Cuộc "chơi" nhạc cổ điển ngoài… "thánh đường"

Thứ Ba, 14/05/2019, 20:18
Bên cạnh các chương trình công lập diễn ra ở các nhà hát lớn, trong những năm qua, có không ít cá nhân, nhóm nhạc nỗ lực đưa nhạc cổ điển đến gần công chúng hơn, bằng nhiều cách khác nhau.


Ngày 11-5, đêm nhạc "Dấu ấn" đã ra mắt khán giả TP Hồ Chí Minh tại Soul Live Project Complex (214 - 216 Pasteur, quận 3). Thuộc dự án "Soul Live Project Series: The Modern Classics" với mục đích mang nghệ thuật giao hưởng thính phòng đến gần hơn với khán giả đại chúng, "Dấu Ấn" muốn tạo ra những trải nghiệm nhạc cổ điển tươi mới và gần gũi hơn nhằm khơi gợi sự yêu thích của khán giả thành phố.

Đây có lẽ là lần đầu tiên, tình khúc của các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Dương Thụ, Thanh Tùng, Bảo Chấn, Quốc Bảo, Ngọc Lễ, Anh Quân,... cùng hội ngộ trong một không gian đặc biệt như vậy. Giai điệu ca khúc được chuyển soạn bởi nhạc sĩ trẻ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, và được thể hiện một cách hoàn toàn mới, trẻ trung, hiện đại và gần gũi hơn qua phần trình diễn của nhóm tứ tấu dây, bao gồm 4 nhạc công trẻ tài năng đến từ SPYO.

"Soul Live Project Series: The Modern Classics" là chuỗi chương trình do Amberstone Media kết hợp cùng Học viện Âm nhạc Curtis nổi tiếng thế giới tổ chức, đưa vào hoạt động hơn một năm nay. Ở dự án này, nhạc cổ điển sẽ được thể hiện với nhiều phong cách khác nhau, có cả truyền thống lẫn hiện đại, với mong muốn tạo ra những trải nghiệm nhạc cổ điển gần gũi hơn, khơi gợi sự yêu thích của khán giả. 

Theo đó, dự án sẽ giới thiệu đến khán giả Việt Nam những nghệ sĩ nhạc cổ điển độc đáo trên thế giới, trong khu vực châu Á và Việt Nam - những nghệ sĩ không ngần ngại vượt qua những ranh giới, những quy luật thường được gắn mác cho môn nghệ thuật này, để thể hiện tầm nhìn nghệ thuật độc đáo của riêng mình.

Nguyễn Đỗ Anh Tuấn sẽ dẫn dắt đêm nhạc "Dấu ấn" vào ngày 11-5 tới tại TP Hồ Chí Minh.

Trước "Dấu ấn", có thể kể ra một số chương trình thuộc chuỗi dự án này thực hiện như: Chương trình "From Europe with love" với sự thể hiện đặc biệt của nghệ sĩ nổi tiếng Benjamin Appl; khám phá muôn màu bộ Gõ cùng nữ nghệ sĩ Hàn Quốc Gina Hyungi Lee; Đêm nhạc giao thoa văn hóa Đông - Tây saxophone - piano từ bộ đôi nghệ sĩ Hong Kong Timothy Sun và Jacqueline Leung; sê-ri "Curtis on tour: Vera quartet"...

Đầu tháng 4 cũng diễn ra cái bắt tay ngoài nhà hát giữa Giám đốc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh Tạ Quang Đông ký với nghệ sĩ Thanh Bùi - người sáng lập AMPA Education nhằm hướng đến mục tiêu chung: Kết nối - giáo dục - phát triển cộng đồng âm nhạc và nghệ thuật tại Việt Nam. 

Tại lễ ký kết, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Tạ Quang Đông, Giám đốc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, cho biết sự hợp tác này nhằm đẩy mạnh, phát triển chiến lược "trách nhiệm cộng đồng" thông qua việc tích hợp chương trình đào tạo quốc tế vào giáo trình giảng dạy sinh viên chính quy, đồng thời thực hiện các dự án phi lợi nhuận về âm nhạc và nghệ thuật nhằm xây dựng nền tảng giáo dục sáng tạo vững chắc cho học sinh/ sinh viên trên toàn quốc.

Theo đó, hai bên sẽ cùng nhau thực hiện các hoạt động như: Giới thiệu, quảng bá các chương trình biểu diễn, hội thảo (workshop), lớp học kỹ năng nâng cao (masterclass) dành cho học sinh, sinh viên và công chúng trong và ngoài nước; hợp tác giữa giảng viên và học viên của hai bên trong các Liên hoan nghệ thuật, biểu diễn, cuộc thi, trại hè âm nhạc, chuỗi chương trình đêm nhạc cộng đồng với dàn nhạc giao hưởng SPYO…

Trong khi đó, những chương trình hòa nhạc lớn mang tính thường niên do các đơn vị tư nhân thực hiện, đang ngày càng khẳng định uy tín của mình. Trong đó, đáng kể là Hòa nhạc Toyota.

Mục đích của các chương trình là kéo công chúng Việt Nam đến gần âm nhạc cổ điển.

Tổ chức thường niên từ năm 1998, với sự hợp tác của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, chương trình này đã trở thành món ăn tinh thần của người yêu nhạc cổ điển Việt Nam. Hơn 60 đêm hòa nhạc trong 21 năm qua đón nhận gần 40.000 khán giả trên nhiều tỉnh thành phố trên cả nước.

