Nghi án Mourinho bị... tạo phản:

Cuộc chơi số phận của nghề huấn luyện viên

Thứ Ba, 10/11/2015, 15:30
Số phận của Chelsea đang đến hồi nguy kịch. Nhưng suốt cả tuần qua, chẳng mấy ai lo cho họ, mà ngược lại, tâm điểm chuyển qua số phận của HLV Jose Mourinho. Từ tội đồ, Mourinho trở thành "kẻ bị hại" với tiết lộ về việc một số trụ cột của Chelsea đang tạo phản. Câu chuyện về các HLV lại được xới lên, ở đó vai trò của cầu thủ lại là yếu tố quyết định đến sự nghiệp của họ.
1. Với tư cách đương kim vô địch Premier League, Chelsea hào sảng bước vào mùa giải mới với niềm kiêu hãnh ngút trời. Nhưng rồi, sự tự tin và một chút "vênh váo" của cả Chelsea lẫn Mourinho  bị nhấn chìm trong bể khổ. Hàng loạt thất bại muối mặt kéo dài triền miên ở mọi đấu trường, đã khiến người ta cảm thấy thương hại nhà ĐKVĐ, thấy ê chề với lòng kiêu hãnh của Mourinho.

Thậm chí đến đường cùng, khi Chelsea nhận  "lệnh" phải thắng trận gặp Stoke ở League Cup, họ cũng thua trên chấm luân lưu. Rồi đến trận gặp Liverpool trên sân nhà, họ cũng lại thua tức tưởi 1-3. Chuyện gì đã xảy ra? Không ai hiểu. Những lời giải thích đều chỉ là lý thuyết. Bởi Chelsea đã trở thành ông hoàng với những con người hiện tại, và cũng rơi xuống địa ngục cũng với những người này.

Sau thất bại trước Liverpool, khi trả lời phỏng vấn sau trận, Mourinho chỉ có duy nhất 1 câu: "Tôi không có gì để nói". Nó được lặp lại ở cả 6 câu hỏi, kéo dài chỉ 55 giây mà phóng viên đặt ra. Hoàn toàn không có sự "kháng cự" hay vùng vẫy nào của Người đặc biệt, một người luôn ngạo mạn, công kích người khác chứ không bao giờ nhận lỗi về mình. Khi ấy, câu chuyện về phong độ của Chelsea đã bị đặt dấu hỏi. Liệu Mourinho có phải nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém khó hiểu này?

Chỉ 1 ngày sau, báo chí khắp nơi tiết lộ rằng, Mourinho không phải là nguyên nhân, mà ông chỉ là nạn nhân của một cuộc tạo phản, có thể đang lây lan trên diện rộng trong phòng thay đồ của Chelsea. Một lần nữa, chuyện "đâm sau lưng" HLV lại được dịp bùng nổ. Đây là chuyện không hiếm trong thế giới bóng đá phức tạp ở Anh nói riêng và ở châu Âu nói chung, nhất là ở những CLB lớn. Khái niệm "nghề HLV là nghề nguy hiểm, chiếc ghế của họ phần lớn do cầu thủ nắm giữ" lại được khơi lại. Vấn đề nằm ở chỗ, những HLV dính đòn "tạo phản" sẽ ứng xử với nó như thế nào để tự giải cứu mình?

Với cá nhân Mourinho, đây không phải lần đầu tiên ông đối diện với cuộc "nổi dậy" trong phòng thay đồ. Tuy nhiên, mỗi thời điểm mỗi khác, và mỗi hoàn cảnh lại có những yếu tố khác nhau tác động đến uy tín và cách "điều chỉnh" của ông. Từ Chelsea nhiệm kì đầu tiên, đến Real Madrid, Mourinho đều phải đối mặt với những "hiểm họa trong bóng tối". Và cũng không chỉ riêng HLV đầy cá tính này, mà rất nhiều những HLV có tên tuổi cũng từng phải đương đầu với vấn nạn trong phòng thay đồ, một hiểm họa mà giới chuyên môn thường gọi bằng cái tên: Thế lực đen, hay "băng mafia" trong phòng thay đồ.

    

Fabregas và Hazard (phải), những người bị tình nghi phản Mourinho.

2. Khi dẫn dắt Chelsea lần đầu tiên, Mourinho cũng có rất nhiều thành công, với 2 danh hiệu vô địch Premier League liên tiếp ở các mùa 2004/05 và 2005/06. Nhưng cũng vào thời điểm này năm 2007, chính xác là ngày 20/9/2007, Mourinho rời Chelsea sau chuỗi thành tích tệ hại. Khi ấy, ở đỉnh cao Chelsea cũng bất ngờ lụn bại với những trận thua khó tin. Và sau khi Mourinho bị sa thải, rất nhiều tin đồn rằng đội trưởng John Terry là người cầm đầu băng nhóm chống lại Mourinho, trong đó có những nhân vật cộm cán trong đội hình Chelsea khi ấy như Drogba.

