoạt động văn hóa cộng đồng. Nhưng chúng tôi nghĩ, chính trong giai đoạn khó khăn như lúc này lại rất cần đến tiếng nói của tình yêu cuộc sống, của cái đẹp. Nghệ thuật sẽ mang đến sự cân bằng cho mọi người, giúp mọi người giải phóng những cảm xúc tiêu cực, vượt qua những khó khăn trước mắt”- họa sĩ Doãn Hoàng Lâm nói. 

Nhóm cũng cho biết, hầu hết các tranh họ trưng bày trong triển lãm, tuy không đề cập cụ thể những câu chuyện chống dịch, nhưng là những suy tư của người họa sĩ về thế giới, về thân phận con người, về sự mất còn, sự tồn tại hay không tồn tại… 

Phần lớn những bức tranh đều được vẽ trong thời gian dịch bệnh là lời thì thầm ý nhị từ nội tâm người nghệ sĩ nhằm chia sẻ với công chúng, với cộng đồng những thử thách mà tất cả chúng ta đang phải trải qua. 

Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm thể hiện rất rõ quan điểm nghệ thuật của từng họa sĩ, mỗi người đều có sự cực đoan đáng yêu. Họ là những cá tính nghệ sĩ riêng biệt, độc lập. Họ gần nhau ở tinh thần cởi mở, nghiêm túc, cẩn trọng trong sáng tạo, nhưng xu hướng và con đường đi là khác biệt, không chịu ảnh hưởng hay thỏa hiệp. Vừa đồng nhất vừa đối lập chính là sự thú vị mà sự kết hợp của bộ ba này tạo ra cho công chúng, trong triển lãm lần này.

“Độc thoại” - tranh của họa sĩ Tào Linh.

Tào Linh, Doãn Hoàng Lâm, Nguyễn Vân Chung đều là những họa sĩ có dấu ấn trong đời sống hội họa. Họ đều đã có những triển lãm riêng. Một vài trong số họ bán tranh rất tốt. Khi được hỏi vì sao lại thường xuyên tham gia vào các triển lãm nhóm, họa sĩ Doãn Hoàng Lâm chia sẻ rất thật: “Công việc của họa sĩ vốn cô đơn. Khi vẽ, chúng tôi chỉ có một mình, đối diện với chính mình. Đôi khi tôi có thể ngồi mấy ngày liền trong xưởng vẽ. Chính vì vậy chúng tôi rất “thèm” được giao lưu, gặp gỡ, và triển lãm nhóm chính là cơ hội để gặp bạn bè, những người tương đồng với mình về quan điểm nghệ thuật. Qua triển lãm nhóm, chúng tôi có thể học hỏi lẫn nhau, trao đổi các vấn đề từ học thuật tới đời sống, điều này rất tốt cho công việc của mỗi người”.

Trong khi rất nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật ở lĩnh vực biểu diễn, giải trí phải ngừng trệ, thì hội họa với lợi thế đặc thù của mình thực sự mang đến nhiều cảm xúc tích cực cho người xem trong mùa dịch. “Toan” hay nhiều triển lãm nhóm gần đây đang góp phần làm phong phú đời sống hội họa trong nước.

Bình Nguyên Trang
.
.
.