Đội tuyển Việt Nam khủng hoảng lực lượng:

Đã đến lúc thầy Park bước ra khỏi vùng an toàn!

Thứ Bảy, 07/03/2020, 15:19
Thống kê 6/11 cầu thủ thường xuyên đá chính ở hành trình kỳ diệu của U23 Việt Nam tại Thường Châu 2018 trong 2 năm qua đã gặp chấn thương dây chằng đầu gối và phải trải qua phẫu thuật khiến không ít người phải giật mình. Điều gì đã khiến cho những ngôi sao của thế hệ vàng tiếp theo của bóng đá Việt Nam trở nên "mong manh" như vậy?


Những chấn thương không thể tránh

Thêm Duy Mạnh ngã xuống ở trận Siêu cúp Quốc gia vừa qua giữa CLB Hà Nội và CLB TP. Hồ Chí Minh, "đội hình" gặp chấn thương dây chằng của bóng đá Việt Nam lại kết nạp thêm một thành viên. Từ Văn Thanh, Xuân Trường, Đình Trọng đến Văn Đức, họ đều còn ở độ tuổi rất trẻ nhưng đã dính phải chấn thương được xem là nguy hiểm nhất với sự nghiệp cầu thủ.

Duy Mạnh truyền nước vì kiệt sức hồi tháng 8/2019.

Chấn thương dây chằng đầu gối là loại chấn thương phức tạp. Các cầu thủ cần được tái tạo dây chằng và mất khoảng 6-9 tháng để các khớp xương làm quen với dây chằng mới. Đây là giai đoạn rất quan trọng bởi ngoài việc hồi phục chấn thương, các cầu thủ cần phải kết hợp thêm các bài tập luyện tăng dần theo thời gian để sớm trở lại với khối lượng vận động bình thường.

Ai cũng muốn sớm bình phục để trở lại sân cỏ nhưng càng đốt cháy giai đoạn càng nguy hiểm. Hơn 1/5 số ca chấn thương dây chằng ở các cầu thủ tái phát, 1/3 số VĐV gặp tổn thương bộ phận này phát sinh vấn đề tương tự trong 2 năm đầu sau hồi phục.

Nói như thế để thấy rằng các cầu thủ trụ cột của ĐT Việt Nam đang gặp thử thách lớn nhất từ đầu sự nghiệp của họ. Trong các ngôi sao U23 của giải đấu tại Thường Châu, những người lớn tuổi nhất như Xuân Trường cũng chỉ mới 25 tuổi (sinh năm 1995) và còn cả một chặng đường rất dài trước mắt. Chấn thương dây chằng đến với họ quá sớm và điều bất thường là có quá nhiều người "dính".

Cách mà họ gặp chấn thương cũng khiến nhiều người lo ngại. Xuân Trường và Văn Đức đứt dây chằng trong buổi tập. Đình Trọng và Duy Mạnh đều phải rơi nước mắt rời sân sau những tình huống va chạm không mấy nghiêm trọng. Điểm chung của họ là đều gặp phải cơn ác mộng của giới cầu thủ trong hoàn cảnh ít ai ngờ đến.

Nhưng nếu xét trên cả một quá trình, có thể nói rằng một phần nguyên nhân dẫn đến chấn thương nặng của các cầu thủ xuất phát từ việc thể lực của họ đã bị bào mòn trong suốt một khoảng thời gian dài.

Hầu hết các cầu thủ của thế hệ Thường Châu, sau này trở thành tuyển thủ quốc gia, trong 2 năm vừa qua phải đá với mật độ hơn 50 trận/mùa. Đặc biệt, các cầu thủ của CLB Hà Nội thậm chí còn phải đá nhiều hơn thế. Thống kê chỉ ra rằng Quang Hải đã đá khoảng 120 trận trong hai năm 2018, 2019.