Sự mâu thuẫn giữa họ không được đặt tên rõ ràng, mà chỉ biết những xung đột đến từ tính khí quá mạnh của Mourinho, không để một khe hở nào trong phòng thay đồ, và biến cầu thủ trở thành những cái máy, những con rô-bốt chiến đấu vì ông. Và khi cá tính của những trụ cột nổi dậy, họ cũng muốn một "thế giới riêng cho mình", một vị trí kiểm soát phòng thay đồ, mọi chuyện đã đến giới hạn.

Không chỉ có Mourinho, người kế nhiệm là Scolari cũng phải cuốn gói rời CLB chỉ sau 7 tháng tại vị. Chỉ 1 tuần sau khi rời Chelsea, Scolari nói bóng gió rằng: "Quyền lực ở trong bóng đá bây giờ thuộc về một nhóm cầu thủ. Và Chelsea cũng vậy". Lúc đó, người ta mới tiết lộ rằng, chỉ trong vài tháng ngắn ngủi ở Stamford Bridge, Scolari đã nhận lời chỉ trích không thương tiếc của P.Cech, Ballack, Drogba… nhưng trong số đó không có Terry, một "ông trùm giấu mặt".

Khi đến Real Madrid trong tư thế của HLV vừa mới vô địch Champions League (cùng Inter Milan), Mourinho đặt nhiệm vụ kiểm soát phòng thay đồ một cách chặt chẽ. Bởi lẽ Real Madrid là nơi "băng nhóm quyền lực đen" nổi tiếng nhất trong số các CLB châu Âu. Từ Raul Gonzalez, tới Casilla, rồi C.Ronaldo… tất cả đều tạo ra những thế lực ngầm, mà ở đó đã có không biết bao nhiêu câu chuyện về số phận HLV phải ngậm ngùi ra đi.

Có thể kể đến Del Bosque, chỉ 1 ngày sau chức vô địch La Liga đã phải xin từ chức, rồi những HLV như Luxemburgo, Juan Caro, Juande Ramos, Pellegrini, Bernd Schuster… đều đã phải "bỏ của chạy lấy người" vì không thể kiểm soát nổi thế lực ngầm Real. Và sau 2 năm ở đây, Mourinho cũng trở thành nạn nhân. Dù đã thẳng tay trừng trị, loại bỏ những "kẻ cầm đầu" thế lực ngầm như Raul, Casillas, nhưng Mourinho vẫn thua cuộc trước sức mạnh của nhóm này, cụ thể là vai trò quá lớn của thủ thành Casillas.

Thông tin HLV Rodgers bị cầu thủ Liverpool tạo phản được đăng tải trên báo chí Anh.

Thời điểm này, có một câu chuyện được kể bởi Jerzy Dudek, thủ môn dự bị của Real Madrid. Mourinho đã họp khẩn hồi năm 2011, ngay sau trận hòa 1-1 với đại kình địch Barcelona. Ở đó, ông tuyên bố rõ ràng: đang có kẻ đâm lén ông sau lưng. "Kẻ phản bội" không được lôi ra ánh sáng, nhưng ai cũng hiểu Mourinho đã có bằng chứng và tên tuổi người đó. Ông không nêu tên vì áp lực và uy tín của tên tuổi đó quá lớn.

Mourinho nói rằng: "Chúng ta không thể gây bất ngờ cho Barca khi mà có kẻ phản bội trong số các cậu ngồi đây. Đúng. Đó là kẻ phản bội. Chúng ta đã tập luyện cả tuần, đẩy Pepe lên bắt chết Messi. Mọi thứ đã hoàn hảo. Phương án ấy đã nắm chắc thành công. Nhưng kẻ đó đã tiết lộ cho phía Barca. Đó là chưa nói đến việc, có kẻ đã phản bội, không đá bóng mà là dạo chơi".

Nhưng mọi chuyện vẫn im lặng phía sau cánh cửa phòng thay đồ. Và sau đó Mourinho ngậm ngùi ra đi. Và ngày trở lại Chelsea, một lần nữa ông lại mất khả năng kiểm soát hậu trường. Mấy trận gần đây, Chelsea thua tơi tả. Rồi việc Fabregas thi đấu vật vờ, Hazard biến mất… những trụ cột của Chelsea mờ nhạt đến lạ lùng. Họ sau đó bị đày lên ghế dự bị, đặc biệt là Fabregas.