Chương trình còn là cơ hội cho nhiều tài năng âm nhạc trẻ Việt Nam có cơ hội tham gia biểu diễn cùng với dàn nhạc, như nghệ sỹ violin Đỗ Phương Nhi, Bùi Công Duy, ca sĩ Tùng Dương, Trịnh Thanh Bình, Đào Tố Loan...

Không chỉ mang đến những đêm diễn đầy màu sắc cho khán giả đam mê dòng nhạc cổ điển, chương trình còn góp phần phát triển nguồn nhân lực - các tài năng âm nhạc trẻ Việt Nam, khi toàn bộ số tiền bán vé của các đêm diễn được sử dụng cho chương trình "Học bổng Toyota hỗ trợ tài năng trẻ âm nhạc Việt Nam".

Ngoài ra, dưới sự bảo trợ của Sun Group, Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời - The Sun Symphony Orchestra (SSO) được hình thành năm 2017 đến nay cũng đi được chặng đường 2 năm ấn tượng. 

Với mong muốn trở thành nơi nuôi dưỡng và mang đến những cơ hội mới cho các tài năng âm nhạc cổ điển Việt Nam, SSO đề ra mục tiêu dài hạn của dàn nhạc là đưa những buổi biểu diễn đẳng cấp tới khán giả trên cả nước, đặt nền móng đưa âm nhạc cổ điển Việt Nam có tên trên bản đồ âm nhạc thế giới. 

Hồi tháng 3 vừa qua, chương trình Hòa nhạc Hợp tác Giáo dục - buổi số 2 do SSO được diễn ra thành công tại Hà Nội với sự xuất hiện của ba nghệ sĩ piano nhí, gồm: Phan Thiên Bạch Anh, Trương Thị Ngân Hà và Lưu Danh Khôi, và những bản giao hưởng đi cùng năm tháng của các nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới như: "Finlandia" (Jean Sibelius); các tác phẩm độc tấu "Piano Concerto" của Mozart, Chopin và Beethoven; và "Thunder and Lightning Polka" của Strauss II.

Luala Concert đưa nhạc cổ điển ra phố.

Và không thể không nhắc đến chuỗi Luala Concert với những buổi trình diễn trên vỉa hè Hà Nội, diễn ra trong suốt nhiều năm qua. Đây là dự án âm nhạc cộng đồng do DX Group cùng nhà xuất bản âm nhạc (Dihavina) đứng ra tổ chức, với mục tiêu mang âm nhạc cổ điển đến với đông đảo người dân Thủ đô. Đến nay, Luala concert được xem là một thương hiệu, một món ăn tinh thần không thể thiếu khi nhắc đến âm nhạc cổ điển ở Hà Nội.

Để vận hành tổ chức một chương trình nhạc cổ điển không dễ và đòi hỏi một nguồn kinh phí lớn. Ngân sách nhà nước lại có hạn. Trong khi đó, không phải ai cũng có điều kiện để mua vé thưởng thức những chương trình do nhà nước thực hiện. 

Sự ra đời và hoạt động của các dự án ngoài công lập, trong đó có những chương trình miễn phí hoặc khán giả chỉ cần bỏ một khoản chi phí vừa phải, mang tính tượng trưng, do các cá nhân, đơn vị tư nhân thực hiện trong những năm qua có một đóng góp không nhỏ trong việc kéo thể loại âm nhạc được xem là hàn lâm và kén người nghe này đến công chúng Việt Nam, tăng sự hiểu biết của khán giả Việt Nam. 

Đồng thời phá vỡ định kiến cố hữu, rằng nhạc cổ điển không phải dành cho một thành phần cá biệt nào, bất cứ ai cũng có thể thưởng thức được vẻ đẹp của nhạc cổ điển; qua đó, góp phần nâng cao khả năng cảm thụ âm nhạc của người dân Việt Nam.

"Nếu chúng ta có thể cho phép bản thân được tự do kết nối, bất cứ ai cũng có thể nghe và cảm thụ được âm nhạc thính phòng. Nhạc thính phòng chứa đầy nội lực để khiến ta thực hiện được điều đó. Tứ tấu đàn dây có thể được biểu diễn ở nhiều loại hình không gian nghệ thuật khác nhau, và người nghệ sĩ biểu diễn đặc biệt quan tâm đến việc tùy chỉnh từng tiết mục sao cho phù hợp nhất với từng người thưởng thức. Trong 2 tháng vừa qua, chúng tôi đã biểu diễn cho các khán thính giả tại Viện Âm nhạc Curtis, các buổi hòa nhạc thính phòng khác nhau trên khắp Đông Bắc Hoa Kỳ, viện dưỡng lão, và các trường tiểu học trên toàn hệ thống trường công lập Philadelphia. Chúng tôi biểu diễn cùng một tiết mục một cách chỉnh chu nhất cho mọi khán giả, nhưng lại được thể hiện theo những cách khác nhau, để khán giả ở mọi nhóm tuổi đều có thể dễ dàng kết nối chính mình với âm nhạc mà chúng tôi đang biểu diễn". 

(Nhóm nhạc Vera Quartet)

Tháng Sáu
.
.
.