Cuộc hội ngộ của niềm tin

Thứ Ba, 15/09/2015, 10:55
Cuộc hội ngộ của 4 tác giả trẻ, Đào Trung Hiếu, Nguyễn Đình Tú, Phong Điệp và Nguyễn Hữu Phùng Nguyên tại Hội chợ sách Quốc tế Việt Nam - Công viên Thống Nhất Hà Nội với những tác phẩm vừa ra lò của họ đã thu hút đông đảo người đọc. Nếu ai đó nói rằng bạn đọc đang ngoảnh mặt với văn chương, thì cuộc hội ngộ này đã cho chúng ta một niềm tin, sách văn học vẫn được chờ đón...
Tôi nhìn thấy rất nhiều những người già, họ đến từ sớm, nhiều người trong số họ đã đọc "Cô Mặc Sầu" của Nguyễn Đình Tú hay "Vực gió" của Phong Điệp. Tôi cũng nhìn thấy rất nhiều bạn trẻ, háo hức cầm trên tay "Thành phố không có cầu vồng" của Nguyễn Hữu Phùng Nguyên, hay "Bão ngầm" của Đào Trung Hiếu. Cái không khí đó, niềm say mê đó, đã hiện diện rất thật tại cuộc giao lưu với 4 tác giả trẻ.

Đó là những khoảng lặng sau những ồn ào, náo nhiệt của mỗi hội chợ sách. "Bão ngầm", "Cô Mặc Sầu", "Vực gió", "Thành phố không có cầu vồng" là bốn trong số tác phẩm đã đạt giải cao trong cuộc thi sáng tác văn học về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" (2012 - 2015) do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Bốn tác giả tại buổi giao lưu với bạn đọc.

Đào Trung Hiếu từng là một Cảnh sát hình sự, nhưng trót đam mê văn chương. Nhiều người thắc mắc, vì sao một cảnh sát hình sự cầm bút viết văn lại thành công đến thế. "Bão ngầm" là tác phẩm đầu tay của anh nhưng đã giành giải cao nhất tại cuộc thi Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống. Anh chia sẻ: "Bão ngầm" là tích lũy của 18 năm làm lính hình sự của anh.

Cuốn tiểu thuyết viết về đề tài nóng của xã hội: Bài trừ ma túy. Đây cũng đồng thời là một trong những hoạt động nghiệp vụ đặc thù, chuyên sâu nhất của ngành Công an. Vì bí mật nghiệp vụ, nên người lính luôn chiến đấu và hy sinh thầm lặng. Đào Trung Hiếu đã mượn văn chương để kể về những góc khuất, những thân phận người phía sau những chuyên án. Ở đó có những người sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, gian khổ, vượt lên tất cả, hy sinh đến cả hạnh phúc riêng tư, hy sinh cả tính mạng của mình để chống lại cái ác; có những kẻ thì lại phản bội đồng đội vì những tham sân si...

Tiểu thuyết đầu tay của Đào Trung Hiếu được đông đảo bạn đọc quan tâm bởi sự chân thực, sống động của từng trang viết. Nhưng tôi nghĩ, điều thu hút của anh bắt nguồn từ sự tò mò, lính hình sự sẽ viết văn như thế nào. Anh cho biết, anh đang chuyển thể tiểu thuyết "Bão ngầm" thành một series phim truyền hình. Niềm đam mê văn chương dường như đang cuốn Đào Trung Hiếu đi xa khỏi điểm xuất phát của mình. Và tình yêu đó của anh đang được bạn đọc đón nhận.

Một nhân vật đã có tên trong làng văn, nhà văn Nguyễn Đình Tú cũng trình làng cuốn tiểu thuyết thứ  8 "Cô Mặc Sầu". Không gian tiểu thuyết được gói gọn trên những cung đường đẹp như tranh và trong thung lũng nhỏ bé, xinh đẹp bạt ngàn hoa Dạ thảo phong. Giữa những yên bình, thơ mộng ở một góc rừng núi xa lắc ấy bỗng rúng động bởi những vụ án liên tiếp xảy ra. Và chỉ với hơn một tuần đi điền dã lấy tư liệu cho khóa luận tốt nghiệp, chàng sinh viên Khoa đi hết từ những ngạc nhiên đến choáng váng, hoảng sợ với bao sự kiện dồn dập ngay trước mắt…

Điều gì thu hút Nguyễn Đình Tú dừng chân lâu ở đề tài truyện trinh thám như thế. Anh nói, anh bị thu hút bởi những cuộc chiến thầm lặng của các chiến sĩ Công an. Nhưng điều cốt lõi với người cầm bút thì mọi thể tài không còn quan trọng, mà đó là những trang viết về những thân phận người. Tại cuộc giao lưu, rất nhiều bạn đọc xếp cả hàng dài chờ xin chữ ký của anh. Có thể nói, Nguyễn Đình Tú đang có một lượng fan khá lớn, theo dõi và chờ đón những trang viết của anh. Nhiều người đã đọc kỹ từng chi tiết, chia sẻ những cảm xúc của họ về số phận của từng nhân vật. 

"Vực gió" là một thử nghiệm mới của nhà văn Phong Điệp, với một góc nhìn mới mẻ về đề tài Công an. Một cô gái mới mười bảy tuổi còn đầy bỡ ngỡ với cuộc đời nhưng đã phải đối diện với những bi kịch khủng khiếp nhất! Với những chuyến đi tìm sự thật mang màu sắc "liêu trai" đầy hấp dẫn của Lam trong "Vực gió", Phong Điệp muốn đưa ra một cách tiếp cận mới về cuộc sống của giới trẻ khi gặp phải những nỗi bất hạnh, mất mát.