Cụ thể hơn, trong năm 2019, Hải "con" đá 24 trận ở V.League, 13 trận ở AFC Cup 2019, 2 trận vòng loại AFC Champions League , 3 trận ở Cúp Quốc gia 2019, 3 trận ở SEA Games 2019, 5 trận ở vòng loại World Cup 2022, 5 trận ở VCK Asian Cup 2019, 2 trận ở King's Cup, 3 trận vòng loại U23 châu Á 2019. Đó là một mật độ mà những ngôi sao quốc tế cũng không theo kịp. Để tiện so sánh, siêu sao Lionel Messi ra sân tổng cộng 58 trận cho Barcelona và ĐT Argentina trong mùa 2018/2019 (tính từ ngày 12/8/18 -9/7/2019).

Sự quá tải là nguyên nhân chính dẫn đến chấn thương của Quang Hải tại SEA Games 30. Anh bị rách cơ đùi trong trận đấu với Singapore tại vòng bảng và bỏ lỡ ba trận cuối trong hành trình giành Huy chương Vàng SEA Games đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam.

Đỗ Duy Mạnh, đồng đội của Quang Hải tại CLB Hà Nội và cũng là người gần nhất dính chấn thương dây chằng, cũng đá số trận tương tự như vậy. Năm ngoái, hình ảnh cầu thủ này phải nằm truyền nước trong bệnh viện vì kiệt sức trước trận chung kết khu vực Đông Nam Á của AFC Cup 2019 (ngày 7/8/2019) đã khiến nhiều người phải giật mình vì mật độ thi đấu quá dày mà hậu vệ sinh năm 1996 trải qua trong suốt hai năm liền.

Thầy Park quá an toàn

Sau chiến công lớn tại Thường Châu 2018, các cầu thủ U23 khi đó đều trở thành "người hùng quốc dân" và là niềm tự hào của CLB sở hữu họ. Nhờ các thành viên U23 Việt Nam, các CLB kéo được khán giả đến sân và ngoài lý do chuyên môn, đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc các tuyển thủ bị vắt kiệt sức.

Hàng thủ của ĐT Việt Nam 2 năm qua chỉ xoay quanh vài cái tên quen thuộc.

Như trường hợp Văn Đức và Xuân Mạnh, hai cầu thủ của Sông Lam Nghệ An chỉ được nghỉ ngơi vài ngày sau khi dự ASIAD 2018 (trận tranh Huy chương Đồng giữa Việt Nam và UAE diễn ra ngày 1/9) trước khi dự trận đấu bán kết Cup quốc gia giữa SLNA và Thanh Hoá hôm 5/9/2018. Đó cũng là trận đấu mà Xuân Mạnh dính chấn thương nặng và đến thời điểm này, phong độ của anh vẫn chưa thể phục hồi về trạng thái tốt nhất.

Ở một góc nhìn khác, cách dùng người của HLV Park Hang-seo cũng là một nguyên nhân. Chiến lược gia người Hàn Quốc là người đề cao sự ổn định trong việc lựa chọn nhân sự. Mỗi đợt tập trung đội tuyển luôn có rất nhiều cái tên được lựa chọn nhưng sau khi chốt lại danh sách, những cái tên cuối cùng phần lớn đã được dự đoán từ trước.

Trong 5 trận đấu đã qua của vòng loại World Cup 2022, ông Park chỉ dùng 18 cầu thủ. Ở 5 trận đấu đó đội hình ra sân chỉ có 3 sự thay đổi và ông Park cũng chỉ tạo cơ hội cho 7 cầu thủ dự bị. Hàng phòng ngự gồm với cái tên Trọng Hoàng, Duy Mạnh, Ngọc Hải, Tiến Dũng đá gần như không thiếu phút nào. Văn Hậu trừ trận đấu lượt đi với Malaysia chưa đủ thể lực được thay bằng Hồng Duy, các trận sau đó cũng tham dự đầy đủ.

Nhìn rộng hơn, với bộ ba trung vệ ở ĐT Việt Nam, trong suốt thời gian thầy Park cầm quân chỉ xoay quanh 4 cái tên Đình Trọng, Duy Mạnh, Ngọc Hải, Tiến Dũng và nếu có thay đổi thì chỉ là việc kéo Văn Hậu vào trong. Thành Chung, trung vệ cũng từng dự U23 châu Á tại Thường Châu và chơi tốt ở SEA Games 30 thậm chí chưa có trận ra mắt chính thức nào trong màu áo ĐT Việt Nam.

