Cuộc hội ngộ vì tình yêu nhạc Trịnh

Thứ Hai, 19/10/2020, 07:19
Nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày Hà Nội đặt tên đường Trịnh Công Sơn và 37 năm ra đời bài hát “Nhớ mùa Thu Hà Nội” và “Đoản khúc thu Hà Nội”, Gallery39 tổ chức buổi ra mắt băng cối “Lênh đênh nhớ phố” - Giang Trang hát nhạc Trịnh Công Sơn, đồng thời khai mạc triển lãm 25 bức ảnh chụp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn của 3 nhà nhiếp ảnh: Hà Tường, Nguyễn Đình Toán và Dương Minh Long.


1. Có thể nói, âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã trở thành di sản và sống trong đời sống đương đại theo những cách khác nhau. Đây là lần đầu tiên từ 1975, âm nhạc của Trịnh Công Sơn được phát hành trên định dạng băng cối, tốc độ 15 sau khi đã có bản CD và đĩa nhựa (Vinyl) cùng do ca sĩ Giang Trang thể hiện, nhà sản xuất Trần Đức thực hiện.

Tinh thần giản dị, gần gũi trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn cũng như cách thể hiện mộc mạc của Giang Trang đã khích lệ nhà sản xuất Trần Đức làm cuốn băng cối đặc biệt này. Chương trình được remaster và thu âm bằng các thiết bị chuyên nghiệp hy vọng sẽ mang đến cho cộng đồng audiophile cũng như những người yêu âm nhạc Trịnh Công Sơn một trải nghiệm thưởng thức mới.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và bạn bè tại nhà của nhạc sĩ Văn Cao năm 1995. Ảnh: Nguyễn Đình Toán 

Trước đó, vào năm 2019, “Lênh đênh nhớ phố” của Giang Trang đã ra đĩa than đúng ngày giỗ thứ 18 của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Với 9 ca khúc và 1 bản hòa tấu (Rừng xưa đã khép, Mưa hồng, Góp lá mùa xuân, Tuổi đá buồn, Đời cho ta thế, Lời thiên thu gọi, Vườn xưa, Ru đời đi nhé, Như tiếng thở dài, Lênh đênh nhớ phố) có sự góp sức qua tiếng vĩ cầm bay bổng của Anh Tú và tiếng guitar tinh tế của Anh Hoàng.

Sau 7 năm, từ những bản thu mộc mạc không bản phối, “Lênh đênh nhớ phố” đã được "tái sinh" qua phiên bản đĩa than với chất lượng âm thanh chuẩn "audiophile”. Và bây giờ, một lần nữa album này lại xuất hiện trong định dạng băng cối.

Tự nhận mình là một người chơi nhạc hơn là một ca sĩ, Giang Trang đã có một con đường âm nhạc dài 7 năm với một vệt dài thử nghiệm âm nhạc Trịnh Công Sơn. Sở hữu một giọng hát trong trẻo và tinh thần tự do, phóng khoáng, Giang Trang đã mang đến một giọng điệu riêng trong các cuộc chơi âm nhạc của mình, như cách nói của Giang Trang, là để khám phá vẻ đẹp tĩnh lặng của âm nhạc Trịnh Công Sơn.

Trong 7 năm qua, Giang Trang luôn luôn được biết tới là ca sĩ chỉ hát duy nhất nhạc Trịnh. Không chỉ hát, đó là quãng thời gian cô tìm hiểu, thử nghiệm nhạc Trịnh Công Sơn trên nền tảng giai điệu và ca từ để khám phá Con người âm nhạc Trịnh Công Sơn.  Mỗi khi khám phá ra những "thuộc tính" mới ở âm nhạc của người mà cô yêu quý cả ở tài năng và nhân cách, cô thường ghi dấu lại điều đó bằng những album hay đêm nhạc riêng.

Phần hình ảnh của băng cối do họa sĩ Lê Thiết Cương thiết kế, nhiếp ảnh NHAT LE thực hiện, đặc biệt túi đựng băng cối được may từ vải lanh, dệt thủ công, chưa nhuộm chàm của người Mông. Phần âm nhạc của đĩa do violin Trần Anh Tú (Tú Xỉn) và guitar Trần Anh Hoàng đảm nhận. Băng cối do họa sĩ Lê Thiết Cương gửi sản xuất tại Mỹ từ CD “Lênh đênh nhớ phố” mà Giang Trang đã phát hành 8 năm trước. Họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết, bản thân mình cũng là một người mê âm nhạc "không phải số" - đĩa than, băng cối.