Trong sự hoang mang, đổ vỡ và đầy mặc cảm đó, họ sẽ phải ứng xử thế nào? Họ đối mặt và giải quyết ra sao trước cái ác? Truyện có đầy đủ chất của một vụ án hình sự, nhưng lại đúng là một tiểu thuyết tâm lý xã hội với kết cấu hiện đại, văn phong đằm sâu, nữ tính. Phong Điệp cho biết, chị bị hấp dẫn bởi đề tài này, ở đó có những góc khuất mà chúng ta chưa bao giờ chạm tới.

"Thành phố không có cầu vồng" cũng là tiểu thuyết đầu tay của nhà báo Nguyễn Hữu Phùng Nguyên. Nhiều bạn đọc thắc mắc vì sao anh lại đề tên cuốn sách có vẻ "sến" như thế. Hơn 15 năm viết phóng sự, lăn lộn khắp các vùng miền của đất nước, gặp đủ hỉ nộ ái ố của cuộc đời đã cho anh một vốn sống đầy đặn. Cuốn sách tái hiện một cuộc chuyển dịch đầy hi vọng nhưng rồi lại chìm trong bi kịch của những người trẻ tuổi từ nông thôn ra thành thị.

Thất vọng về đời sống thực, không đủ bản lĩnh để vượt qua, những người trẻ tuổi đã đắm mình trong ma túy và internet với những ảo giác mê hoặc. Chính ở đó, họ bị bọn tội phạm dẫn dụ vào thứ "tôn giáo" suy đồi của chúng. Lần đầu tiên, một kiểu tội phạm mới: trí thức, với tham vọng biến ma túy thành một thứ "tôn giáo" đã được tác giả thể hiện khá hấp dẫn.

Đào Trung Hiếu, Nguyễn Đình Tú, Phong Điệp, Phùng Nguyên, họ là những người trẻ dấn thân trong hành trình đi tìm cái đẹp của văn chương. Và may mắn thay, họ đã tìm được sự đồng cảm, chia sẻ của bạn đọc.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Tôi viết về những thân phận người

"Cô Mặc Sầu" hiện diện trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây như một tác phẩm tiếp theo của tôi về đề tài Công an. Nếu phải nói đến hai chữ đề tài, thì có hai lý do để tôi trở đi trở lại với đề tài tạm gọi là "hình sự" này.

Thứ nhất, tôi yêu thích các hoạt động phòng chống tội phạm nói chung, công việc của những chiến sĩ Công an nói riêng, bởi nó hội tụ đủ các yếu tố Thiện - Ác, Tốt - Xấu, Cao cả- Thấp hèn, Anh hùng, Bội phản, Hỉ, Nộ, Ái, Ố... của cuộc đời, xét cho cùng đó chính là những mối quan hệ cốt lõi mà muôn đời con người và văn học quan tâm.

Thứ hai, cứ mỗi khi chuẩn bị viết một tác phẩm mới, tôi lại nhớ đến những phản hồi của bạn đọc, họ luôn nhắc nhở tôi rằng họ chờ đợi những cuốn tiếu thuyết kiểu như ''Hồ sơ một tử tù'' hay ''Phiên bản'', tức là họ muốn tôi tiếp tục những cuốn sách về đề tài hình sự. Đấy là chia sẻ đôi chút về đề tài. Nhưng với một nhà văn chuyên nghiệp thì mọi đề tài chỉ là cái cớ để họ cầm bút trải lòng mình về cuộc đời này thôi. Khi sáng tác, tôi luôn tâm niệm rằng, tôi đang viết về những thân phận người...".

Nhà báo Nguyễn Hữu Phùng Nguyên: Viết từ nỗi ám ảnh

Tôi viết  cuốn  tiểu thuyết "Thành phố không có cầu vồng"  bắt nguồn từ  nỗi ám ảnh vì cái chết của một đứa bé đánh giày ở  thành phố Vinh.  Một đứa trẻ  ở vùng quê miền biển, nhà quá nghèo, phải bỏ học ra thành phố đánh giày kiếm sống. Đứa bé quăng thân vào gió bụi khi còn quá non nớt và ngay lập tức bị những cặn bã của hè phố  bủa vây. Đứa bé bị nghiện hút, bị bọn buôn bán ma tuý bắt đi bán lẻ heroin và cuối cùng bị đâm chết ngay ban ngày, giữa thành phố đông người qua.

Cái chết của đứa bé rồi cũng chìm trong quên lãng. Tôi Điều tra về cái chết của đứa bé, rốt cuộc cũng chỉ viết được bài phóng sự: "Tam giác quỷ giữa thành Vinh" đăng trên báo Tiền Phong. Cho đến bây giờ Công an vẫn chưa tìm ra được thủ phạm giết đứa bé… Nhưng điều đó cứ ám ảnh tôi, cứ làm cho tôi có cảm giác mắc nợ và chắc chỉ có văn chương mới có thể "giải thoát" mình khỏi ám ảnh này. Ám ảnh đó đủ là cái nguyên cớ cho một cuốn tiểu thuyết có tên "Thành phố không có cầu vồng".

Thành phố trong tiểu thuyết không chỉ không có cầu vồng mà còn không có những cơn mưa giông. Một thành phố trở nên xấu xí  bởi dục vọng thấp kém, trở nên không đáng sống bởi những âm mưa, thủ đoạn, tội ác nhằm thoả mãn thứ dục vọng đó.  Những điều đó đang khiến cầu vồng và những cơn mưa rời xa thành phố cũng như  tất cả những gì đẹp đẽ, thiên lương vốn cứu rỗi đời sống này bị đẩy đi…

Nhưng những đứa bé nghèo vẫn phải rời nông thôn đi về phía thành phố dù biết thành phố không hề có cầu vồng.

Phan Đăng
.
.
.