Thầy Park cẩn trọng bởi sức ép thành tích của ông luôn là rất lớn. Ông thầy Hàn Quốc từng có phát ngôn đáng chú ý: "Người Việt Nam yêu bóng đá, nhưng đó là thứ bóng đá chiến thắng!". Để có được kết quả tốt nhất ở mọi trận đấu, thầy Park luôn luôn lựa chọn những cầu thủ mà ông đã hiểu rõ và tin tưởng, ngay cả khi tham dự một giải đấu có tính chất giao hữu như King's Cup.

Và câu chuyện sẽ trở nên phức tạp khi những lựa chọn quen thuộc không thể góp mặt, như thời điểm hiện tại. 2/4 cái tên "đóng đinh" ở vị trí trung vệ là Đình Trọng và Duy Mạnh chắc chắn không góp mặt ở trận đấu với Malaysia. Văn Hậu thì cũng vừa gặp chấn thương và cần khoảng 2 tuần để hồi phục.

Cuộc khủng hoảng ở hàng phòng ngự buộc thầy Park phải bước ra ngoài vùng an toàn của mình để trọng dụng một cầu thủ không nằm trong diện ưu tiên, ví dụ như Thành Chung.

Nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tình thế, bởi không ai dám chắc những cầu thủ cũng luôn "cày ải" với mật độ khủng khiếp như Hùng Dũng, Tuấn Anh, Quang Hải, Trọng Hoàng… sẽ không gặp phải những sự cố về chấn thương hay thẻ phạt ở các trận đấu quan trọng tiếp theo.

Những phương án dự phòng chất lượng và luôn sẵn sàng, đó mới là chìa khóa vấn đề, nhưng muốn có được điều đó, có lẽ thầy Park cần cởi mở hơn trong các lựa chọn của mình.

Cần thêm những thử nghiệm

Nếu ĐT Việt Nam vượt qua vòng loại thứ 2 World Cup, lịch thi đấu trong 1 năm từ tháng 9/2020 - 9/2021 sẽ rất nặng với "Những chiến binh sao vàng". Ngoài vòng loại cuối cùng World Cup 2022, thầy trò ông Park Hang-seo còn nhiệm vụ bảo vệ thành công ngôi vô địch Đông Nam Á tại AFF Cup 2020.

Nếu mọi chuyện đi đúng đường, ĐT Việt Nam sẽ đá khoảng 16 trận trong vòng 1 năm. Đó là một thử thách rất lớn bởi các đội ở Đông Nam Á đều đã có bước chuyển mình cùng khao khát lật đổ vị thế của bóng đá Việt Nam, trong khi tất cả các đội ở vòng loại cuối cùng World Cup khu vực châu Á đều rất mạnh.

Để chuẩn bị cho chặng đường gian nan đó, thầy Park sẽ phải tìm thêm những gương mặt mới để bổ sung độ dày lực lượng cho ĐT Việt Nam. Dĩ nhiên, V.League sẽ là nơi để ông phát hiện ra những cái tên xứng đáng được thử nghiệm. Rất nhiều cầu thủ đã chơi tốt trong mùa giải 2019 và cần tiếp tục thể hiện phong độ ấn tượng trong mùa năm nay để lọt vào mắt xanh của chiến lược gia Hàn Quốc.

Có thể kể đến vài cái tên tiềm năng như Phi Sơn của CLB TP. Hồ Chí Minh, Hồ Khắc Ngọc của Viettel, Hải Huy của Than Quảng Ninh và tất nhiên cả các cầu thủ trẻ đã dự SEA Games 30 cùng giải U23 châu Á 2020 như Đức Chiến, Ngọc Bảo, Tấn Sinh, Trọng Hùng, Việt Anh…

Cuộc họp đầu năm 2020 giữa VFF và HLV Park Hang-seo cũng khẳng định rõ "đội tuyển cần phải có sự đổi mới để tạo động lực lớn hơn cho chặng đường sắp tới". Các trận giao hữu chính là thời điểm phù hợp để ông Park thử nghiệm những gương mặt mới.

Đơn Ca
.
.
.