Chân dung Trịnh Công Sơn. Ảnh: Dương Minh Long

Ông là thành viên trong câu lạc bộ chơi âm thanh cao cấp mà theo ông ở Việt Nam hiện có hàng chục câu lạc bộ như vậy, với số lượng thành viên lên tới hàng nghìn người và ngày càng phát triển. Vì vậy, ông làm đĩa than năm ngoái và băng cối năm nay từ CD “Lênh đênh nhớ phố” của Giang Trang chính là để thỏa mãn thú thưởng nhạc của mình và để phục vụ cho cộng động chơi âm thanh cao. Đĩa than năm ngoái phát hành 500 bản và đã có lãi, nên lần này làm băng cối, Lê Thiết Cương chỉ làm số lượng rất giới hạn, 50 băng, để "chơi là chính".

Khi được hỏi vì sao chọn “Lênh đênh nhớ phố” của Giang Trang để làm đĩa than và băng cối, họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết, Giang Trang hát được cái tinh thần rong chơi của nhạc Trịnh. Thêm nữa, CD của Giang Trang đã được làm với chất lượng rất tốt, mới đáp ứng được điều kiện kỹ thuật để làm đĩa than và băng cối.

2. Cũng trong dịp này, lần đầu tiên 3 nhiếp ảnh gia, một Nam – hai Bắc, cùng bày chung một triển lãm ảnh đen trắng chụp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Về triển lãm ảnh Trịnh Công Sơn, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán cho biết, ông góp những bức ảnh chụp Trịnh Công Sơn cùng bạn bè ở nhà Văn Cao; hình ảnh thú vị nhạc sĩ họ Trịnh khoác vai ca sĩ Mỹ Linh hát bên bạn bè ở khách sạn Đồng Lợi nơi ông luôn ở khi ghé thăm Hà Nội, cũng là nơi ông đã sáng tác ca khúc “Nhớ mùa thu Hà Nội”; hình ảnh Trịnh Công Sơn trong đêm nhạc “Nối vòng tay lớn” ở Cung Văn hoá Hữu nghị năm 1995.

Và có cả những bức ảnh Trịnh Công Sơn tại chính ngôi nhà của ông ở đường Phạm Ngọc Thạch, TP Hồ Chí Minh, khi Nguyễn Đình Toán ghé thăm nhạc sĩ, cùng uống rượu, chụp ảnh ngay trước giờ ra sân bay về lại Hà Nội năm 1998. Những bức ảnh của Nguyễn Đình Toán chân thực, giản dị như cách mà ông vẫn lựa chọn để đi đường dài với nhiếp ảnh. 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Tường.

Khác Nguyễn Đình Toán và Hà Tường là những người Hà Nội chụp Trịnh Công Sơn, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Minh Long là người có hơn 8.000 bức ảnh chụp nhạc sĩ họ Trịnh. Ông đã dành 11 năm theo đuổi việc chụp ảnh tư liệu Trịnh Công Sơn và may mắn, ông có 4 năm sống cùng nhạc sĩ ở TP.Hồ Chí Minh, từ 1990-1995. Vì vậy, những bức ảnh Trịnh Công Sơn của ông cũng rất đặc biệt. Đó là một Trịnh Công Sơn đời thường, giản dị và mộc mạc, với bạn bè văn nghệ, những lúc một mình…

Dương Minh Long gần như xuất hiện trong các sự kiện có mặt Trịnh Công Sơn lúc bấy giờ. Từ cuộc sống hàng ngày, đến lúc tụ tập với bạn bè hay tập nhạc cùng nhạc sĩ Thanh Tùng, Từ Huy, Trần Long Ẩn, Nguyễn Ngọc Thiện, ông đều theo sát và ghi lại. Cả những chuyến đi của Trịnh Công Sơn đến An Giang, Đà Lạt, Sông Bé, Dương Minh Long đều vác máy đi cùng.

Bìa đĩa than Giang Trang hát các ca khúc của Trịnh Công Sơn

Lần này ra Hà Nội, Dương Minh Long mang đến cho công chúng một số bức ảnh lần đầu tiên được công bố, trong đó có nhiều bức ảnh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhạc sĩ Văn Cao. Ông cũng đang xúc tiến dự án ra mắt một cuốn sách ảnh về Trịnh Công Sơn trong thời gian tới để kể cho công chúng nghe câu chuyện về cuộc đời và âm nhạc Trịnh Công Sơn bằng nhiếp ảnh.

Hà Nội đang vào những ngày thu đẹp nhất. Và nhắc tới mùa thu Hà Nội, không ai không nhớ tới bài hát “Nhớ  mùa thu Hà Nội” và “Đoản khúc thu Hà Nội” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hai bài hát đã ra đời cách đây 37 năm, trở thành hai trong số những bài hát hay nhất về Hà Nội.

Âm nhạc- nhiếp ảnh, một cuộc hội ngộ thú vị, mang đến một góc nhìn khác lạ, mới mẻ hơn về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Điều đó cũng cho thấy,  Trịnh Công Sơn và âm nhạc của ông luôn hiện diện trong đời sống hôm nay và luôn nhận được sự trân quý của công chúng.

Bảo Linh
.
.
.