Thế là những nghi hoặc bắt đầu. Điều đáng nói nhất chính là phong độ sa sút không thể tin nổi của Chelsea bắt đầu từ sau vụ Mourinho tống cổ nữ bác sĩ Carneiro khỏi Chelsea. Vụ này bắt nguồn từ việc Carneiro vào sân ở những phút cuối chăm sóc cho Hazard bị đau khi Chelsea đang bị Swansea cầm hòa 2-2, nhưng Mourinho lại chửi bới nữ bác sĩ này và cho rằng cô đã giúp đối thủ kéo dài thời gian. Bác sĩ Carneiro còn đòi kiện Mourinho và Chelsea vì đối xử bất công. Sở dĩ nguyên nhân này được nhắc đến như một trong những lý do mà Mourinho phải nhận "hậu quả" là bởi Carneiro có quan hệ rất thân thiết với những trụ cột của Chelsea. Thông tin này được tiết lộ bởi tài khoản blog nặc danh nhưng rất nổi tiếng: Secret footballer, và cả trang tin nổi tiếng và uy tín như BBC.

Thậm chí blog này còn nêu rõ, một số trụ cột Chelsea nói rõ rằng: họ không muốn thắng vì Mourinho. Và người cầm đầu nhóm này được cho là Fabregas, và hỗ trợ anh chính là Hazard. Chelsea mùa giải năm ngoái phụ thuộc rất nhiều vào bộ đôi này, và mùa này khi họ gần như không đá, Chelsea lụn bại. Và mọi suy luận khá logic. Nhất là khi người ta chứng kiến chính Hazard đã đá hỏng quả luân lưu quyết định khiến Chelsea bị Stoke loại khỏi cúp Liên đoàn Anh giữa tuần trước, ngay trong thời điểm nước sôi lửa bỏng.

3. Mọi chuyện lúc này vẫn đang nằm trong sự nghi vấn. Fabregas đã lên tiếng phủ nhận thông tin trên. Mọi tin tức về vụ việc vẫn dừng lại ở đó. Nhưng câu chuyện lại rất logic khi ban lãnh đạo Chelsea đã không sa thải Mourinho như "dự kiến" (nếu thua Stoke và Liverpool). Thậm chí, phía Monaco đã đưa ra lời đề nghị giải phóng hợp đồng cho Mourinho với giá 35 triệu bảng, nhưng Chelsea vẫn từ chối. Thậm chí họ tiếp tục cho ông cơ hội.

Có vẻ như những scandal trong phòng thay đồ của Chelsea là có thật. Mourinho cũng đang đối đầu với thách thức cực lớn phía sau hậu trường. và Chelsea cũng hiểu Mourinho không có lỗi, và để ông giải quyết vấn đề này. Dẫu sao, câu chuyện mới chỉ bắt đầu, hồi kết vẫn còn bỏ ngỏ cho mọi khả năng. Rất có thể, kết cục cũng sẽ chẳng khác những vụ việc tương tự.

Một CLB có thể sa thải một HLV, chứ không thể sa thải hay vứt đi những trụ cột của mình. Và câu chuyện chiếc ghế của HLV do cầu thủ nắm giữ ngày càng được khẳng định như một quy luật nghiệt ngã của bóng đá, của nghề HLV. Và hơn ai hết, Mourinho đủ bản lĩnh, sự dày dặn để đối phó với điều đó. Nó gần như là một điều bắt buộc với bất kì HLV nào muốn ngự trên đỉnh cao.

Những HLV từng bị... bán đứng

Có rất nhiều HLV đã từng tiết lộ hoặc được cho rằng từng là nạn nhân của một nhóm "quyền lực đen". Ngay cả HLV lừng lẫy như Ferguson cũng nhiều lần dối diện vấn đề này. Rất nhiều vụ việc đã xảy ra, nhưng Ferguson đã giải quyền bằng cái uy và sự quyết liệt (thậm chí đôi khi độc đoán) của mình.

Ông đã từng hất cẳng rất nhiều ngôi sao ra đường vì có biểu hiện muốn bành trướng phòng thay đồ, hoặc chống đối ông. Trong đó có thể kể đến những Beckham, Roy Keane, Paul Ince, M.Hughes… Tất cả đều phải rời khỏi Man Utd dù đang ở thời kì đỉnh cao. Tuy nhiên, chẳng phải ai cũng cao tay và quyền uy như Ferguson.

Mới đây, HLV B.Rodgers bị Liverpool sa thải, và báo chí cũng đăng ầm lên rằng ông là nạn nhân của thế lực ngầm tại sân Anfield. Những HLV nổi tiếng khác từng phải xách vai "ra đường" vì cầu thủ còn phải kể đến Mancini. Ngay mùa giải sau khi giúp Man City lần đầu tiên vô địch Premier League, ông cũng rơi vào hoàn cảnh y hệt Mourinho bây giờ. Sau đó báo chí cũng tiết lộ, Mancini không được lòng học trò, thậm chí một nhóm còn không coi trọng ông và có âm mưu phản trắc.

Lê Giang
.
.
.